Đột phá, khác biệt và lan tỏa...

Thứ năm, 05/07/2018 16:27 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Với công tác chỉ đạo, điều hành triển khai quyết liệt, đồng bộ, chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) ở Yên Bái đã có những chuyển biến rõ nét về cả chất và lượng, có tính lan tỏa sâu rộng. Có được kết quả nêu trên là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của các cấp thường xuyên, sâu sát, đi vào thực chất; trong đó vai trò chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là rất rõ nét.

Đồng thời, nhận thức của người dân, của cộng đồng đang có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực, hiểu được lợi ích, từ đó tích cực tham gia phong trào nông thôn mới ở địa phương, góp phần xây dựng quê hương mình tươi mới, đẹp giàu. 

Bước tiến mới trong hiệu quả triển khai

Cái được lớn hơn cả là Chương trình xây dựng NTM đã tạo được sự đồng thuận giữa đảng bộ, chính quyền và nhân dân với quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển, xây dựng NTM. Minh chứng là nhiều địa phương đã ban hành kế hoạch, triển khai đúng và trúng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo đúng kế hoạch của tỉnh. Đồng thời, xác định phát triển sản xuất là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần quan trọng cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập bền vững cho người dân nông thôn. 

Báo Công luận
 Bộ mặt nông thôn Yên Bái đã có những đổi thay rõ nét.

Bên cạnh đó, các ngành, địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp để xây dựng nông thôn mới; trong phát triển sản xuất đã tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, các mô hình sản xuất, phát triển kinh tế hộ; trong lĩnh vực phát triển hạ tầng đã chủ động huy động, bố trí lồng ghép các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng thủy lợi; chủ động triển khai các tiêu chí xây dựng nông thôn mới mà không cần có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước như tiêu chí môi trường, tiêu chí về xóa đói giảm nghèo, tiêu chí về hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, tiêu chí về xây dựng thôn, bản văn hóa...

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới tiếp tục phát huy hiệu quả và ảnh hưởng lớn đến nhận thức của cán bộ cấp cao và người dân. Những năm qua đã có sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động của người dân. Không chỉ ở khu vực nông thôn mà cả khu vực thành thị, người dân đã hiểu rõ và nhiệt tình hưởng ứng phong trào “Yên Bái chung sức xây dựng Nông thôn mới”. 

Xây dựng nông thôn mới đã tạo bước chuyển biến về nhận thức của cán bộ địa phương và người dân, bằng việc chủ động tham gia đóng góp kinh phí, ngày công lao động để thực hiện chương trình. Tại nhiều địa phương, người dân đã tích cực tham gia các hoạt động chung của cộng đồng nhằm cải thiện chất lượng sống và điều kiện sinh hoạt... Các địa phương đã quan tâm hơn đến nội dung trọng tâm của chương trình, nâng cao chất lượng các tiêu chí, đi vào chiều sâu, tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế qua thực tiễn triển khai tại cơ sở, chú trọng về tạo dựng cảnh quan môi trường và phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị...

Nhắc đến điều này, không thể không nói đến cách làm sáng tạo, kịp thời động viên, khuyến khích các tập thể, cá nhân có thành tích trong phong trào xây dựng nông thôn mới mà tỉnh đã thực hiện trong thời gian qua. Cụ thể là tỉnh Yên Bái đã ban hành Kế hoạch phát động phong trào thi đua “Yên Bái chung sức xây dựng nông thôn mới”. Trong kế hoạch đã đề cập rõ: đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỉnh sẽ thưởng hỗ trợ cho xã 500 triệu đồng/xã để xây dựng các công trình phúc lợi; đối với các tập thể, cá nhân có thành tích sẽ được tặng thưởng bằng khen của UBND tỉnh với mức thưởng theo quy định hiện hành. 

Trong kế hoạch cũng đã yêu cầu các địa phương, các sở, ban, ngành có liên quan phát động các phong trào thi đua; đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các đoàn thể theo nhiệm vụ của mình cùng tham gia vào phong trào thi đua “Yên Bái chung sức xây dựng nông thôn mới”. Giao cho cơ quan thường trực Hội đồng thi đua, khen thưởng tỉnh (Ban Thi đua - Khen thưởng, Sở Nội vụ) tổng hợp, theo dõi vào báo cáo UBND tỉnh đề kịp thời động viên khen thưởng các đơn vị, cá nhân làm tốt để nhân rộng phong trào trên toàn tỉnh. Chính chủ trương ấy đã góp phần không nhỏ trong kết quả đạt được hôm nay. 

Báo Công luận
Người dân tích cực hưởng ứng xây dựng NTM. 

Và những đổi thay rõ rệt trong thực tiễn

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự cố gắng, nỗ lực của người dân, tỉnh Yên Bái đã đạt được những kết quả nổi bật trong việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Đến nay kết quả thực hiện chương trình nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã có 34 xã đạt chuẩn NTM chiếm 21,65%. Riêng trong năm 2016, tỉnh đã có thêm 12 xã, năm 2017 là 16 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. 

