Tôi muốn chia sẻ thông điệp với các em rằng, khi các sinh viên lên được đỉnh núi cao không phải để cho đất nước nhìn thấy các em cao, mà chính là để cho các em có điều kiện thấy được thế giới, quê hương, đất nước và Tổ quốc mình… Từ kinh nghiệm thực tiễn, từ thế hệ chúng tôi thời sinh viên những năm 1974 khi đất nước còn khó khăn, gian khổ. Thời sinh viên lúc đó, chúng tôi luôn tâm niệm rằng năm tháng rồi sẽ trôi qua không để lại bất cứ một dấu vết nào đối với những ai không biết nhìn về tương lai bằng bộ óc thông minh và khổ luyện của mình, nhưng hạnh phúc chắc chắn sẽ đến với những người khéo sử dụng thời gian, như con kiến tha lâu đầy tổ và như mỗi cái cây, mỗi năm lại dày thêm một vòng thân gỗ”- Đó là những chia sẻ đầy thân tình của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ với các sinh viên tại Lễ khai khóa ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2019. 

Hạnh phúc chắc chắn sẽ đến với những người khéo sử dụng thời gian, như con kiến tha lâu đầy tổ và như mỗi cái cây, mỗi năm lại dày thêm một vòng thân gỗ”. Thực vậy, người con của mảnh đất Nghi Xuân nghèo khó nhưng nổi tiếng hiếu học, thực sự đã nói được làm được. Tuổi thơ của vị chính khách ngày hôm nay, qua kí ức của người mẹ, bà Võ Thị Cầm, như cách nói của một nhà báo “là tuổi thơ dữ dội”: “Từ năm 6 tuổi, Huệ đã phải quần quật làm việc nhà, tìm rau nấu cám cho lợn, cùng anh chị ra biển cào nghêu, bắt ốc, nhặt cá rơi. Những năm học cấp 1 rồi lên cấp 3, trên người nó lúc nào cũng chỉ độc có 1 cái áo thôi. Lỡ gặp mưa là phải vắt phơi khô để mặc lại. Đói ăn, thiếu mặc nhưng chưa khi mô nó đòi hỏi điều gì. Nó hiểu được nỗi vất vả của mẹ nên hễ đi học về là lại lao ra biển cào nghêu, bắt ốc để đỡ đần mẹ, rồi đi chăn trâu cho người ta kiếm gạo”.

Nhưng những dữ dội ấy không cản nổi trong cậu học trò Vương Đình Huệ năm nào những mầm xanh hy vọng, những ước mơ, hoài bão và cậu hiểu rằng, để ước mơ thành sự thực, chỉ có thể bắt đầu từ việc học. “Huệ học giỏi không những nổi tiếng ở Nghi Lộc mà cả tỉnh Nghệ An. Năm lớp 10 (năm 1974), lúc đó cả tỉnh đang khó khăn mà Huệ vẫn được tỉnh Nghệ An tặng cho chiếc xe đạp về thành tích học tập thì phải biết độ siêu về học hành của cậu ấy thế nào rồi”- thầy giáo Hoàng Văn Thái - Hiệu trưởng Trường THPT Nghi Lộc 1- chia sẻ đầy tự hào về người bạn đồng môn những năm cấp 3. 

Với sức học ấy, ở tuổi 22, ông Vương Đình Huệ đã là giảng viên Đại học, ở tuổi 29, chàng giảng viên trẻ đã lên đường sang châu Âu làm nghiên cứu sinh, rồi trở thành Tiến sĩ khoa học, được phong hàm Giáo sư thuộc loại trẻ nhất nước…

Cách đầy gần 5 năm, ngày 28/7/2016, khi Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, đông đảo nhân dân cũng như các đại biểu Quốc hội đã bày tỏ niềm tin và kỳ vọng vào một Chính phủ tiếp tục có tư duy đổi mới mạnh mẽ, khẩn trương, quyết liệt để đưa đất nước vượt qua những khó khăn nội tại và những thách thức của hội nhập kinh tế quốc tế.

Nhân dân, đại biểu QH có cơ sở cho niềm tin, kỳ vọng của mình. Bởi thời điểm đó mới chỉ tròn 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức, Chính phủ mới được kiện toàn, nhưng những chuyển biến tích cực trong đời sống kinh tế-xã hội của đất nước đã cho thấy Chính phủ mới đã thực sự “nói đi đôi với làm”, hành động theo đúng những gì đã cam kết và kiến tạo ngày càng rõ về một Chính phủ quyết liệt, khẩn trương, hành động. 

