Kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9:

Gấp rút cho thời khắc thiêng liêng

Thứ bảy, 02/09/2023 07:30 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Ngay sau khi Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 thành công, phiên họp đầu tiên của Ban Thường vụ T.Ư Đảng đã quyết định tổ chức một cuộc mít tinh lớn ở Hà Nội để Chính phủ Lâm thời ra mắt nhân dân. Đó cũng là ngày nước Việt Nam chính thức công bố quyền độc lập và thiết lập chính thể Dân chủ cộng hòa.

Sự kiện: Quốc Khánh 2/9

Ba Đình lịch sử và Lễ Độc lập năm ấy

Cách đây 78 năm, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lịch sử dân tộc Việt Nam đã bước sang trang mới, bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do. Báo Nhà báo & Công luận số báo này có chuyên đề “Ba Đình lịch sử và Lễ Độc lập năm ấy” nhớ lại thời khắc thiêng liêng mang ý nghĩa trường tồn ấy của dân tộc Việt Nam.

Để thời khắc thiêng liêng ấy diễn ra trọn vẹn, là cả nỗ lực rất lớn, hết sức gấp rút cùng sự dày công chuẩn bị.

Trở về Hà Nội

Ngay sau khi Hà Nội khởi nghĩa thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định về Hà Nội để tiếp tục chỉ đạo công cuộc giành chính quyền đang diễn ra sôi động trên cả nước, gấp rút chuẩn bị công việc khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Từ chủ trương ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 21/8/1945, nhiều ủy viên Trung ương Đảng đã về Hà Nội. Sau đó mấy ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) cũng về tới Hà Nội. Thời điểm ấy, theo nhiều tài liệu, tuy đã khỏi sau mấy ngày sốt cao nhưng Người vẫn còn mệt, gầy sút, xanh xao, duy đôi mắt vẫn sáng long lanh. Trước đó, trong những ngày cả nước hừng hực khí thế tổng khởi nghĩa, Bác đã phải chống chọi với những cơn sốt rét rừng.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nhớ lại: “Vừa giảm cơn sốt, Bác Hồ dậy làm việc ngay trong đêm. Cả nước lúc này đang rùng rùng chuẩn bị khởi nghĩa. Bác Hồ nói với anh chị em xung quanh đang săn sóc Bác: “Chiến tranh chống Đức - Ý - Nhật đã thắng lợi. Các nước lớn đang chia phần. Những nước thuộc địa chẳng được gì dù là phần nhỏ bé. Chỉ có chiến đấu, tiếp tục chiến đấu, lấy sức ta mà giải phóng cho ta...”.

Ngày 21/8/1945, Bác Hồ vẫn sốt lai rai. Bác đắng miệng không muốn ăn uống gì, chóng mặt, đau đầu. Người cố ăn hết bát con cháo. Đến chiều tối, cơn sốt lui dần. Ngay đêm đó đồng chí Trần Đăng Ninh đưa Bác lên ôtô về thị xã Thái Nguyên vừa giành được chính quyền ngày 20/8/1945 sau đó về Hà Nội.

gap rut cho thoi khac thieng lieng hinh 1

Nhà cụ Nguyễn Thị An thuộc Xóm 2, thôn Phú Gia (nay là Khu dân cư số 3, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội) được biết tới là điểm dừng chân đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi trở về Hà Nội từ Chiến khu Việt Bắc từ ngày 23-25/8/1945 để ra mắt quốc dân đồng bào, chuẩn bị cho việc ra mắt Chính phủ lâm thời và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: Minh Duy

Nơi đầu tiên Bác đặt chân khi về đến Hà Nội là một căn nhà nhỏ ẩn khuất ven bờ sông Hồng, nằm trong thôn Phú Gia, xã Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội. Theo lời kể của ông Công Ngọc Dũng, hiện là người trông coi, quản lý ngôi nhà đặc biệt này, do vị trí kín đáo, lại nằm trong vùng an toàn khu ngoại thành Hà Nội (Phú Gia và Phú Xá vốn là cơ sở cách mạng vững chắc những năm 1941-1945, nhân dân giác ngộ, một lòng theo cách mạng, từng nuôi và bảo vệ an toàn cho các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng cùng nhiều cán bộ cao cấp của Đảng) nên ngôi nhà được đồng chí Hoàng Tùng - cán bộ cách mạng hoạt động ở xã Phú Thượng lúc bấy giờ lựa chọn làm địa điểm dừng chân của Bác Hồ khi Người từ chiến khu Việt Bắc trở về.

