Góp “lời vàng” cho những mùa giải mới!

Thứ hai, 21/06/2021 14:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Trách nhiệm trên vai trò của người “cầm cân nẩy mực”, các giám khảo đã có những đánh giá, góp ý chân thành, thẳng thắn trên tinh thần xây dựng và mong muốn sau hành trình 15 năm, Giải Báo chí Quốc gia ngày càng là sân chơi nghiệp vụ uy tín, bổ ích, giàu sức lan tỏa đối với người làm báo...

Bài liên quan

Những giám khảo nhiều năm tham gia chấm Giải Báo chí Quốc gia (BCQG) luôn là người hiểu hơn ai hết điểm mạnh, điểm còn hạn chế sau mỗi mùa giải. Trách nhiệm trên vai trò của người “cầm cân nẩy mực”, các giám khảo đã có những đánh giá, góp ý chân thành, thẳng thắn trên tinh thần xây dựng và mong muốn sau hành trình 15 năm, Giải BCQG ngày càng là sân chơi nghiệp vụ uy tín, bổ ích, giàu sức lan tỏa đối với người làm báo cũng như công chúng báo chí cả nước.

Giám khảo Hội đồng chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIII - 2018 đang chấm thể loại ảnh báo chí. Ảnh: Sơn Hải

Giám khảo Hội đồng chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIII - 2018 đang chấm thể loại ảnh báo chí. Ảnh: Sơn Hải

Nhà báo Hà Minh Huệ - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam:

“Mong Hội đồng Giải BCQG có thêm sáng kiến, cải tiến trong cách tổ chức Giải”

Tôi có vinh dự được tham gia chấm Chung khảo Giải BCQG hơn chục năm nay. Mỗi lần chấm Giải, tôi được đọc, điểm lại những tác phẩm báo chí in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử chọn lọc, thuộc loại hay nhất, chất lượng nhất, là bức tranh toàn cảnh về những sự kiện đã diễn ra trong một năm, nêu rõ mặt sáng, mặt tối, gợi ý về giải pháp cho các vấn đề nảy sinh. Đó là những tác phẩm tiêu biểu nhất, đáp ứng được mục tiêu “có nội dung và hình thức hấp dẫn, đạt hiệu quả xã hội to lớn, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước” như Đề án Giải BCQG đề ra.

Nhiều năm nay, Giải thu hút được đông đủ 63 Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố tham gia, với số tác phẩm ngày càng nhiều. Điều này cho thấy Giải đã thu hút được sự quan tâm rộng rãi của đội ngũ người làm báo cả nước. Cùng với đó là ngày càng nhiều nhà báo thuộc các Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, mà chúng ta gọi là Hội địa phương để phân biệt với các tổ chức Hội ở các cơ quan báo chí Trung ương, thường xuyên vinh dự được lên bục danh dự nhận các Giải A, B một cách xứng đáng.

Lễ trao Giải BCQG đã trở thành ngày hội của giới báo chí, những người được lên nhận giải thật tưng bừng, mặc trang phục đẹp và ghi lại những bức hình làm kỷ niệm cuộc đời. Đó là những mặt được của Giải. Tuy nhiên, vẫn có những mong muốn khác.

Có thể khẳng định rằng không chỉ chất lượng của Giải, mà chất lượng của báo chí Việt Nam nói chung trong những năm qua đã được nâng lên rõ rệt. Trong đó, Giải BCQG đóng vai trò quan trọng trong việc khích lệ đội ngũ người làm báo thi đua lao động sáng tạo, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ để làm ra nhanh nhất những tác phẩm có chất lượng về cả nội dung và hình thức, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc và của xã hội. Tuy vậy, tôi vẫn mong muốn nhiều hơn thế, mong muốn mỗi năm Giải chọn lọc ra được những tác phẩm thực sự xuất sắc, có tác động làm thay đổi nhận thức, góp phần biến đổi cuộc sống.

Nhà báo Hà Minh Huệ

Nhà báo Hà Minh Huệ

Khi quyết định trao giải cho một tác phẩm thuộc thể loại nào đó, đôi khi các giám khảo có những đánh giá khác nhau, băn khoăn, nhấc lên đặt xuống, vì chất lượng tác phẩm không thật nổi trội. Tại sao vậy? Bởi lẽ các tác phẩm đó mới chỉ phản ánh, ít tính phát hiện, kém sắc sảo trong nhận xét, đánh giá. Đúng là báo chí của chúng ta thực hiện chức năng thông tin và tuyên truyền, nhưng báo chí còn có chức năng phản biện, đều là “sứ mệnh” quan trọng của nhà báo.

