Gia Lai: Gánh nặng cơm áo gạo tiền, phụ huynh “khoán trắng” con cho giáo viên

Thứ năm, 22/09/2022 09:21 AM - 0 Trả lời

(CLO) Cuộc sống khó khăn, gánh nặng cơm áo gạo tiền cùng nhận thức chưa đầy đủ về việc học của các con, nhiều phụ huynh đã “khoán trắng” cho giáo viên để có thời gian lên rẫy. Thậm chí, một số phụ huynh còn chẳng nhớ con sinh năm bao nhiêu, học lớp mấy?

Thiếu thốn đủ bề

Vượt chặng đường 80km từ TP Pleiku (Gia Lai), PV có mặt tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học (PTDTBTTH) Nay Der thuộc xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện (Gia Lai) từ sáng sớm. Dọc con đường vào trường là những tốp trẻ cùng nhau “cuốc bộ” đến trường, thật hiếm có thể bắt gặp trường hợp phụ huynh đưa con em đến trường.

gia lai ganh nang com ao gao tien phu huynh khoan trang con cho giao vien hinh 1

Để đến trường học chữ, nhiều em học sinh phải "cuốc bộ" từ 6-8km (ảnh Trần Hiền)

Theo cô Hồ Thị Năm - Hiệu trưởng Trường PTDTBDTH Nay Der, năm học 2022 - 2021 trường có 256 em, so với năm học trước tăng 33 em. Tuy nhiên, sĩ số này không được ổn định bởi một số là người dân tạm trú để làm ăn. Nếu không làm ăn được họ sẽ đi nơi khác, đồng nghĩa với việc các em cũng di chuyển theo bố mẹ. Học sinh ở trường đa số là người dân tộc Banar và Jrai. Trường có 2 điểm ở làng Trớ và làng Hek, hai điểm này cách trường từ 4-8km.

“Đời sống người dân ở đây còn nhiều khó khăn, học sinh thiếu thốn đủ bề đặc biệt là quần áo và sách vở. Nhằm đáp ứng điều kiện học tập cho các em, nhà trường thường xuyên vận động các mạnh thường quân, các đoàn thiện nguyện hỗ trợ giúp đỡ quần áo, sách vở, xe đạp… Đầu năm học mới 2022 - 2023, tôi mới xin được 80 bộ quần áo mới và sách vở phát cho các em. Tuy nhiên trường có tận 256 em nên còn thiếu rất nhiều, vẫn còn nhiều học sinh vẫn quần đùi, áo cộc đi học”, cô Năm chia sẻ.

gia lai ganh nang com ao gao tien phu huynh khoan trang con cho giao vien hinh 2

Đời sống người dân còn nhiều khó khăn, học sinh thiếu thốn đủ bề đặc biệt là quần áo và sách vở (ảnh Trần Hiền)

Được biết, năm học mới 2022 - 2023 hai lớp 3 và 4 ở điểm trường làng được chuyển ra trường chính để học tin học theo chương trình mới. Khi ra trường chính, học sinh sẽ được hưởng bán trú, tuy nhiên lại không có phương tiện để di chuyển. Trước tình hình trên, ban giám hiệu nhà trường đã kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ 10 chiếc xe đạp cho các em.

Đáng chú ý, cuộc sống khó khăn, gánh nặng về cơm áo gạo tiền khiến nhiều phụ huynh chưa tha thiết tới việc học của con em. Cũng vì vậy, tình trạng học sinh nghỉ học còn rải rác, đặc biệt là dịp tết và vụ mùa các em thường theo cha mẹ lên rẫy rồi ở lại khiến việc học bị gián đoạn. 

gia lai ganh nang com ao gao tien phu huynh khoan trang con cho giao vien hinh 3

Cuộc sống khó khăn, gánh nặng về cơm áo gạo tiền khiến nhiều phụ huynh chưa tha thiết tới việc học của các con em, vì vậy tình trạng học sinh nghỉ học còn rải rác (ảnh Trần Hiền)

“Mỗi lần các em nghỉ học, giáo viên đều phải đến tận thôn làng phối hợp với các cơ quan ban ngành vận động các em trở lại lớp. Công tác vận động gặp nhiều khó khăn bởi một số phụ huynh chưa thực sự quan tâm đến việc học của các con em. Một số phụ huynh cũng đưa các con tới trường, tuy nhiên rất ít phần lớn các em phải “cuốc bộ” từ 6-8 cây số để đến lớp. May mắn là vẫn còn chế độ bán trú nên các em được ăn bán trú, ở lại trường đến chiều mới về”, cô Năm cho hay.

Phụ huynh “khoán trắng”con cho giáo viên

Ngoài những phụ huynh luôn động viên các con em học hành, vẫn có không ít phụ huynh chưa thiết tha tới việc học con. Phần họ chưa nhận thức tầm quan trọng của việc học, phần vì cuộc sống quá khó khăn. Thậm chí một số phụ huynh còn chẳng nhớ con sinh năm bao nhiêu, học lớp mấy.

gia lai ganh nang com ao gao tien phu huynh khoan trang con cho giao vien hinh 4

Điểm trường làng Plei Hek thuộc Trường PTDTBT TH Nay Der (ảnh Trần Hiền)

9h sáng tại điểm trường làng Plei Hek, hàng chục đứa trẻ ê a đọc chữ khuấy động bầu không khi yên tĩnh ở xã nghèo. Điểm trường này có 2 lớp học với tổng số 34 em, tuy nhiên chỉ lác đác vài em có quần áo mới, số còn lại quần đùi, áo cộc đã nhuộm màu đất đỏ.

