Đừng để xã hội mất niềm tin vào người thầy

Thứ tư, 03/10/2018 15:07 PM - 0 Trả lời

(CLO) Vụ việc thầy giáo Nguyễn Phú Quốc, chủ nhiệm lớp 5/2, trường Tiểu học Lương Thế Vinh (TP HCM), dùng chân đá vào mông học sinh với lý do... "không chịu học, nói leo", đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Vụ việc này đã và đang là hồi chuông cảnh báo về sự xuống cấp đạo đức và nhận thức về pháp luật của một bộ phận người làm công tác giáo dục. Câu chuyện không mới, nhưng lại luôn là vấn đề nóng đối với xã hội và hiện chưa có giải pháp để giải quyết triệt để…

Báo Công luận
Nhiều học sinh lớp 5/2 trường Tiểu học Lương Thế Vinh không dám đến lớp vì sợ thầy giáo đánh. Ảnh CTV 

Không thể chấp nhận bạo lực trong nhà trường 

Ngay sau sự việc xảy ra và được báo chí thông tin, nhiều ý kiến bày tỏ sự bức xúc trước hành động của thầy giáo này và đề nghị cần xử lý nghiêm những hành vi bạo lực nhằm vào học sinh với bất kỳ lý do gì. Nhiều độc giả cho rằng việc thầy, cô nóng giận, dùng bạo lực khiến tổn hại tâm lý trẻ nhỏ và gây mất niềm tin trong xã hội.

Chị Nguyễn Thanh Nga, (Q. Cầu Giấy) tỏ rõ sự thất vọng: “Giáo viên là người có học thức, được mọi người kính trọng. Là thầy giáo, dù bực tức cũng phải nhẫn nhịn, hành xử chuẩn mực với đạo đức nghề”. Theo chị Nga, giáo viên không thể vì bất cứ lý do nào đó mà thẳng tay đánh, đấm học trò của mình.

Anh Ngô Văn Việt, một phụ huynh học sinh ở phường Bạch Đằng (Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ, trẻ con vốn hiếu động, đặc biệt là trẻ nam ở độ tuổi mới lớn thường nghịch ngợm. Khi bị bố mẹ hay thầy cô nhắc nhở hay có phản ứng lại khá gay gắt khiến người lớn dễ mất bình tĩnh, không kiềm chế được. 

“Sự việc nào cũng có nguyên nhân từ hai phía. Khi thấy con mình bị thầy cô áp dụng các hình thức kỷ luật, phụ huynh cần hỏi lại cho cặn kẽ, không nên quy kết trách nhiệm ngay cho bất cứ bên nào. Hơn nữa, thầy cô cũng chỉ là người thường nên có lúc mắc sai lầm, cần được thông cảm”, anh Việt nói.        

Trái ngược với quan điểm này, chị Lê Thị Lan, ở khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai bày tỏ quan điểm, đành rằng khi gặp học sinh cá biệt, ngang ngược các thầy cô rất dễ nổi cáu. Nhưng những giáo viên thích thể hiện uy quyền, đứng trước học sinh mà ngang nhiên văng tục hoặc có hành vi hạ nhục, đánh đập học sinh là hành động phản giáo dục, không chấp nhận được. “Theo tôi, ngành giáo dục cần xử lý nghiêm những giáo viên này tránh làm ảnh hưởng đến uy tín của các thầy cô nói chung”, chị Lan nhấn mạnh.

Thực tế, đây không phải trường hợp đầu tiên giáo viên đánh học sinh, gây ảnh hưởng không nhỏ tới thể xác lẫn tinh thần của các em. Chỉ từ cuối tháng 2 - 4/2018, trên cả nước đã diễn ra 10 vụ bạo lực học đường liên quan đến học sinh, giáo viên và phụ huynh.