Lâu nay mảng bình luận, thông tin quốc tế, ảnh báo chí hơi bị chìm trong cơ cấu giải, trong khi mảng điều tra, phản ánh về tiêu cực thường khá nổi trội. Thể loại xã luận, bình luận còn ít những tác phẩm sắc bén. Ảnh cũng vậy, số lượng dự thi ít, chất lượng thường không cao. Nhiều tác phẩm báo chí điều tra rất công phu, đọc thấy sướng, nhưng rồi năm nào cũng như năm nào, thường tập trung vào những vụ tiêu cực, tham nhũng, các vụ tàn phá rừng, những vấn đề cố hữu… nói đi nói lại, mà trình bày thì dài.

Các tác phẩm (báo in, phát thanh và báo điện tử) gửi lên dự thi thường là dạng chùm bài 4- 5 kỳ, do nhiều tác giả đứng tên. Chưa nhiều tác phẩm của một tác giả đứng tên (bên nước ngoài gọi là nhà báo có quyền uy, luôn giữ một mục trong tờ báo) có bài dự thi và đoạt Giải cao.

Trong hơn chục mùa giải qua, vẫn chưa nổi lên những nhà báo thật sự xuất sắc, định hình tên tuổi của mình trong làng báo như thời gian trước đây. Trong khi đó, danh sách tác phẩm, tác giả đoạt giải rất dài.

Thực ra Giải chỉ là công đoạn cuối, tìm kiếm tài năng. Vấn đề chính nằm ở vai trò chỉ đạo, tổ chức thực hiện hoạt động báo chí của từng cơ quan báo chí, và đặc biệt phụ thuộc vào năng lực của người làm báo. Rất mong Hội đồng Giải BCQG đưa ra thêm những sáng kiến, cải tiến trong cách tổ chức Giải, từ khâu tuyển chọn, đặt mục tiêu, yêu cầu cụ thể để phát huy những mặt được và khắc phục những mặt chưa được.

Nhà báo Phạm Quốc Toàn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam:

“Định hướng chủ đề, nâng cao kỹ năng tác nghiệp đối với các tác phẩm báo chí dự thi”

Có thể nói rằng, sau khi chuyển từ Giải Báo chí Toàn quốc thành Giải BCQG thì giải thưởng của chúng ta đã được nâng lên một tầm cao mới. Đó là Giải báo chí - một sân nghề để các nhà báo hội viên gắn bó với nhau hướng về cơ sở cùng tìm kiếm, phát hiện và thực hiện những tác phẩm báo chí đúng, trúng, hay mà cuộc sống của nhân dân, đất nước đặt ra. Giải đã tập hợp với sự tham gia nhiệt thành của nhiều tổ chức hội, cơ quan báo chí, nhà báo hội viên, cả ở Trung ương và các địa phương. Sau nhiều năm tổ chức, cho thấy chất lượng Giải có sự đồng đều, giảm dần khoảng cách giữa Trung ương với địa phương, nhà báo lâu năm với nhà báo trẻ mới vào nghề.

Nhà báo Phạm Quốc Toàn.

Nhà báo Phạm Quốc Toàn.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng của Giải, tôi cho rằng các tổ chức Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí cần quan tâm hơn trong việc định hướng chủ đề, phương án và kỹ năng tác nghiệp tác phẩm báo chí cho các nhà báo hội viên, tạo thành phong trào thi đua hướng đến Giải BCQG. Việc này cần làm ngay từ đầu mùa giải, chứ không phải cứ đến gần sát ngày nộp tác phẩm dự thi mới thúc giục nhà báo hội viên gửi bài.

