Giải Báo chí Quốc gia: 15 năm đãi cát tìm vàng!

Thứ hai, 21/06/2021 09:30 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Mặc dù được chấm trong bối cảnh cả nước đang căng mình chống đại dịch Covid-19, với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và vẫn phải bảo đảm thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, Giải Báo chí Quốc gia năm 2020 - mùa thứ 15 đã tìm được những nhà báo xứng đáng để vinh danh.

Bài liên quan

Giải Báo chí Quốc gia năm 2020 - mùa thứ 15 diễn ra trong những ngày làn sóng Covid lần thứ tư tràn vào Việt Nam. Mặc dù được chấm trong bối cảnh cả nước đang căng mình chống đại dịch Covid-19, với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và vẫn phải bảo đảm thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ đề ra là vừa chống dịch, vừa duy trì và phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống nhân dân thì những giám khảo, những nhà báo đầy uy tín của vòng chung khảo cũng đã tìm được những nhà báo xứng đáng để vinh danh. Từ 150 tác phẩm vào Chung khảo, Giải Báo chí Quốc gia năm 2020 đã cán đích với 01 giải đặc biệt, 9 Giải A, 25 giải B, 45 giải C, 32 giải KK - một sự vinh danh xứng đáng cho những ngày tác nghiệp đầy vất vả của báo chí Việt Nam giữa gian nan thời cuộc.

1. Năm nay, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia tổ chức xét tặng Giải Báo chí Quốc gia lần thứ 15; là mùa giải thứ năm trong nhiệm kỳ Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam Khóa X (2015 – 2020), với nhiều thành viên mới trong Hội đồng Giải và Hội đồng chung khảo.

Công việc tổ chức giải được thực hiện một cách nền nếp, bài bản qua 15 năm với 15 mùa giải. Đến nay, Giải ngày càng được sự tham gia chủ động, tích cực, hào hứng của các cấp Hội, các cơ quan báo chí và hội viên nhà báo, cộng tác viên trong cả nước.

Các Ban giúp việc của Hội đồng Giải đã nỗ lực cố gắng trong thời gian ngắn, triển khai các công việc sơ khảo với tiến độ sớm 1 tháng và đúng yêu cầu của quy trình tổ chức Giải và Điều lệ Giải.

Hội đồng Sơ khảo đã thực hiện đúng quy chế chấm Giải, làm việc với tính chuyên nghiệp và tinh thần trách nhiệm cao, thẩm định, chấm tác phẩm theo các tiêu chí về chất lượng nội dung và hình thức thể hiện, đã lựa chọn và trình lên Hội đồng chung khảo danh sách 151 tác phẩm thuộc 11 loại giải, được lựa chọn từ 1.823 tác phẩm đủ điều kiện dự Giải (năm 2019 là 1.602 tác phẩm). Đây là năm có số lượng tác phẩm dự giải cao nhất từ trước đến nay.

Các giám khảo chấm thể loại ảnh tại Vòng Chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XV - năm 2020. Ảnh: Sơn Hải

Các giám khảo chấm thể loại ảnh tại Vòng Chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XV - năm 2020. Ảnh: Sơn Hải

Tham dự Giải năm nay có 114 đơn vị cấp hội và 190 cộng tác viên, tham dự 11 loại giải theo quy định. Đặc biệt năm nay là năm thứ ba có tất cả 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố tham dự. Đây là kết quả của sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các cấp Hội và hội viên trong cả nước đối với Giải Báo chí Quốc gia.

2. Lần đầu tiên sau 15 năm tổ chức, đã có tác phẩm tiêu biểu, nổi trội để Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia trao giải Đặc biệt.

