Hà Tĩnh chủ động ứng phó bão số 3, triển khai biện pháp hạn chế thiệt hại
(CLO) Đến 7h sáng 21/7/2025, bão số 3 tiếp tục diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Trước tình hình đó, các cấp, ngành và địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm ứng phó kịp thời, hạn chế thiệt hại về người và tài sản.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 4h ngày 21/7, tâm bão số 3 ở vào khoảng 21,5°N; 110,4°E, trên khu vực phía Bắc bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), cách Quảng Ninh – Hải Phòng khoảng 275 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão đạt cấp 9, giật cấp 11. Dự báo đến sáng 22/7, bão sẽ mạnh thêm, đạt cấp 10–11, giật cấp 14 và tiếp tục di chuyển về phía đất liền các tỉnh Hưng Yên – Thanh Hóa, sau đó suy yếu dần.
Khu vực Hà Tĩnh chịu ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu phía Tây Nam bão, khiến gió mạnh dần lên cấp 6–7, phía Bắc cấp 7–8, giật cấp 9, sóng biển cao 2–4m, biển động rất mạnh. Dự kiến, từ ngày 21–23/7, trên địa bàn sẽ có một đợt mưa lớn diện rộng với lượng mưa từ 100–200mm, một số nơi có thể trên 250mm.

Ngay từ ngày 19/7, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Công điện khẩn số 17/CĐ-UBND chỉ đạo các cấp, ngành chủ động triển khai ứng phó với bão số 3. Tiếp đó, sau cuộc họp trực tuyến với Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà sáng 20/7, UBND tỉnh tổ chức họp khẩn, quán triệt tinh thần “4 tại chỗ” trong ứng phó thiên tai.
Các lực lượng quân đội, biên phòng, công an đã được yêu cầu trực 100% quân số. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh kích hoạt chế độ ứng trực 24/24h. Báo Hà Tĩnh và Đài PT-TH tỉnh liên tục cập nhật tình hình bão, mưa lũ, phát đi các cảnh báo, hướng dẫn người dân chủ động phòng tránh.
Theo Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh, đến 20h ngày 20/7, đã thông báo, kiểm đếm và hướng dẫn cho 3.983 tàu thuyền với gần 11.000 lao động nắm bắt thông tin bão và neo đậu an toàn. Chỉ còn 4 phương tiện với 15 lao động còn hoạt động trên biển, nhưng đều đã nhận thông báo và chủ động phòng tránh.
Toàn tỉnh hiện có hơn 7.000 ha thủy sản đang nuôi, với sản lượng ước tính trên 5.000 tấn chưa thu hoạch. Trong đó, 162 lồng bè và 83 chòi canh tại các huyện Lộc Hà, Thạch Hà, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên… có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi gió mạnh và sóng lớn.
Về nông nghiệp, Hà Tĩnh có hơn 45.000 ha lúa Hè Thu đang giai đoạn đẻ nhánh và 11.700 ha cây ăn quả có múi đang thời kỳ phát triển quả – đều là những diện tích dễ bị thiệt hại nếu mưa lớn kéo dài.
Tỉnh Hà Tĩnh hiện có 3 hồ chứa lớn là Kẻ Gỗ, Sông Rác, Ngàn Trươi cùng hàng trăm hồ vừa và nhỏ. Tính đến sáng 21/7, mực nước các hồ đang ở mức trung bình (Kẻ Gỗ đạt 60,8%, Sông Rác 85,13%, Ngàn Trươi chỉ mới 30,95% dung tích thiết kế). Tuy nhiên, trước nguy cơ mưa lớn bất thường, các địa phương đã được yêu cầu theo dõi sát tình hình, chuẩn bị phương án xả lũ kịp thời, bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du.
4 trọng điểm đê điều xung yếu tại các xã Đan Hải, Lộc Hà, Thiên Cầm và Hải Ninh đã được rà soát, củng cố. Các phương án hộ đê, ứng phó sự cố đã được kích hoạt.
Dù bão số 3 chưa trực tiếp đổ bộ, nhưng giông lốc tối 19/7 đã gây thiệt hại đáng kể trên địa bàn tỉnh: Về người: 2 trường hợp mất tích gồm 1 thuyền viên (Hoàng Văn Minh – xã Cổ Đạm) và 1 người dân bị cuốn trôi khi tắm biển (Lê Huy Chiến – TP Hà Tĩnh). Công tác tìm kiếm đang được khẩn trương triển khai.
Về tàu thuyền: 58 tàu cá bị sóng đánh chìm, hiện 5 tàu vẫn chưa trục vớt. Đặc biệt, 1 tàu du lịch chở 30 hành khách và 4 thuyền viên bị chìm tại đảo Bớc, xã Thiên Cầm – rất may toàn bộ 34 người đã được lực lượng Biên phòng cứu nạn kịp thời.
Về nhà ở: 154 nhà dân bị tốc mái tại các xã Sơn Tây, Kim Hoa, Thượng Đức… Về nông nghiệp: Hơn 7 ha ngô bị gãy đổ, 441 cây gió trầm, 15.000 m² nhà màng trồng dưa lưới bị hư hỏng. Cơ sở hạ tầng: 20 cột điện, viễn thông bị gãy đổ, 1 trường học bị tốc mái.

Trong những ngày tới, tỉnh Hà Tĩnh tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: Huy động tối đa lực lượng cứu hộ, cứu nạn tìm kiếm người mất tích và hỗ trợ khắc phục thiệt hại; Quản lý chặt chẽ tàu thuyền ra khơi, hướng dẫn neo đậu an toàn; Rà soát, di dời người dân tại các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất; Chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, vật tư ứng phó sự cố thiên tai, bảo vệ an toàn hồ đập, đê điều; Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 tại tất cả các đơn vị, sẵn sàng xử lý mọi tình huống phát sinh; Riêng hồ Kẻ Gỗ, do mực nước cao hơn trung bình nhiều năm, tỉnh yêu cầu đơn vị quản lý tính toán sớm phương án điều tiết nước để chủ động đón lũ chính vụ năm 2025.
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, Hà Tĩnh đang nỗ lực cao độ với phương châm “chủ động, kịp thời, quyết liệt, hiệu quả” nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại, bảo vệ an toàn cho người dân và tài sản. Toàn hệ thống chính trị đang vào cuộc đồng bộ, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống bất ngờ của thiên tai.