Giáo sư Nguyễn Đình Đức - Người vượt qua đại dịch, ghi danh trên bảng xếp hạng khoa học thế giới

Thứ ba, 01/02/2022 10:30 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Năm 2021 với rất nhiều khó khăn do dịch COVID-19 mang lại nhưng với Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Đình Đức thì vẫn là năm rất thành công khi ông được đánh giá là nhà khoa học Việt Nam có thứ hạng cao nhất trong bảng xếp hạng 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2021.

Vì học trò người thầy phải vất vả hơn

Tôi gặp Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội tại căn phòng làm việc của ông ở Trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Điều dễ cảm nhận khi trò chuyện với ông chính là phong thái đạo mạo nhưng dễ gần, ấm áp và uyên bác của một nhà giáo, nhà khoa học đang ở đỉnh cao của sự nghiệp.

Chủ đề trao đổi giữa chúng tôi cũng rất thời sự khi liên quan đến những thách thức mà đại dịch COVID-19 đặt ra với giáo dục, với công việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học của ông trong năm qua. Đặc biệt, tôi quan tâm nhiều đến điều gì làm nên sự thành công khi ông được đánh giá là nhà khoa học Việt Nam có thứ hạng cao nhất trong bảng xếp hạng 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2021.

giao su nguyen dinh duc  nguoi vuot qua dai dich ghi danh tren bang xep hang khoa hoc the gioi hinh 1

Giáo sư Nguyễn Ðình Ðức luôn tâm niệm: “Khi các em thấy người thầy của mình, thấy nhà trường của mình được tôn vinh thì các em có niềm tin, động lực, có thêm hoài bão, sự phấn chấn để theo đuổi công việc". Ảnh: Quang Hùng

Không đao to búa lớn, Giáo sư Nguyễn Đình Đức kể về sự thích ứng của đồng nghiệp, học trò và của chính ông trong đại dịch COVID-19. Ông kể về những công việc hằng ngày, về những thay đổi nhỏ để mang lại thành công. Qua câu chuyện có thể hiểu, những thách thức mà đại dịch COVID-19 mang đến cho các thầy cô giáo, các nhà khoa học là rất lớn mà với vị thế của nhà khoa học hàng đầu như ông cũng không là ngoại lệ.

Nhưng không bi quan trước thực tại, Giáo sư Nguyễn Đình Đức đã nhận thấy trong khó khăn bao trùm đó là những “tia sáng” nếu tận dụng được sẽ tạo nên thành công. Từ bỏ thói quen làm việc nhóm trực tiếp, làm việc trong các phòng thí nghiệm để chuyển sang làm việc trực tuyến, sử dụng công nghệ hiện đại, chuyển đổi số với ông cũng như đồng nghiệp là điều không hề dễ dàng.

Nhưng bằng nỗ lực bền bỉ, từ chỗ chưa quen, chưa thuần thục nhưng sử dụng lâu ngày ông đã trở nên thành thạo. Qua làm việc ông đã nhận ra, trước đây ở Việt Nam hay dùng các nền tảng trực tuyến chỉ để trao đổi cá nhân nhưng khi áp dụng giảng dạy trực tuyến, tìm hiểu từ các quốc gia trên thế giới thì ông mới thấy họ đã áp dụng từ lâu và đã tiến xa hơn chúng ta rất nhiều.

“Làm việc trực tuyến là thách thức với ngành khoa học trong lĩnh vực sức khỏe, kỹ thuật, công nghệ… Vì những lĩnh vực này cần thực hành. Nhưng làm việc trực tuyến cũng mở ra nhiều cơ hội trong tương tác. Nếu nghiêm túc thì hoàn toàn có thể thay thế từ việc tiếp xúc trực tiếp sang trực tuyến mà vẫn đảm bảo hiệu quả nhất định” – thầy Nguyễn Đình Đức trao đổi.