Mỗi năm đất nước có bao sự kiện xảy ra và điều quan trọng là về phía lãnh đạo cơ quan báo chí, tổ chức Hội cần chỉ ra - cùng thảo luận với nhà báo hội viên những chủ đề quan trọng, chủ đề trọng điểm trong năm, để từ đó nhà báo hội viên có thời gian suy nghĩ, tìm tòi, triển khai những tác phẩm báo chí có chiều sâu, vừa phản ánh hơi thở sống động của cuộc sống, vừa chỉ ra những vấn đề mang tính chiến lược - tổ chức thực hiện đường lối, Nghị quyết của Đảng, chính sách mới của Nhà nước. Làm được như vậy, tin chắc Giải BCQG sẽ ngày càng là một sân chơi nghiệp vụ bổ ích, thiết thực của đội ngũ những người làm báo.

Nhà báo Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Chủ tịch Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế:

“Phải làm tốt hơn nữa, rộng hơn nữa về mặt truyền thông cho Giải BCQG”

Bản thân Giải BCQG đã là một vị thế mà bất cứ nhà báo nào, cơ quan báo chí nào cũng mong muốn được xướng tên và vinh danh. Số lượng, chất lượng cũng như cách tiếp cận, thể hiện vấn đề dưới góc nhìn của các nhà báo trong những năm qua đã cho thấy rất rõ điều này.

Nhà báo Nguyễn Thị Hồng Hạnh.

Nhà báo Nguyễn Thị Hồng Hạnh.

Thực ra khi bạn hỏi về thương hiệu và sức lan tỏa, điều mà tôi nghĩ đến lại là những bước chân âm thầm sau mỗi trang viết, mỗi cảnh quay, góc máy… và có lẽ, là rất nhiều mồ hôi của các nhà báo trong mỗi phần xử lý hậu kỳ; là những đêm mất ngủ để rồi sau đó người đọc/người xem/người nghe được tiếp cận với những vấn đề của cuộc sống một cách chân thực nhất, gần gũi nhất. Kể cả có lúc là đau xót nhất…

Việc đa dạng hóa hình thức và phương thức thể hiện trong từng thể loại và các tác phẩm dự giải đã được thể hiện và tốt hơn sau mỗi năm. Thế nên, có lẽ ở đây không có vấn đề phải bàn cãi… Nếu có, theo tôi, đó là mình phải làm tốt hơn nữa, rộng hơn nữa về mặt truyền thông vì lâu nay, Giải BCQG gần như chưa có ảnh hưởng thực sự lớn trong công chúng. Nhà báo thì đương nhiên xong bài báo này hay phóng sự kia là phải vào ngay việc khác, vấn đề khác.

Ai đó có thể cho rằng, chỗ đứng của nhà báo là trong lòng người đọc, người nghe, người xem nhưng tôi nghĩ, các nhà báo hẳn sẽ hạnh phúc thật nhiều nếu được nhận ra, họ chính là gương mặt đã được vinh danh tại “thảm đỏ” của một giải thưởng lớn tầm quốc gia.

Nhà báo Trần Trọng Dũng - Chủ tịch Hội Nhà báo TP. Hồ Chí Minh:

“5 đề xuất nâng cao chất lượng và uy tín của Giải BCQG”

Có thể nói, Giải BCQG ngày càng khẳng định được vị thế với chất lượng và số lượng tác phẩm ngày càng được nâng lên, chẳng hạn như năm nay có 1.823 tác phẩm đủ điều kiện dự Giải, là năm có số lượng tác phẩm dự giải cao nhất từ trước đến nay và là năm thứ ba có tất cả 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố tham dự. Lễ trao Giải BCQG hằng năm được tổ chức trang trọng, với sự có mặt của nhiều đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước.

Ban Giám khảo ngày càng quy tụ được các nhà báo có uy tín, có kinh nghiệm trên các loại hình báo chí, khẳng định sự tin cậy, uy tín, chất lượng cho Giải. Với xu thế phát triển của báo chí, Giải BCQG đã mở rộng các loại hình mới, trong đó có báo điện tử.

Giải có nhiều tác phẩm đeo bám, phản ánh sát với sự phát triển của báo chí nói chung và đời sống xã hội nói riêng. Giá trị giải thưởng ngày càng cao, là giải báo chí cao nhất, có uy tín, là niềm ao ước của các nhà báo. Nên một tác giả hay nhóm tác giả đoạt giải thì về phía cơ quan chủ quản, địa phương cũng rất quan tâm như ở TP. Hồ Chí Minh thì khi một tác phẩm đoạt Giải Báo chí Quốc gia sẽ được lãnh đạo thành phố tổ chức riêng một buổi khen thưởng, biểu dương cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải và tặng riêng cho tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm đoạt giải 50% giá trị giải thưởng của Giải BCQG.

