Giá trị của chiến thắng hướng Đông Nam trong chiến dịch Hồ Chí Minh
(CLO) Hội thảo khoa học “Hướng Đông Nam trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử” do Bộ Quốc phòng, tỉnh ủy Đồng Nai tổ chức đã diễn ra tại TP. Biên Hoà, ngày 28/4.

Toàn cảnh buổi hội thảo "Hường Đông Nam trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử"
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hướng Đông Nam trên địa bàn tỉnh Đồng Nai do Quân đoàn 2 đảm nhiệm, có vai trò, vị trí quan trọng. Thắng lợi của Quân đoàn 2 trên hướng Đông Nam góp phần to lớn vào thắng lợi quyết định của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Phát biểu tại Hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh: “Góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng Sài Gòn - Gia Định, thống nhất đất nước, kết thúc vẻ vang sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Giá trị của thắng lợi trên hướng Đông Nam Chiến dịch Hồ Chí Minh ngày càng được khẳng định, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc”.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận một số nội dung nhằm làm rõ hơn chủ đề “Hướng Đông Nam trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử” như: Đấu tranh chính trị kết hợp với vũ trang trên hướng Đông Nam trong Chiến dịch Hồ Chí Minh; Lực lượng Tăng, thiết giáp trên hướng Đông Nam trong Chiến dịch Hồ Chí Minh; Bàn về chiến thuật các trận đánh trên hướng Đông Nam trong Chiến dịch Hồ Chí Minh; Lực lượng vũ trang Đồng Nai trên hướng Đông Nam Chiến dịch Hồ Chí Minh; Hướng Đông Nam trong Đại thắng mùa Xuân 1975 - Tầm vóc, ý nghĩa lịch sử…
Nhân chứng lịch sử - Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy (91 tuổi), nguyên Phó Tư lệnh Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, nguyên Quyền Tư lệnh Quân khu 2 đã kể lại những câu chuyện, cách tổ chức trận đánh của các đơn vị trực thuộc Quân đoàn 2 trên hướng Đông Nam.
Sau 3 ngày đêm chiến đấu, quân và dân ta ở hướng Đông Nam đã đánh sập hệ thống phòng ngự của quân đội Việt Nam Cộng hòa trên địa bàn Đồng Nai, chiếm giữ các cầu Xa Lộ, Đồng Nai, Sài Gòn, sông Buông, tạo điều kiện cho hướng mũi tiến công, đặc biệt là lực lượng thọc sâu của Quân đoàn 2 nhanh chóng đánh chiếm dinh Độc Lập, bắt giữ nội các chính quyền ngụy Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện trên đài phát thanh vào trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975. Đây cũng là thời điểm đánh dấu Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
Thiếu tướng, PGS, TS Vũ Quang Đạo, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, trình bày tham luận về chủ đề “Nét đặc sắc trong nghệ thuật tổ chức và sử dụng lực lượng trên hướng Đông Nam trong Chiến dịch Hồ Chí Minh” một lần nữa khẳng định về cách sử dụng lực lượng của ta là vô cùng tài tình, khiến địch bất ngờ, không kịp trở tay.
Trong đó có những cánh quân, lực lượng chủ lực làm cho địch phải khiếp đảm. Các đơn vị thuộc Quân đoàn 2 gồm 3 sư đoàn bộ binh, Lữ đoàn pháo binh 164, Lữ đoàn xe tăng 203, Lữ đoàn công binh 219, Sư đoàn cao xạ 673 (tổng quân số khoảng 40.000 người) phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương và các cánh quân khác đã làm nên những chiến công vang dội; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đập tan tuyến phòng thủ Đông Nam Sài Gòn của địch, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.