Giáo dục trực tuyến: Giải pháp tình thế hay hướng đi lâu dài?

Thứ năm, 20/02/2020 09:55 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Giáo dục trực tuyến (GDTT) đã có từ lâu, nhưng phải đến gần đây khi học sinh phải nghỉ học vì dịch bệnh Covid-19 thì loại hình giáo dục này mới được nhiều phụ huynh, học sinh biết đến. Có thể nói, GDTT đang được coi là giải pháp hữu hiệu giúp học sinh không bị gián đoạn việc tiếp thu kiến thức.

Tuy nhiên, hiện nay GDTT vẫn chỉ dừng lại ở mức độ hỗ trợ cho học sinh, vẫn chưa có hướng dẫn để được công nhận chính thức như học trực tiếp.

Mới ở mức sơ khai

Có mặt tại trường Tiểu học & THCS Everest, trong khi nhiều trường đang ngừng hoạt động thì tại đây, học sinh vẫn hằng ngày vẫn được ôn tập, chỉ khác là bằng hình thức học trực tuyến. Theo ông Nghiêm Nhật Anh - Giám đốc vận hành của trường - thì các học sinh có thể tiếp cận được phương pháp trực tuyến, giáo viên sẽ soạn phiếu bài tập và gửi về nhà cho học sinh, hoặc sẽ sử dụng hệ thống trực tuyến riêng của trường để giao và nhận bài. Đây có thể nói là phương thức đang được khá nhiều trường áp dụng, nhằm giúp học sinh không bị gián đoạn việc tiếp thu kiến thức qua kỳ nghỉ dài do dịch Covid-19.

unnamed

Việc một số trường đang áp dụng phương pháp dạy học trực tuyến đang được nhiều phụ huynh ủng hộ, và được coi là phương án khả quan nhất tính tới thời điểm hiện tại. Chị Giang Thị Thu Hương (chung cư B14 Phạm Ngọc Thạch, Đống Đa, Hà Nội) cho biết, gia đình chị có con trai lớn đang học tại một trường công lập trên địa bàn. Dù được nghỉ học, nhưng hằng ngày các giáo viên tại trường vẫn gửi các bài tập để học sinh làm tại nhà thông qua Email, Facebook, Zalo hoặc một số nền tảng khác. Còn với hình thức GDTT thì vì là trường công lập nên chưa áp dụng và chưa đủ điều kiện để thực hiện các chương trình học trực tuyến cho học sinh. Tuy vậy, đã có nhiều trường trên địa bàn Hà Nội áp dụng phương thức học trực tuyến như: THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, Tiểu học & THCS Everest, trường THCS Thái Thịnh, tiểu học Lý Thái Tổ… Hầu hết các trường đã nhanh chóng có những chương trình giảng dạy trực tuyến, sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin để giao bài tập cho học sinh, song vẫn chỉ theo hướng… mạnh ai nấy làm, tùy vào khả năng và điều kiện mỗi nơi. Các chuyên gia cho rằng đây mới chỉ là ứng dụng công nghệ thông tin để giao bài, chứ chưa thể coi đây là phương thức dạy học trực tuyến đúng nghĩa và chỉ có thể coi là giải pháp tình thế.

Ông Đặng Quang Hùng - Phó Tổng Giám đốc hệ thống học trực tuyến Học Mãi cho biết, học trực tuyến có nhiều mức độ khác nhau, thấp nhất là việc sử dụng hạ tầng công nghệ để lưu trữ, truyền tải kiến thức. Tiếp đến là tạo ra môi trường cho phép tổ chức các hoạt động học trên đó như: qua các lớp học ảo, giáo viên có thể tương tác với học sinh… Để có hệ thống học trực truyến, cần xây dựng hệ sinh thái mà có thể quản lý được quá trình học tập của học sinh, kiểm tra, đánh giá và đưa ra những hỗ trợ nhằm thúc đẩy việc học… Mặt khác, việc tổ chức giảng dạy trực tuyến phải có một kịch bản dựa trên những người có chuyên môn, kinh nghiệm chứ không phải đơn thuần là quay lại bài giảng trên bảng. Điều này sẽ bỏ qua phần tương tác với học sinh, lấy đi quyền hỏi, đáp của học sinh. Nhất là học sinh còn chưa chủ động trong việc học, hoặc các gia đình không đủ thiết bị đầu cuối… sẽ khó kèm cặp, giám sát cũng như đánh giá được hiệu quả của việc học trực tuyến như các trường đang áp dụng hiện nay. Chưa kể đến, ngay cả nhiều giáo viên mặc dù có kinh nghiệm giảng dạy trực tiếp lâu năm cũng khó có thể áp dụng vào các bài giảng trực tuyến.

