Ghé thăm nghệ nhân làm khuôn bánh Trung thu gỗ cuối cùng ở Hà Thành

Thứ ba, 16/08/2022 17:22 PM - 0 Trả lời

(CLO) Ở thời đại công nghệ 4.0, khuôn bánh Trung thu được người ta dần cải tiến làm bằng khuôn nhựa công nghiệp. Tuy nhiên, ở một làng nhỏ thuộc xã Tiền Phong, huyện Thường Tín (TP Hà Nội), vẫn còn một nghệ nhân lặng lẽ giữ gìn nét truyền thống của nghề làm khuôn bánh Trung thu bằng gỗ.

Gần 40 năm học nghề, làm nghề 

Nằm trong ngõ nhỏ của làng nghề Thượng Cung thuộc xã Tiền Phong, huyện Thường Tín (TP Hà Nội), khi hỏi người dân nơi đây về "ông Bản khuôn bánh Trung thu", thì bất kể từ trẻ cho đến người trung niên hay người già đều biết đến. Ông Trần Văn Bản (sinh năm 1966) được dân làng quý mến gọi tên "Nghệ nhân làm khuôn bánh", bởi ông nổi tiếng và có thâm niên gần 40 năm làm nghề, giữ nghề và sáng tạo ra nhiều mẫu mã, nhiều khuôn bánh có kích cỡ khác nhau. 

ghe tham nghe nhan lam khuon banh trung thu go cuoi cung o ha thanh hinh 1

Ông Trần Văn Bản có 4 căn nhà san sắt nhau, đều là nơi để đồ làm nghề tạo khuôn bánh Trung thu, nhưng nơi treo nhiều mẫu khuôn nhất mới là nơi ông làm việc hàng ngày - Ảnh: Đình Trung

Tò mò về điều này, phóng viên báo Nhà báo và Công luận đã lần theo địa chỉ, đến tận nơi để "mục sở thị". Gặp ông Bản, điều chúng tôi cảm thấy thú vị chính là một người đàn ông cởi mở, vui tính. Ông sẵn sàng chia sẻ mọi điều về công việc cũng như đam mê của mình. 

Nghệ nhân Trần Văn Bản tâm sự: "Lúc nhỏ tôi xem các cụ làm thì tôi có học theo và sau đó mày mò bắt trước đục những khuôn bánh đầu tiên. Trong khi đó, cha mẹ tôi không ai làm nghề mộc cả. Dần dần do đục đẽo thường xuyên nên bén duyên với nghề đục khuôn bánh Trung thu lúc nào không hay".

Ông Bản chia sẻ, đối với công việc này ông làm thường xuyên, lúc nào mệt thì nghỉ rồi lại tiếp tục đục đẽo những khuôn bánh Trung thu theo đơn đặt hàng của khách. Cận ngày Tết Trung Thu thì đơn hàng nhiều, thậm chí ông phải thức tới 1 đến 2 giờ sáng để cố hoàn thành xong đơn hàng. 

"Gỗ để làm khuôn bánh Trung thu khi mang về phải phơi vài ngày để không bị co ngót. Sau đó mới dùng máy tạo ra những hình vuông, hình chữ nhật vuông thành sắc cạnh. Sau đó lại để gỗ tiếp tục dầu dãi mưa nắng rồi mới kẻ, vẽ và lượn lưỡi cưa để tạo hình dáng cơ bản ban đầu", ông Trần Văn Bản kể. 

ghe tham nghe nhan lam khuon banh trung thu go cuoi cung o ha thanh hinh 2

Ông Bản đang cặm cụi những nhát đục trên khuôn bánh Trung thu kích cỡ lớn

Vừa nói chuyện, ông Bản vừa tay dùi tay đục đẽo những thớ gỗ đầy tinh tế, những đường nét của khuôn bánh Trung thu dần hiện rõ. Ông Bản chia sẻ, ông có 4 nhà xung quanh đều để các loại khuôn gỗ làm bánh Trung thu, tuy nhiên căn nhà để hàng trăm loại đục, dùi là nơi ông làm việc hàng ngày, nơi tạo ra những sản phẩm độc đáo, ấn tượng. Ông Bản cho xem một mẫu khuôn bánh, nói: "Đây là mẫu khuôn bánh Trung thu tự tay tôi đục đẽo cách đây vài ngày. Tuy nhiên, một số mẫu khuôn do người khác chuyển cho tôi nhờ tôi làm". 