Hoạt động giảng dạy cho sinh viên và nghiên cứu sinh khi chuyển sang trực tuyến với thầy Đức cũng không gặp thách thức quá lớn. Trong đại dịch nhưng tương tác giữa thầy và trò vẫn không bị gián đoạn. Tuy nhiên, dạy trực tuyến thì người thầy vất vả hơn rất nhiều. Giáo sư Nguyễn Đình Đức vốn là thầy giáo dạy Toán và Công nghệ nên bản thân ông luôn tâm niệm, “không biết sinh viên của mình có hiểu bài không?” trong mỗi lần lên lớp. Trong khi dạy online hạn chế là giáo viên không biết được sinh viên của mình có tập trung nghe giảng. Do đó, người thầy phải bỏ công nhiều hơn để kiểm tra từng em một mới biết được mức độ tiếp thu bài của sinh viên.

“Trước kia dạy trực tiếp chỉ cần gọi một em lên chữa bài tập thì nay phải gọi mười em. Mục đích để kiểm tra xem các em có học hay không. Chưa kể, người thầy trên lớp có thể nói năng thoải mái, viết lên bảng rồi xóa đi. Còn bây giờ tương tác trực tuyến, người thầy phải mẫu mực từng bước, từng dấu chấm, dấu phẩy cho nên cũng rất áp lực” – thầy Nguyễn Đình Đức tâm sự.

Nỗ lực để khẳng định mình trên bản đồ khoa học thế giới

Để khắc phục khó khăn mà đại dịch COVID-19 mang lại không chỉ với Giáo sư Nguyễn Đình Đức mà bất kỳ nhà giáo nào cũng luôn phải nỗ lực hết mình. Với thầy Đức bài toán còn khó hơn khi phải giữ được phong độ nghiên cứu khoa học vốn đã được đánh giá rất cao từ trước.

Vị Giáo sư này luôn tâm niệm mình phải là một người thầy mẫu mực, người có thể mang lại niềm cảm hứng, tự hào cho các thế hệ học trò của mình. Ông muốn thổi vào mỗi học trò niềm đam mê khoa học hơn nữa. Thầy Nguyễn Đình Đức chia sẻ rằng, nếu như không có dịch thì nhóm nghiên cứu sẽ gặp nhau thường xuyên hơn, điều đó sẽ khích lệ được nhiều sinh viên hơn. “Hiện nay, tốc độ làm việc của giáo sư, tiến sĩ, nghiên cứu sinh hầu như không bị hạn chế nhưng với sinh viên có hạn chế vì sự tự chủ, tự giác của các em còn thấp” - thầy Nguyễn Đình Đức trăn trở.

giao su nguyen dinh duc  nguoi vuot qua dai dich ghi danh tren bang xep hang khoa hoc the gioi hinh 2

Ðại học Quốc gia Hà Nội - nơi Giáo sư Nguyễn Ðình Ðức đang giảng dạy. Ảnh: VNU

Nhưng bằng nỗ lực không ngừng nghỉ, với nhiều công bố quốc tế được trích dẫn nhiều, Giáo sư Nguyễn Đình Đức vinh dự được tạp chí PLoS Biology (Hoa Kỳ) xếp hạng cao trong bảng xếp hạng 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2021. Ông vinh dự là 5 nhà khoa học Việt Nam vào nhóm 10.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới và là người đứng đầu trong các nhà khoa học Việt Nam khi xếp hạng 5.949 thế giới (đứng thứ 96 thế giới trong lĩnh vực engineering).

Nói về kết quả này, thầy Nguyễn Đình Đức khiêm tốn cho rằng, đây là bất ngờ cũng là vinh dự và áp lực rất lớn đối với ông. Theo Giáo sư Nguyễn Đình Đức thì khi giảng dạy hay nghiên cứu khoa học sẽ không nghĩ đến việc xếp hạng. Nhưng được tạp chí PLoS Biology (Hoa Kỳ) đánh giá cao ông cũng thấy hạnh phúc. Bởi đây là những nghiên cứu độc lập, bảng xếp hạng căn cứ từ những dữ liệu nghiên cứu toàn cầu.

