Đưa COVID-19 khỏi danh mục bệnh đặc biệt nguy hiểm: Cần nghiên cứu tổng thể!

Thứ sáu, 18/03/2022 16:19 PM - 0 Trả lời

(CLO) Theo chuyên gia Trần Đắc Phu, phải căn cứ vào tình hình dịch bệnh, đánh giá tình hình dịch bệnh và mức độ đáp ứng của Việt Nam mới có thể đưa ra quyết định chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Ngày 17/3, Chính phủ ban hành Nghị quyết về Chương trình phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó đề xuất nghiên cứu, đánh giá và căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Xung quanh vấn đề trên, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, để chuyển từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, cần căn cứ vào nhiều yếu tố.

dua covid 19 khoi danh muc benh dac biet nguy hiem can nghien cuu tong the hinh 1

Bệnh COVID-19 đang là bệnh nhóm A - đặc biệt nguy hiểm.

Trước hết căn cứ tình hình dịch bệnh trên thực tế, chủng virus đang lưu hành có mức độ lây lan, gây bệnh nặng ra sao và hiệu quả của các loại thuốc điều trị, vắc xin.

Thứ hai là khả năng đáp ứng của nước ta, gồm khả năng kiểm soát dịch và khả năng đáp ứng của hệ thống y tế cũng như vấn đề tài chính.

“Phải căn cứ vào tình hình dịch bệnh, đánh giá tình hình dịch bệnh và mức độ đáp ứng của Việt Nam, cả từ luận chứng về khoa học lẫn thực tiễn mới có thể đưa ra quyết định chuyển từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Hơn nữa, phải hình thành kèm theo các chính sách đáp ứng để đảm bảo vừa phát triển kinh tế, vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, nhất là người nghèo, nhóm người dễ bị tổn thương” – ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Theo chuyên gia này, hiện chúng ta đang thích nghi linh hoạt với dịch bệnh COVID-19, tỉ lệ tiêm chủng vắc xin đã đạt mức cao.

Tuy nhiên, không thể sử dụng các biện pháp phòng chống COVID-19 như các bệnh thuộc nhóm B như bệnh cúm, ho gà, lao phổi, … mà phải có những biện pháp phòng, chống dịch hợp lý hơn.

“Cần xem xét tỉ lệ chuyển nặng, tử vong do COVID-19 để đưa ra biện pháp phù hợp trong phòng, chống dịch, cần có cơ chế đặc thù cho dịch bệnh này” - ông Phu góp ý.

Do đó, theo ông Trần Đắc Phu, khi quyết định hạ cấp độ dịch cần thành lập các nhóm nghiên cứu, có sự tham gia của các ngành, các cấp, đặc biệt Bộ Y tế, Bộ tài chính.

Mỗi khi chuyển sang được bệnh truyền nhiễm nhóm B, các biện pháp ứng phó với dịch sẽ thay đổi rất nhiều, từ vấn đề giám sát, quản lý ca bệnh, xét nghiệm,…

Việc này sẽ giúp giảm gánh nặng tài chính cho công tác phòng, chống dịch.

“Chúng ta cần nghiên cứu và căn cứ tình hình dịch bệnh cũng như khả năng đáp ứng cả về khoa học và thực tiễn để xây dựng kế hoạch chuyển đổi bệnh COVID-19 khỏi nhóm A.

Phải làm sao để vừa kiểm soát được dịch bệnh, vừa làm được kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên cơ sở đặt sức khỏe và tính mạng người dân lên trên hết”, chuyên gia Trần Đắc Phu nêu quan điểm.

Được biết, bệnh truyền nhiễm nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.

Với nhóm bệnh này sẽ yêu cầu cách li y tế toàn bộ. Về kiểm soát ra, vào vùng có dịch Bộ Y tế quy định: hạn chế ra, vào vùng có dịch đối với người và phương tiện; trường hợp cần thiết phải kiểm tra, giám sát và xử lý y tế.

Cấm đưa ra khỏi vùng có dịch những vật phẩm, động vật, thực vật, thực phẩm và hàng hóa khác có khả năng lây truyền bệnh dịch”.

Khi phát hiện môi trường có tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, người mang mầm bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, cơ sở y tế phải thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế, triển khai vệ sinh, khử trùng, tẩy uế và các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm khác.

Người mắc bệnh truyền nhiễm hoặc bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A tử vong thì thi thể phải được diệt khuẩn và tổ chức mai táng trong thời hạn 24 giờ.

Đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A ngay sau khi xuất viện phải đăng ký theo dõi sức khỏe với y tế xã, phường, thị trấn nơi cư trú.

Trong khi, khi chuyển sang bệnh nhóm B, COVID-19 được coi như cúm mùa thi ngành Y tế không công bố số ca mắc hằng ngày nữa, giống như bệnh cúm chỉ giám sát chứ không thống kê ca mắc từng ngày, đồng thời không xét nghiệm nhiều như đang làm với COVID-19 hiện nay.

Trinh Phúc

Bình Luận

Tin khác

Ca sinh hy hữu: Sản phụ đẻ trên biển

Ca sinh hy hữu: Sản phụ đẻ trên biển

(CLO) Bé trai kháu khỉnh được chào đời trong trường hợp hết sức đặc biệt và rất may mắn khi đang trên thuyền di chuyển từ đảo Quan Lạn về đất liền.

Sức khỏe
Uống thuốc nam không rõ nguồn gốc hai nam bệnh nhân suy gan phải nhập viện

Uống thuốc nam không rõ nguồn gốc hai nam bệnh nhân suy gan phải nhập viện

(CLO) Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận hai bệnh nhân nam bị suy gan do liên quan đến uống thuốc nam không rõ nguồn gốc.

Sức khỏe
TP HCM: Phát hiện một cơ sở thẩm mỹ đổi tên để 'né' xử phạt vi phạm hành chính

TP HCM: Phát hiện một cơ sở thẩm mỹ đổi tên để 'né' xử phạt vi phạm hành chính

(CLO) Sau khi kiểm tra, Sở Y tế TP HCM phát hiện cơ sở treo biển phòng khám chuyên khoa Da liễu An Nhi đang hoạt động trái phép. Đáng nói phòng khám này có chung chủ với các đơn vị kinh doanh đã bị xử phạt trước đó tại cùng địa chỉ.

Sức khỏe
TP HCM: Phát hiện 'viện tế bào gốc' núp bóng phòng khám đa khoa hoạt động trái phép

TP HCM: Phát hiện 'viện tế bào gốc' núp bóng phòng khám đa khoa hoạt động trái phép

(CLO) Sở Y tế TP HCM vừa phát hiện và xử lý cơ sở mang tên “Viện nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc Việt Nam” hoạt động không phép, núp bóng một phòng khám đa khoa.

Sức khỏe
Y tế phường cứu thành công một trẻ đuối nước

Y tế phường cứu thành công một trẻ đuối nước

(CLO) Nạn nhân khi đến trạm y tế phường đã trong tình trạng bất động, lay gọi không biết, toàn thân lạnh, da tái nhợt, mạch cảnh không bắt được.

Sức khỏe