Theo nhiều tài liệu ghi lại, trong ba ngày nghỉ lại tại đây (từ ngày 23/8 đến 25/8/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp làm việc với các đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư của Đảng, cùng các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Lương Bằng… về kết quả Tổng khởi nghĩa trong cả nước và chuẩn bị cho ngày Quốc khánh 2/9/1945.

Ngày 25/8/1945, đúng 15h đồng chí Trường Chinh lên Phú Gia đón Bác vào nội thành. Trên đường về, xe đi trên đường Yên Phụ, Hàng Than, Hàng Lược, Hàng Giấy, Hàng Mã rồi đến ngôi nhà số 48 Hàng Ngang - di tích nay đã trở thành rất nổi tiếng. Ngôi nhà thuộc sở hữu của ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ, một doanh nhân buôn tơ lụa nổi tiếng giàu có đồng thời cũng là những con người giàu tâm huyết với cách mạng. Ngôi nhà có hình ống, nằm gần cuối phố Hàng Ngang, nơi buôn bán sầm uất của khu vực phố cổ. Nhà hai mặt phố, gắn số 48 là mặt tiền phố Hàng Ngang, gắn số 35 là mặt tiền phố Hàng Cân, có thể rút nhanh khi bị động.

Trước đó, đồng chí Trường Chinh đã về kiểm tra ngôi nhà theo chỉ thị của Bác. Ông vẽ rất kỹ sơ đồ nhà 48 Hàng Ngang, đưa lên an toàn khu ở Thái Nguyên cho Bác kiểm tra. Vì vậy, Bác đã chấp thuận về đây chuẩn bị cho buổi ra mắt ngày Tuyên ngôn độc lập” – Anh Trịnh Cần Chính, con trai cụ Hoàng Thị Minh Hồ lý giải về nguyên do Thường vụ Trung ương Đảng chọn ngôi nhà 48 Hàng Ngang làm nơi đón Bác Hồ về Hà Nội.

gap rut cho thoi khac thieng lieng hinh 2

Ngôi nhà 48 Hàng Ngang những năm 40 của thế kỷ 20. Ảnh: tư liệu

Chính tại ngôi nhà này, những ngày cuối tháng 8/1945, Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục có nhiều cuộc họp bàn về việc chuẩn bị cho Lễ Độc lập ngày 2/9/1945. Chiều 26/8/1945, sau khi nghe báo cáo tình hình khởi nghĩa ở Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập và chủ tọa phiên họp của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, để bàn những nhiệm vụ cấp bách của nhà nước cách mạng. Tại cuộc họp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhất trí với chủ trương của Ban Thường vụ mở rộng thành phần Ủy ban Giải phóng Dân tộc Việt Nam và sớm công bố danh sách của Ủy ban cho toàn dân biết, chuẩn bị Bản Tuyên ngôn độc lập và tổ chức cuộc mít-tinh lớn ở Hà Nội để Ủy ban Giải phóng Dân tộc Việt Nam ra mắt nhân dân. Ngày ra mắt của Ủy ban cũng là ngày Việt Nam tuyên bố thành lập chính thể dân chủ cộng hòa.

Ngày 27/8, Bác Hồ triệu tập cuộc họp Ủy ban Giải phóng Dân tộc Việt Nam. Tại cuộc họp này, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban Giải phóng Dân tộc Việt Nam do Quốc dân Đại hội (Tân Trào) bầu ra được cải tổ thành Chính phủ cách mạng lâm thời, nhằm đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, các đảng yêu nước và những nhân sĩ tiến bộ, với tuyên cáo: “Đây là một chính phủ quốc gia thống nhất giữ trọng trách là chỉ đạo cho toàn thể, đợi ngày triệu tập được Quốc hội để cử ra một Chính phủ Dân chủ Cộng hoà chính thức”.

Một số ủy viên Việt Minh tự nguyện rút khỏi Chính phủ để nhường chỗ cho các thành phần khác, có cả những người đã từng tham gia trong chính quyền cũ. Hành động tự nguyện rút khỏi Chính phủ để nhường chỗ cho các thành phần khác của một số ủy viên Việt Minh được Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: “Đó là một cử chỉ vô tư, tốt đẹp, không ham chuộng địa vị, đặt lợi ích của dân tộc, của đoàn kết toàn dân lên trên lợi ích cá nhân”.