Đó là những vụ việc mà chỉ cần nghe tiêu đề hay vài từ tóm tắt sự việc thôi cũng đủ rùng mình: giáo viên ở Long An phạt học sinh quỳ gối; phụ huynh bức xúc bắt cô giáo quỳ; cô giáo ở Hải Phòng bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng; cô giáo ở TP.HCM không nói gì với học sinh suốt ba tháng, phụ huynh ở Nghệ An đánh giáo viên suýt sẩy thai…

Cụ thể, ngày 28/2, dư luận từng xôn xao trước thông tin, tại trường Tiểu học Bình Chánh (huyện Bến Lức), cô giáo Nh. phạt một số học sinh khác quỳ gối làm cháu sợ không dám đến lớp. Ngay sau đó, ông Võ Hòa Thuận (phụ huynh 1 em học sinh bị cô Nh. bắt quỳ) đã tìm đến tận lớp yêu cầu cô giáo phải quỳ để xin lỗi phụ huynh.

Khi cô Nh. chấp nhận quỳ thì hiệu trưởng nhà trường ngăn lại: "Cô không được quỳ". Hiệu trưởng cũng xin lỗi phụ huynh và hứa nhà trường sẽ có biện pháp xử lý đối với cô Nh. Tuy nhiên, sau đó khi sự việc chưa được giải quyết ổn thỏa, hiệu trưởng đã rời khỏi văn phòng do có tiết dự giờ.

Trong bản tường trình về sự việc, cô giáo này cho biết: "Ở tình huống không còn đường lui và do suy nghĩ non nớt của bản thân muốn làm để mọi việc giải quyết xong nên tôi đã quỳ trong thời gian 40 phút”.

Chiều 6/3, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ gửi công văn tới Chủ tịch UBND tỉnh Long An đề nghị có giải pháp bảo vệ danh dự, uy tín nhà giáo. Ông Nhạ nhấn mạnh “sự việc này tác động xấu tới hoạt động giáo dục của nhà trường, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới lòng tự trọng, danh dự của nhà giáo và truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ta”.

Ngày 17/3, Hiệu trưởng trường Tiểu học Bình Chánh, ông Huỳnh Công Sơn đã làm bản tường trình, kiểm điểm và đề nghị lên cơ quan cấp trên xin thôi giữ chức vụ hiệu trưởng.

Trong một vụ việc khác, ngày 2/3, vào giờ tiếng Anh ở lớp 8/8, trường THCS Tân Thạch, cô giáo C.T.N - phát hiện một học sinh nữ không tập trung vào môn học, mà xem bài môn học khác. Cô N. nhắc nhở nhiều lần mà nữ sinh này không nghe, nên đã thu vở của học sinh này.

Bất ngờ, nam sinh N.V.M.T ngồi phía sau lớn tiếng văng tục, rồi nhào đến bóp cổ cô N trước sự ngỡ ngàng của cả lớp. Chỉ đến khi các học sinh khác lao vào can ngăn, cô N mới được giải thoát.


Liên quan đến vụ việc Nhóm học trò lớp 5 trường Tiểu học Lương Thế Vinh bị thầy giáo 49 tuổi dùng tay tát, đánh, dùng chân đá vào mông, ngày 2/10, Trưởng phòng Đào tạo quận Gò Vấp (TP HCM) Nguyễn Thanh Thủy cho biết đã đình chỉ công tác giảng dạy ông Nguyễn Phú Quốc (49 tuổi), giáo viên trường Tiểu học Lương Thế Vinh.

Đánh giá ông Quốc đã hành động không phù hợp với quy tắc ứng xử của nhà giáo, trường đang xem xét đề xuất hình thức kỷ luật.

Trưởng phòng Đào tạo quận Gò Vấp gửi lời xin lỗi phụ huynh, học sinh và cho biết sẽ xử lý sự việc đúng quy định.

Vào đầu tháng 4/2018 tại lớp 3A5, trường Tiểu học An Đồng (Hải Phòng), khi phát hiện học sinh P.P.A nói chuyện với bạn trong giờ học, cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương đã bắt học sinh này phải uống nước từ giẻ lau bảng.