"Tôi học nghề từ bé, bởi làng Tự Cung - nơi tôi sinh sống vốn có nghề mộc lâu đời, cho nên trẻ em ngay từ lúc nhỏ đã quen thuộc với tiếc đục đẽo, lạch cạch", ông Bản tâm sự. 

Đặc biệt, nghệ nhân Trần Văn Bản còn cho biết: "Hồi nhỏ khi thấy các cụ đục đẽo khuôn bánh Trung thu thì tôi cũng mày mò học theo. Cần bù cù siêng năng làm lâu cũng thành quen, thạo nghề. Khi đã quen nghề, thạo nghề rồi thì bất kỳ mẫu nào khách hàng đặt thì đều làm được hết".

Video ông Bản tạo khuôn bánh Trung thu 

X

Gần 40 năm học, làm nghề và giữ nghề làm khuôn bánh Trung thu với đủ 12 mẫu con giáp, những mẫu truyền thống như hoa sen, hoa cúc, cá chép... ông Bản còn cải biến, học thêm để cho ra những sản phẩm khuôn hình con rùa, hoa xếp tầng, thậm chí là mẫu khó như Chùa một cột. "Thời điểm đến vụ có nhiều đơn đặt hàng từ doanh nghiệp, tôi huy động cả các cháu, các con nhà chú, con nhà anh, cả nhà cùng hỗ trợ để kịp thời gian trả đơn", ông Bản tâm sự. 

Nhìn ông Bản cầm trên tay những dùi đục, rồi nhát gõ, đập đầy tinh tế, những thớ gỗ nhỏ vụn vung ra ngoài, chúng tôi thắc mắc: "Làm thế nào để đục được những khuôn bánh Trung thu đúng với trọng lượng bánh mà khách hàng đặt". Ông Bản không ngần ngại chia sẻ: "Có bí quyết làm chứ, ví đục chiếc bánh hình con cá, hình hoa hồng nặng khoảng 500g thì đục sâu bao nhiêu cm, rộng bao nhiêu cm cho khớp. Như khuôn bánh dẻo với khuôn bánh nướng hoàn toàn khác nhau. Hoa văn làm sao đường nét vẫn còn nguyên, khi cho vào lò nướng chất bánh vàng thì phải vàng đều. Kỹ thuật rất khó do vậy đòi hỏi kinh nghiệm, bền bỉ mới làm được". 

ghe tham nghe nhan lam khuon banh trung thu go cuoi cung o ha thanh hinh 3

Ông Bản đóng gói cẩn thận những thành phẩm do mình tạo ra để giao hàng cho khách theo đơn

Làm vì yêu nghề, vì mang lại niềm vui 

Ông Bản xong khâu tạo hình khuôn bánh Trung thu thì bà Phạm Thị Tâm - vợ ông Bản lại đảm nhận khâu đánh mịn những chi tiết nhỏ khuôn bánh bằng giấy ráp công nghiệp. Nhiều chi tiết quá nhỏ, bà Tâm phải gấp gọn mảnh giấy ráp, cẩn thận nhẹ nhàng đẩy xuống và đánh tỉ mỉ các sản phẩm. 

Bà Tâm vừa làm vừa giải thích: "Hai loại khuôn bánh Trung thu gồm bánh nướng và bánh dẻo đều có cách đánh khác nhau. Đối với bánh nướng thì phải đánh đều nét, để khi nướng lớp vỏ bên ngoài bắt lửa đều không bị cháy hay vàng không đều. Còn đối với bánh dẻo thì ngược lại".

