Báo chí thế giới và hành trình giành lại độc giả:

Giành lại độc giả trẻ: Sứ mệnh mới của báo chí

Thứ tư, 21/06/2023 14:11 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Trong bất cứ thời đại nào và lĩnh vực nào, việc tạo dựng được thế hệ người dùng trẻ có ý nghĩa sống còn. Điều này lại càng đúng và cấp thiết hơn với báo chí trong bối cảnh giới trẻ đang ngày càng xa lánh tin tức để đổ xô đến các nền tảng truyền thông xã hội (MXH).

Bài liên quan

Thậm chí, với vai trò soi sáng cho xã hội đến với những giá trị tốt đẹp, việc giành lại độc giả trẻ còn là một sứ mệnh cao cả với báo chí!

Những nguồn động lực từ giới trẻ

Như đã biết, báo chí thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng đang tiếp tục rơi vào khủng hoảng về mọi mặt, từ kinh tế, niềm tin và đặc biệt việc đánh mất độc giả ở mọi lứa tuổi. Hầu hết các cuộc khảo sát, cũng như sự nhận biết trong chính chúng ta, đều chỉ ra rằng độc giả đang ngày càng xa lánh tin tức truyền thống. Việc đánh mất độc giả, đặc biệt giới trẻ, có thể không phải chỉ do bản thân báo chí, mà bởi sự bùng lên quá nhanh của các MXH và các nền tảng công nghệ vốn có sự vượt trội về công nghệ và thậm chí cả các “thủ thuật” đáng chê trách.

Hay nói cách khác, thế giới báo chí có thể nói đã từng trải qua một thời gian như anh chàng ngây thơ, để rồi đã đánh mất quá nhiều thứ vào tay kẻ khác. Song đã đến lúc, thế giới báo chí cần phải tỉnh ngộ để nhận ra rằng giờ phải giành lại những gì đã mất và đặc biệt chiến đấu để có một tương lai bền vững hơn, chứ chưa cần nói đến sáng lạn hơn.

gianh lai doc gia tre su menh moi cua bao chi hinh 1

Nghiên cứu cho thấy giới trẻ sẵn sàng trả tiền cho tin tức. Ảnh Internet.

Trong sứ mệnh giành lại độc giả, có rất nhiều đối tượng độc giả mà báo chí cần nhắm đến, nhưng không thể phủ nhận độc giả trẻ chính là nguồn quan trọng nhất để giới báo chí có thể xoay chuyển tình thế, chuyển bại thành thắng. Về cả sự tồn tại của chính mình lẫn đạo đức nghề nghiệp, giới báo chí đều phải giành chiến thắng trong cuộc chiến này.

Trước tiên, một vấn đề lớn và rất thực tế khi đề cập đến việc thu hút độc mới nói chung, độc giả trẻ nói riêng trong bối cảnh kinh tế báo chí khó khăn hiện tại là liệu độc giả trẻ có sẵn sàng trả tiền hoặc đóng góp để sử dụng các sản phẩm báo chí ngày nay hay không? Những khảo sát trên thế giới gần đây cho thấy một bức tranh hoàn toàn trái ngược với suy nghĩ thường khá bi quan của mọi người. Thực tế, độc giả trẻ sẵn sàng chi tiền vì mục đích tin tức, từ thế hệ Thiên niên kỷ cho đến thế hệ Gen Z.

Một khảo sát dựa trên 6.000 độc giả từ 16 đến 40 tuổi trong Dự án Media Insight, một sự hợp tác của hãng tin AP, trung tâm nghiên cứu báo chí NORC và Viện Báo chí Mỹ cho thấy, nhìn chung 60% những người dưới 40 tuổi đã trả tiền hoặc quyên góp cho tin tức theo một cách nào đó. Và những người trả tiền hoặc quyên góp cho tin tức chiếm đa số trong mọi nhóm tuổi mà họ khảo sát, kể cả những người còn ở độ tuổi rất trẻ.

Cụ thể, 51% thế hệ Gen Z (từ 16 đến 24 tuổi) sẵn sàng trả tiền hoặc quyên góp cho tin tức và con số đó tăng lên 63% ở thế hệ Thiên niên kỷ nhỏ (25 đến 31 tuổi) và 67% ở thế hệ Thiên niên kỷ lớn (31 đến 40). Những con số cho thấy tiềm năng thực sự về doanh thu bền vững, nếu các tổ chức tin tức, dù là truyền thống hay mới thành lập, có thể tạo ra nội dung mà giới trẻ thấy có giá trị.

gianh lai doc gia tre su menh moi cua bao chi hinh 2

Đừng để thế giới truyền thông đối với độc giả trẻ chỉ là những thông tin trôi nổi trên các nền tảng xã hội. Ảnh: GI

Rõ ràng đó là một động lực không nhỏ dành cho giới báo chí. Đây thực ra là một hiện tượng dễ hiểu khi mà môi trường và phong cách sống trong thời đại công nghệ đã giúp các thế hệ trẻ có thói quen bỏ tiền cho các dịch vụ mà họ cảm thấy cần thiết, như việc trả tiền xem TV hay việc phải trả tiền chơi game.