Gần đây nhất, vào ngày 28/8, trên mạng xã hội xuất hiện 1 clip ghi lại hình ảnh lớp mầm non, với nhiều trẻ đánh hội đồng một bạn học sinh khác trong lớp. Tuy nhiên các cô giáo dù ở xung quanh và nhìn thấy nhưng không hề có hành động can ngăn khiến nhiều người phẫn nộ. 

Theo chia sẻ của người đăng clip - phụ huynh của trẻ bị đánh, clip được quay lại ở 1 lớp học của trường Mầm non Cầu Vồng (TP Ninh Bình).

Ngay sau sự việc xảy ra, đại diện trường cùng với giáo viên đã đến xin lỗi gia đình trẻ bị đánh hội đồng, gia đình cháu cũng đã đồng ý nhận lời xin lỗi và tiếp tục cho con theo học trường. Tuy nhiên, Hội đồng kỷ luật nhà trường đã ra quyết định chấm dứt hợp đồng với 3 giáo viên này.

Nguyên nhân do đâu?

Nhiều chuyên gia cho rằng, giáo dục nước ta đang thiếu tư duy chiến lược và tổng thể để giải quyết vấn đề thay vì chỉ “tăng cường quản lý” hay gia tăng áp lực lên các trường, giáo viên.

Trên thực tế, cơ chế quản lý giáo dục cứng nhắc, tập trung từ trên xuống như hiện nay đã làm cho môi trường giáo dục trong trường học mất đi sức sống.

Những áp lực giáo viên phải gánh từ chuyên môn, sổ sách, công tác chủ nhiệm, các cuộc thi… đã làm cho giáo viên quay cuồng không có thời gian thong thả để suy nghĩ về nghề. Chế độ lương bổng đãi ngộ bất hợp lý làm cho những ức chế đó được chuyển hóa thành hành động có tính bạo lực, bạo hành đối với học sinh.

Bên cạnh đó, do hệ quả lịch sử, các giáo viên khi còn học trong trường sư phạm không có nhiều cơ hội, thời gian để học sâu về tâm lý học đặc biệt là tâm lý học trường học, về quyền của trẻ em, quyền con người và các kĩ năng quản trị lớp học khác…

Giáo viên tuy được giáo dục nhiều về chuyên môn nghiệp vụ, song lại không được chú trọng đào tạo về kỹ năng sống, đạo đức nghề nghiệp, cách ứng phó với tình huống khủng hoảng. Những hành động của họ cũng chứng tỏ rằng, tình thương yêu của họ với học sinh chưa đủ lớn. 

Trong khi đó, về góc độ học sinh, công tác giảng dạy tại các nhà trường hiện cũng chỉ quan tâm đến việc dạy chữ mà xem nhẹ việc dạy làm người, khiến nhiều em học sinh có những hành động, cử chỉ thiếu lễ phép với các thầy cô giáo, coi thường nội quy, quy định của nhà trường.         

Cần chấn chỉnh triệt để

“Đạo đức của người thầy ngày một xuống cấp. Những giáo viên hành xử như vậy thì thế hệ học sinh sẽ đi đến đâu? Nhà trường cần phải xử lý nghiêm, tránh làm ảnh hưởng hình ảnh người thầy trong xã hội”, một phụ huynh chia sẻ.

Thậm chí, nhiều  phụ huynh cho rằng, các nhà trường và ngành giáo dục phải chấn chỉnh hành vi của mỗi thầy cô,  cần có biện pháp xử lý thật nghiêm, có thể đình chỉ công tác nếu xảy ra bạo hành học sinh để răn đe các sự việc tương tự xảy ra trong tương lai.

Hơn nữa, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác hay tội cố ý gây thương tích...

