Gia Lai: Vỡ mộng đổi đời khi tin vào “việc nhẹ, lương cao”

Thứ năm, 07/07/2022 09:31 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Tin vào “việc nhẹ, lương cao”, nhiều thanh niên ở Gia Lai để lại mẹ già, vợ con để vào thành phố lớn với giấc mộng đổi đời. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau đó, họ liên tục gọi điện về cầu cứu vì bị đánh đập, bỏ đói, khiến gia đình họ phải vay “nợ” hàng trăm triệu đồng chuộc con, chuộc chồng.

Mẹ già, vợ bầu cạn nước mắt ngóng trông

Đó là câu chuyện dậy sóng trong những ngày qua tại Gia Lai. Nhóm thanh niên làng Kloong, xã Ia O, huyện Ia Grai (Gia Lai) vì nhẹ dạ, tin vào “việc nhẹ, lương cao” đã bị dụ dỗ, lừa xuất ngoại sang Campuchia làm việc.

Sự việc diễn ra vào khoảng đầu tháng 6, nhiều thanh niên người dân tộc thiểu số Jrai ở xã Ia O nghe tin ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương đang tuyển người không cần bằng cấp, chỉ cần biết đánh máy vi tính sẽ nhận được mức lương từ 18 - 20 triệu đồng. Với mức lương hấp dẫn này cùng công việc nhàn nhã, chỉ trong một đêm 7 thanh niên làng Kloong đã bất chấp sự ngăn cản của gia đình dứt áo ra đi với giấc mộng đổi đời. Thế nhưng, chỉ ít ngày sau đó họ đã nhận phải trái đắng khi bị đánh đập, bỏ đói, đòi tiền chuộc.

gia lai vo mong doi doi khi tin vao viec nhe luong cao hinh 1

Người mẹ già ngày đêm khóc cạn nước mắt ngóng chờ tin con trở về.

Trở về xã Ia O vào một chiều đầu tháng 7, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến khung cảnh buồn bã, ảm đạm nơi đây. Trước hiên nhà, những người mẹ, người vợ cạn nước mắt ngóng chờ con, chờ chồng trở về khiến chúng tôi chẳng thể cầm được nước mắt xót thương.

Tâm sự với PV, bà B. (trú tại làng Kloong) khóc lóc kể lại: “Đầu tháng 6, con tôi cháu Ksor C. (SN 2003) được thanh niên trong làng rủ đi TP. Hồ Chí Minh làm việc. Lúc đó tôi có hỏi thì cháu nói không cần giấy tờ gì, lương mỗi tháng gần 20 triệu đồng. Tôi cũng thấy lạ vì tại sao đi đến các thành phố lớn làm mà không cần giấy tờ, thủ tục gì mà lương cao vậy nên tôi đã ngăn cản cháu nhưng nó nhất quyết không nghe”.

Thế rồi trong đêm tối, em C. cùng 6 thanh niên trong làng bí mật đi trong đêm, bỏ mặc sự ngăn cản của gia đình. Từ ngày con trai đi khỏi nhà, bà B. không thể chợp mắt vì lo lắng, nhớ con. Từ sáng đến tối bà chỉ ngồi trước hiên nhà để chờ con về.

“Đi được 10 ngày nó gọi điện về cầu cứu. Nó nói con bị lừa sang Campuchia nhưng không làm được việc nên bị người ta bỏ đói, đánh đập. Muốn trở về thì phải gửi sang 150 triệu đồng mới cho về. Gia đình tôi nghèo lắm, quanh năm sống nhờ mấy cây lúa rẫy thì kiếm đâu ra mấy trăm triệu mà chuộc con. Tôi chỉ mong chính quyền, công an giúp đỡ sớm đưa được cháu về nước”, bà B. òa khóc.

Tương tự, bà P. (làng Kloong) cũng có 2 người con trai là T. (SN 1994) và Đ. (SN 1998) bị lừa xuất ngoại khi tin vào “việc nhẹ, lương cao”. Gia cảnh nghèo khó, khi cả gia đình chỉ có căn nhà rách nát, xiêu vẹo nơi sinh sống của ba thế hệ là bà P. con và cháu. Quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng cũng chẳng đủ ăn nên khi nghe có công việc lương cao, hai anh em T. đã bàn nhau ra đi với hy vọng sẽ mang đến cuộc sống tốt đẹp cho mẹ già, vợ con.

gia lai vo mong doi doi khi tin vao viec nhe luong cao hinh 2

Vì tin vào việc nhẹ lương cao nhiều thanh niên để lại mẹ già vợ con vào thành phố lớn với giấc mộng đổi đời để rồi nhận trái đắng.

“Trước đó, anh ấy có nói là muốn xuống TP. Hồ Chí Minh vì có việc nhẹ nhưng lương rất cao. Lúc ấy tôi đã can ngăn anh vì muốn anh ở nhà cùng mình đón con trai chào đời. Tuy nhiên, gạt mọi sự khuyên ngăn của tôi và mẹ, anh ấy vẫn quyết ra đi. Nhưng đi được mấy ngày thì anh gọi điện về yêu cầu gia đình gửi 90 triệu đồng để được trở về nước. Nếu không chuyển số tiền trên, chồng tôi sẽ bị chuyển nơi khác làm và không được về nữa”, chị Siu N. (vợ của anh Đ.) nói trong nước mắt.