Nhà báo Trần Trọng Dũng.

Nhà báo Trần Trọng Dũng.

Với mong muốn giải ngày càng uy tín hơn nữa, tôi có 5 đề xuất, mong muốn góp ý với Ban tổ chức Giải.

Thứ nhất là, tôi mong muốn trong Ban Giám khảo có thêm những nhà báo có tuổi nghề, có uy tín trong nghề (kể cả đã nghỉ hưu và không nhất thiết phải từng giữ chức vụ lãnh đạo trong cơ quan báo chí) để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng chuyên môn của Ban Giám khảo.

Thứ hai là nên chăng trong Hội đồng Chung khảo tách ra làm 2, một Hội đồng chuyên báo viết, một Hội đồng chuyên phát thanh truyền hình. Bởi đặc thù của phát thanh truyền hình với ngôn ngữ và cách thể hiện rất khác so với báo viết mà không phải ai trong Ban Giám khảo cũng có chuyên môn sâu ở cả 2 loại ấy.

Thứ ba là nhằm khích lệ động viên báo chí địa phương nên chăng thay vòng sơ khảo bằng vòng loại ở các khu vực, từ đó tuyển chọn lên, ở mỗi vòng đều có khen thưởng cho những tác phẩm tốt. Sau đó tiếp tục tuyển chọn vào vòng chung khảo để báo chí địa phương có nhiều cơ hội được nhận giải hơn, nếu không được Giải Báo chí Quốc gia cũng có giải khu vực.

Thứ tư là cùng với sự phát triển của internet, Giải đã có nhóm tác phẩm dành cho báo điện tử nhưng chúng ta chưa thể tách được thể loại video và audio trên báo điện tử. Theo quy định của giải thì chưa công nhận video trên báo điện tử là tác phẩm truyền hình. Nên chăng, thời gian tới Ban Tổ chức có thể nghiên cứu thêm để tách riêng tác phẩm audio và video phát trên báo điện tử để động viên báo điện tử mở rộng thể loại này.

Thứ năm là phải quan tâm nhiều hơn đến công tác truyền thông cho Giải. Ngoài trách nhiệm của các cơ quan báo chí trực thuộc Hội, vẫn mong là trước, trong và sau giải, các cơ quan báo chí khác cũng tích cực cùng truyền thông hơn nữa chứ không chỉ tập trung vào mỗi buổi lễ trao giải để các tác phẩm đoạt giải được lan tỏa trong xã hội.

Nhân đây, tôi đề xuất Hội cũng nên dành một website riêng để đăng tải các tác phẩm đoạt Giải BCQG để bất cứ ai cũng có thể tra cứu dễ dàng. Thậm chí khi có web riêng rồi có thể tổ chức giao lưu trực tuyến giữa tác giả đoạt giải với độc giả. Hay với cuốn sách tập hợp các tác phẩm đoạt Giải BCQG tôi nghĩ là nên xuất bản sớm để có tính nóng hổi, thời sự. Thêm nữa cuốn sách đó cũng nên đa dạng hơn trong trình bày, như thêm ảnh tác giả, thêm ảnh minh họa...

Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Huyến - Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh:

“Nên thành lập những chuyên mục tuyên truyền về các tác phẩm báo chí xuất sắc đoạt Giải BCQG”

Trong những năm vừa qua, nhiều cơ quan đơn vị tổ chức các cuộc thi báo chí, nhưng cuộc thi có sức ảnh hưởng lớn nhất, tác động đến nhiều tầng lớp nhân dân nhất, thì tôi cho rằng đó là Giải BCQG. Sở dĩ nhiều người quan tâm đến Giải là bởi nhiều lý do.

Thứ nhất, những vấn đề báo chí nêu lên chính là những vấn đề người dân, toàn xã hội quan tâm.

Thứ hai, Giải đã được tổ chức nhiều năm, mỗi năm đều được có cải tiến về khâu tổ chức, để tạo điều kiện cho tất cả các thể loại báo chí đều có thể tham gia. Ngoài ra, Giải được quan tâm nhiều nhất vì đây là sân nghề chứ không đơn thuần là sân chơi.