Suốt chặng đường 7 năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt được những kết quả rất nổi bật. Nông thôn Yên Bái đã có sự chuyển biến lớn từ khi thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đến nay. Theo đó, về phát triển cơ sở hạ tầng: Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã tạo nên những đột phá rõ rệt về phát triển kết cấu hạ tầng, góp phần tích cực thay đổi diện mạo nông thôn mới của tỉnh. Toàn tỉnh đã kiên cố hóa mặt đường bê tông xi măng với tổng chiều dài đạt trên 700km và mở mới nền đường với chiều dài trên 1.180km; Sửa chữa, nâng cấp, làm mới 707 công trình thuỷ lợi; Đầu tư xây mới, nâng cấp trên 20 công trình nước sạch tập trung, trên 80 điểm thu gom xử lý rác thải và hàng nghìn nhà tiêu hợp vệ sinh; Xây dựng được 112 công trình văn hóa, 62 công trình thể thao...

Về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân cũng có nhiều nỗ lực. Trong những năm qua, ngoài chính sách hỗ trợ của Trung ương, tuy là tỉnh nghèo, nhưng hằng năm tỉnh Yên Bái đã bố trí từ nguồn ngân sách tỉnh khoảng 45 tỷ đồng cho phát triển sản xuất nông nghiệp. Nhờ những chính sách hiện tại, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước nâng cao; an ninh lương thực được đảm bảo; sản xuất chuyển dịch theo hướng hàng hóa tập trung, bước đầu hình thành và phát triển một số vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu tập trung như vùng quế, chè, sơn tra, gỗ nguyên liệu…; một số sản phẩm trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được nhãn hiệu, đang từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường. 

Hiện tại, tỉnh Yên Bái đang triển khai các nội dung của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới; trong đó đã tiến hành tổ chức xây dựng 08 đề án chi tiết sản xuất hàng hóa tập trung đối với những cây trồng, vật nuôi có lợi thế, có sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trên địa bàn tỉnh. Đồng thời đã ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ cho 08 đề án, tạo điều kiện cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Về phát triển giáo dục, y tế, văn hóa và bảo vệ môi trường thì tỷ lệ học sinh ra lớp ở các cấp học năm sau cao hơn năm trước. Việc khám chữa bệnh cho người dân nông thôn ngày càng được quan tâm. Các thiết chế văn hóa và môi trường ở nông thôn được xây dựng. 

Các phong trào về vệ sinh môi trường, trồng và bảo vệ cây xanh, cải tạo vườn tạp, cải tạo công trình vệ sinh, sửa sang cổng ngõ được hình thành, góp phần tạo cảnh quan sạch đẹp cho nông thôn Yên Bái. Về xây dựng hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh và gìn giữ an ninh, trật tự xã hội, trên địa bàn tỉnh có 100% các xã có đủ các tổ chức trong hệ thống chính trị theo quy định. 

Trình độ cán bộ của các xã cơ bản đạt chuẩn. Công tác an ninh trật tự được giữ vững, phong trào toàn dân tham gia giữ gìn an ninh trật tự được đẩy mạnh, cơ bản không có các tệ nạn xã hội xảy ra.

Báo Công luận
Yên Bái tích cực triển khai chính sách hỗ trợ trong sản xuất, mô hình sản xuất. 

Vẫn cần những nỗ lực để đạt mục tiêu

Có thể đánh giá tổng quát rằng, Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã tạo nên những bước đột phá, có sự khác biệt rõ rệt về hệ thống kết cấu hạ tầng tại các xã. Thu nhập của người dân được nâng lên đáng kể. Bộ mặt nông thôn của các xã có nhiều sự thay đổi rõ rệt. Cảnh quan môi trường nông thôn được cải thiện. An ninh trật tự trên địa bàn nông thôn ngày càng được củng cố, giữ vững. 

Mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2018 - 2020 xây dựng 31 xã đạt chuẩn nông thôn mới, lũy kế toàn tỉnh có 64 xã/157 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bằng 40,76% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Bên cạnh đó, tỉnh đã lựa chọn được 05 xã thực hiện xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2017-2019 gồm các xã: Việt Thành (Trấn Yên), Liễu Đô (Lục Yên), Đông Cuông (Văn Yên), Thượng Bằng La (Văn Chấn) và Đại Minh (Yên Bình). Đến năm 2020, nâng số tiêu chí bình quân toàn tỉnh đạt 14 tiêu chí/xã; không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí và có 1 huyện (huyện Trấn Yên) đạt chuẩn nông thôn mới, thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. 