Bây giờ hoặc không bao giờ?

Điều đó có nghĩa rằng, báo chí vẫn còn có cả tương lai ở phía trước nếu đi đúng hướng và làm tốt để thu hút các độc giả trẻ đến với mình, còn ngược lại thì thảm họa sẽ xảy ra. Câu hỏi lớn lúc này là làm thế nào để thu hút độc giả trẻ? Trước tiên không thể phủ nhận, báo chí cần phải hoàn toàn thay đổi triệt để phù hợp với độc giả trẻ hiện tại nói riêng, các thế hệ tương lai nói chung. Và để phù hợp được, trước hết, báo chí cần phải hiểu họ.

Rõ ràng, báo chí với thế hệ trẻ hiện nay không còn chỉ là những bài báo được in trên mặt giấy, các bản tin trên TV hay xuất hiện đơn điệu trên các giao diện điện tử, như thời đại của cha ông hay anh chị của họ. Đối với những người trẻ tuổi, tin tức còn là xã hội. Đơn giản, họ đã lớn lên cùng với các nền tảng xã hội. Phần lớn bản thân họ nhận thức rằng việc nhận tin tức không phải ngồi đọc các bài báo, mà là lướt tin, vui đùa và tương tác, thậm chí chẳng cần hiểu “tin tức” thực sự là gì hay chẳng còn có một sự “thần tượng” nào đó trong thế giới báo chí. Nó khác xa so với ngày xưa.

gianh lai doc gia tre su menh moi cua bao chi hinh 3

Thế giới báo chí truyền thống cần phải thu hút lại thế hệ độc giả trẻ từ các MXH và nền tảng công nghệ. Ảnh: GI

Để hiểu rõ hơn về mối quan hệ của khán giả trẻ với tin tức, Viện Báo chí Reuters và cơ quan chiến lược Craft đã tiến hành nghiên cứu định tính với những nhóm người trong độ tuổi 18-30 ở Brazil, Vương quốc Anh và Mỹ hồi năm 2022. Họ đã rút ra một số kết luận đáng chú ý. Những người trẻ tuổi coi “tin tức” là một phạm trù rất rộng, có thể chia ra là “tin tức hẹp”“tin tức rộng”.

“Tin tức hẹp” là về những thông tin chính thống, nghiêm túc và mang phần vĩ mô. Trong khi đó, “tin tức rộng” là các câu chuyện nhẹ nhàng hơn như giải trí, thời trang, thể thao, người nổi tiếng, văn hóa… Đặc biệt, người trẻ thường né tránh những “tin tức hẹp” hay “tin tức nghiêm trọng”.

Cũng theo kết luận của khảo sát, mức độ tiêu thụ tin tức của giới trẻ cũng nhiều và đa dạng như số người trẻ. Ví dụ, có những người thích xem tin tức để giải trí hoặc vì nghĩa vụ công dân để biết điều gì đang xảy ra. Tuy nhiên, có những nhiều người sẽ cảm thấy có nhu cầu thiết thực để theo kịp sự phát triển khi chúng tác động đến cuộc sống hằng ngày, thay vì vì niềm vui hoặc nghĩa vụ. Đặc biệt, những người trẻ tuổi rất hoài nghi về hầu hết các thông tin, do bị ảnh hưởng bởi các mạng xã hội.

Ngoài ra, một kết luận hiển nhiên là giới trẻ rất “ưa hình thức”. Những người trẻ tuổi thích nhiều định dạng và các cách truyền đạt thông tin khác nhau, đồng thời bị thu hút bởi những thông tin được tuyển chọn riêng cho họ - các yếu tố mà các nền tảng xã hội như Facebook, YouTube và TikTok đã tận dụng rất tốt. Độc giả trẻ thường thích đọc một bài có cả văn bản, video, âm thanh và tất nhiên cả hình ảnh tĩnh.