Ngày 28/8/1945, danh sách Chính phủ Lâm thời được công bố trên các báo chí tại Hà Nội. Cũng ngày hôm đó, phái đoàn đại diện của Chính phủ Trung ương gồm các đồng chí: Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận, do đồng chí Trần Huy Liệu làm trưởng đoàn, đã vào đến Huế để tiếp nhận sự thoái vị của Bảo Đại, vị vua cuối cùng của vương triều phong kiến Việt Nam.

Những đêm trắng cho Bản Tuyên ngôn độc lập

Những ngày cuối cùng của tháng 8/1945, những công việc chuẩn bị cho ngày ra mắt của Chính phủ tiếp tục được tiến hành khẩn trương. Trong những đầu việc quan trọng nhất, không thể không kể đến việc Bác soạn thảo Tuyên ngôn độc lập.

Theo nhiều tài liệu, sau rất nhiều ấp ủ, trao đổi, nghĩ suy, đêm 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi thảo Bản Tuyên ngôn độc lập tại số nhà 48 Hàng Ngang. Theo hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Trong căn nhà nhỏ, thiếu ánh sáng của ngôi nhà sâu thẳm nằm giữa một trong ba mươi sáu phố phường cổ kính của Hà Nội, Bác ngồi làm việc, khi thì viết, khi thì đánh máy. Những người giúp việc trong gia đình không biết ông cụ có cặp mắt sáng, chiếc áo nâu bạc thường để hở khuy ngực, hay hút thuốc lá, ngồi cặm cụi đó làm gì. Mỗi lần họ tới hỏi cụ có cần giúp đỡ, cụ quay lại mỉm cười, chuyện trò đôi câu. Lần nào cụ cũng nói không có gì cần phải giúp đỡ. Họ không biết mình đang chứng kiến những giờ phút lịch sử”.

gap rut cho thoi khac thieng lieng hinh 3

Bản Tuyên ngôn độc lập của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nguồn ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh TP. Hồ Chí Minh

Đại tá Thế Kỷ - người giúp việc cho ông Vũ Kỳ - thư ký cho Bác Hồ dẫn lại những hồi ức của ông Vũ Kỳ về những ngày đêm lịch sử ấy: “Kể từ ngày thứ ba, 28/8/1945, tức 21/7 năm Ất Dậu, Chủ tịch Hồ Chí Minh tập trung vào việc soạn thảo Tuyên ngôn độc lập. Trên gác hai nhà 48 Hàng Ngang… Suốt mấy ngày liền, Bác tập trung suy nghĩ rồi tự đánh máy bên chiếc bàn con kê sát tường góc phía trong… Nửa đêm hôm ấy tôi chợt thức giấc thấy Bác vẫn ngồi chăm chú làm việc. Hà Nội sau một ngày sôi động đang đi vào yên tĩnh. Đêm mùa thu, trên căn gác thoáng rộng, không khí mát lành. Tôi trở dậy, bước thật nhẹ ra phía hành lang, nhìn xuống đường. … Chỉ mới cách đây hơn một tuần, Hà Nội còn là một thành phố bảo hộ, mật thám như rươi, chỉ thoáng thấy màu cờ đỏ là cả bộ máy cai trị của kẻ thù lồng lên như thú dữ. Thế mà giờ đây cờ đỏ phấp phới tung bay khắp phố phường. Và đêm nay, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - người từng bị bọn thực dân kết án tử hình - đang ngồi giữa lòng Hà Nội soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập để mai đây, tuyên bố trước quốc dân đồng bào, tuyên bố trước toàn thế giới nước Việt Nam đã trở thành một nước Việt Nam độc lập, tự do”.

Ngày 30/8/1945, Bác hoàn thành bản dự thảo Tuyên ngôn độc lập. Trong cuốn “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, tác giả Trần Dân Tiên, trang 122, đã viết: Chủ tịch Hồ Chí Minh trào dâng niềm xúc động, vì trong quá trình hoạt động cách mạng “đã viết nhiều, nhưng đến bây giờ mới viết được một bản Tuyên ngôn như vậy”.

