Động đất và nội chiến: Thảm kịch kép với người dân Syria

Chủ nhật, 12/02/2023 16:12 PM - 0 Trả lời

(CLO) Trong lúc thế giới đang dồn rất nhiều nguồn lực để khẩn trương cứu trợ Thổ Nhĩ Kỳ sau trận động đất kinh hoàng hôm 6/2 thì bên kia biên giới, cũng tại khu vực hứng chịu địa chấn, những người Syria tội nghiệp dường như bị bỏ lại phía sau. Tại sao lại thế?

Sự tương phản trong công tác cứu trợ

Trận động đất mạnh 7,8 độ richter xảy ra ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền bắc Syria vào ngày thứ 6/2, sau đó là hơn 100 dư chấn và một trận động đất thứ hai, mạnh 7,5 độ richter đã gây ra thiệt hại khủng khiếp. Đến cuối ngày Chủ nhật (12/2), số nạn nhân thiệt mạng được xác nhận tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã lên tới hơn 28.000 người và có thể còn hàng nghìn người khác vẫn mắc kẹt dưới đống đổ nát.

dong dat va noi chien tham kich kep voi nguoi dan syria hinh 1

Ảnh chụp từ trên không cho thấy thành phố Besnia của Syria tan hoang sau trận động đất hôm 6/2. Ảnh: EL Pais

Ngay sau thảm họa, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ và viện trợ từ hàng chục nước và các tổ chức quốc tế. Rất nhiều quốc gia đã gửi các lực lượng tìm kiếm cứu nạn và những phương tiện hiện đại tới nhằm giúp Thổ Nhĩ Kỳ đẩy nhanh công tác tìm kiếm nạn nhân. Nhưng với Syria, mọi việc diễn ra chậm chạp hơn nhiều trong bối cảnh cuộc nội chiến đã "chia năm xẻ bảy" đất nước này, đồng thời tạo ra những rào cản lớn đối với công tác cứu trợ.

Hiện tại, theo đánh giá của Ủy ban Cứu trợ Quốc tế (IRC) cũng như Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) thì có khoản 4,6 triệu người ở tây bắc Syria, nơi phe đối lập kiểm soát, đang phải sống trong những điều kiện kinh khủng. Còn theo kênh Channel News Asia ghi nhận từ chính phủ và lực lượng cứu hộ ở phía tây bắc Syria do quân nổi dậy kiểm soát, đã có hơn 3.300 người chết trong thảm họa địa chấn này. Thậm chí, ở tận phía nam Hama, cách tâm chấn 250 km, cũng có thiệt hại về nhân mạng do động đất.

Dù vậy, nỗ lực cứu hộ đang gặp khó khăn về nhiều mặt. Đầu tiên là việc chính phủ Syria yêu cầu tất cả viện trợ nước ngoài cần được họ đứng ra điều phối. Chính quyền tại Damascus coi việc cung cấp hàng viện trợ cho phiến quân ở vùng tây bắc nước này là vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Trong khi đó, phương Tây lại không tin tưởng vào chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad. “Mỹ và các nước đồng minh không tin rằng viện trợ dưới chế độ Assad sẽ đến được với những là nạn nhân Syria, đặc biệt là ở các khu vực do phe đối lập kiểm soát”, Phó giáo sư Amin Saikal đến từ Đại học Tây Úc, nhận định.

Bên cạnh tranh chấp về kiểm soát viện trợ, điều kiện khắc nghiệt ở thực địa cũng khiến nỗ lực cứu trợ thêm khó khăn. “Sự tàn phá to lớn về hạ tầng cùng với những cơn bão mùa đông dữ dội đang cản trở việc cung cấp viện trợ nhân đạo cho khu vực tây bắc Syria”, bà bà Aya Majzoub, Phó Giám đốc Tổ chức Ân xá Quốc tế tại Trung Đông và Bắc Phi cho biết.

Syria đang bị phân chia như thế nào?

