Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVI: Giữ lửa nghề luôn rừng rực cháy

Thứ ba, 21/06/2022 10:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Sau 2 năm COVID-19 hoành hành, sau 2 năm tạm gác những sự kiện dành cho mình, những người làm báo Việt Nam sẽ hội ngộ trong Lễ vinh danh dành cho những tác phẩm đoạt Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVI - năm 2021 được tổ chức vào ngày 21/6/2022- kỷ niệm 97 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVI sẽ có 10 giải A

Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVI - năm 2021 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các nhà báo, hội viên, cộng tác viên báo chí trong cả nước. Giải thu hút sự tham dự của 18 Liên Chi hội và 35 Chi hội trực thuộc. Đây cũng là năm thứ 5 liên tiếp Giải có sự góp mặt của đầy đủ 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố.

Số lượng tác phẩm gửi về dự Giải là 1.911 tác phẩm, ở mức cao thứ hai trong các mùa Giải Báo chí Quốc gia. Trong đó có 1.761 tác phẩm đủ điều kiện dự vòng sơ khảo theo quy định. Điều này cho thấy sức hút của Giải Báo chí Quốc gia và sự quan tâm, nhiệt tình hưởng ứng của các hội viên và các cấp Hội Nhà báo trong cả nước.

giai bao chi quoc gia lan thu xvi giu lua nghe luon rung ruc chay hinh 1

Các giám khảo tập trung chấm giải tại vòng Chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVI. Ảnh: Sơn Hải

Tuy chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 khiến hoạt động của các cấp Hội gặp nhiều khó khăn, nhưng hầu hết các đơn vị vẫn gửi tác phẩm đúng hạn, hồ sơ tác phẩm đạt yêu cầu. Phần lớn tác phẩm dự giải đáp ứng các tiêu chí xét chọn được nêu trong Hướng dẫn tuyển chọn của Hội đồng Giải. Các quy định về thời gian, tác giả, tác phẩm, nhóm thể loại, cơ bản được các đơn vị thực hiện đúng. Nhiều cấp Hội có nền nếp thực hiện tốt vẫn được duy trì.

Bước sang năm thứ 16, uy tín của Giải Báo chí Quốc gia ngày càng được khẳng định vững chắc, giá trị của giải được lan tỏa rộng khắp các cấp Hội và các hội viên. Nhiều Liên Chi hội, cấp Hội lớn vẫn duy trì được chất lượng tác phẩm dự Giải tốt như: Liên Chi hội Nhà báo Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Báo Quân đội Nhân dân, Trung tâm Phát thanh – Truyền hình Quân đội, Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh v.v...

Bên cạnh đó, nhiều Hội Nhà báo tỉnh có sự đầu tư trong công tác tuyển chọn, nâng cao chất lượng tác phẩm dự Giải như: Hội Nhà báo tỉnh Phú Thọ, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Bình, Đồng Nai, Đồng Tháp, Kon Tum v.v...

Quá trình chấm sơ khảo được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, chặt chẽ, đúng Hướng dẫn và Quy chế của Hội đồng Giải. 11 Tiểu ban của Hội đồng sơ khảo đã làm việc công tâm, minh bạch, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành chấm sơ khảo đúng thời hạn, đạt chất lượng tốt. Kết quả sơ khảo được tổng hợp đầy đủ và được gửi tới các thành viên Hội đồng chung khảo sớm, tạo điều kiện tốt hơn cho Hội đồng Chung khảo nghiên cứu, thẩm định tác phẩm.

Ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia cho biết Hội đồng chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVI - năm 2021 đã làm việc khẩn trương, nghiêm túc, công tâm và đã hoàn thành vòng chấm chung khảo, đạt được các mục tiêu đề ra. 35 ủy viên Hội đồng đã thảo luận và chấm 152 tác phẩm vào chung khảo với tinh thần khách quan, trách nhiệm. Hội đồng chung khảo đã thống nhất lựa chọn được 10 giải A, 22 giải B, 48 giải C, 35 giải Khuyến khích. 

Hội đồng chung khảo nhận định, tác phẩm dự giải đã đáp ứng được các tiêu chí xét chọn được nêu trong hướng dẫn tuyển chọn của Hội đồng Giải, phản ánh toàn diện và sâu sắc đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại của đất nước trong năm 2021.

Hội đồng đánh giá cao sự đổi mới trong cơ cấu và nâng cao chất lượng thẩm định của Hội đồng sơ khảo, đồng thời nêu một số vấn đề cần rút kinh nghiệm cho các mùa giải sau, nhất là công tác tuyển chọn ở cấp cơ sở và công tác tuyên truyền, quảng bá cho một số loại giải. 

