Hà Nội đau đáu “khát vọng hoá rồng”
(NB&CL) Với sứ mệnh kinh đô của quốc gia, Thăng Long- Hà Nội luôn mang trên mình khát vọng “Rồng bay”, nhất là khi đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới. Tuy nhiên, để hiện thực hóa được khát vọng lớn ấy, Hà Nội sẽ cần thêm rất nhiều nỗ lực, rất nhiều quyết tâm, thậm chí cả sự cầu thị.
Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh: Những giấc mơ phát triển Hà Nội, TP.HCM - hai đô thị trung tâm lớn nhất đất nước, luôn mang trong mình những giấc mơ, kỳ vọng phát triển lớn lao. Thực tế, hai thành phố này đã luôn có được những chính sách đặc thù nhất để phát triển. Nhưng thực tế nhiều năm qua, “phát triển xứng tầm” vẫn chỉ là kỳ vọng đối với hai đô thị này. Những kỳ vọng phát triển ấy là gì, đâu là những lực cản, những giải pháp được hai thành phố đưa ra đã đủ quyết liệt, đủ hiệu quả… Cùng nhìn lại những gì Hà Nội và TP.HCM đã làm trong năm 2022 vừa qua, để lý giải rõ hơn về điều này. |
Giàu tiềm năng, nhiều kỳ vọng
Thành phố Hà Nội có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ lớn của đất nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố luôn ở mức cao, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn lớn thứ hai cả nước, khẳng định vị thế đầu tàu, động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, vùng Đồng bằng sông Hồng nói riêng và cả nước nói chung.

Các nghị quyết của Đảng và Nhà nước đều khẳng định phát triển Thủ đô là trọng điểm trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tháng 6/2020, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội nhằm giúp thành phố thêm nguồn lực để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.

Tòa tháp tài chính dự kiến cao 108 tầng được xem là điểm nhấn kiến trúc độc đáo của Thành phố Thông minh, nằm ngay điểm đầu vào cửa ngõ Thủ đô nhìn về cầu Nhật Tân.
Nghị quyết đề ra những định hướng phát triển Hà Nội thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị thông minh, thành phố đổi mới, sáng tạo. Cơ chế này được kỳ vọng sẽ giúp Hà Nội khai thác, tận dụng nhiều nguồn lực tiềm năng để đầu tư, phát triển Thủ đô.
Trên cơ sở đó, Hà Nội đặt ra mục tiêu đến năm 2025 trở thành thành phố giàu đẹp, văn minh, hiện đại; phấn đấu đến năm 2030 trở thành thành phố “xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại”.
Trong từng giai đoạn xây dựng và phát triển, Thủ đô Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, của các cấp, các ngành, địa phương và của nhân dân cả nước. Bộ Chính trị đã ban hành nhiều nghị quyết để lãnh đạo công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô, trong đó, mới đây nhất là Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Nghị quyết số 15-NQ/TW có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô khi xác định mục tiêu phát triển cho Hà Nội không chỉ đến năm 2030 mà còn đặt tầm nhìn đến năm 2045 (là thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), thể hiện tầm nhìn chiến lược, mang tầm nhìn thời đại của Đảng ta đối với sự phát triển của Thủ đô, phù hợp với tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; đặt yêu cầu, nhiệm vụ cho Thủ đô cao hơn, mục tiêu đi xa hơn, khát vọng cháy bỏng hơn.
Gian nan hành trình “hóa rồng"
Có thể thấy rõ, thời gian qua, Thủ đô Hà Nội đã có nhiều cố gắng, đạt được những thành tựu nhất định. Tuy nhiên, để Hà Nội “cất cánh” xứng tầm như kỳ vọng vẫn còn rất nhiều những trăn trở, nút thắt cần phải tháo gỡ trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
PGS.TS Bùi Thị An - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội cho rằng, thời gian qua sự phát triển của Hà Nội được kỳ vọng rất lớn nhưng thực thi chưa nhiều, Hà Nội có một loạt các vấn đề bề bộn tồn tại nhiều năm nay chưa được giải quyết, liên quan đến quy hoạch tổng thể, quy hoạch xây dựng, giao thông…
Một phần nguyên nhân do khách quan dịch bệnh COVID-19 kéo dài, việc thay đổi về nhân sự lãnh đạo,… trong khi dân số tăng lên liên tục, mật độ dân số ngày càng cao, những vấn đề tồn đọng cũ vẫn chưa giải quyết hết khiến cho công việc bị dồn lại.
“Chủ trương thì có rồi nhưng đến bây giờ mới có kế hoạch cụ thể từng bước một để giải quyết, tháo gỡ”, PGS.TS Bùi Thị An cho hay.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh ký giao ước thi đua GPMB và tái định cư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.
Còn TS. Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, để phát triển xứng tầm Hà Nội cần phải kiểm kê, đánh giá lại “gia tài” của các thế hệ ông cha, thế hệ đi trước đã để lại, tiềm năng thật sự của thời đại mới, điều kiện mới đem lại. Đặc biệt, phải đánh giá được nguồn nhân lực dồi dào, quý hiếm, những chính sách ưu ái của Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước dành cho Thủ đô.
“Từ đó có kế hoạch làm việc thì mới ra được kết quả đặc sắc, nếu không Hà Nội sẽ lại giống như các địa phương khác”, TS. Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh.
Cũng theo TS. Nguyễn Viết Chức, mỗi một cán bộ của Hà Nội đều phải hiểu mình đang làm việc cho sự phát triển của Thủ đô, cũng tức là làm việc cho sự phát triển của cả nước.
“Ở đây đòi hỏi rất lớn, vinh dự rất lớn, tiềm năng từ thiên nhiên đến xã hội rất lớn, biết khai thác thế mạnh của mình, tránh vết xe đổ của những người đi trước, và phải lên được kế hoạch trung hạn, dài hạn và trước mắt làm sao cho tốt, biết chọn việc, chọn người để làm. Tựu trung lại là phải trung thực, tất cả vì Thăng Long Hà Nội nghìn năm văn hiến”, TS. Nguyễn Viết Chức nói.

Phối cảnh đường Vành đai 4 qua địa bàn 7 quận, huyện của Hà Nội.
Có thể thấy thời gian qua, ngay sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, cả hệ thống chính trị thành phố đã vào cuộc triển khai, sớm đưa nghị quyết đi vào cuộc sống trong sự mong chờ của người dân về những đổi thay của Thủ đô.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, Nghị quyết được ban hành đã nói lên sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự quan tâm đặc biệt của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, của các cấp, ngành và mong muốn của nhân dân cả nước đối với Thủ đô Hà Nội.
Cử tri và nhân dân cả nước mong rằng, với vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, TP. Hà Nội sẽ tiếp tục nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, phát triển bền vững, quyết tâm tạo bứt phá vươn lên trong năm 2023 và những năm tiếp theo, xứng đáng với sự quan tâm đặc biệt của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, của các cấp, các ngành, địa phương và của nhân dân cả nước.
Trong năm 2022, Hà Nội tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời, tập trung triển khai các đề án, dự án rất quan trọng, có tính quyết định, tính đột phá cho sự phát triển bền vững của Thủ đô, như: Ðầu tư đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; Ðề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô; Ðiều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; tổng kết, đánh giá đề xuất sửa đổi Luật Thủ đô… Hà Nội đây cũng là địa phương đầu tiên ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô. |
Minh Chí