Gần như cả châu Âu đang hít thở không khí ô nhiễm

Thứ sáu, 08/09/2023 18:42 PM - 0 Trả lời

(CLO) Dữ liệu vệ tinh mới nhất cho thấy, 98% người dân châu Âu đều sống ở các thị trấn và thành phố bị ô nhiễm, nơi mức độ hạt mịn trung bình hàng năm cao hơn giới hạn khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Thực tế đáng báo động

Điều này có nghĩa là hầu hết mọi người trên cựu lục địa đang hít phải không khí kém chất lượng và từ đó, chịu ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo, ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ mắc bệnh hô hấp, tim mạch và làm giảm tuổi thọ.

gan nhu ca chau au dang hit tho khong khi o nhiem hinh 1

Bầu không khí của Milan (Ý) trong một ngày ô nhiễm với nhiều bụi mịn PM 2.5. Ảnh: ANSA

Mark Nieuwenhuijsen, Giám đốc Viện Sức khỏe Toàn cầu Barcelona (ISGlobal), cho biết: “Mức độ ô nhiễm không khí hiện nay khiến nhiều người gặp rủi ro về sức khỏe và mắc bệnh. Chúng tôi biết rằng việc giảm mức độ ô nhiễm không khí sẽ làm giảm những con số này”.

Vậy chính xác thì ô nhiễm không khí ở châu Âu tệ đến mức nào? Để làm sáng tỏ câu hỏi này, báo DW của Đức đã hợp tác với Mạng Báo chí Dữ liệu châu Âu nhằm phân tích dữ liệu vệ tinh từ Dịch vụ Giám sát Khí quyển Copernicus (CAMS).

Phân tích của DW chỉ ra rằng vào năm 2022, hầu hết mọi người ở châu Âu - khoảng 98% dân số - sống ở những khu vực có nồng độ hạt mịn, thường được viết tắt là PM 2.5 - đã vượt quá giới hạn do WHO đặt ra.

WHO khuyến cáo rằng nồng độ ô nhiễm hạt mịn trung bình hàng năm không được vượt quá 5 microgam/m3 không khí (để tiện hình dung, một microgam nhỏ hơn một nghìn lần so với một miligam).

Mức độ ô nhiễm khác nhau giữa các vùng ở châu Âu. Nó có thể đặc biệt nghiêm trọng ở các khu vực Trung Âu, thung lũng Po tại Ý và các khu vực đô thị lớn hơn như Athens (Hy Lạp), Barcelona (Tây Ban Nha) và Paris (Pháp). Phân tích của DW cho thấy các khu vực ô nhiễm nhất ở châu Âu đạt nồng độ PM 2,5 trung bình hàng năm vào khoảng 25 microgam/m3.

Mức độ ô nhiễm không khí cao ở từng thành phố ở châu Âu đã được báo cáo trước đây, nhưng phân tích dữ liệu mới này đưa ra sự so sánh đầu tiên trên toàn bộ châu lục về mức độ ô nhiễm. Nó cho thấy chất lượng không khí đã được cải thiện ở khu vực nào và nơi nào trở nên tồi tệ hơn.

DW cũng sử dụng dữ liệu để xác định hai địa điểm có vấn đề tương tự nhưng có xu hướng khác nhau. Ở miền bắc nước Ý, mức độ ô nhiễm cao và dường như vẫn như vậy. Ở miền nam Ba Lan, mức độ ô nhiễm cũng cao nhưng dường như đang giảm.

Kết quả này đặt ra những câu hỏi về chiến lược giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các quốc gia, khi hiệu quả của những chính sách khí hậu không phải lúc nào cũng diễn ra như mong muốn của các nhà hoạch định.

Quyết tâm khác nhau, kết quả cũng khác nhau

Để làm rõ hơn về kết luận này, hãy xem xét kỹ trường hợp đầu tiên mà báo cáo của DW nhắc tới: miền bắc nước Ý.

