Thừa Thiên Huế: Tiềm năng phát triển du lịch và chính sách thu hút đầu tư

Festival Huế: Động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội Thừa Thiên Huế phát triển

Thứ tư, 17/04/2019 14:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Qua nhiều kỳ tổ chức, Festival Huế đã dần khẳng định thương hiệu là một trung tâm văn hóa, du lịch của đất nước. Tạo tiền đề cho nhiều ngành nghề có dịp được quảng bá và giới thiệu những sản phẩm đặc trưng trong vùng.

Bài liên quan

Festival Huế không chỉ là giao lưu và quảng bá văn hóa Huế nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung ra thế giới, mà qua đó còn thúc đẩy và kích cầu cho phát triển du lịch địa phương. Một trong những mục tiêu của Festival Huế được đặt ra ngay từ ban đầu đó chính là tạo cơ hội để gặp gỡ, giao lưu, tôn vinh và quảng bá các giá trị văn hóa Việt Nam, truyền thống văn hóa Huế gắn với phát triển kinh tế dịch vụ du lịch, thương mại, củng cố môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú.

Festival Huế 2018.

Festival Huế 2018.

Festival Huế được tổ chức định kỳ 2 năm/lần vào các năm chẵn. Việc khai thác và phát huy giá trị di sản trong lễ hội Festival Huế đã thúc đẩy, phục hồi các ngành nghề thủ công, các nghi lễ, nghệ thuật truyền thống đáp ứng công tác bảo tồn và cả nhu cầu của khách du lịch. Ngoài ra, Festival Huế vừa là cơ hội vừa là động lực thúc đẩy quá trình phục hồi, tôn vinh các loại hình nghệ thuật, bản sắc văn hóa Huế và Việt Nam, tạo cơ hội cho người dân hiểu thêm giá trị Di sản Văn hóa các vùng miền, giao lưu với tinh hoa các nền văn hóa trên thế giới.

Bên cạnh đó, Festival Nghề truyền thống Huế được tổ chức vào năm lẻ, từ năm 2005 cũng là Festival chuyên đề gây tiếng vang trên cả nước. Với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, góp phần quan trọng trong việc khôi phục và phát huy giá trị của các ngành nghề tiêu biểu, các sản phẩm nghề thủ công truyền thống của vùng đất cố đô. Đây cũng là Festival Nghề truyền thống duy nhất trên cả nước, là điểm hẹn của các làng nghề, nghệ nhân không chỉ trong nước mà còn vươn tầm quốc tế.

Rất đông du khách đến tham quan quần thể di tích Huế.

Rất đông du khách đến tham quan quần thể di tích Huế.

Được tổ chức lần đầu vào năm 1998, qua từng thời kỳ tổ chức Festival Huế đã từng bước hình thành không gian tổ chức lễ hội cho Festival Huế và Festival Nghề truyền thống Huế. Không gian tổ chức lễ hội không ngừng được tu bổ, nâng cấp và dần ổn định có thể kể đến như: Quảng trường Ngọ Môn; Quảng trường trước trường Quốc Học; đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu; kết nối trục đường đi bộ phía Nam bờ sông Hương từ bến thuyền du lịch Tòa Khâm đến cầu Ga, chỉnh trang hệ thống công viên dọc hai bờ sông, hình thành tuyến du lịch liên hoàn trên đường Lê Lợi với các nhà trưng bày, Bảo tàng… tạo tuyến phố văn hóa đặc sắc của thành phố. Bằng sự đầu tư của Nhà nước, nhiều dự án trọng điểm cải tạo, nâng cấp và xây dựng các công trình hạ tầng đô thị: vỉa hè, hệ thống thoát nước, hệ thống điện chiếu sáng công cộng… đã được chỉnh trang, làm mới, đem lại không gian phục vụ cho việc tổ chức các sự kiện hay tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp cho thành phố Festival.

Công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư, hợp tác du lịch cũng ngày càng được đẩy mạnh. Mỗi dịp Festival Huế, không chỉ những chương trình nghệ thuật xuất hiện dày đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng, mà những hình ảnh cổ kính, êm đềm, mê hoặc lòng người của đền, lăng tẩm, phong cảnh hữu tình của vùng đất Cố đô, hay những nét văn hóa truyền thống, ẩm thực đặc sắc, từ chốn cung đình đến dân dã, cũng được dịp khoe sắc cùng bạn bè bốn phương, làm nao lòng du khách.

Nhìn lại sau hơn 20 năm kể từ khi Festival đầu tiên được tổ chức, có thể thấy Festival Huế đã tạo ra động lực thúc đẩy nhanh quá trình xã hội hóa hoạt động du lịch, thu hút được ngày càng nhiều người dân đầu tư vốn và sức lực để phát triển cơ sở vật chất, dịch vụ du lịch. Năm 2000 toàn tỉnh chỉ có hơn 70 cơ sở lưu trú với trên 2.000 phòng ngủ, đến nay đã có 573 cơ sở lưu trú với 10.540 phòng ngủ, trong đó nhiều khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 3 – 5 sao.

Chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố Festival Huế 2018

Chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố Festival Huế 2018

Về lao động, năm 2004, toàn tỉnh có trên 3.000 lao động làm việc trong các doanh nghiệp du lịch, trong đó 67% đã qua đào tạo. Số hướng dẫn viên du lịch quốc tế được cấp thẻ là 147 người. Đến hết năm 2017, lực lượng lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch lên đến gần 13.500 người (với hơn 11.600 lao động làm việc trong các cơ sở lưu trú; 1.630 lao động trong các đơn vị kinh doanh lữ hành, trong đó có khoảng 1.100 hướng dẫn viên). Ngoài ra, hơn 20.000 lao động tham gia gián tiếp vào hoạt động du lịch như các đơn vị bán hàng, các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, dịch vụ vận chuyển du lịch…

Festival Huế là thời điểm của sự kích cầu về tiêu dùng của dân cư, cũng như quá trình chuẩn bị trước và sau mỗi kỳ Festival là cơ hội cho sự thu hút đầu tư của Nhà nước, các thành phần kinh tế khác. Sự gắn kết giữa du lịch với văn hóa ngày càng chặt chẽ, trở thành nét đặc sắc của du lịch Huế.

Bên cạnh đó, Festival Huế còn là dịp để các đơn vị đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng của các sản phẩm hiện có, hình thành các sản phẩm mới: phố đêm, phố ẩm thực, mặt hàng thủ công mỹ nghệ, các tour, tuyến mới như du lịch nhà vườn, phố cổ, Huế xanh, chợ quê, làng cổ. Từ đó thu hút lượng du khách đến Huế liên tục tăng trưởng qua từng năm: Năm 2000 có trên 482.000 lượt khách du lịch (trong đó khách quốc tế 204.000 lượt); năm 2008 đã đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc trong giai đoạn này với 790.750 lượt khách, gấp 4,05 lần so với năm 2000; và đến năm 2018, số lượng khách du lịch đến Thừa Thiên Huế đạt trên 4,3 triệu lượt (tăng gấp 8,9 lần so với năm 2000), trong đó khách quốc tế đạt trên 1,9 triệu lượt, khách lưu trú trên 2 triệu lượt, trong đó khách quốc tế là 989.405 lượt. Doanh thu du lịch thực hiện năm 2001 là 232.080 triệu đồng, thì năm 2018 ước đạt khoảng 4.474 tỷ đồng. Doanh thu xã hội từ du lịch ước đạt gần 11.184 tỷ.

Đặc biệt, Festival Huế còn góp phần thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư, không chỉ đối với cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị phục vụ Festival, bảo tồn văn hóa, trùng tu di tích, dịch vụ du lịch – khách sạn… mà còn trong nhiều lĩnh vực kinh tế khác. Có thể nói Festival Huế đã góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang dịch vụ - công nghiệp – nông nghiệp đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XV của Thừa Thiên Huế.

Bằng những nỗ lực không ngừng của cấp, các ngành, hơn 20 năm hình thành, tồn tại và phát triển, Festival Huế được đánh giá là một sự kiện văn hóa điển hình tiêu biểu, một thương hiệu nổi tiếng trong nước và được biết đến nhiều trên bình diện quốc tế góp phần nâng cao vị thế của tỉnh Thừa Thiên Huế. Festival Huế đã bước đầu tạo ra động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế, gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch. Đây còn được xem là cơ hội để giới thiệu và quảng bá hình ảnh, đất nước, con người và văn hóa Việt Nam một cách sinh động, hấp dẫn nhất qua sự nối kết giữa Huế, Việt Nam và thế giới, tăng cường đoàn kết quốc tế, sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc vì hòa bình, thịnh vượng và hạnh phúc của nhân loại.

Cái Văn Long

Tin khác

Nón lá hai mê của người Tày ở Hà Giang - Không chỉ là vật che mưa nắng

Nón lá hai mê của người Tày ở Hà Giang - Không chỉ là vật che mưa nắng

(CLO) Nghề thủ công truyền thống làm Nón lá hai mê tại xã Xuân Giang, huyện Quang Bình đã được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là một trong những nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Tày ở đây.

Đời sống văn hóa
Trình diễn nghệ thuật nhạc kịch tại Carnaval Hạ Long 2024

Trình diễn nghệ thuật nhạc kịch tại Carnaval Hạ Long 2024

(CLO) Lễ hội Carnaval Hạ Long 2024 sử dụng nghệ thuật nhạc kịch, kết hợp hài hòa với các yếu tố lịch sử, văn hóa để làm nổi lên các giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.

Đời sống văn hóa
Khai mạc Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Khai mạc Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Tối 24/4, lễ khai mạc Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ chính thức diễn ra tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên và trình chiếu phim truyện "Đào phở và Piano".

Đời sống văn hóa
Thiêng liêng Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa

Thiêng liêng Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa

(CLO) Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa nhằm thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ và tri ân đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa; khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

Đời sống văn hóa
Chiêm ngưỡng cánh đồng hoa lục bình tím tuyệt đẹp ngoại thành Hà Nội

Chiêm ngưỡng cánh đồng hoa lục bình tím tuyệt đẹp ngoại thành Hà Nội

(CLO) Những ngày này, hoa lục bình ở những cánh đồng trên địa bàn quận Long Biên, Hà Nội đua nhau bung nở sắc tím biếc tạo nên khung cảnh vô cùng thơ mộng thu hút giới trẻ Thủ đô tới check-in, chụp hình.

Đời sống văn hóa