Các tổ chức tin tức chính thống không thể làm hài lòng tất cả những người trẻ tuổi, song những kết quả khảo sát ở trên rõ ràng cho thấy báo chí có cơ hội làm tốt hơn để được chọn thường xuyên hơn. Họ cần phải giúp các lĩnh vực thông tin mà mình theo đuổi trở nên đa dạng và phong phú hơn. Thực tế, ngay cả các bài viết chính trị cũng có thể trở nên hấp dẫn với độc giả trẻ, nếu nó được thiết kế để dành cho họ.

Hãy đến các MXH để chinh phục lại giới trẻ

Theo các nghiên cứu, mức độ tiêu thụ tin tức và thái độ với tin tức của những người trẻ tuổi đang thay đổi rất nhanh, trong đó cho thấy sự phụ thuộc nhiều hơn vào các MXH và ngày càng lảng tránh tin tức chính thống.

Trong một nghiên cứu năm 2022 của Viện Báo chí Reuters và Đại học Oxford thì các mạng xã hội ngày càng dần dần thay thế các trang web tin tức như một nguồn chính cho khán giả trẻ tuổi nói chung, với 39% người trẻ (18-24 tuổi) trên 12 quốc gia xem MXH là nguồn thông tin chính, chỉ 34% thích truy cập trực tiếp vào trang web hoặc ứng dụng tin tức. Tỷ lệ này thậm chí có thể còn chênh lệch hơn ở một số khu vực.

Tỷ lệ né tránh tin tức của độc giả trẻ ngày càng tăng

Những người trẻ tuổi ngày càng có xu hướng né tránh tin tức truyền thống. Theo cuộc khảo sát, khoảng 40% người dưới 35 tuổi thường xuyên hoặc đôi khi né tránh tin tức hiện nay, so với 36% người từ 35 tuổi trở lên. Nguồn: Khảo sát Viện Báo chí Reuters và Đại học Oxford.

gianh lai doc gia tre su menh moi cua bao chi hinh 4

Thực tế, những người đọc trẻ đang chuyển sự chú ý của họ khỏi Facebook, để đến các nền tảng trực quan hơn như Instagram, TikTok và YouTube. Chúng ngày càng trở nên phổ biến đối với việc hấp thụ “thông tin” đối với người trẻ. Việc sử dụng TikTok để xem tin tức đã tăng gấp 5 lần trong số những người từ 18-24 tuổi trên tất cả các thị trường chỉ trong 3 năm theo nghiên cứu nói trên, từ 3% vào năm 2020 lên 15% vào năm 2022.

Điều gì làm cho các mạng này trở nên hấp dẫn đối với một số khán giả trẻ tuổi? Các cuộc khảo sát tiết lộ rằng họ bị thu hút bởi phong cách giải trí, không chính thức của các nền tảng phương tiện trực quan (và đặc biệt là video trực tuyến) - mô tả nó mang tính cá nhân hóa và đa dạng hơn so với TV, như một nguồn tài nguyên cho các sự kiện thay đổi nhanh chóng như cuộc xung đột Nga - Ukraine và các sự kiện có nhiều biến động khác.

Đó là bức tranh cho thấy thách thức của báo chí thế giới lớn đến mức nào nếu muốn giành lại độc giả trẻ từ các nền tảng xã hội, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn như hiện tại, khi mà ngay cả việc tìm kiếm độc giả mới nói chung và giành lại độc giả cũ đã rất khó khăn rồi.

Song, dù khó đến đâu thế giới báo chí nói chung cũng không thể bỏ qua nhiệm vụ này, trước tiên như đã nói giới trẻ cũng chính là một nguồn gia tăng độc giả dồi dào nhất đối với báo chí, sau đó sứ mệnh cao cả hơn là giúp phần đông độc giả trẻ tránh xa những mặt trái của MXH và các nền tảng công nghệ xã hội khác.

Không phải nhiệm vụ bất khả thi

Báo chí thực ra chỉ là một phần của xã hội trong sứ mệnh giúp người trẻ có một cuộc sống chân thực và lành mạnh hơn, bên cạnh những lĩnh vực khác như văn học, nghệ thuật, giáo dục và thậm chí cả kinh tế lẫn pháp luật (ví như ngăn chặn việc mua bán hàng hóa trôi nổi trên MXH hay việc người dùng thường xuyên bị lừa đảo trên MXH).