Hội đồng chung khảo nhận định, các tác phẩm dự giải đáp ứng được các tiêu chí xét chọn, được nêu trong “Hướng dẫn tuyển chọn” của Hội đồng Giải: phản ánh kịp thời, đậm nét các sự kiện chính trị lớn của đất nước trong năm 2020. Nổi bật là: việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XII, tiến tới Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đặc biệt báo chí tuyên truyền 75 năm ngày thành lập nước, 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, các hoạt động hướng tới Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; các nghị quyết, chính sách điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ; các hoạt động đối ngoại của Nhà nước Việt Nam trong năm 2020;... việc xây dựng và củng cố hệ thống chính trị, 10 năm phong trào xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại ngành nông nghiệp, giảm nghèo bền vững, an ninh năng lượng, v.v...

Nhiều vấn đề thời sự nóng bỏng được đề cập sâu sắc, như: đại dịch Covid–19 tác động sâu sắc chưa từng có tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, công cuộc khắc phục hậu quả lũ lụt, thiên tai nặng nề ở các tỉnh miền Trung; công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xử lý cán bộ sai phạm; vấn đề an ninh, quốc phòng, gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến; phòng chống thông tin xấu, độc hại trên mạng xã hội; cải cách hành chính, chính sách và cuộc sống, cơ chế quản lý kinh tế; khuyến khích thúc đẩy kinh tế tư nhân, kinh tế số và sản xuất nông nghiệp sạch, xây dựng đô thị thông minh và các đề tài truyền thống như lịch sử, văn hóa,...

Các tác phẩm dự giải đã phản ánh toàn diện và sâu sắc đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước trong năm 2020. Nhiều tác phẩm có tính phát hiện, phản biện sâu, bám vấn đề, có hiệu quả xã hội tích cực. Nhiều tác phẩm dự Giải có tính phát hiện vấn đề, có tầm ảnh hưởng xã hội và thể hiện một cách chuyên nghiệp, hấp dẫn,… Tuy nhiên, vẫn còn một trường hợp vào chung khảo nhưng sai quy định, đã bị loại.

Quá trình chấm chung khảo được thực hiện đúng Điều lệ Giải và quy chế của Hội đồng chung khảo.

3. Giải Báo chí Quốc gia năm 2020 đánh dấu một chặng đường 15 năm đãi cát tìm vàng, vinh danh những nhà báo, tờ báo xứng đáng của Báo chí Cách mạng Việt Nam. Giải Báo chí Quốc gia là sự kiện lớn thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo giới cả nước, là giải thưởng cao quý nhất dành tặng cho các tác phẩm báo chí xuất sắc, tôn vinh các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm xuất sắc nhất hằng năm. Đó không chỉ là niềm tự hào của mỗi tác giả, mỗi cơ quan báo chí có tác phẩm đoạt giải mà là niềm tự hào chung của những người làm báo Việt Nam.

Bởi lẽ, sự vinh danh đó là sự khẳng định vai trò, sứ mệnh của những người làm báo trong thời đại bùng nổ thông tin, sự xuất hiện của mạng xã hội tạo ra sự cạnh tranh, giành bạn đọc giữa báo chí chính thống và những thông tin trên mạng xã hội. Cuộc cạnh tranh ấy đặt ra một vấn đề: Báo chí sẽ tự đánh mất “mặt trận” của mình nếu như không vững vàng, nếu như không mang lại những thông tin chính xác, mang lại sự thật đáp ứng yêu cầu của bạn đọc.

Đòi hỏi về một nền báo chí chất lượng cao chưa bao giờ được đặt ra bức thiết như hiện nay mà ở đó, phóng viên, toà soạn đóng vai trò trung tâm, quyết định để gây dựng lòng tin cho công chúng, bạn đọc.

Những giải thưởng từ Giải Báo chí Quốc gia hằng năm mang lại niềm tin lớn: Vẫn còn rất nhiều nhà báo chấp nhận dấn thân, nhiều cơ quan báo chí đã khẳng định bản lĩnh bằng việc đưa ra những vấn đề nóng, những vấn đề đã từng được cho là “nhạy cảm”. Những vấn đề “nóng” đặc biệt là những tuyến bài phản ánh, phê phán tiêu cực, tham nhũng, cái xấu trong xã hội được tôn vinh lại chính là sự động viên, cổ vũ các nhà báo, cơ quan báo tiếp tục trên con đường báo chí cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng từ 96 năm trước. Để dấn thân với nghề, dấn thân phục vụ bạn đọc người làm báo phải đối mặt với nhiều áp lực, nguy hiểm. Hầu hết những tác phẩm được giải đều có giọt mồ hôi, nước mắt, thậm chí có cả máu của nhà báo.