“Đối với cá nhân tôi vinh dự cũng ít thôi nhưng quan trọng là các thế hệ học trò. Khi các em thấy người thầy của mình, thấy nhà trường của mình được tôn vinh thì các em có niềm tin, động lực, có thêm hoài bão, sự phấn chấn để theo đuổi công việc.

Trước đây, tôi cũng như vậy, khi gặp được các giáo sư như Giáo sư Ngụy Như Kon Tum, Giáo sư Nguyễn Đình Tứ, Giáo sư Trần Quốc Vượng… thì tự nhiên mình có phấn khởi, tự hào. Bây giờ, tôi có cảm giác những em sinh viên hiện nay giống như mình thuở nào. Như vậy với tôi đó vừa là vinh dự nhưng vừa là trách nhiệm” – thầy Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh.

Ngoài ra, Giáo sư Nguyễn Đình Đức còn cho rằng, để có được thành tích trước hết là sự lao động bền bỉ vì không có thành công nào mà không có sự lao động quên mình. Trong nghiên cứu khoa học không phải bỗng chốc mà thành công ngay được, cần sự tích lũy theo năm tháng. Ngoài ra, để được thế giới trích dẫn thì hướng nghiên cứu của mình phải rất hiện đại, theo kịp với thế giới. “Việc theo đuổi nghiên cứu về vật liệu mới, vật liệu thông minh. Đây là nghiên cứu rất hot mà cả thế giới quan tâm” – thầy Đức chia sẻ.

Ngoài ra, để có thành công thì phương tiện, môi trường làm việc phải thuận lợi. Đối với các nhà khoa học, các em sinh viên, các nghiên cứu sinh phải có nền tảng kiến thức về toán, công nghệ thông tin rất chắc. Ngoài ra, không thể thiếu vai trò hợp tác quốc tế…

Hành trình đến với thành công của Giáo sư Nguyễn Đình Đức có lẽ đáng để không chỉ những học trò của ông, mà cả những ai đang nuôi dưỡng niềm đam mê đến với khoa học, đến với nghiệp “trồng người” suy ngẫm, học hỏi.

Trinh Phúc

Tin khác

Nam Định chốt thời gian thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2024-2025

Nam Định chốt thời gian thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2024-2025

(CLO) Năm học 2024-2025, dự kiến toàn tỉnh Nam Định có khoảng 28 nghìn học sinh hoàn thành chương trình THCS và dự thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT.

Giáo dục
Nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024 tại Bắc Giang

Nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024 tại Bắc Giang

(CLO) Tỉnh Bắc Giang sẽ tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam cùng các hoạt động trưng bày, giới thiệu sách bắt đầu từ ngày 19/4 đến hết ngày 22/4/2024.

Giáo dục
Bài 2: Chiếc áo không làm nên… thầy tu!

Bài 2: Chiếc áo không làm nên… thầy tu!

(CLO) Nhiều người sau khi được phong giáo sư, tiến sĩ của các tổ chức nước ngoài, khi quay về cuộc sống đời thường vẫn "chứng nào, tật nấy”, thậm chí vướng vào lao lý, bị pháp luật trừng phạt.

Giáo dục
Yêu cầu xử lý việc liên kết đào tạo với nước ngoài không đúng quy định

Yêu cầu xử lý việc liên kết đào tạo với nước ngoài không đúng quy định

(CLO) Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiện tượng việc tổ chức thực hiện hợp tác, đầu tư của nước ngoài tại một số cơ sở giáo dục chưa đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Giáo dục
Hà Nội công bố phương án tuyển sinh trường THPT chuyên

Hà Nội công bố phương án tuyển sinh trường THPT chuyên

(CLO) Học sinh tham gia tuyển sinh lớp chuyên phải qua sơ tuyển và thi, lấy điểm từ cao xuống thấp.

Giáo dục