Chia sẻ với PV, cô Vũ Thị Khuyến - giáo viên chủ nhiệm lớp 1C điểm trường làng Plei Hek bộc bạch: “Đời sống kinh tế của người dân ở đây còn nhiều khó khăn nên nhiều phụ huynh chưa có thời gian quan tâm, hướng dẫn con em học hành. Một số phụ huynh thậm chí còn không biết con sinh năm bao nhiêu. Đầu năm học mới lớp có 2 em vắng là Đinh Sao và Ksor H’Vah. Hai em này nghỉ hè theo bố mẹ lên đỉnh núi Cheng Leng làm rẫy, rồi ở lại trên đó. Trước năm học mới giáo viên đã vận động nhiều lần nhưng 2 em vẫn chưa xuống lớp. Tại đây, phần lớn các em đều phải tự nấu cơm ăn và tự đi học bởi bố mẹ bận đi làm…”.

gia lai ganh nang com ao gao tien phu huynh khoan trang con cho giao vien hinh 5

Lớp 1C điểm trường làng Plei Hek lác đác 1 vài em có quần áo mới (ảnh Trần Hiền)

Kế bên lớp học 1C là lớp của cô Mai Thị Hường, lớp học này sĩ số có vẻ ổn định hơn. Tuy nhiên, điều kiện đến trường của các em cũng thiếu thốn đủ bề, đặc biệt là quần áo mới. “Các em học sinh ở đây rất ngoan ngoãn, lễ phép nhưng học lực còn yếu, tiếp thu chậm. Việc học của các con dường như được phụ huynh “khoán trắng” cho giáo viên. Hầu hết giáo viên ở 2 điểm trường làng sáng nào cũng phải có mặt sớm để kiểm tra sĩ số, vắng những em nào phải vào tận nhà chở các em ra. Nhiều lần chúng tôi đến nhà giao bài tập, hướng dẫn các em ôn lại kiến thức gần như chỉ có các con với căn nhà trống, bố mẹ thường xuyên lên rẫy”, cô Hường tâm sự.

Trao đổi với PV, ông Trần Quang Hùng - Bí thư Đảng ủy xã Chư A Thai cho biết: “Nhìn chung đời sống người dân từ khi triển khai xây dựng làng nông thôn mới đã được nâng lên khá nhiều. Tuy nhiên, kinh tế của người dân phụ thuộc vào nông nghiệp trồng lúa rẫy, mì… nên cũng còn nhiều khó khăn. Hiện tỷ lên hộ nghèo của xã hơn 30%. Một số hộ dân có con lớn đi làm các xí nghiệp trong và ngoài tỉnh thì kinh tế ổn định hơn.

gia lai ganh nang com ao gao tien phu huynh khoan trang con cho giao vien hinh 6

Gánh nặng cơm áo gạo tiền, phụ huynh “khoán trắng” việc học của con cho giáo viên (ảnh Trần Hiền)

“Vì cha mẹ làm trên rẫy (trên đỉnh núi) nên đôi lúc các em cũng theo bố mẹ lên đó rồi ở lại khiến công tác vận động học sinh đến lớp còn nhiều khó khăn. Đảng ủy, chính quyền địa phương cùng hệ thống chính trị các thôn, làng thường xuyên phối hợp với nhà trường trực tiếp lên núi vận động học sinh xuống lớp. Người dân ở đây đều cho con em đến trường, đặc biệt là tiểu học bố mẹ không cấm cản con đến trường. Tuy nhiên, điều kiện kinh tế còn khó khăn bà con cứ lo làm lụng, phát triển kinh tế… nên việc học của các con chưa được quan tâm sát sao”, ông Hùng cho biết thêm.

Trần Hiền

Bình Luận

Tin khác

Yêu cầu xử lý việc liên kết đào tạo với nước ngoài không đúng quy định

Yêu cầu xử lý việc liên kết đào tạo với nước ngoài không đúng quy định

(CLO) Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiện tượng việc tổ chức thực hiện hợp tác, đầu tư của nước ngoài tại một số cơ sở giáo dục chưa đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Giáo dục
Hà Nội công bố phương án tuyển sinh trường THPT chuyên

Hà Nội công bố phương án tuyển sinh trường THPT chuyên

(CLO) Học sinh tham gia tuyển sinh lớp chuyên phải qua sơ tuyển và thi, lấy điểm từ cao xuống thấp.

Giáo dục
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo 'Dinh dưỡng trong học đường'

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo "Dinh dưỡng trong học đường"

Hội thảo "Dinh dưỡng trong học đường" do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp cùng Công ty Ajinomoto Việt Nam tổ chức.

Giáo dục
Bài 1: Mua danh ba vạn hay bán danh…ba đồng?

Bài 1: Mua danh ba vạn hay bán danh…ba đồng?

(CLO) Hiện nay, nhiều người được gắn với danh xưng giáo sư, tiến sĩ tuy nhiên lại chưa được nhà nước công nhận mà do một vài tổ chức nước ngoài phong tặng. Điều này đang gây ra tranh cãi, liệu giá trị của những danh xưng này đến đâu?

Giáo dục
Tăng cường hợp tác giáo dục Việt Nam - Angola

Tăng cường hợp tác giáo dục Việt Nam - Angola

(CLO) Chuyến thăm và làm việc tại Angola của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, với tư cách đại diện Chính phủ Việt Nam, là minh chứng sinh động cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, là dấu mốc quan trọng và ý nghĩa đối với việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên.

Giáo dục