Hai ông bà Bản - Tâm vừa làm vừa tươi cười vui vẻ, ông Bản cho biết vào năm ngoái có doanh nghiệp đặt đơn khuôn bánh Trung thu kích thước lớn nặng hơn 100kg. Do kích thước quá khổ nên chẳng có thân gỗ nào đủ để làm nguyên khối, ông Bản phải làm rồi chắp vá từng phần rồi ghép chúng lại với nhau. Tâm sự về chiếc khuôn khổng lồ đó, ông Bản cười nói: "Chiếc khuôn đó đường kính hàng mét, hoàn toàn làm chắp từng trên từng dưới làm sao cho đảm bảo, vì yêu cầu đường nét phải khớp với nhau để khi ghép lại không ai nghĩ đó là khuôn ghép". 

Bà Tâm - vợ ông Bản cũng cho hay: "Chiếc khuôn gần 100kg đó sau khi ghép xong tôi cũng phải mất 2 ngày để đánh giấy ráp. Kỳ công, tỉ mỉ những chi tiết nhỏ, cặm cụi đánh nhiều khi cũng ngại lắm nhưng trót nhận đơn hàng của khách rồi nên phải cố hoàn thành sản phẩm cho đúng ngày giao". 

Mẫu khuôn bánh Trung thu do vợ chồng ông Bản bà Tâm tạo ra

ghe tham nghe nhan lam khuon banh trung thu go cuoi cung o ha thanh hinh 4

Khu vực làm việc của ông Bản treo hàng trăm mẫu khuôn bánh Trung thu với đủ hình thù 12 con giáp, ngoài ra còn có những mẫu khuôn hình hoa hồng, cá chép và cả chùa Một cột...

ghe tham nghe nhan lam khuon banh trung thu go cuoi cung o ha thanh hinh 5

Nhiều mẫu khuôn với họa tiết, hoa văn đặc sắc do chính tay ông Bản tạo ra

ghe tham nghe nhan lam khuon banh trung thu go cuoi cung o ha thanh hinh 6

Cận cảnh mẫu khuôn bánh Trung thu hình cá chép và hình hoa xếp tầng

ghe tham nghe nhan lam khuon banh trung thu go cuoi cung o ha thanh hinh 7

Mẫu khuôn bánh Trung thu hình con Phượng

ghe tham nghe nhan lam khuon banh trung thu go cuoi cung o ha thanh hinh 8

Mẫu khuôn bánh Trung thu hình 12 con giáp

ghe tham nghe nhan lam khuon banh trung thu go cuoi cung o ha thanh hinh 9

Mẫu khuôn bánh Trung thu hình hoa hồng

ghe tham nghe nhan lam khuon banh trung thu go cuoi cung o ha thanh hinh 10

Mẫu khuôn bánh Trung thu hình cá chép

ghe tham nghe nhan lam khuon banh trung thu go cuoi cung o ha thanh hinh 11

Ngoài ra, còn vô số các mẫu khuôn bánh Trung thu khác do vợ chồng ông Bản bà Tâm tạo ra được bày trí trong không gian làm việc

ghe tham nghe nhan lam khuon banh trung thu go cuoi cung o ha thanh hinh 12

Thậm chí, ông Bản bà Tâm còn tận dung cửa sổ để treo những khuôn bánh Trung thu kích cỡ trung bình mà người dân ưa chuộng nhất mỗi khi đến xem...

Những mẫu khuôn được treo trong nhà đều là những mẫu đã đục xong, bà Tâm cho biết ngoài công ty, doanh nghiệp đặt hàng, bà con trong làng xóm cũng tới mua cận ngày Tết trung thu, khách thập phương cũng đến mua mẫu cũng khá nhiều. 

"Trước đây làm khuôn bánh Trung thu thì vô kể, làm quanh năm. Trong làng cũng nhiều người làm lắm. Nhưng mấy năm nay, khuôn công nghiệp bằng nhựa tuôn ra thị trường rất nhiều, các nhà bỏ nghề hết, đến bây giờ ở làng này chỉ còn duy nhất mỗi nhà tôi", bà Tâm chia sẻ. 

