(NB&CL) Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, các doanh nghiệp bất động sản rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó, trọng tâm là tháo gỡ những vướng mắc trong Luật Đất đai 2013, và Luật Nhà ở 2014.
Trong hơn 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu sắc tới thị trường bất động sản Việt Nam. Ngay cả những “ông lớn” trong ngành bất động sản, có vốn hóa thị trường lên tới hàng nghìn tỷ đồng cũng không thoát khỏi “vùng trũng” do dịch bệnh đem lại.
6 yếu tố gây bất ổn cho thị trường bất động sản
Hiện nay, các chủ đầu tư bất động sản đang gặp phải 6 khó khăn lớn, khiến nhiều đơn vị phải lao đao, tìm đủ phương án để duy trì “sống sót” qua đại dịch.
Thứ nhất, do nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, đã làm kế hoạch ra mắt sản phẩm của các chủ đầu tư bị đổ vỡ. Nhiều dự án phải tạm ngừng ra mắt sản phẩm mới. Điều này đã ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp.
Thứ hai, trong giai đoạn giãn cách xã hội, nhiều địa phương đã yêu cầu tạm ngừng tất cả các công trình xây dựng, bao gồm cả những dự án nhà ở, khu đô thị tỷ đô. Yếu tố này dẫn đến việc nhiều dự án bị chậm tiến độ, không giao nhà đúng hẹn cho người mua nhà.
Đồng thời, các yêu cầu hạn chế đi lại, tạm ngừng xây dựng đã khiến một lực lượng lao động phổ thông lớn “bỏ phố về quê”, gây ra tình trạng thiếu hụt lao động trong tương lai.
Thứ ba, kể từ đầu năm tới nay, giá cả của nhiều loại vật liệu xây dựng, giá nhân công xây dựng tăng giá chóng mặt, cũng khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản đội vốn, nhiều nhà thầu rơi vào cảnh đang có lời hóa ra lỗ, thậm chí phá sản.
Thứ tư, liên quan tới vấn đề dòng tiền. Trong khi các hoạt động bán hàng, ra mắt sản phẩm bị tạm ngừng, doanh nghiệp không có doanh thu, thì chủ đầu tư bỏ ra một khoản tiền khổng lồ để vận hành và duy trì doanh nghiệp, trong đó, phải chi trả lương cho nhân viên, tiền điện, tiền nước.
Thứ năm, hầu hết, khi thực hiện dự án, chủ đầu tư phải sử dụng tới vốn vay của ngân hàng, có thể từ vài trăm tỷ, cho tới hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, trong bối cảnh doanh thu bán hàng èo ọt, các chủ đầu tư vẫn phải “gồng” trả lãi ngân hàng hằng tháng.
Cuối cùng là vấn đề pháp lý. Hiện nay, thị trường bất động sản đang có nhiều điểm vướng mắc trong vấn đề pháp lý. Ví dụ, Luật Đất đai 2013, Luật Nhà ở 2014 đã tạo ra nhiều lỗ hổng, gây ách tắc cho thị trường bất động sản, làm cho thị trường mất cân bằng cung - cầu.
“Cởi trói” pháp lý, điều cần thiết cho thị trường hồi phục
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công Luận, bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Tổng Giám đốc của Đại Phúc Land thừa nhận: “Các vướng mắc trong vấn đề pháp lý hiện nay đang rất nan giải, chưa thể tháo gỡ trong một sớm, một chiều. Đặc biệt là Luật Đất đai 2013 đang “tắc” ở nhiều điểm”.
Tuy nhiên, theo bà Hương, về dài hạn, nhất là giai đoạn sau khi Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh, Chính phủ nên xem xét, tháo gỡ dần các “điểm nghẽn” pháp lý, để “cởi trói” cho thị trường bất động sản hồi phục.
Đồng tình với nhận định này, bà Đặng Hà Phương - Phó Giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH Phát triển Đô thị & Xây dựng 379 cho rằng, dưới góc độ doanh nghiệp, bà Phương mong muốn, Chính phủ có chỉ đạo để các Ngân hàng giảm mức lãi suất cho vay hoặc có các gói vay với lãi suất ưu đãi, cơ cấu lại thời hạn trả các khoản nợ.
Bên cạnh đó, bà Phương kỳ vọng các cơ quan nhà nước tạo điều kiện bằng cách giãn thời hạn đóng các khoản thuế và rút ngắn, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc xin cấp các giấy phép của ngành bất động sản.
“Ngoài ra, chúng tôi cũng hy vọng Chính phủ đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho toàn dân, có như vậy mới giúp xã hội nhanh chóng vượt qua đại dịch, quay trở lại trạng thái bình thường mới, doanh nghiệp dần hồi phục để nền kinh tế khởi sắc trở lại”, bà Phương nói.
Các doanh nghiệp ứng phó với dịch bệnh thế nào?
Nhiều doanh nghiệp thừa nhận, trong hơn 1 năm xuất hiện đại dịch Covid-19, giai đoạn khó khăn nhất chính là quý II/2020. Trong khi đó, đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4, diễn ra vào đầu tháng 5/2021, mức độ ảnh hưởng xấu tới các doanh nghiệp bất động sản lại không cao.
