Độc đáo nghề dệt vải của dân tộc Dao họ

Thứ sáu, 19/08/2022 18:24 PM - 0 Trả lời

(CLO) Dù cuộc sống đã có nhiều đổi thay, nhưng phụ nữ Dao họ vẫn không mua trang phục may sẵn về mặc. Họ vẫn giữ nghề dệt vải như truyền thống hàng trăm năm trước.

Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Lào Cai và UBND huyện Bảo Thắng vừa tổ chức công bố, trao Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận nghề dệt của dân tộc Dao họ ở huyện Bảo Thắng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Hiện nay, nghề dệt vải của người Dao họ ở tỉnh Lào Cai  vẫn giữ nguyên các kỹ thuật truyền thống. Việc xe sợi, luộc sợi, hồ sợi, cuốn sợi thành lô, kéo sợi và lắp vào khung dệt mất khá nhiều thời gian. Công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và khéo léo mà chỉ phụ nữ mới làm được. Người đàn ông thường chỉ làm những việc như căn chỉnh và sửa chữa khung dệt.

Nhưng đó chưa phải việc khó nhất, bởi người Dao họ dệt vải có những điều kiêng kị. Ví dụ như khi kéo sợi, không được nói những điều không hay hoặc không được bước chân qua.

Công đoạn làm ra một tấm vải của người Dao họ rất phức tạp. Sau khi xe sợi xong thì đem các nắm sợi cho vào nồi nước đun sôi để tránh bị rối sợi. Luộc sợi phải liên tục trong 6 giờ, không được đun lửa quá to hoặc quá nhỏ. Bếp lửa phải cháy đều để khi dệt, sợi mới mềm.

doc dao nghe det vai cua dan toc dao ho hinh 1

Nghề dệt vải thủ công của người Dao họ có từ lâu đời, với nhiều công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ, cần có sự kiên nhẫn và khéo tay của người phụ nữ. (Ảnh: TL)

doc dao nghe det vai cua dan toc dao ho hinh 2

Đồng bào dân tộc Dao họ vẫn giữ nguyên cách dệt may truyền thống hoàn toàn thủ công. (Ảnh: TL)

doc dao nghe det vai cua dan toc dao ho hinh 3

Trong nghề dệt vải, người Dao họ có những điều kiêng kị tuyệt đối. (Ảnh: TL)

doc dao nghe det vai cua dan toc dao ho hinh 4

Đến nay, phụ nữ Dao họ vẫn không mua trang phục may sẵn về mặc mà giữ nghề dệt vải như truyền thống hàng trăm năm trước. (Ảnh: TL)

Theo cách thức truyền thống, người Dao họ còn nấu một nồi cháo bằng gạo tẻ rồi lọc lấy nước cháo để đổ lên các nắm sợi, rồi vò đi vò lại thật nhuyễn để hồ thấm vào sợi. Sợi vải khi thấm thêm hồ lại được cho lên sào phơi nắng thật khô. Khi đó, kéo sợi không sợ bị đứt, khi dệt mới ra được tấm vải đẹp.

Trong các khâu làm nên bộ trang phục của người Dao họ, vất vả nhất là khâu “nhuộm chàm” vì vừa khó vừa kỳ công. Một tấm vải phải nhuộm đi nhuộm lại khoảng 20 lần. Tấm vải có mềm, bền màu hay không tùy thuộc vào kỹ thuật của người nhuộm.

Việc thêu thùa cũng có quy chuẩn họa tiết, hoa văn riêng, màu chủ đạo ở khăn đội đầu, nẹp áo, yếm, thắt lưng, ống quần, xà cạp, túi trầu, khăn quàng cũng khác nhau. Tất cả hoa văn đều được thêu từ mặt trái, không lộ mối chỉ.

Là nghề truyền thống, nhưng có nhiều kỹ thuật phức tạp nên việc thành thạo tất cả các công đoạn để làm ra một tấm vải là không đơn giản. Đặc biệt, công đoạn vắt, móc đan sợi vào khung có rất ít người biết làm - bởi yêu cầu quá tỉ mỉ, không bỏ hay rối sợi nào.

Để thành thạo nghề dệt, một người phải học trong nhiều năm. Ngay từ độ tuổi 15 - 16, các cô gái Dao họ đã được truyền dạy công đoạn đếm sợi, chọn sợi, chọn vải, cách tìm cây lấy màu cũng như kỹ thuật pha màu, phối màu, cách dệt những sản phẩm từ đơn giản đến phức tạp. Khi đến tuổi trưởng thành, mỗi phụ nữ người Dao họ phải giỏi việc dệt may - đó cũng là tiêu chuẩn đánh giá phẩm hạnh của người phụ nữ.