Cuộc nội chiến tại Syria đã bước sang năm thứ 12, với dấu mốc bắt đầu là ngày 15/3/2011, khi các cuộc biểu tình phản đối chính phủ, như một phần của làn sóng “Mùa Xuân Arab”, đồng loạt diễn ra trên toàn quốc. Tình hình sau đó leo thang thành xung đột vũ trang khi chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad dùng vũ lực trấn áp mạnh tay những người biểu tình.

dong dat va noi chien tham kich kep voi nguoi dan syria hinh 2

Bản đồ cho thấy cuộc nội chiến đã chia cắt Syria thành nhiều khu vực (tính đến cuối năm 2022), với mỗi màu lại thuộc về một lực lượng khác nhau. Ảnh: Vividmaps

Nguồn cơn trực tiếp là như vậy. Nhưng cuộc nội chiến tại Syria còn đến từ hệ quả của sự chia rẽ về tôn giáo, sắc tộc dai dẳng trong lòng đất nước này cũng như bối cảnh địa chính trị liên quan tới Syria. Chỉ cần một cái cớ, một thời điểm phù hợp và một sự hà hơi tiếp sức đủ mạnh là những mâu thuẫn ấy sẽ bùng lên.

Chiến sự ở Syria, bởi những lý do ấy, hiện diễn ra giữa rất nhiều thực thể, với các mối quan hệ hỗn độn khi bên nào cũng có một vài một vài lực lượng bên ngoài chống lưng, có một vài kẻ thù để chống lại và đôi khi, hai kẻ thù lại có chung một… đồng minh.

Lúc này, tình hình tại Syria đã phần nào bớt căng thẳng sau khi một thỏa thuận ngừng bắn đã được ký kết vào tháng 3/2020, với sự trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, nhằm ngăn chặn động thái giành lại quyền kiểm soát Idlib của chính phủ.

Tuy vậy thỏa thuận này có thể sụp đổ bất cứ lúc nào và các bên chỉ đơn giản là đang “nghỉ tay” nhằm củng cố lực lượng trước khi có bất kỳ bước tiến nào xa hơn. Hiện tại, phe mạnh nhất là lực lượng Chính phủ Syria. Với sự hậu thuẫn của Nga và Iran, quân đội của của Tổng thống Bashar al-Assad đã giành lại quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ.

Nhưng các lực lượng chống chính phủ, với sự hậu thuẫn của Mỹ và phương Tây cũng như các nước Arab muốn chống lại ảnh hưởng của Iran, chưa dễ bị đánh bại.

Chính phủ lâm thời Syria, một liên minh của phe đối lập dân tộc chủ nghĩa có lực lượng phòng thủ bao gồm Quân đội Quốc gia Syria và Quân đội Syria Tự do vẫn kiểm soát 2 khu vực ở phía bắc nước này với khoảng 1 triệu dân.

Một bên khác là Chính phủ Cứu quốc Syria - liên minh của các nhóm phiến quân Hồi giáo dòng Sunni do Tahrir al-Sham đứng đầu, đang kiểm soát tỉnh Idlib với khoảng 3 triệu dân tại vùng tây bắc Syria.

Độc lập với tất cả những thực thể trên là lãnh thổ tự trị trên thực tế của Rojava, nơi có cánh vũ trang do Đảng Liên minh dân chủ (PYD) của người Kurd kiểm soát. Đảng này có cánh vũ trang mang tên Các đơn vị bảo vệ nhân dân (YPG) và đang cát cứ một diện tích khoảng 1/3 lãnh thổ Syria tại phía đông và đông bắc.

Các phe cạnh tranh khác bao gồm các tổ chức khủng bố thánh chiến Salafi như Mặt trận Al-Nusra liên kết với Al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (IS) tự phong. Những nhóm này thì chống lại tất cả, và dĩ nhiên, cũng chẳng coi nhau là đồng minh, dù có chung niềm tin tôn giáo và phương thức tiến hành chiến tranh.

Chẳng hạn, trong khi Al-Qaeda chống cả chính quyền Bashar al-Assad lẫn Mỹ và NATO nhưng muốn xây dựng một mặt trận đoàn kết của các nhóm hồi giáo cực đoan và cả người Kurd thì IS lại muốn tiêu diệt các lực lượng người Kurd. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ lại xem YPG là mục tiêu cần phải ngăn chặn, tránh nguy cơ thành lập một nhà nước Kurdistan ở miền nam nước này.

Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên không kích các lực lượng YPG nhưng lại không nhằm vào IS. Ngược lại, YPG cũng tổ chức những vụ đánh bom cảm tử tại Thổ Nhĩ Kỳ, như vụ việc ở Istanbul khiến 6 người thiệt mạng và 81 người bị thương hồi tháng 11 năm ngoái. Nhưng YPG thì lại hợp lực với Mỹ và NATO để chống IS. Do đó, họ cũng nhận được sự ủng hộ của phương Tây, đủ để ngăn Thổ Nhĩ Kỳ có bất cứ hành động nào xa hơn những cuộc không kích.

Ai sẽ lắng nghe tiếng kêu cứu của người Syria?

Giữa bức tranh hỗn loạn và giằng xé quyền lực ấy, thảm họa thiên nhiên chỉ làm sâu sắc thêm bi kịch đối với người dân Syria, những người đã chịu quá nhiều đau thương sau nhiều năm nội chiến. Ước tính, các cuộc giao tranh trong 12 năm qua tại Syria đã gây ra cái chết cho khoảng nửa triệu nhân mạng và tạo ra 6,6 triệu người tị nạn.

dong dat va noi chien tham kich kep voi nguoi dan syria hinh 3

Người biểu tình tại London giơ biểu ngữ phản đối việc các nạn nhân Syria trong trận động đất nhận được viện trợ ít hơn so với Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: BBC

Hiện tại, 90% trong số 4,6 triệu người sống ở tây bắc Syria đang cần viện trợ nhân đạo. Vậy nhưng các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức quốc tế hiện chỉ có thể tiếp cận họ thông qua Bab Al Hawa, cửa khẩu duy nhất họ có thể thông quan mà không cần xin phép trước từ chính quyền ở Damascus. Nhưng bản thân hành lang nhân đạo này cũng đã bị hư hại bởi động đất, khiến việc triển khai cứu trợ qua đây gặp vô vàn khó khăn.

Tất nhiên, cộng đồng thế giới vẫn nỗ lực tìm cách khai thông các tuyến đường cứu trợ người dân Syria. Tổng thư ký Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres mới đây đích thân đến Syria và đã kêu gọi Hội đồng Bảo an (HĐBA) cho phép mở thêm các điểm nhận viện trợ nhân đạo qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Ông hy vọng bất đồng giữa các thành viên HĐBA cần được gạt sang một bên, và tất cả các thực thể trong cuộc nội chiến Syria cũng cần đặt ưu tiên cứu người lên hàng đầu.

Các cuộc vận động, đàm phán đang diễn ra, nhưng thời gian thì không chờ những nạn nhân động đất tại Syria. Dưới những đống đổ nát, mạng sống của nhiều người chỉ còn tính bằng giờ và tiếng kêu của họ vẫn chưa được ai nghe thấy.

Nguyễn Khánh

Bình Luận

Tin khác

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

(CLO) Khi căng thẳng với Iran giảm bớt, quân đội Israel đang chuẩn bị hoàn thành công việc mà họ cho là còn dang dở: Triệt hạ Hamas khỏi thành trì cuối cùng của lực lượng này ở thành phố Rafah, nơi có hơn một triệu người Palestine đang trú ẩn.

Tiêu điểm Quốc tế
Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

(CLO) Tạo ra lực lượng lao động sản xuất có năng lực đang được xem là thách thức lớn nhất của Ấn Độ trong bối cảnh đất nước đông dân nhất thế giới quyết vươn lên thành quốc gia "siêu cường".

Tiêu điểm Quốc tế
Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

(CLO) Tại khu vực Tam giác Vàng của Thái Lan, nằm giữa biên giới với Myanmar và Lào, các bảo tàng dành riêng cho quá khứ sản xuất thuốc phiện của khu vực đã được mở cửa.

Tiêu điểm Quốc tế
So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

(CLO) Một cuộc xung đột quân sự giữa Israel và Iran đang trở thành mối đe dọa thực sự. Nhưng Israel đã chuẩn bị đến mức độ nào cho một cuộc chiến đa mặt trận có thể với Iran và các lực lượng đồng minh của nước này?

Tiêu điểm Quốc tế
Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

(CLO) Cuộc tấn công và trả đũa giữa Israel và Iran những ngày qua một lần nữa nhắc nhở về sự thù địch giữa hai quốc gia này. Nhưng có thể nhiều người không nhớ, Iran và Israel trước đây từng là những đồng minh thân thiết hiếm có.

Tiêu điểm Quốc tế