Thứ ba, Giải được tổ chức trang trọng vào đúng kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, một ngày ý nghĩa đối với toàn thể giới báo chí. Tôi đã từng tham gia chấm và gặp nhiều tác giả được giải ở cả Trung ương và địa phương, đều thấy ở họ niềm tự hào khi được tôn vinh tại Giải.

15 năm qua, qua mỗi mùa giải, Giải BCQG ngày càng có sự đổi mới, hướng đến việc phục vụ tốt hơn sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, gắn bó với nhân dân, gắn bó với hiện thực đời sống hơn.

Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Huyến.

Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Huyến.

Trong thời gian tới, để Giải tiếp tục phát triển hơn nữa tôi nghĩ cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy ảnh hưởng của Giải trong giới làm nghề, cần tuyên truyền giới thiệu nhiều hơn về Giải, phân tích về Giải.

Tôi nghĩ nên thành lập những chuyên mục tuyên truyền về các tác phẩm báo chí xuất sắc trong năm, từ Giải A, B, C, không nhất thiết phải đăng lại toàn bộ mà có thể tóm tắt, đồng thời có thêm những ý kiến bình luận về tác phẩm đó.Hay như các khoa báo chí ở các trường Đại học cũng có thể đưa những tác phẩm đoạt Giải BCQG vào bài giảng, mời những tác giả được giải nói về tác phẩm cho sinh viên và bài giảng trở nên sinh động hơn. Hay ngay như Hội báo Toàn quốc hằng năm cũng nên giới thiệu một số bức ảnh đoạt giải, tổ chức trao đổi ngay tại Hội báo. Hay những bộ ảnh được giải cũng hoàn toàn có thể giới thiệu trên truyền hình, phỏng vấn trực tiếp tác giả, nhà phê bình để có đánh giá thêm. Bên cạnh đó, các hoạt động tập huấn nghiệp vụ của Hội Nhà báo nên dùng luôn các tác phẩm dự giải để bàn sâu về nghề hơn, làm sao trở thành tài liệu để đem ra phân tích thiết thực hơn nữa.

Bảo Minh (Ghi)

Tin khác

MV “Going Home” sẽ lan tỏa giá trị lịch sử, văn hóa, vẻ đẹp con người Việt Nam

MV “Going Home” sẽ lan tỏa giá trị lịch sử, văn hóa, vẻ đẹp con người Việt Nam

(CLO) Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV “Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Nghề báo
Giải thưởng Sáng tạo nội dung số Việt Nam 2024 có nhiều điểm mới hấp dẫn hơn

Giải thưởng Sáng tạo nội dung số Việt Nam 2024 có nhiều điểm mới hấp dẫn hơn

(CLO) Ngày 19/4, Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức phát động Giải thưởng Sáng tạo nội dung số Việt Nam mùa thứ 2 (VCA 2024). Giải thưởng năm nay có những điểm mới trong thể lệ dự thi, trong khâu tổ chức chấm giải và đặc biệt là có thêm hạng mục giải thưởng do cộng đồng bình chọn trực tuyến.

Nghề báo
Cần Thơ sửa đổi nội dung quy chế tổ chức họp báo để phù hợp với quy định pháp luật

Cần Thơ sửa đổi nội dung quy chế tổ chức họp báo để phù hợp với quy định pháp luật

(CLO) Ông Huỳnh Hoàng Mến, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP Cần Thơ cho biết sẽ: "Sở sẽ có văn bản tham mưu UBND TP để ban hành lại quy chế họp báo theo đúng trình tự thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời sửa đổi một số nội dung cho phù hợp".

Nghề báo
Trường Sa: Chuyến tác nghiệp hạnh phúc!

Trường Sa: Chuyến tác nghiệp hạnh phúc!

(CLO) Tham gia Đoàn công tác số 6/2024 thăm quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK-I, các phóng viên báo chí đã có một tuần trải nghiệm, tác nghiệp vất vả nhưng hạnh phúc giữa trùng khơi sóng vỗ...

Nghề báo
Hơn 250 phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Đền Hùng 2024

Hơn 250 phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Đền Hùng 2024

(CLO) Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ, Sở này đã đón tiếp, cấp thẻ, hỗ trợ tác nghiệp cho 251 phóng viên thuộc 66 cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương trong dịp Lễ hội Đền Hùng năm 2024.

Nghề báo