Cuối buổi, hai vợ chồng ông Bản bà Tâm lại xếp những khuôn bánh Trung thu đã ngả màu thời gian vào thùng, bà Tâm cởi mở chia sẻ: "Đây đều là những mẫu khuôn đã thành phẩm, chờ ngày xuất đi, tôi dọn để lấy chỗ làm thứ khác, đóng cũi trẻ em và đóng ghế gỗ cũng nhiều vô kể. Việc làm khuôn bánh Trung thủ chỉ theo thời vụ. Trước làm quanh năm sau làm từ thời điểm tháng Giêng đến hết tháng 8 Âm lịch. Mấy năm nay thì chỉ làm từ tháng Năm, mà đó là có mỗi nhà tôi làm thôi". 

Khi hỏi làng Tự Cung bỏ hết nghề rồi, sao ông bà vẫn cặm cùi làm nghề, kiên trì đến vậy, mỗi ngày làm dăm bẩy cái sao đủ sống. Ông Bản mỉm cười, bà Tâm cởi mở đáp lời: "Còn khách hàng đặt thì tôi làm, còn đơn còn làm. Ngoài thời gian làm những khuôn bánh thông thường, làm những mẫu khuôn đặc biệt xong, chúng tôi cảm thấy vui lắm". 

Nghe người phụ nữ quanh năm phụ chồng làm mộc, nuôi gà, chăm cháu tâm sự mới thấy được chiếc bánh Trung thu được tạo ra kỳ công, vất vả như thế nào. Giá trị của chiếc bánh Trung thu truyền thống không chỉ bởi nghệ nhân làm bánh, mà còn bởi đôi tay những người thợ đặc biệt như ông Bản, bà Tâm và gia đình - những người đã trổ vào khuôn bánh những nét tài hoa của mấy trăm năm làng nghề.

Trung Nguyễn

Bình Luận

Tin khác

Già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín... dâng hương báo công Chủ tịch Hồ Chí Minh

Già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín... dâng hương báo công Chủ tịch Hồ Chí Minh

(CLO) Sáng 19/4 (tức ngày 11 tháng 3 năm Giáp Thìn), tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, đại diện già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín, đồng bào các dân tộc trên khắp mọi miền Tổ quốc dâng hương báo công Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Đời sống văn hóa
12.000 đầu sách trưng bày tại Hội sách Hải Phòng năm 2024

12.000 đầu sách trưng bày tại Hội sách Hải Phòng năm 2024

(CLO) Hơn 20 gian hàng và khoảng 12.000 đầu sách với nhiều thể loại sách phong phú, đa dạng trưng bày tại Hội sách Hải Phòng năm 2024.

Đời sống văn hóa
Lễ hội đền Yên Lương là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

Lễ hội đền Yên Lương là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

(CLO) Tối 18/4, tại Quảng trường Bình Minh, UBND tỉnh Nghệ An và UBND thị xã Cửa Lò tổ chức công bố di sản phi vật thể quốc gia Lễ hội Đền Yên Lương.

Đời sống văn hóa
Chiêm ngưỡng 100 tác phẩm nghệ thuật đặc sắc của họa sĩ Văn Chiến

Chiêm ngưỡng 100 tác phẩm nghệ thuật đặc sắc của họa sĩ Văn Chiến

(CLO) Triển lãm “Kỷ niệm và Trải nghiệm: 100 Tác phẩm Nghệ thuật từ Họa sĩ Văn Chiến” sẽ diễn ra vào ngày 20/4/2024 tại Nhà Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam, số 16 Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Đời sống văn hóa
Từng bừng Lễ hội Nghinh Ông ở Đông Hải, Bạc Liêu

Từng bừng Lễ hội Nghinh Ông ở Đông Hải, Bạc Liêu

(CLO) Lễ hội Nghinh Ông ở Đông Hải là lễ hội dân gian truyền thống đặc trưng của ngư dân vùng ven biển, nhằm thể hiện lòng thành của ngư dân tạ ơn biển cả.

Đời sống văn hóa