Góp phần lan tỏa tinh thần ấy của Chính phủ mới, có phần đóng góp của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. “Trong 3 tháng qua, Chính phủ đã thể hiện được sự nhập cuộc năng động, quyết liệt, khẩn trương, hành động đó là những dấu ấn dễ cảm nhận nhất ở Chính phủ mới. Đặc biệt, thời gian qua, vai trò của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ trong đó có vai trò của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ là rất nổi bật, có lẽ lâu lắm rồi chúng ta mới có được một vị Phó Thủ tướng là một nhà khoa học, nhà kinh tế và am hiểu sâu sắc thực tiễn”- nhận định đầy phấn chấn ấy của vị đại biểu Quốc hội kì cựu Dương Trung Quốc bên hành lang Quốc hội khóa 14 hẳn nhận được sự đồng cảm, đồng tình của nhiều đại biểu, cử tri. 

Cũng theo đại biểu Dương Trung Quốc: “Lúc còn ở cương vị Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và đặc biệt là khi trở thành lãnh đạo Chính phủ, tôi cho rằng, tính thực tiễn sẽ giúp cho những năng lực của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ được phát huy hết khả năng  của mình”.

Niềm tin của vị đại biểu đã trở thành sự thực. Từ thời khắc đó đến nay, sự quyết chí, ước mơ lập thân và vốn học thức dày dạn, được học hành bài bản của chàng học trò nghèo xứ Nghệ năm nào giờ đây đã là nền tảng giúp ông Vương Đình Huệ tạo dựng được nhiều dấu ấn trên cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ. 

Được phân công giúp Thủ tướng theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực liên quan đến kế hoạch; tài chính, giá cả; tiền tệ, ngân hàng; dự báo và chính sách điều hành kinh tế vĩ mô; chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội… trong nhìn nhận của các chuyên gia và báo giới 4 năm qua, tài điều hành của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ được thể hiện rõ nét qua nỗ lực kiềm chế lạm phát của Chính phủ; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), công tác giảm nghèo bền vững và công tác xây dựng 3 đề án quan trọng: Cải cách tiền lương, Cải cách BHXH, đổi mới hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập. 

Trong 4 năm qua, lạm phát được kiềm chế, chỉ số CPI luôn ở mức thấp. Sau 10 năm triển khai, Chương trình MTQG xây dựng NTM đã đạt và vượt các mục tiêu đề ra trước gần 2 năm, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chương trình đã góp phần quan trọng thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng được hoàn thiện. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người/năm khu vực nông thôn năm 2018 tăng 2,78 lần so với năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm nhanh từ 17,35% năm 2010 xuống còn khoảng 5,9% năm 2019, khoảng cách phát triển giữa nông thôn – đô thị từng bước được thu hẹp. Trong thành công đó, hẳn không thể thiếu sự vào cuộc đầy nỗ lực của Chính phủ và không thể thiếu sự điều hành quyết liệt của Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM Vương Đình Huệ- người vẫn được gọi bằng cái tên rất trìu mến là “Ông Nông thôn mới”.

Để nâng cao hiệu quả của chính sách, Quốc hội và Chính phủ đã gộp tất cả các chương trình xóa đói, giảm nghèo lại thành một chương trình là “Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020”. Chương trình diễn ra trong bối cảnh mới gắn liền với việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm (2011-2020) và kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế- xã hội (2016-2020), đây là giai đoạn cuối nhằm thực hiện hoàn thành chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm, với vô vàn những gian nan thử thách. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ một lần nữa lại được tín nhiệm với cương vị Trưởng Ban chỉ đạo.

Thử thách không ít nhưng nỗ lực giảm nghèo vẫn luôn được cả hệ thống chính trị tiếp tục đẩy mạnh với sự kiên trì, bền bỉ. Trong đó, hẳn cũng sẽ không thể không nói tới sự đóng góp trong công tác chỉ đạo của đồng chí Trưởng ban, người từng nhắc đi nhắc lại nhiều lần: "Dù khó mấy cũng phải dành vốn cho người nghèo". Cũng còn nhớ, chính Trưởng Ban chỉ đạo Vương Đình Huệ là người đã đề xuất phối hợp với UB Trung ương MTTQ Việt Nam khởi động lại Chương trình “Ngày vì người nghèo”, tổ chức vào ngày 17/10 hàng năm, cũng là ngày vì người nghèo Việt Nam. 

