Gia tăng tội phạm vị thành niên: Bé không vin, chưa lớn đã gãy cành!

Thứ sáu, 03/11/2023 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Mỗi năm, 13.000 thanh thiếu niên vi phạm pháp luật như đua xe, cướp giật, đánh nhau. Phần lớn đối tượng phạm tội có tuổi đời rất trẻ, thậm chí trong độ tuổi vị thành niên, nhưng lại thực hiện các hành vi phạm tội manh động, nguy hiểm, để lại hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội.

Khi những đứa trẻ phạm tội

Vừa qua, vụ việc một thiếu niên 14 tuổi bỏ bả chó vào sữa khiến cha ruột và bà nội tử vong tại xã Hòa Hưng (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) khiến dư luận bàng hoàng. Nguyên nhân bước đầu được xác định do người cha thường xuyên say rượu, đánh đập, gây mâu thuẫn với con.

Thời gian qua, nhiều vụ án rúng động cũng từ thủ phạm là các thanh, thiếu niên với mức độ phạm tội nghiêm trọng. Có thể thấy, không chỉ gia tăng về số lượng, càng ngày mức độ, thủ đoạn phạm tội của thanh, thiếu niên càng diễn biến phức tạp, tinh vi. Thống kê sơ bộ cho thấy, mỗi năm, trung bình cả nước có khoảng 13.000 thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật từ đua xe trái phép, đánh nhau, gây mất trật tự cho đến nhiều hành vi khác như cố ý gây thương tích.

Đặc biệt những năm gần đây còn gia tăng tình trạng thanh, thiếu niên tụ tập sử dụng ma túy trái phép. Không ít vụ việc cơ quan công an đột kích các “ổ” tụ tập sử dụng ma túy cho thấy nhiều thành viên, nhiều nhóm là thiếu niên chưa đến tuổi thành niên nhưng đã có tiền sử dụng ma túy nhiều năm. Nhiều em vì chích hút ma túy mà bị dụ vào con đường buôn bán chất cấm. Cạnh đó, loại hình tội phạm công nghệ cao, xâm phạm an ninh quốc gia cũng đã xuất hiện nhiều trường hợp dưới 18 tuổi.

gia tang toi pham vi thanh nien be khong vin chua lon da gay canh hinh 1

Theo một số thống kê cho thấy, tình hình phạm tội ở lứa tuổi vị thành niên sẽ có tỷ lệ, cách thức tương đối khác nhau giữa các vùng miền, khu vực. Tại các thành phố lớn, đô thị đông đúc dân cư, nơi tập trung các khu công nghiệp, tập trung nhiều dân “tứ xứ”, tỉ lệ phạm tội vị thành niên sẽ lớn hơn nhiều, từ đó mức độ phạm tội, hình thức phạm tội cũng đa dạng, phức tạp hơn so với các khu vực nông thôn.

Tại TP. Hồ Chí Minh, ghi nhận của cơ quan chức năng cho thấy, trong năm 2022 có 2.628 trường hợp phạm tội là thanh thiếu niên dưới 30 tuổi, chiếm 52,85% tổng số đối tượng bị bắt giữ. Hầu hết những đối tượng này đều phạm tội lần đầu, không nghề nghiệp hoặc có nghề nghiệp nhưng không ổn định, trình độ học vấn thấp, lười lao động.

Theo số liệu từ Công an thành phố Hà Nội, năm 2022 và sáu tháng đầu năm 2023, lực lượng chức năng đã điều tra, xử lý 99 vụ, làm rõ 1.458 đối tượng, trong đó có ba vụ với 31 đối tượng có hành vi điều khiển xe máy lạng lách, đánh võng, di chuyển tốc độ cao; xử lý hình sự 19 đối tượng. Trong số đó, có 34,8% đối tượng vi phạm dưới 16 tuổi, 46% từ đủ 16 đến dưới 18; đối tượng chủ yếu là học sinh cấp trung học phổ thông; có 23,5% trong số đó là học sinh đã bỏ học; hơn 96%, đối tượng chưa có tiền án, tiền sự.