Chất lượng không khí liên tục kém ở miền bắc Ý. Giữa tháng 2/2023, nhiều thành phố ở thung lũng Po của Ý chìm trong ô nhiễm. Các vùng Lombardy và Veneto bị ảnh hưởng đặc biệt. Theo các nhà nghiên cứu của Copernicus, nồng độ trung bình PM 2,5 hàng ngày ở các thành phố như Milan, Padova và Verona đã tăng lên trên 75 microgam/m3.

gan nhu ca chau au dang hit tho khong khi o nhiem hinh 2

Bản đồ nồng độ bụi min PM 2.5 ở châu Âu năm 2022 do AFP cung cấp, với đơn vị tính là microgam/m3 không khí. Ảnh: AFP

Địa lý là một phần nguyên nhân: Khu vực này được bao quanh bởi các dãy núi và tình trạng ô nhiễm do giao thông đông đúc, công nghiệp, khí thải nông nghiệp và bụi khói do việc sưởi ấm của dân cư bị mắc kẹt lại trong thung lũng.

Các cơ quan môi trường báo cáo rằng hàng ngàn người ở khu vực này chết sớm mỗi năm do các bệnh liên quan đến ô nhiễm. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học danh tiếng The Lancet sử dụng dữ liệu ô nhiễm từ năm 2015 đã ước tính rằng khoảng 10% số ca tử vong ở các thành phố như Milan có thể được ngăn chặn nếu nồng độ PM 2,5 trung bình giảm khoảng 10 microgam/m3.

Nếu các thành phố lớn của châu Âu có thể đạt được mục tiêu 5 microgam/m3, các nhà nghiên cứu kết luận rằng sẽ có ít hơn 100.000 ca tử vong liên quan đến ô nhiễm mỗi năm.

Nhưng đó không phải là hướng mà thung lũng Po đang hướng tới. Anna Gerometta, luật sư và chủ tịch của Cittadini per l'Aria, cho biết: "Ngoài tình hình địa lý tiêu cực, chúng tôi đang làm hoàn toàn trái ngược với những gì chúng tôi nên làm". Gerometta cho rằng các biện pháp hạn chế khí thải từ ô tô, hệ thống sưởi dân dụng và nhà máy sản xuất thịt còn quá yếu.

Tuy nhiên, ở Ba Lan, các chiến lược địa phương đang cho thấy hiệu quả. Nước này hiện đã loại bỏ lò than trong nỗ lực cải thiện chất lượng không khí. Ở nhiều vùng của Ba Lan, mức độ ô nhiễm thuộc hàng cao nhất ở châu Âu nhưng chúng đã giảm đều đặn kể từ năm 2018.

Những tiến bộ có được sau khi chính quyền Ba Lan đưa ra kế hoạch hiện đại hóa hệ thống sưởi ấm hộ gia đình. Quá trình này đã diễn ra trong 10 năm. Ông Piotr Siergiej, lãnh đạo tổ chức môi trường Smog Alert (Ba Lan) cho biết: “Chúng tôi gọi hệ thống sưởi ấm hộ gia đình là 'những người hút thuốc' vì chúng tạo ra rất nhiều khói. Gần 800.000 chiếc đã được thay thế, nhưng vẫn còn khoảng 3 triệu chiếc nữa đang chờ đến lượt”.

Tại khu vực Krakow, nơi lệnh cấm đốt than và củi để sưởi ấm trong nhà có hiệu lực vào năm 2019, hầu hết các máy sưởi cũ đều đã được thay thế.

Nhận thức đang thay đổi

Chất lượng không khí ở châu Âu nhìn chung tốt hơn so với các khu vực khác trên thế giới. Ví dụ, ở các thành phố phía bắc Ấn Độ, chẳng hạn như New Delhi, Varanasi và Agra, giá trị PM 2,5 trung bình có thể lên tới 100 microgam/m3. Ở châu Âu, dữ liệu của DW cho thấy mức độ ô nhiễm cao nhất là 25 microgam/m3.

Nhưng ngay cả ở mức tương đối thấp, ô nhiễm không khí vẫn có thể tác động đáng kể đến sức khỏe con người. Các quy định mới về chất lượng không khí của châu Âu sẽ cho phép nồng độ trung bình hàng năm là 10 microgam hạt mịn/m3 không khí.

gan nhu ca chau au dang hit tho khong khi o nhiem hinh 3

Ô nhiễm ở châu Âu đang được người dân ở đây đặc biệt quan tâm. Ảnh: Getty

Ủy ban Môi trường của Nghị viện châu Âu (EC) đã đề xuất áp dụng các khuyến nghị của WHO nghiêm ngặt hơn, ở mức 5 microgam hạt mịn/m3 không khí. Nhưng ngay cả ở mức 10 microgam, giới hạn của châu Âu vẫn nghiêm ngặt hơn các tiêu chuẩn hiện hành ở phần lớn các nước trên thế giới, vốn cho phép nồng độ PM 2,5 hàng năm ở mức 20 microgam/m3 - cao gấp 4 lần so với khuyến nghị hiện tại của WHO.