Có thể nói, đây là mục tiêu không quá khó khi phong trào XDNTM đã và đang lan tỏa khắp các vùng quê, nhưng cũng sẽ khó hoàn thành nếu như các địa phương không có giải pháp kịp thời, hiệu quả. 

Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh Yên Bái xác định tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nông thôn mới, triển khai sâu rộng thiết thực phong trào thi đua “Yên Bái chung sức xây dựng nông thôn mới”, nhằm biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân, đơn vị tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới, tạo sự lan tỏa lớn trong tầng lớp nhân dân, cộng đồng, xã hội. 

Đối với những xã phấn đấu xây dựng nông thôn mới năm 2018 tiếp tục định hướng xây dựng nông thôn mới là phải gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, rà soát các tiêu chí chưa đạt để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, tiến hành lồng ghép các nguồn vốn để phát triển sản xuất, xây dựng hạ tầng kinh tế với phương châm “nâng đầu, đỡ cuối” trong xây dựng nông thôn mới. 

Không chỉ vậy, tiếp tục tuyên truyền, vận động sâu rộng để cán bộ, đảng viên và nhân dân trong toàn tỉnh hiểu rõ về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trong phát triển kinh tế - xã hội và xác định trách nhiệm “chủ thể” của người dân cũng là giải pháp tích cực. Hai là, thực hiện đa dạng hóa các nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện chương trình. Ưu tiên hỗ trợ thực hiện các đề án phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. Phấn đấu mỗi xã có ít nhất một sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực. 

Đặc biệt, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung, quy mô lớn tăng thu nhập cho người dân, thông qua cơ chế chính sách hỗ trợ của tỉnh. Làm được điều này cần tích cực trong triển khai thực hiện hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp thông qua các mô hình kinh tế như Hợp tác xã, Tổ hợp tác, kinh tế trang trại. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu, điều kiện cụ thể và lợi thế sản xuất của từng nơi. 

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất (cây ăn quả có múi, tre măng Bát độ, Sơn tra...) cho phù hợp với thực tiễn đặt ra. 

Tăng cường lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn; trước mắt ưu tiên tập trung hỗ trợ vốn ngân sách Nhà nước cho các xã điểm, xã đăng ký phấn đấu đạt chuẩn NTM trong giai đoạn. Nâng cao chất lượng công tác xây dựng và đào tạo, tập huấn đội ngũ cán bộ xây dựng NTM các cấp, nhất là cán bộ cấp xã và thôn, bản.

Đồng thời với tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn, một trong những nội dung quan trọng trong xây dựng thôn mới, Yên Bái còn triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương, thông qua các phong trào như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Tổ tự quản về an toàn giao thông”, “Tổ an ninh, hòa giải”, “Tổ phòng chống tội phạm”... góp phần đảm bảo đời sống dân sinh, đẩy lùi các loại tội phạm, tệ nạn xã hội...

Minh Diễn

Tin khác

Đồng Nai: Điều chỉnh giá đất tăng hơn gấp đôi

Đồng Nai: Điều chỉnh giá đất tăng hơn gấp đôi

(CLO) Từ 25/3/2019, Đồng Nai sẽ đồng loạt tăng hệ số điều chỉnh giá đất lên mức cao so với năm 2018, trong đó nhiều khu vực có hệ số giá đất được điều chỉnh tăng hơn gấp đôi.

Địa phương
Quảng Bình: Bí thư Thị ủy Ba Đồn được bầu giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

Quảng Bình: Bí thư Thị ủy Ba Đồn được bầu giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

(CLO) Ngày 26/3, Tỉnh ủy Quảng Bình tổ chức Hội nghị lần thứ 18 để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng quý I-2019; đồng thời bầu Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2015-2020.

Địa phương
Những sai phạm tại Chùa Ba Vàng là rõ ràng

Những sai phạm tại Chùa Ba Vàng là rõ ràng

(CLO) Ngày 26/3, UBND thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị thông tin báo chí về sự việc tại chùa Ba Vàng.

Địa phương
Xử lý nghiêm đối tượng viết status bôi nhọ cảnh sát giao thông trên mạng xã hội

Xử lý nghiêm đối tượng viết status bôi nhọ cảnh sát giao thông trên mạng xã hội

(CLO) Cơ quan công an TP. Huế đang điều tra, củng cố hồ sơ để xử lý đối tượng lên mạng xã hội Facebook viết status không đúng sự thật, nhằm bôi nhọ gây ảnh hưởng đến hình ảnh lực lượng Cảnh sát Giao thông.

Địa phương
Cà Mau: Thả cá thể đồi mồi quý hiếm nặng 60kg về môi trường tự nhiên

Cà Mau: Thả cá thể đồi mồi quý hiếm nặng 60kg về môi trường tự nhiên

(CLO) Một cá thể rùa biển quý hiếm có trọng lượng khoảng 60 kg vừa được thả về môi trường tự nhiên tại cửa biển Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Địa phương