GS.TS Vương Đình Huệ còn được nhắc đến nhiều trên cương vị Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN. Trên cương vị này, vốn kiến thức và kinh nghiệm dầy dặn từ những ngày làm tư lệnh ngành Tài chính, Tổng kiểm toán Nhà nước,  Trưởng Ban Kinh tế Trung ương lại một lần nữa giúp ông ghi dấu ấn.

Phó Thủ tướng đã chỉ đạo xây dựng và ban hành Sách trắng DN Việt Nam năm 2019 giúp Đảng, Chính phủ và các địa phương nhìn nhận rõ thực trạng DN Việt Nam để thống nhất các giải pháp phát triển DN tư nhân- trụ cột của nền kinh tế. 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ còn là người chủ công giúp Ban cán sự Đảng Chính phủ xây dựng và trình T.Ư 3 đề án quan trọng: Nghị quyết 27 T.Ư 7 khóa 12 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong DN; Nghị quyết 28 T.Ư7 khóa 12 về cải cách chính sách BHXH; Nghị quyết 19 T.Ư6 khóa 12 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Cũng chính Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ là người được Ban cán sự Đảng Chính phủ giao chủ trì xây dựng Nghị quyết đầu tiên của Đảng (Nghị quyết của Bộ Chính trị) về FDI.

Thực sự, người con xứ Nghệ đã góp phần lan tỏa mạnh mẽ về dấu ấn đầy ấn tượng của một nhiệm kỳ Chính phủ quyết liệt, khẩn trương, hành động.

Việt Nam có thực sự là ngôi sao kinh tế đang lên hay không còn phụ thuộc vào đánh giá của quý vị nhưng đúng là quốc kỳ của chúng tôi có một ngôi sao vàng. Với một ngôi sao vàng trong trái tim thì chúng tôi sẽ làm bài toán thần kỳ về Việt Nam, về kinh tế của Việt Nam cũng như về đất nước Việt Nam”- chủ nhân của chia sẻ đầy cảm xúc ấy- GS.TS Vương Đình Huệ, vào một ngày đầu tháng 2/2020, lại nhận thêm một trọng trách mới: Bí thư Thành ủy Hà Nội. 

Phát biểu ngày nhậm chức, tân Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ cảm ơn sự tin tưởng của các cấp khi giao cho ông trọng trách đảm nhiệm chức vụ Bí thư Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020. Nhưng ông cũng thành thực chia sẻ rằng nhiệm vụ được giao là vinh dự lớn, đồng thời cũng là trách nhiệm rất nặng nề trước Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, trước đảng bộ chính quyền và nhân dân Thủ đô. Tại Hội nghị gặp mặt 90 năm ngày thành lập Đảng bộ TP. Hà Nội ngày 19/3/2020, Tân Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trong những năm tới, Thủ đô có nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, song bên cạnh đó cũng không ít khó khăn, thách thức. Điều đó đòi hỏi Đảng bộ Hà Nội phải tranh thủ thời cơ, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ, phát huy truyền thống để hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, phát huy mọi khả năng và nguồn lực của các thành phần kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm từ 7,5% trở lên. Giải quyết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Trước tiên là: “Thực hiện thành công thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại các quận của Hà Nội; tăng cường quản lý đô thị, trật tự xây dựng, đất đai, an toàn giao thông, đảm bảo kỷ cương và văn minh đô thị, giải quyết tốt hơn những vấn đề dân sinh bức xúc. Tăng cường quản lý, bảo vệ môi trường sinh thái xanh, sạch, đẹp trên địa bàn Thủ đô, để Hà Nội xứng đáng là một nơi đáng sống”. 

Trên cương vị mới Bí thư Hà Nội, với bản lĩnh chính trị, năng lực và bề dày công tác, tôi tin đồng chí Vương Đình Huệ sẽ tiếp tục kế thừa thành quả, kinh nghiệm của những thế hệ đi trước, cùng đảng bộ TP chung sức xây dựng TP Hà Nội năng động, đổi mới, sáng tạo, là trung tâm đầu não về chính trị, kinh tế xã hội, giáo dục”- niềm tin ấy của Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, những quyết sách được đánh giá là rất chủ động, kịp thời, chắc chắn trong việc đối phó với đại dịch Covid-19 của Hà Nội trong thời gian qua- chắc chắn sẽ là động lực để người đứng đầu Đảng bộ Thành phố vững bước hơn nữa trên hành trình phía trước.