 Với sự thận trọng hết mực, Bản Tuyên ngôn độc lập còn được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao đổi, lấy ý kiến đóng góp vì theo quan điểm của Người, Bản Tuyên ngôn độc lập sẽ được đọc không phải chỉ để đồng bào cả nước ta nghe, mà còn cho cả Chính phủ Pháp và nhân dân Pháp, cho cả các nước đồng minh nghe.

Đến ngày 31/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định bổ sung một số điểm vào bản Tuyên ngôn, hoàn chỉnh bản khai sinh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ngay sau đó, Bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh dự thảo được Ban Thường vụ Trung ương Đảng nhất trí thông qua.

4 ngày cho Lễ Độc lập

Sau bản Tuyên ngôn độc lập, công việc gấp rút tiếp theo là việc chọn ngày, giờ để công bố trước toàn thể nhân dân Việt Nam và thế giới. Như nhìn nhận của nhà sử học Dương Trung Quốc: “Tôi tin tưởng chắc chắn là Cụ có tầm nhìn phi thường của một vĩ nhân căn cứ vào các dữ kiện cụ thể. Cụ chọn ngày 2/9 là ngày thích hợp nhất trong điều kiện thời gian cho phép để có thể tổ chức một sự kiện lớn như thế trước khi quá muộn. Những người đương thời nói với tôi việc ấn định ngày 2/9 là một cuộc chạy đua vì chỉ chậm chút nữa thôi thì các đại diện của quốc tế đến và họ có đủ tư cách pháp nhân để khống chế tất cả mọi cái”.

gap rut cho thoi khac thieng lieng hinh 4

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn lịch sử của dân tộc Việt Nam. Lễ đài Độc lập trên Quảng trường Ba Đình Hà Nội do kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh thiết kế năm 1945. Ảnh: TTXVN

Có lẽ bởi thế mà công tác tổ chức cho ngày lễ tuyên bố độc lập cũng hết sức gấp rút. Theo hồi ức của ông Nguyễn Hữu Đang, khi ấy  mới 32 tuổi, lúc đó là thủ lĩnh của hai phong trào đang có ảnh hưởng trong quần chúng và trí thức là Truyền bá Quốc ngữ và Văn hóa Cứu quốc, người được Bác Hồ trực tiếp giao trách nhiệm lo tổ chức ngày Lễ Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9, ngày 28/8/1945, cụ Nguyễn Văn Tố (Bộ trưởng Cứu tế trong Chính phủ cách mạng lâm thời) dẫn ông vào Bắc Bộ phủ giới thiệu với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cụ Hồ hỏi: “Chính phủ Lâm thời quyết định làm lễ ra mắt quốc dân đồng bào vào ngày 2 tháng 9. Chú có đảm đương được việc tổ chức buổi lễ không?”. Nhẩm tính chỉ có bốn ngày, khối lượng công việc đồ sộ, ông trả lời: “Thưa cụ, việc cụ giao là quá khó, vì gấp quá rồi”. Cụ Hồ nói ngay: “Có khó thì mới giao cho chú chứ!” và yêu cầu tối 31/8 quay lại báo cáo kết quả sơ bộ cho Chính phủ.

gap rut cho thoi khac thieng lieng hinh 5

Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa

Là người giàu kinh nghiệm hoạt động phong trào, tiếp xúc huy động quần chúng, Nguyễn Hữu Đang một mặt liên tục gửi thư cho bác sĩ Trần Duy Hưng - Thị trưởng Hà Nội về một số công tác tổ chức cho Lễ Độc lập, trong đó có việc “Ban tổ chức chúng tôi yêu cầu Ngài hạ lệnh cho các chùa chiền, nhà thờ phải cho mở cửa, quét tước sạch sẽ và đốt trầm hương suốt ngày hôm ấy để mừng Ngày Độc lập”, còn huy động được sự đóng góp của nhiều nhà trí thức và chuyên môn như Họa sĩ Lê Văn Đệ, Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh, ông Nguyễn Dực tham gia thiết kế hệ thống điện đài, âm thanh...