Các nhà nghiên cứu y tế và các nhà môi trường cho rằng các quy định mới về chất lượng không khí của châu Âu sẽ phản ánh các hướng dẫn của WHO nhưng để đảm bảo được những tiêu chuẩn mới sẽ là một thách thức lớn.

Mark Nieuwenhuijsen, Giám đốc Viện Sức khỏe Toàn cầu Barcelona, cho biết: “Các giới hạn của EU không chỉ [về] sức khỏe mà còn về các lập luận kinh tế, [trong khi] các giới hạn của WHO được đưa ra bởi các chuyên gia chỉ tính đến sức khỏe. Tôi hy vọng EU sẽ đồng hành cùng WHO, dù có lẽ một số người sẽ cho rằng nó quá tốn kém”.

Nieuwenhuijsen khá bi quan. Nhưng thực tế, mọi thứ đang thay đổi. Theo chương trình khảo sát Eurobarometer năm 2022, phần lớn người châu Âu coi các bệnh về đường hô hấp do ô nhiễm không khí là vấn đề nghiêm trọng hiện nay. Dù nhiều người được hỏi cho biết dù không có đầy đủ thông tin về các tiêu chuẩn hiện hành, nhưng họ đều nghĩ rằng các quy định về chất lượng không khí cần được tăng cường.

Khánh Nguyễn

Bình Luận

Tin khác

Bầu cử Mỹ 2024 còn 6 tháng nữa: Cuộc đua sẽ diễn ra như thế nào?

Bầu cử Mỹ 2024 còn 6 tháng nữa: Cuộc đua sẽ diễn ra như thế nào?

(CLO) Khi cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11 đang đến gần, những thách thức mà các ứng cử viên tổng thống Joe Biden và Donald Trump phải đối mặt cũng ngày càng gia tăng.

Tiêu điểm Quốc tế
Người Trung Quốc đổ xô đi mua vàng như thể không có ngày mai

Người Trung Quốc đổ xô đi mua vàng như thể không có ngày mai

(CLO) Giá vàng toàn cầu đã đạt mức cao nhất khi các nhà đầu tư và người tiêu dùng Trung Quốc đang mua kim loại này với tốc độ kỷ lục, do cảnh giác với bất động sản và chứng khoán.

Tiêu điểm Quốc tế
Chiến sự ở Gaza: Làn sóng biểu tình sinh viên 'phản chiến' đã lan đến đâu trên thế giới?

Chiến sự ở Gaza: Làn sóng biểu tình sinh viên 'phản chiến' đã lan đến đâu trên thế giới?

(CLO) Khi các cuộc đụng độ giữa sinh viên và cảnh sát vẫn diễn ra rất căng thẳng tại nhiều trường đại học Mỹ, thì các cuộc biểu tình cũng đang được tổ chức ở các trường đại học khác trên khắp châu Âu, châu Á và Trung Đông.

Tiêu điểm Quốc tế
Đàm phán ngừng bắn ở Gaza: Mỹ gia tăng áp lực với cả Israel lẫn Hamas

Đàm phán ngừng bắn ở Gaza: Mỹ gia tăng áp lực với cả Israel lẫn Hamas

(CLO) “Đã đến lúc”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố, thúc giục Hamas chấp nhận các điều khoản của một thỏa thuận ngừng bắn mới được đề xuất. Ông Blinken cũng nói rõ rằng ông mong đợi nhiều hơn từ Israel.

Tiêu điểm Quốc tế
Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

(CLO) Khi căng thẳng với Iran giảm bớt, quân đội Israel đang chuẩn bị hoàn thành công việc mà họ cho là còn dang dở: Triệt hạ Hamas khỏi thành trì cuối cùng của lực lượng này ở thành phố Rafah, nơi có hơn một triệu người Palestine đang trú ẩn.

Tiêu điểm Quốc tế