Thời cuộc đang thử thách đất nước, đồng thời thử thách cả đội ngũ những người làm báo khi mà nhiều vấn đề nội tại của các cơ quan báo chí đang bộc lộ cùng một lúc. Mỗi mùa Giải Báo chí đi qua, khi vòng nguyệt quế vinh danh đã được trao cho người xứng đáng, những người làm báo Việt Nam sẽ có thêm động lực trên hành trình làm tròn sứ mệnh- là cầu nối giữa người dân và Chính phủ, để tiếng nói của người dân đến gần với các cơ quan chức năng, tạo ra những thúc đẩy cho sự thay đổi cơ chế vì dân và gần dân.

Có một điều chắc chắn là tác giả của những bài báo được vinh danh khi đặt bút viết đều không “vì giải thưởng”. Giải thưởng báo chí không phải là đích đến của họ. Sứ mệnh của mỗi nhà báo không phải “viết báo để lấy giải thưởng” mà cao hơn đó là “góp phần xây dựng một nền báo chí giàu tính chiến đấu, giàu tính nhân văn, chuyên nghiệp hiện đại” và mục tiêu của mỗi nhà báo “làm nghề là để phục vụ lợi ích của đất nước, nhân dân”. Khi xác định và theo đuổi sứ mệnh ấy bằng tài năng, bằng sự dấn thân, dũng cảm thì các nhà báo, các tòa báo sẽ có được sự ghi nhận không chỉ là những giải thưởng mà cao hơn, đó là lòng tin của bạn đọc, của người dân.

Khánh An

Tin khác

Để các sở, ngành và địa phương nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách

Để các sở, ngành và địa phương nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách

(CLO) Ngày 22/4, UBND tỉnh Long An tổ chức Hội nghị trực tiếp và trực tuyến tập huấn về phát ngôn, giao tiếp báo chí và nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách năm 2024. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ngành và địa phương.

Nghề báo
Rà soát các chương trình có quảng cáo cờ bạc, cá độ trái phép trên truyền hình

Rà soát các chương trình có quảng cáo cờ bạc, cá độ trái phép trên truyền hình

(CLO) Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa phát đi văn bản cảnh báo gửi các Đài phát thanh, truyền hình, đơn vị hoạt động truyền hình, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền về việc kiểm soát, ngăn chặn quảng cáo cờ bạc, cá độ trái phép trên truyền hình.

Nghề báo
Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn vinh danh 20 doanh nghiệp có văn hóa đọc tốt năm 2024

Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn vinh danh 20 doanh nghiệp có văn hóa đọc tốt năm 2024

(CLO) Ngày 22/4, Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn và Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã vinh danh 20 doanh nghiệp có văn hóa đọc tốt năm 2024, góp phần trong phát triển văn hóa đọc trên địa bàn TP.HCM.

Nghề báo
Gần 620 tác phẩm tham dự Cuộc thi viết “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới”

Gần 620 tác phẩm tham dự Cuộc thi viết “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới”

(CLO) Ngày 22/4, Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội tổ chức gặp mặt báo chí thông tin về Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi viết “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới” lần thứ ba; phát động Cuộc thi viết lần thứ tư (2024-2025).

Nghề báo
Báo Thanh Hoá thông báo tuyển dụng 14 viên chức

Báo Thanh Hoá thông báo tuyển dụng 14 viên chức

(CLO) Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hoá vừa có thông báo về việc tuyển dụng viên chức Cơ quan Báo Thanh Hóa năm 2024.

Nghề báo