Riêng câu chuyện thiết kế, dựng lễ đài Lễ Độc lập cũng nhiều điều thú vị. Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh là người được giao trọng trách thiết kế và tham gia dựng lễ đài. Theo hồi ức của Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh: “Yêu cầu làm lễ đài giản dị nhưng phải trang nghiêm; trên lễ đài có thể đứng được ba chục người. Việc làm lễ đài và viết khẩu hiệu bằng ba thứ tiếng Việt, Nga, Anh được giao cho các ông Nguyễn Huy Tưởng và Phạm Văn Khoa hoạt động trong tổ chức Văn hóa Cứu quốc. Thế là việc chọn và quyết định nơi đặt lễ đài, kiểu lễ đài vẽ xong để bắt đầu thi công vào 12 giờ trưa ngày 1 tháng 9 và 3 giờ sáng ngày 2 tháng 9 dựng xong lễ đài để còn thời giờ mắc loa và đặt mi-crô”

Sau tất cả những nỗ lực, khẩn trương, dày công chuẩn bị, đúng ngày giờ ấn định, lễ đài Độc lập đã sừng sững uy nghi giữa Quảng trường Ba Đình. Ngày 2/9/1945, từ sáng sớm, cả Hà Nội bừng lên trong màu cờ đỏ sao vàng và đèn, hoa rực rỡ. Nhân dân thành phố và các vùng lân cận đã cuồn cuộn đổ về quảng trường Ba Đình. Đúng 14 giờ, các thành viên của Chính phủ lâm thời bước lên lễ đài. Trong không khí trang nghiêm, Chủ tịch Hồ Chí Minh trang trọng đọc Bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử, tuyên bố với toàn thể nhân dân, với thế giới nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa độc lập, tự do ra đời.

gap rut cho thoi khac thieng lieng hinh 6

Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân ngày 2/9/1945. Ảnh: TTXVN

Như nhìn nhận của nhà sử học Dương Trung Quốc: Buổi lễ để lại một ấn tượng mạnh mẽ đối với những vị khách nước ngoài có mặt khi đó là các sĩ quan trong đơn vị Tình báo Chiến lược (OSS) của Hoa Kỳ. Trong hồi ức của mình, A. Patti - viên thiếu tá chỉ huy trưởng OSS, đã phải thốt lên lời nhận xét về tính tổ chức cao của những người cách mạng Việt Nam, cùng sức hưởng ứng mãnh liệt của cả một dân tộc thể hiện qua buổi lễ lịch sử.

Hà Anh

Bình Luận

Tin khác

Đại tướng Phan Văn Giang tri ân các đồng chí nguyên lãnh đạo Quân đội

Đại tướng Phan Văn Giang tri ân các đồng chí nguyên lãnh đạo Quân đội

(CLO) Đại tướng Phan Văn Giang mong muốn các đồng chí nguyên lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu tiếp tục quan tâm, theo dõi, có nhiều ý kiến đóng góp quý báu, tâm huyết để xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam ngày càng vững mạnh.

Tin tức
Khánh thành Bia truyền thống lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định

Khánh thành Bia truyền thống lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định

(CLO) Công trình hoàn thành không chỉ là niềm vui, phấn khởi của cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang Thành phố Hồ Chí Minh vì đã hoàn thành tâm niệm, sự ấp ủ của các thế hệ đi trước mà còn là nơi để cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang Thành phố tự hào về quá khứ đấu tranh hào hùng.

Tin tức
Đền thờ Anh hùng liệt sĩ tuyến Đường 1C: Biểu trưng để giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng

Đền thờ Anh hùng liệt sĩ tuyến Đường 1C: Biểu trưng để giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng

(CLO) Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tin tưởng rằng tỉnh Kiên Giang sẽ làm tốt trách nhiệm quản lý, bảo quản, giữ gìn và phát huy giá trị của Đền thờ Anh hùng liệt sĩ tuyến Đường 1C, xem như đây là biểu trưng để giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Tin tức
Kiên Giang thực hiện 'sáu đẩy mạnh' để phát triển Phú Quốc

Kiên Giang thực hiện "sáu đẩy mạnh" để phát triển Phú Quốc

(CLO) Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tỉnh Kiên Giang thực hiện "sáu đẩy mạnh" để phát triển Phú Quốc nhằm xây dựng thành phố Phú Quốc phát triển nhanh, bền vững, trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch biển đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế.

Tin tức
Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng nếu để xảy ra cháy rừng diện rộng

Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng nếu để xảy ra cháy rừng diện rộng

(CLO) Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra cháy rừng trên diện rộng và gây thiệt hại lớn về rừng trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý.

Tin tức