Theo các chuyên gia về giáo dục, có thể nói trong giai đoạn phải ứng biến với những khó khăn như hiện tại, thì những phương pháp học trực tuyến của các trường đã là sự nỗ lực lớn, thiết thực với nhiều gia đình. Tuy nhiên, phương thức học trực tuyến hiện tại vẫn ở mức độ sơ khai, hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng, thái độ học của học sinh, năng lực của giáo viên và chỉ dừng lại ở mức ôn tập cho học sinh kiến thức cũ.

giao-duc-truc-tuyen-2.jpeg

Cần có tiêu chí cho giáo dục trực tuyến

Mặc dù phương thức học trực tuyến đã có ở nhiều nước trên thế giới từ nhiều năm trước, nhưng tại Việt Nam mãi đến gần đây khi chúng ta có thể đáp ứng được về hạ tầng công nghệ thông tin, Internet thì giáo dục trực tuyến mới được xã hội quan tâm. Hiện nay, một số trường đang tận dụng lợi thế về công nghệ, hạ tầng kết nối Internet để đẩy mạnh hoạt động giảng dạy, nhưng đây chỉ là hỗ trợ cho việc giảng dạy truyền thống. Khi các trường chưa quan tâm, đầu tư đúng mức thì thị phần này lại được nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ học trực tuyến đẩy mạnh, tạo ra một thị trường sôi động, với lượng học sinh tham gia rất lớn. Theo lãnh đạo Học Mãi, số lượng bình quân hằng ngày có khoảng hơn 200.000 học sinh truy cập vào hệ thống và tham gia các hoạt động học tập. Đây là một con số đáng quan tâm, cho thấy học sinh hiện cũng rất chủ động tự giác trong việc có ý thức học và tiếp nhận kiến thức.

Thế nhưng, theo các chuyên gia, với các chương trình học trực tuyến hiện nay vẫn chưa có bộ tiêu chí đánh giá, cũng như được duyệt về nội dung, chất lượng để công nhận kết quả học. Việc tham gia các lớp học trực tuyến vẫn chỉ là tự nguyện của học sinh như đi “học thêm”. Mặc dù các giáo viên dạy trực tuyến hiện nay đang được tuyển dụng có chất lượng tốt, nhưng cũng chỉ là kiểm nghiệm từ đơn vị cung cấp dịch vụ. Điều này cũng khiến nhiều phụ huynh có ý kiến, cho rằng đã đến lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm có những quy định và các hoạt động kiểm nghiệm chất lượng của các chương trình học trực tuyến.

Ông Đặng Quang Hùng cho biết, hiện nay quy trình xây dựng các bài giảng, khóa học của đơn vị cung cấp dịch vụ học trực tuyến đều được thẩm định kỹ lưỡng. Nhưng đến thời điểm hiện tại, với những đơn vị ngoài nhà trường thì chưa có cơ quan nào kiểm duyệt nội dung. Đây cũng là vấn đề nhiều đơn vị quan tâm, mong muốn sớm có hành lang pháp lý và những quy định theo tiêu chí mà Bộ GD&ĐT đặt ra để có thể tham chiếu, xác định ra nội dung đạt tiêu chuẩn. Điều này cũng giúp người học yên tâm hơn về chất lượng giảng dạy từ nơi mà họ đang theo học.

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, các phương pháp học trực tuyến mặc dù vẫn chưa phổ cập ở Việt Nam, nhưng đang có nhiều ưu điểm và đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Việt Nam hoàn toàn có thể ứng dụng học trực tuyến song song, bổ trợ cho giáo dục truyền thống để có thể phát huy được thế mạnh của hai phương pháp. Như với các tình huống học sinh phải nghỉ học dài ngày, có thể được áp dụng phương pháp học trực tuyến để duy trì nội dung, kiến thức chứ không chỉ là giữ nền nếp học tập. Việc kết nối giữa hai phương pháp học để tạo ra mô hình học tập mới cần được áp dụng và có sớm có lộ trình phổ cập theo xu thế giáo dục của thế giới.