Làm gì để ngăn chặn bi kịch?

Tội phạm ngày càng trẻ hóa không còn là câu chuyện riêng của các cơ quan chức năng mà đó là chuyện của mỗi gia đình, xã hội và của chính bản thân thanh thiếu niên. Chỉ vì một phút không làm chủ được bản thân để rồi hậu quả đằng sau mỗi vụ án bao giờ cũng là những giọt nước mắt, những nỗi đau… mà nỗi đau ấy sẽ còn lớn hơn khi thủ phạm chỉ là những cậu bé, cô bé mới chập chững bước vào đời để rồi đánh mất cả tương lai, tuổi trẻ… Thực tế này đòi hỏi cần sớm có các giải pháp giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn xu hướng trẻ hóa tội phạm hiện nay.

gia tang toi pham vi thanh nien be khong vin chua lon da gay canh hinh 2

Tội phạm vị thành niên là một trong những nhóm tội phạm được quan tâm cao ở tất cả các quốc gia. Ở Việt Nam, tội phạm dưới 18 tuổi có tính chất đặc thù, được pháp luật quy định thành một nhóm đối tượng riêng, có chính sách đặc biệt. Theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam, người từ đủ 14 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp, còn người từ đủ 16 tuổi trở lên thì phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi hành vi phạm tội. Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác”.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tình hình tội phạm vị thành niên ngày càng diễn biến phức tạp, độ tuổi phạm tội ngày càng trẻ hóa. Có những đối tượng mới ở tuổi thiếu niên nhưng đã thực hiện các hành vi phạm tội nghiêm trọng như trộm cướp, giết người, buôn bán, sử dụng ma túy. Thậm chí có nhiều “trẻ em” có những hành vi phạm tội có tổ chức, có mục đích, tính toán, mưu đồ phạm tội rõ ràng, rành mạch, gây ra hậu quả nghiêm trọng, nhưng không ít trường hợp khó xử lý, không thể xử lý vì chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Những thực trạng này đặt ra nhiều vấn đề trong việc nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi các quy định pháp luật, các nghị định và thông tư hướng dẫn sao cho phù hợp với thực tiễn.

Ngoài khía cạnh pháp lý, vụ việc ở Tiền Giang cũng khiến nhiều người trăn trở: Vì sao một đứa trẻ 14 tuổi lại gây ra án mạng, thậm chí là với người ruột thịt và phải làm gì để không xảy ra những vụ việc đau lòng tương tự ?

Lời khai ban đầu của P.M.Q tại cơ quan điều tra cho thấy cha mẹ Q. ly thân, ba anh em Q. ở với mẹ. Cha Q. thường xuyên uống rượu, khi Q. khuyên cha bỏ rượu thì bị la mắng, nên Q. nảy sinh ý định giết cha. Thượng tá Đào Trung Hiếu, tiến sĩ tội phạm học, cho rằng “đạo đức xuống cấp” chính là nguyên nhân khiến thảm kịch xảy ra.

Trẻ em thường chịu sự tác động của hội chứng rối loạn tâm lý tuổi mới lớn, khi sự chín chắn, trưởng thành bắt đầu định hình nhưng tâm lý tuổi thơ vẫn đang tồn tại, khiến trẻ chênh chao, dao động. Thói quen sống phóng túng, hưởng thụ, tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân… dẫn tới phản ứng tiêu cực của trẻ khi gặp tác động bất lợi từ môi trường sống. Trẻ dễ cảm thấy bị tổn thương, kích động, sẽ có nhu cầu giải tỏa bức xúc bằng các biện pháp bạo lực, gây hại cho đối tượng được cho là nguyên nhân dẫn đến ức chế của mình, mà không suy nghĩ nhiều đến hậu quả.

