(CLO) Ngày 9/8, đoàn công tác của Chính phủ do Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công an làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Hưng Yên về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng.
Tại buổi làm việc, báo cáo với đoàn công tác, lãnh đạo UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, 7 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Hưng Yên đã đạt được những kết quả tích cực.
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 6,81%. Trong đó, sản xuất công nghiệp tăng 11,13%, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp, dịch vụ. Tổng thu ngân sách đến nay khoảng 22.066 tỉ đồng, đạt 67,2% dự toán HĐND tỉnh giao.
Về tình hình đầu tư công, năm 2024, kế hoạch vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ giao là 19.921 tỷ đồng, đến nay, tỉnh đã phân bổ chi tiết 14.403 tỷ đồng. Đến ngày 24/7/2024, tỉnh đã giải ngân được 4.070 tỷ đồng, đạt 20,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Về phát triển hạ tầng, năm 2024, tỉnh dự kiến sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai và thi công một số dự án giao thông trọng điểm như: Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội qua địa phận tỉnh Hưng Yên; dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội – Hưng Yên kéo dài, đoạn qua địa phận tỉnh; dự án đầu tư xây dựng đường Tân Phúc – Võng Phan (giao ĐT.378)…
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Văn kiến nghị một số vấn đề như: Điều chỉnh một số nội dung về quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, tạo điều kiện cho tỉnh triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội; cho phép tỉnh tự chủ trong việc điều tiết sử dụng quỹ lương; đề nghị tháo gỡ những vướng mắc trong công tác cấp phép xây dựng, thẩm định đất khu công nghiệp; công tác quản lý đất đai, xử lý rác thải rắn trên địa bàn; cải cách tiền lương…
Các thành viên của đoàn công tác và lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh Hưng Yên cũng tập trung trao đổi những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội như: Việc bảo đảm thực hiện dự án đối với trường hợp nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất; việc phân cấp cho địa phương chấp thuận việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên 10 héc-ta trong hạn mức chuyển đổi đất lúa để thuận lợi trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư; điều chỉnh một số nội dung về quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình...Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Lương Tam Quang nhấn mạnh, chính quyền tỉnh Hưng Yên cần khẩn trương triển khai có hiệu quả quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 10.6.2024.
Đây là văn bản quan trọng, xác định tầm nhìn và mục tiêu phát triển dài hạn cho từng ngành, lĩnh vực và hình thành khung định hướng phát triển kinh tế - xã hội dài hạn, giúp tỉnh Hưng Yên nhận diện rõ tiềm năng, thế mạnh để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện bảo đảm phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, cụ thể hóa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tập trung đẩy mạnh sản xuất công nghiệp và xây dựng; đẩy mạnh đầu tư nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng, đô thị; ưu tiên đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án giao thông trọng điểm.
Bên cạnh đó, có giải pháp đồng bộ, triển khai hiệu quả Đề án thương mại điện tử quốc gia và sản xuất thương mại điện tử của tỉnh; phát triển các kênh phân phối, đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa.
Tăng cường công tác khuyến nông, chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, không ngừng nâng cao trình độ sản xuất thâm canh cho bà con nông dân, xây dựng cánh đồng mẫu, cơ giới hóa nông nghiệp, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. Tăng cường công tác thúc đẩy xúc tiến thương mại, khắc phục tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa.
Để đẩy nhanh tiến độ cũng như nâng cao chất lượng giải quyết các khó khăn, vướng mắc đã được kiến nghị, Bộ trưởng Lương Tam Quang đề nghị các bộ, ngành tiếp tục nâng cao trách nhiệm trong việc hướng dẫn, phối hợp, giúp đỡ địa phương tháo gỡ với phương châm “đi đến tận cùng, giải quyết triệt để vấn đề”, tránh việc trả lời kiến nghị một cách qua loa, hình thức, chiếu lệ.
Đồng thời, tỉnh Hưng Yên cũng cần phát huy vai trò chủ động theo tinh thần “đối với mỗi vấn đề cụ thể thì Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cần trao đổi, tổ chức làm việc trực tiếp với các bộ, ngành để được hướng dẫn và thống nhất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc”, không thụ động chờ các bộ, ngành trả lời.
Đối với các nội dung kiến nghị, đề xuất vượt quá thẩm quyền, Đoàn công tác ghi nhận và khẳng định sẽ phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền để phân loại chỉ đạo, giải quyết trong thời gian sớm nhất.
(CLO) Mưa lớn liên tục nhiều ngày khiến các huyện trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, đặc biệt 'rốn lũ' xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn nước dâng cao làm toàn bộ khu trung tâm chìm trong biển nước. Không chỉ thiệt hại về nhà cửa mà hoa màu, cây trồng của bà con bị mất trắng hoàn toàn. Hiện, mực nước trên một số vùng đã giảm xuống. Nước rút đến đâu, chính quyền cùng người dân hối hả dọn dẹp để khôi phục ổn định cuộc sống.
(CLO) Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ 30 tỷ đồng cho tỉnh Yên Bái từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2024 để khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và ổn định đời sống người dân.
(CLO) Những ngày qua, sông Hồng đoạn chảy qua huyện Thanh Trì (Hà Nội) mức nước có thời điểm dâng cao trên mức báo động II, 40% các khu dân cư, 100% diện tích sản xuất nông nghiệp tại các xã vùng bãi bị ngập úng. Sau lũ, theo ghi nhận của phóng viên, nước đã rút đi rất nhiều, người dân tất bật dọn dẹp nhà cửa, đường sá, trường học... nhịp sống đang dần trở lại.
(CLO) Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Tổng thống đắc cử Indonesia Prabowo Subianto tin tưởng sẽ sớm đạt mục tiêu 18 tỷ USD kim ngạch thương mại song phương; nhất trí phối hợp tháo gỡ khó khăn, giảm rào cản thương mại, tạo thuận lợi triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại và tiếp cận thị trường hàng hóa của nhau, trong đó có hàng nông sản và sản phẩm Halal.
(CLO) Tại tỉnh Hưng Yên, nhiều khu vực dân cư ven sông Hồng, sông Luộc bị ngập lụt khá nặng do lũ tràn về khiến đời sống nhân dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cùng với đó, thiệt hại về kinh tế, đặc biệt là hoa màu, cây trồng rất lớn. Hiện, mực nước trên sông Hồng đã giảm xuống dưới báo động 3, trên sông Luộc giảm xuống dưới báo động 2. Nước rút đến đâu, người dân, doanh nghiệp lại hối hả dọn dẹp để khôi phục sản xuất, kinh doanh.