Theo  PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT, việc dạy học trực tuyến tuy có những ưu điểm nhưng mới chủ yếu đáp ứng được mục tiêu trang bị kiến thức cho học sinh. Qua việc học trực tuyến, học sinh có thể tiếp nhận được kiến thức, luyện tập được một số kỹ năng trong các bài tập, tình huống học tập nhưng chưa có nhiều cơ hội để phát triển các phẩm chất, năng lực cần thiết. Các phẩm chất, năng lực đó chỉ có thể được hình thành và phát triển một cách đầy đủ trong môi trường học tập có sự tương tác, giao tiếp, hợp tác và trải nghiệm cùng bạn bè, thầy cô. Vì vậy, việc dạy học trực tuyến với học sinh phổ thông không thay thế được hoàn toàn việc dạy học tại trường.

Đã đến lúc, mô hình giảng dạy trực tuyến cần được quan tâm đúng mức và nhân rộng hơn nữa, mang lại những hiệu quả không dừng lại ở các dịch vụ ngoài nhà trường mà phải ngay trong trường, các cấp học. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm có hành lang pháp lý, tiêu chuẩn đánh giá năng lực giáo viên, các giáo trình học tương ứng của từng cấp học. Một định hướng và lộ trình phát triển phương pháp GDTT là cần thiết trong thời điểm này, qua đó, không hạn chế người học chỉ ở môi trường trực tuyến hay truyền thống, mà tạo ra hiệu quả lớn nhất trong việc tiếp thu kiến thức mới chính là mục đích của việc giảng dạy.

Gia Nguyên – Hùng Long

Tin khác

Trao giải cuộc thi “Xây dựng thiết bị dạy học số tỉnh Nam Định” năm 2024

Trao giải cuộc thi “Xây dựng thiết bị dạy học số tỉnh Nam Định” năm 2024

(CLO) Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định vừa tổ chức trao giải cuộc thi “Xây dựng thiết bị dạy học số tỉnh Nam Định” năm 2024 dành cho cán bộ, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh.

Giáo dục
Học sinh tại Hà Nội nghỉ lễ 30/4 - 1/5 như thế nào?

Học sinh tại Hà Nội nghỉ lễ 30/4 - 1/5 như thế nào?

(CLO) Theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trong dịp lễ 30/4 - 1/5, cán bộ, công chức và người lao động ngành giáo dục Hà Nội được hoán đổi ngày làm việc từ ngày thứ Hai (29/4) sang ngày thứ Bảy (4/5).

Giáo dục
Học sinh có 5 ngày để thử nghiệm đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT

Học sinh có 5 ngày để thử nghiệm đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT

(CLO) Từ ngày 24 đến 28/4, học sinh lớp 12 trên cả nước thực hành thử nghiệm đăng ký dự thi trực tuyến kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 trên hệ thống quản lý thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Giáo dục
Ngày mai học sinh bắt đầu đăng ký thi tốt nghiệp THPT 2024

Ngày mai học sinh bắt đầu đăng ký thi tốt nghiệp THPT 2024

(CLO) Ngày 24/4, học sinh lớp 12 trên cả nước có thể thử đăng ký thi tốt nghiệp trung học phổ thông trên hệ thống quản lý thi.

Giáo dục
Hanel tài trợ học bổng sinh viên vượt khó và xuất sắc năm học 2023 – 2024 của Viện Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản VJCC

Hanel tài trợ học bổng sinh viên vượt khó và xuất sắc năm học 2023 – 2024 của Viện Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản VJCC

(CLO) Ngày 17/4/2024, Viện Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản (VJCC) tổ chức Lễ trao học bổng cho sinh viên vượt khó và sinh viên xuất sắc của 2 chương trình cử nhân Kinh doanh quốc tế theo mô hình tiên tiến Nhật Bản (JIB) và Kinh doanh số (DB) năm học 2023 - 2024. Công ty CP Hanel nằm trong số các doanh nghiệp tham gia tài trợ và trao tặng học bổng cho các sinh viên.

Giáo dục