Mở rộng chuyên án để đấu tranh, triệt phá đường dây mua, bán người

Theo thống kê của Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Gia Lai), gần 6 tháng đầu năm 2022 có ghi nhận khoảng 43 thông tin trình báo bị lừa đảo qua mạng, với tổng số tiền thiệt hại hơn 26 tỷ đồng. Các thủ đoạn đa số là hình thức lừa đảo như tuyển cộng tác viên bán hàng, mời đầu tư tiền ảo, giả danh cán bộ thông báo án phạt… Mới đây, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng nhận được nhiều người dân trình báo về thủ đoạn mới là lừa đi làm việc tại Campuchia với mức lương hằng tháng 800 đến 1.000 USD.

Vì không có việc làm ổn định, một số nạn nhân đã tin, đồng ý đi làm việc tại Campuchia. Tại đây, họ được đưa vào sống trong các căn hộ chung cư do người Trung Quốc quản lý. Công việc hằng ngày là qua mạng xã hội gọi điện về Việt Nam lừa đảo người trong nước bằng các hình thức tuyển cộng tác viên bán hàng, kêu gọi đầu tư, lôi kéo dụ dỗ đi làm việc tại Campuchia… Nếu không đạt chỉ tiêu, họ sẽ bị phạt ít nhất 1.000 USD, bị đánh đập, bỏ đói rồi sau đó buộc phải gọi điện cho người nhà đòi tiền chuộc. Họ chỉ được thả khi gia đình đã nộp hàng trăm triệu đồng cho chúng để chuộc thân.

Liên quan đến sự việc trên, mới đây (ngày 3/7) Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm (PCMT&TP), Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đã phối hợp với Đoàn Đặc nhiệm PCMT&TP miền Nam, Cục PCMT&TP Bộ đội Biên phòng giải cứu thành công các nạn nhân trong vụ đưa người sang Campuchia, đưa về sân bay Pleiku an toàn.

Hai công dân được giải cứu thành công là Puih Phú (16 tuổi) và Puih Thái (28 tuổi), đều trú tại làng Kloong, xã Ia O. Đây là hai trong số bảy nạn nhân đã bị đối tượng Trần Quang Quyết (21 tuổi, trú tại thôn 7, xã Ia Đal, huyện Ia Hdrai, tỉnh Kon Tum) lừa đảo, dụ dỗ vượt biên trái phép sang Campuchia làm việc nhẹ, lương cao.

gia lai vo mong doi doi khi tin vao viec nhe luong cao hinh 3

Cũng vì cuộc sống khó khăn, 2 người con của bà B. đã đi theo nhóm thanh niên làng với giấc mộng đổi đời để lại mẹ già, vợ con ngày đêm trông ngóng.

Theo các nạn nhân, sau khi sang Campuchia, họ phải làm việc với cường độ cao, bị đánh đập thường xuyên bằng gậy và dây diện, bị dọa bán hoặc đưa ra biển giết. Khi các nạn nhân muốn trở về nhà, các đối tượng buộc gia đình phải trả từ 100-150 triệu đồng để “bồi thường hợp đồng lao động”.

Hiện Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai vẫn đang tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng mở rộng chuyên án để đấu tranh, triệt phá đường dây mua, bán người có dấu hiệu cưỡng bức này.

Trung tá Đinh Văn Sơn - Phó trưởng Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo người dân cần tỉnh táo, cảnh giác trước những lời mời làm việc nhẹ lương cao trên internet, nhằm tránh những bẫy lừa của tội phạm.

“Người dân khi có nhu cầu tìm việc làm cần phải tìm hiểu kỹ các thủ tục theo quy định về hợp đồng lao động. Đồng thời, tìm hiểu công việc, nơi làm thông quan chính quyền định phương hoặc cơ quan của ngành Lao động Thương binh - Xã hội để được hướng dẫn, tư vấn cụ thể. Cần phải thật sự tỉnh táo trước những thông tin trên mạng xã hội, người dân cần có kiểm chứng để tránh việc bị lừa như trên”, ông Sơn nhấn mạnh.

Trần Hiền

Tin khác

Dự báo thời tiết 20/4/2024: Nắng nóng trải dài từ Bắc đến Nam

Dự báo thời tiết 20/4/2024: Nắng nóng trải dài từ Bắc đến Nam

(CLO) Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia: Dự báo thời tiết 20/4/2024, Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ, Tây Nguyên nắng nóng với nhiệt độ cao nhất có nơi trên 39 độ C.

Đời sống
Khách hàng nhận trái đắng khi mua hàng trên Shopee

Khách hàng nhận trái đắng khi mua hàng trên Shopee

(CLO) Ngày nay, mua sắm trực tuyến (online) đang là xu thế được rất nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Song, bên cạnh những tiện ích trong mua sắm, việc mua hàng trên mạng cũng tiềm ẩn nguy cơ cao mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Đời sống
Ninh Thuận muốn trở thành trung tâm năng lượng lớn nhất cả nước

Ninh Thuận muốn trở thành trung tâm năng lượng lớn nhất cả nước

(CLO) Cho biết năng lượng tái tạo và du lịch được quy hoạch là 2 trong những mũi nhọn kinh tế, Ninh Thuận sẽ hiện thực hóa quy hoạch để trở thành trung tâm năng lượng lớn nhất cả nước.

Đời sống
Thiếu niên 13 tuổi mất tích khi tắm sông

Thiếu niên 13 tuổi mất tích khi tắm sông

(CLO) Chiều 19/4, thông tin từ UBND xã Kim Xuyên, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, trên địa bàn xã vừa xảy ra một vụ đuối nước khiến 1 thiếu niên mất tích.

Đời sống
Hà Nội: Phát hiện 1 tấn thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc

Hà Nội: Phát hiện 1 tấn thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc

(CLO) Đội 17, Cục Quản lý thị trường Hà Nội (QLTT) vừa phát hiện 2 cơ sở kinh doanh tại huyện Thanh Trì đang bày bán hơn 1 tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Đời sống