Trước đây, bà con dân tộc Dao họ chủ yếu dệt bằng sợi bông, vì nhà nào cũng có nương bông để quay sợi. Bây giờ, hầu hết dùng chỉ bán sẵn, giá cả phải chăng, tiết kiệm thời gian gấp nhiều lần so với trồng bông rồi xe thành sợi.

Trong khâu nguộm, ngày xưa bà con thường lên rừng để tìm cây chàm, nhưng giờ đây các gia đình đã tự trồng trong vườn để tiện cho việc nhuộm trang phục. Chàm cho vào ngâm với nước vôi và nước tro bếp khoảng 1 tháng mới dùng được. Tùy theo kinh nghiệm của mỗi , khi nhuộm sẽ thử màu, nếu màu dính ra tay và lên màu như ý muốn thì lúc đó mới có thể cho vải vào nhuộm.

Dù cuộc sống đã có nhiều đổi thay, nhưng hiện nay phụ nữ Dao họ vẫn không mua sẵn trang phục ngoài chợ về mặc; vì dệt, may vá, thêu thùa cũng thể hiện rằng, người phụ nữ đó đảm đang. Hơn nữa, cũng vì quần áo may sẵn mua ngoài chợ không được hồ sợi trước khi dệt, nên không phù hợp với trang phục truyền thống, nhanh bạc màu.

Người Dao họ hiện vẫn giữ phong tục đẹp là duy trì việc may quần áo mới để đón Tết, cũng như để dùng hằng ngày, nhất là trong các dịp cưới hỏi, lễ hội. Đồng bào tự tin hơn khi mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình, do chính mình làm nên.

Việc công nhận nghề dệt vải của dân tộc Dao họ là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ góp phần bảo tồn, phát triển nét đặc sắc trong văn hóa các dân tộc, để người Dao họ lưu giữ các giá trị mà cha ông truyền lại.

Thế Vũ 

Bình Luận

Tin khác

Dùng công nghệ để “xuất khẩu” hát Xoan ra thế giới

Dùng công nghệ để “xuất khẩu” hát Xoan ra thế giới

(NB&CL) Lần đầu tiên, những người yêu hát Xoan từ khắp nơi trên thế giới có thể tiếp cận những làn điệu Xoan cổ một cách bài bản, có hệ thống bằng các phương tiện công nghệ. Đây là kết quả quan trọng nhất của dự án “Giới thiệu di sản âm nhạc hát Xoan” của nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cùng cộng sự.

Đời sống văn hóa
Tuyệt tác âm nhạc của Rachmaninoff lần đầu công diễn tại Việt Nam

Tuyệt tác âm nhạc của Rachmaninoff lần đầu công diễn tại Việt Nam

(CLO) Những giai điệu tuyệt đẹp trong âm nhạc cổ điển của nhà soạn nhạc lỗi lạc Sergei Rachmaninoff sẽ được phủ khắp khán phòng của Nhà hát Hồ Gươm.

Đời sống văn hóa
Hơn 2.000 tác phẩm dự Liên hoan ảnh nghệ thuật Nam Trung Bộ và Tây Nguyên năm 2024

Hơn 2.000 tác phẩm dự Liên hoan ảnh nghệ thuật Nam Trung Bộ và Tây Nguyên năm 2024

(CLO) Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên lần thứ 29 năm 2024 diễn ra tại thành phố Đà Nẵng trong hai ngày 27 - 28/3.

Đời sống văn hóa
Tây Ninh tổ chức bắn pháo hoa tầm cao tại chương trình nghệ thuật 'Khúc hát tự hào'

Tây Ninh tổ chức bắn pháo hoa tầm cao tại chương trình nghệ thuật "Khúc hát tự hào"

(CLO) Chương trình "Tây Ninh - Khúc hát tự hào" được tổ chức với nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc được thể hiện bởi các nghệ sĩ tên tuổi, cũng như sự tham gia biểu diễn của hàng trăm người dân Tây Ninh.

Đời sống văn hóa
Chung kết toàn quốc Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024 tổ chức tại TP Việt Trì

Chung kết toàn quốc Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024 tổ chức tại TP Việt Trì

(CLO) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Chung kết toàn quốc Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024 dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 10 tại TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ với hình thức tổ chức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.

Đời sống văn hóa