Xét cho cùng, dù học sinh mắc lỗi gì thì việc sử dụng bạo lực của giáo viên là hoàn toàn sai lầm. Nó tác động mạnh đến tâm lý, sức khỏe và sự phát triển nhân cách của trẻ.

Trẻ bị bạo hành sẽ không còn hứng thú khi đến trường, không còn sự tôn trọng đối với thầy cô, dần hình thành tư tưởng tiêu cực như chống đối, bất mãn, thậm chí rơi vào trạng thái trầm cảm trong thời gian dài.

Để tránh xảy ra những vụ việc đáng tiếc tiếp theo, mỗi giáo viên cần tự hoàn thiện kỹ năng sống, từ đó có cách xử sự phù hợp trong mọi tình huống, để học trò luôn “tâm phục, khẩu phục”. Đồng thời ngành giáo dục cũng cần có những hình thức xử lý nghiêm khắc hơn để răn đe những thầy cô còn có ứng xử chưa phù hợp với học sinh.


Mới đây, Bộ GD&ĐT vừa đưa ra dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục để lấy ý kiến giáo viên, phụ huynh và nhân dân. 

Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo này là phạt từ 10-20 triệu đồng đối với giáo viên có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người học; phạt từ 20 - 30 triệu đồng đối với giáo viên có hành vi xâm phạm thân thể người học. Ngược lại, nếu người học có hành vi tương tự đối với giáo viên thì cũng sẽ bị phạt hành chính với số tiền tương tự.

Nghị định này được đưa ra sau hàng loạt các vụ bạo lực học đường gây chấn động dư luận xảy ra từ đầu năm đến nay.

 

Minh Châu

Tin khác

Trẻ bị đứt cổ tay, bác sĩ chỉ cách sơ cứu

Trẻ bị đứt cổ tay, bác sĩ chỉ cách sơ cứu

(CLO) Vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Nhi Trung ương đã tiếp nhận bé trai 11 tuổi, ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng vết thương hở cổ tay và bàn tay hai bên do tai nạn sinh hoạt, may mắn trước đó trẻ đã được sơ cứu ban đầu đúng cách và kịp thời.

Giáo dục
Phó chủ tịch tỉnh được giao điều hành trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam

Phó chủ tịch tỉnh được giao điều hành trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam

(CLO) Quảng Nam vừa phân công Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn điều hành hoạt động của trường CĐ Y tế Quảng Nam, sau khi hiệu trưởng trường này bị khởi tố.

Giáo dục
Nhiều cơ hội thực tập, làm việc cho sinh viên tại ngày hội việc làm USSH Job Fair 2024

Nhiều cơ hội thực tập, làm việc cho sinh viên tại ngày hội việc làm USSH Job Fair 2024

(CLO) Ngày hội việc làm - USSH Job Fair 2024 là hoạt động thường niên do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM phối hợp cùng các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm giới thiệu các cơ hội việc làm, thực tập đến sinh viên.

Giáo dục
Gia Lai: Một học sinh lớp 7 bị nhóm thanh niên tấn công trên đường đi học về

Gia Lai: Một học sinh lớp 7 bị nhóm thanh niên tấn công trên đường đi học về

(CLO) Trên đường đi học về, em T. (học sinh lớp 7) bất ngờ bị 1 nhóm thanh niên dùng ghế nhựa, mũ bảo hiểm tấn công gây thương tích.

Giáo dục
Một giáo viên bị tố lừa đảo, chiếm đoạt nhiều tỷ đồng của đồng nghiệp

Một giáo viên bị tố lừa đảo, chiếm đoạt nhiều tỷ đồng của đồng nghiệp

(CLO) Bà Đỗ Thị Huyền Trang (giáo viên Trường THPT Phạm Văn Đồng, xã Ia Sao, huyện Ia Grai, Gia Lai) bị tố lừa đảo, chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng. Đáng chú ý, phần lớn nạn nhân lại là các đồng nghiệp của bà Trang.

Giáo dục