Nhưng báo chí sẽ là một phần quan trọng trong sứ mệnh này, bởi đây thực sự như một cuộc “bút chiến” của báo chí truyền thống với MXH, nơi ngày càng bị lấn át bởi những thông tin nhảm nhí, câu view, thậm chí độc hại và sai lệch… do các thuật toán ưu tiên tính lan truyền của họ. Nếu báo chí không làm tốt công việc của mình và thất bại trong cuộc “bút chiến” này, thế giới thông tin của các thế hệ tương lai sẽ là thế giới của những luồng thông tin trôi nổi đó.

Cũng giống như mọi lĩnh vực khác, báo chí không phải đến để tiêu diệt hay xa lánh các nền tảng xã hội, càng không thể bị cuốn vào chính guồng quay của họ, mà hãy đến đó để giúp độc giả của mình hiểu biết hơn và đưa họ trở lại với những giá trị đích thực.

Đặc biệt, như một điều đã được thừa nhận rộng rãi trên thế giới, sứ mệnh này cần sự vào cuộc của các nhà chức trách. Cần sức ép để các MXH trở nên lành mạnh hơn, nghiêm túc và phải tuân thủ các giá trị chung trong thế giới báo chí truyền thông, thay vì tự tung tự tác và thậm chí biến thành một thứ gây nghiện cho giới trẻ.

Rõ ràng, sứ mệnh rất khó khăn, nhưng không phải bất khả thi. Người trẻ là những người dễ thay đổi nhất, việc họ dễ dàng bước vào MXH cũng một phần do sự bỏ bê hoặc sự tụt hậu của thế giới báo chí đối với giới trẻ, cũng như sự “cả tin” của báo chí đối với các nền tảng công nghệ.

Rõ ràng, việc giành lại sự quan tâm của độc giả không nằm ngoài khả năng của báo chí, điều quan trọng là cần sự chung tay của tất cả, từ các nhà báo, các tổ chức báo chí, các nhà hoạch định chính sách… và các MXH.

Sẽ không có một hoặc một số giải pháp nhất định nào, song về cơ bản thế giới báo chí sẽ phải thay đổi, thực tế đang thay đổi mạnh mẽ, và luôn phải hướng tới giới trẻ như một đối tượng độc giả hàng đầu mà họ cần phải chinh phục!

Trần Hòa

Bình Luận

Tin khác

Microsoft và Dell đồng loạt cho ra mắt máy tính AI

Microsoft và Dell đồng loạt cho ra mắt máy tính AI

(CLO) Ngày 20/5, Microsoft ra mắt PC "Copilot+", một loại máy tính cá nhân mới có tính năng AI, trong bối cảnh hãng này gấp rút đưa trí tuệ nhân tạo vào các sản phẩm trong hoạt động kinh doanh và cạnh tranh với Alphabet, Apple.

Báo chí - Công nghệ
Các công ty AI đang tìm kiếm lợi nhuận lớn từ các 'mô hình ngôn ngữ nhỏ'

Các công ty AI đang tìm kiếm lợi nhuận lớn từ các 'mô hình ngôn ngữ nhỏ'

(CLO) Các công ty trí tuệ nhân tạo (AI) đã chi hàng tỷ đô la để xây dựng cái gọi là “mô hình ngôn ngữ lớn - LLM”, song cũng đang tìm cách tăng doanh thu bằng “mô hình ngôn ngữ nhỏ”.

Báo chí - Công nghệ
Tỷ phú Elon Musk đến Indonesia chuẩn bị cho lễ ​​ra mắt dịch vụ Starlink

Tỷ phú Elon Musk đến Indonesia chuẩn bị cho lễ ​​ra mắt dịch vụ Starlink

(CLO) Tỷ phú Elon Musk đã đến đảo Bali của Indonesia vào Chủ nhật (19/5) để chuẩn bị cho kế hoạch ra mắt dịch vụ internet Starlink của SpaceX tại quốc gia này.

Báo chí - Công nghệ
TikTok thử nghiệm video dài 60 phút nhằm thách thức YouTube

TikTok thử nghiệm video dài 60 phút nhằm thách thức YouTube

(CLO) TikTok đang thử nghiệm tải lên video dài 60 phút cho một số tài khoản nhất định, nhằm thách thức gã khổng lồ video trực tuyến kỳ cựu YouTube.

Báo chí - Công nghệ
Liên minh châu Âu điều tra Meta về chứng nghiện mạng xã hội ở trẻ em

Liên minh châu Âu điều tra Meta về chứng nghiện mạng xã hội ở trẻ em

(CLO) Liên minh châu Âu (EU) đã mở một cuộc điều tra sâu rộng về Meta vì lo ngại công ty không làm đủ để bảo vệ trẻ em khỏi nghiện các mạng xã hội như Facebook và Instagram.

Báo chí - Công nghệ