Nhiều tác phẩm báo chí địa phương có sự đầu tư vượt trội

Chất lượng tác phẩm năm nay đồng đều hơn, khoảng cách giữa báo chí Trung ương và báo chí địa phương được thu hẹp ở nhiều nhóm thể loại. Nhiều tác phẩm báo chí địa phương có sự đầu tư vượt trội, nhất là ở loại hình phát thanh. Mức độ chênh lệch giữa các tác phẩm trong top đầu giữa các đơn vị báo chí Trung ương và địa phương đã gần như không còn.

Nhiều tác phẩm của các Đài PTTH các tỉnh, thành phố đã có sự tiến bộ về nội dung, về cách thể hiện, không khác biệt nhiều so với các đơn vị trước đây ở top đầu. Có những tác phẩm đã thể hiện rất rõ đặc trưng của phát thanh với sự kết hợp khá nhuần nhuyễn giữa các yếu tố lời nói, tiếng động hiện trường, tiếng động nhân vật, âm nhạc, tạo nên một bức tranh âm thanh liên tục và hấp dẫn.

Tác phẩm của các báo, đài tỉnh có sự tiến bộ về nội dung, cách thể hiện. Nhiều tác phẩm thể hiện sự tâm huyết, có tính sáng tạo, khám phá, có sức thu hút độc giả. Đặc biệt, mảng đề tài liên quan đến đại dịch COVID-19 chiếm tỷ lệ cao ở tất cả các loại hình báo chí. Nhiều tác phẩm chân thực, xúc động, lay động lòng người, thể hiện sự dấn thân của phóng viên, có tính lan tỏa cao trong xã hội.

Dù số lượng tác phẩm ảnh dự Giải vẫn thấp, không tương xứng với quy mô của đời sống báo chí hiện đại nhưng chất lượng các tác phẩm ảnh báo chí được Tiểu ban sơ khảo đánh giá cao. Nhiều tác phẩm được tổ chức, biên tập công phu, đúng quy định.

Các cơ quan báo chí địa phương đã tham gia tích cực, trong đó có một số tác phẩm có nội dung tốt, cách thể hiện chuyên nghiệp, tư duy hình ảnh hiện đại. Một số tác phẩm đã cho thấy sự dấn thân của phóng viên vào những nơi nguy hiểm của dịch bệnh, đeo bám đề tài nhằm tìm tòi những khoảnh khắc đẹp, ấn tượng, gây xúc động cho công chúng.

Nhóm thể loại Tin, phóng sự, ký sự cho thấy các phóng sự đề tài điều tra năm nay không nhiều nhưng vẫn tiếp tục duy trì được chất lượng tương đối tốt. Các đề tài tích cực, người tốt việc tốt tương đối cân bằng về số lượng và chất lượng so với đề tài phản biện. Đây là điểm mới so với mọi năm, khi thông thường các tác phẩm về đề tài phản biện thường nhiều hơn và nổi bật hơn.

Tuy nhiên vẫn còn tồn tại những tác phẩm tiếp tục chạy theo các đề tài khá cũ kỹ, mang tính chung chung. Một số phóng sự còn nghiêng về chủ đề mang tính khoa giáo như khám phá điểm đến hay công nghệ mới, hoàn toàn thiếu tính thời sự và không có vấn đề hay góc nhìn riêng.

Giữ “lửa” cho nghề

Kể từ ngày 29/3/2007, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt Đề án Giải Báo chí Quốc gia và giao Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin - Truyền thông và mời Ban Tuyên giáo Trung ương tham gia thực hiện, đến nay Giải Báo chí Quốc gia đã đi qua 16 mùa Giải.

Có thể khẳng định, cho đến thời điểm này, Giải Báo chí Quốc gia luôn là Giải danh giá nhất, có sức hút và trở thành “thương hiệu uy tín” của báo giới cả nước và xã hội. “Sân chơi trí tuệ” Giải Báo chí Quốc gia là sự tôn vinh, tạo hứng khởi cho niềm đam mê sáng tạo và những cống hiến không ngừng của những người làm báo Việt Nam; khẳng định niềm tin cậy, ủng hộ của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với “những chiến sỹ xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng”.

Với bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, tinh thông nghề nghiệp, các nhà báo đã không quản ngại khó khăn để sáng tạo được những tác phẩm báo chí tiêu biểu, mang đậm hơi thở cuộc sống với tính chiến đấu cao, có sức lan tỏa, tạo hiệu ứng xã hội tích cực, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Từ những bài học kinh nghiệm qua mỗi mùa Giải, chất lượng Giải Báo chí Quốc gia ngày càng được nâng cao, hướng đến sự chuyên nghiệp, góp phần  nâng tầm vị thế, thương hiệu của một giải thưởng Quốc gia.