Tuy nhiên, những lệch lạc trong tâm lý trẻ em không phải tự nhiên mà có, đó là kết quả của quá trình chịu tác động bất lợi từ môi trường gia đình, nhà trường và xã hội. Trẻ bị bủa vây từ trò chơi bạo lực, ấn phẩm phản văn hóa trên không gian mạng và phim ảnh. Do áp lực cuộc sống, nhiều bậc cha mẹ không có thời gian quan tâm đến con, sợi dây liên kết giữa các thành viên trong gia đình trở nên lỏng lẻo, hay như việc tỷ lệ ly hôn ngày càng cao. Trong hoàn cảnh ấy, trẻ lớn lên mà thiếu vắng sự bảo ban, quan tâm, uốn nắn kịp thời từ người lớn. Chưa kể, có gia đình thiếu hòa khí, cha mẹ thường xuyên cãi cọ, đánh nhau; hoặc giáo dục con bằng bạo lực, ép học hành quá mức để đạt thành tích cao…, để lại những vết hằn trong tâm lý của trẻ. Khi không được chăm sóc, giáo dục đúng cách, trẻ rất dễ nảy sinh cảm giác thất vọng về gia đình, về cha mẹ, dẫn tới chán ghét, thậm chí căm thù người sinh thành ra mình.

Để phòng ngừa, ngăn chặn hiện tượng trẻ hóa tội phạm, Thượng tá Đào Trung Hiếu nhận định giải pháp căn cơ nhất là giáo dục. Triết lý giáo dục cần thay đổi, hướng đến việc bồi dưỡng nhân cách thay vì chăm chăm nhồi nhét kiến thức. “Nếu thiếu vắng đi việc dạy làm người, sản phẩm đầu ra sẽ chỉ là những con rô bốt” - ông Hiếu nói.

Trẻ em cần được giáo dục về đức tính vị tha, về các phẩm chất như nhẫn (sự kiên trì, chịu đựng áp lực cuộc sống), dũng (sự mạnh mẽ, dám nghĩ dám làm, dám bảo vệ lẽ phải, điều thiện, sự công bằng), tĩnh (sự bình tĩnh, kiềm chế trước những sự bất như ý, kiểm soát được cảm xúc, các quá trình tâm lý của bản thân). Việc giáo dục không chỉ bằng giáo huấn, bản thân người lớn phải nêu gương từ hành động của chính mình.

Quan trọng nhất, gia đình, nhà trường và xã hội cần tạo cho trẻ môi trường thuận lợi để phát triển nhân cách tích cực, tiến bộ, nhân văn; cần phát huy truyền thống đạo đức của gia đình Việt Nam, duy trì gia phong, gia đạo, ông bà cha mẹ gương mẫu, con cháu thảo hiền…

“Một gia đình hạnh phúc, đoàn kết, yêu thương, tôn trọng nhau sẽ là nền tảng tốt nhất hình thành nhân cách đúng đắn cho trẻ” - Thượng tá khẳng định.

Ngăn chặn tận gốc thực trạng tội phạm vị thành niên gia tăng không chỉ là nhiệm vụ của bất cứ một cá nhân, tổ chức, ban, ngành nào, mà là sự phối hợp, chung tay của toàn xã hội. Cần có cơ chế rõ ràng để huy động và phân định trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể tham gia vào công tác phòng ngừa tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên.

Mặt khác, để giảm bớt được tình trạng tội phạm vị thành niên, cần “thay đổi tận gốc” với việc tăng cường giáo dục, đặc biệt là giáo dục về tội phạm, hỗ trợ tâm lý cho trẻ vị thành niên, các vấn đề giáo dục trong gia đình, các chương trình hỗ trợ, tạo công ăn việc làm cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt... Đồng thời, cần có các biện pháp giám sát và đánh giá thường xuyên quá trình tiến triển của các biện pháp ngăn chặn tội phạm ở lứa tuổi vị thành niên để bảo đảm tính hiệu quả và điều chỉnh khi cần thiết.

Khánh An

Tin khác

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn
Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

(NB&CL) Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay quá thấp so với mức chi tiêu cơ bản, mức sống thực tế của người dân và không phù hợp với sự biến động liên tục của mặt bằng giá. Điều này đã được giới chuyên gia cũng như báo chí lên tiếng khá nhiều nhưng cho tới nay, mức trừ gia cảnh vẫn không thay đổi...

Góc nhìn