Nhận định về quan điểm này, bà Hà Phương nói: Đầu quý II/2020 là giai đoạn mới xuất hiện dịch Covid-19 tại Việt Nam, Chính phủ lập tức có quyết định giãn cách xã hội trên toàn quốc.
Do chưa có kinh nghiệm ứng phó và sống chung với dịch bệnh, các doanh nghiệp bất động sản hoàn toàn rơi vào thế bị động.
“Thị trường bất động sản lúc đó giống như chịu một cú sốc lớn, các doanh nghiệp thì loay hoay tìm lối thoát. Còn hiện nay, dù dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường nhưng thị trường, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp bất động sản đã và đang dần có độ “lỳ” nhất định”, bà Phương nói.
Hơn nữa, nếu so với các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán, ngoại tệ,… thì bất động sản tỏ ra ổn định và ít rủi ro hơn, vì thế mà nhiều nhà đầu tư đang đổ dồn nguồn tiền vào bất động sản khiến thị trường khởi sắc và hồi phục trở lại.
Dù vậy, trong tương lai gần, trước tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp như hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản hy vọng sẽ được các cơ quan chức năng hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể phục hồi sản xuất, đẩy mạnh công tác kinh doanh.
Chờ tín hiệu hồi phục từ thị trường
GS.TS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường nhận định, điều quan trọng nhất hiện nay là Nam Bộ và Nam Trung Bộ đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ở khu vực này chắc chắn là không có giao dịch bất động sản.
Theo GS. Đặng Hùng Võ, về cơ bản, thị trường bất động sản trong giai đoạn hiện nay vẫn phát triển tốt, không có dấu hiệu đi xuống. Thế nhưng, giao dịch thật trong tình hình dịch Covid-19 như hiện nay thì cũng rất yếu.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường thừa nhận, câu chuyện chính hiện nay chính là tiêm vắc-xin, phòng bệnh đẩy lùi dịch bệnh. Có như vậy, thị trường bất động sản mới có thể giao dịch, hoạt động được.
“Những tháng còn lại của năm 2021 phụ thuộc vào việc chống dịch, nếu chống dịch tốt thì mới bắt đầu giao dịch được, còn cứ dịch bệnh như hiện nay thì cũng chẳng ai đi mua bất động sản”, GS. Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam đánh giá: So với các kênh đầu tư như vàng, chứng khoán, hay ngoại tệ, thì bất động sản vẫn là kênh đầu tư an toàn.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, có hiện tượng dòng vốn từ các kênh đầu tư truyền thống, đổ dồn vào thị trường bất động sản.
Chính vì vậy, ông Đính đánh giá: Thị trường bất động sản Việt Nam, ngay trong mùa dịch vẫn có tiềm năng. Dù vậy, dịch bệnh vẫn sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới khả năng hồi phục của thị trường bất động sản nói chung và các doanh nghiệp nói riêng.
“Cuối quý III/2021, khả năng Việt Nam sẽ ngăn chặn thành công đợt dịch thứ 4, điều này sẽ tạo tiền đề cho thị trường và các doanh nghiệp bất động sản tăng mạnh trở lại vào quý IV/2021. Tổng giao dịch có thể đạt 70% - 80% so với năm 2020. Đặc biệt, những dự án có pháp lý tốt sẽ là điểm nhấn của thị trường”, ông Đính nói.
TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế chia sẻ: Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay, thị trường bất động sản không hẳn chỉ toàn “màu đen”. Thị trường vẫn có nhiều “điểm sáng”, như phân khúc bất động sản nhà ở vẫn liên tục tăng trưởng, đặc biệt là phân khúc bất động sản công nghiệp vẫn đang “tỏa sáng”.
(CLO) Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa thông báo, Bộ này sẽ họp với các đơn vị có liên quan phối hợp xử lý các vướng mắc của UBND TP HCM về áp dụng bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024.
Tầm nhìn quy hoạch mới đang thúc đẩy xu hướng mở rộng không gian phát triển đô thị TP. Thái Bình. Trong đó, khu vực phía Nam hưởng lợi khi hội tụ nhiều yếu tố để xứng đáng là vệ tinh quan trọng của thành phố. Sứ mệnh kiến tạo và phát triển đô thị đồng bộ, hiện đại, giàu bản sắc cũng đang dần được hiện thực hóa tại đây.
(CLO) 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, Hải Phòng thu hút gần 600.000 lượt du khách thăm quan. Đóng góp không nhỏ vào con số này là gần 300.000 người đổ về Thành phố Đảo Hoàng Gia với “điểm nóng” là Phố đi bộ - Công viên Vũ Yên .
(CLO) Có hiệu lực từ 1/8, Luật Nhà ở 2023 đã mang đến nhiều thay đổi quan trọng, tác động tích cực đến thị trường BĐS nói chung và quyền lợi của cư dân, khách mua chung cư nói riêng. Đồng thời, những thay đổi này yêu cầu các đơn vị quản lý vận hành phải nghiên cứu kỹ lưỡng và thiết lập lộ trình thay đổi hợp lý.