Giải Báo chí Quốc gia là sự kiện lớn thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo giới cả nước, là giải thưởng cao quý nhất dành tặng cho các tác phẩm báo chí xuất sắc, tôn vinh các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm xuất sắc nhất hằng năm. Đó không chỉ là niềm tự hào của mỗi tác giả, mỗi cơ quan báo chí có tác phẩm đoạt giải mà là niềm tự hào chung của những người làm báo Việt Nam.

Bởi lẽ, sự vinh danh đó là sự khẳng định vai trò, sứ mệnh của những người làm báo trong thời đại bùng nổ thông tin, sự xuất hiện của mạng xã hội tạo ra sự cạnh tranh, giành bạn đọc giữa báo chí chính thống và những thông tin trên mạng xã hội. Cuộc cạnh tranh ấy đặt ra một vấn đề: Báo chí sẽ tự đánh mất “mặt trận” của mình nếu như không vững vàng, nếu như không mang lại những thông tin chính xác, mang lại sự thật đáp ứng yêu cầu của bạn đọc.

Dù rằng, các tác giả của những bài báo được vinh danh khi đặt bút viết đều không “vì giải thưởng”. Giải thưởng báo chí không phải là đích đến của họ nhưng những giải thưởng từ Giải Báo chí Quốc gia hằng năm mang lại niềm tin lớn: Vẫn còn rất nhiều nhà báo chấp nhận dấn thân, nhiều cơ quan báo chí đã khẳng định bản lĩnh bằng việc đưa ra những vấn đề nóng, những vấn đề đã từng được cho là “nhạy cảm”.

Những vấn đề “nóng” đặc biệt là những tuyến bài phản ánh, phê phán tiêu cực, tham nhũng, cái xấu trong xã hội được tôn vinh lại chính là sự động viên, cổ vũ các nhà báo, cơ quan báo tiếp tục trên con đường Báo chí Cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng từ 97 năm trước.

Sứ mệnh của mỗi nhà báo không phải “viết báo để lấy giải thưởng” mà cao hơn đó là “góp phần xây dựng một nền báo chí giàu tính chiến đấu, giàu tính nhân văn, chuyên nghiệp hiện đại” và mục tiêu của mỗi nhà báo “làm nghề là để phục vụ lợi ích của đất nước, nhân dân”

Khi xác định và theo đuổi sứ mệnh ấy bằng tài năng, bằng sự dấn thân, dũng cảm thì các nhà báo, các tòa báo sẽ có được sự ghi nhận không chỉ là những giải thưởng mà cao hơn, đó là lòng tin của bạn đọc, của người dân.

An Huy

Bình Luận

Tin khác

Trường Sa: Chuyến tác nghiệp hạnh phúc!

Trường Sa: Chuyến tác nghiệp hạnh phúc!

(CLO) Tham gia Đoàn công tác số 6/2024 thăm quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK-I, các phóng viên báo chí đã có một tuần trải nghiệm, tác nghiệp vất vả nhưng hạnh phúc giữa trùng khơi sóng vỗ...

Nghề báo
Hơn 250 phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Đền Hùng 2024

Hơn 250 phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Đền Hùng 2024

(CLO) Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ, Sở này đã đón tiếp, cấp thẻ, hỗ trợ tác nghiệp cho 251 phóng viên thuộc 66 cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương trong dịp Lễ hội Đền Hùng năm 2024.

Nghề báo
Khí phách 75 năm và lời hiệu triệu cho thế hệ làm báo thời đại mới

Khí phách 75 năm và lời hiệu triệu cho thế hệ làm báo thời đại mới

(NB&CL) Có một “điểm chạm” trong cảm xúc “về nguồn” của những người làm báo khi nhắc nhớ về một ngôi trường đặc biệt – Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Đó là cảm xúc tự hào về một “mốc son lịch sử” gắn liền với những chặng đường làm báo vinh quang dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy đầu tiên của báo chí cách mạng… Dù thời gian có xa xanh thì khí phách của một thời đẹp đẽ ấy sẽ mãi là những giá trị trường tồn, tiếp lửa cho thế hệ hôm nay.

Nghề báo
Hội Nhà báo Việt Nam bứt tốc trên hành trình phát triển

Hội Nhà báo Việt Nam bứt tốc trên hành trình phát triển

(NB&CL) Thành công của năm 2023 tiếp tục tạo đà cho Hội Nhà báo Việt Nam trong năm 2024 bứt tốc hơn nữa với nhiều nhiệm vụ mới. Đặc biệt, 2024 là năm thứ 3 các tổ chức Hội triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam, các Nghị quyết của Ban Chấp hành và Chương trình công tác toàn khóa nhiệm kỳ 2020 - 2025...

Nghề báo
Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024: Lan tỏa và truyền cảm hứng về tình yêu sách

Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024: Lan tỏa và truyền cảm hứng về tình yêu sách

(CLO) Tối 17/4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, Bộ Thông tin & Truyền thông phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba năm 2024.

Nghề báo