Hành trình về nước kịch tính và sức ép từ chức khổng lồ của Thủ tướng Haiti

Thứ năm, 07/03/2024 14:11 PM - 0 Trả lời

(CLO) Mỹ hôm thứ Tư (6/3) cho biết họ đang kêu gọi Thủ tướng Haiti Ariel Henry đẩy nhanh quá trình “chuyển đổi chính trị” do cuộc khủng hoảng đang diễn ra trầm trọng ở quốc đảo Caribe này. Đây được xem là một tin dữ nữa đối với ông Henry trong hành trình về nước đầy gian nan của mình.

Hành trình trở về đầy kịch tính

Hành trình trở về nước của Thủ tướng Henry thực sự đã diễn ra rất kịch tính. Sau chuyến thăm Kenya hồi tuần trước, ông đã bí mật bay từ thủ đô Nairobi đến bang New Jersey của Mỹ vào cuối tuần vừa qua, để đàm phán về việc trở về nước với các nhà ngoại giao từ nước láng giềng Cộng hòa Dominica.

Các quan chức Dominica ban đầu thảo luận về việc để ông Henry, 74 tuổi, bay đến thủ đô Santo Domingo trước khi đáp trực thăng qua biên giới để về nước - một kế hoạch đã được thông báo cho các quan chức Mỹ và Liên hợp quốc. Cụ thể hơn, phái đoán của ông sẽ sử dụng máy bay trực thăng có tầm nhìn ban đêm trong sứ mệnh. Và đó sẽ là chiếc máy tư nhân, một chiếc Gulfstream 13 chỗ.

hanh trinh ve nuoc kich tinh va suc ep tu chuc khong lo cua thu tuong haiti hinh 1

Thủ tướng Haiti Ariel Henry (trái) nói chuyện với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hồi tháng 9 năm 2023 về vấn đề an ninh Haiti. Ảnh: Văn phòng Thủ tướng Haiti

Tuy nhiên, sứ mệnh đã không thể hoàn thành và bị hủy bỏ giữa chừng, do các băng đảng ở Haiti lúc này đang tăng cường bạo loạn và đặc biệt kiểm soát sân bay chính ở thủ đô Port-au-Prince, khiến hành trình trở về của ông trên chiếc Gulfstream khó có thể thực hiện.

Thậm chí khi Henry và phái đoàn của ông đang rời New Jersey vào thứ Ba, thì một tình huống ngoài kế hoạch khác đã sớm xuất hiện khi Cộng hòa Dominica bất ngờ từ chối cho phép máy bay của ông hạ cánh xuống nước này. Thủ tướng Henry ngay sau đó nhận được một tin nhắn giữa không trung từ Bộ Ngoại giao Mỹ về việc phải thay đổi lộ trình.

Thay vì đến thủ đô Santo Domingo của CH Dominica, ông Henry được hướng dẫn phải đi đường vòng đến Puerto Rico hoặc một trong số các quốc gia Caribe láng giềng của Haiti. Cuối cùng, ông Henry đã chọn Puerto Rico, một vùng quốc hải thuộc chủ quyền của Mỹ. Máy bay của Thủ tướng Henry hạ cánh xuống San Juan, nơi ông ngay lập tức được các nhân viên Mật vụ Mỹ tiếp cận.

Cộng hòa Dominica, quốc gia có chung đảo Hispaniola với Haiti, cho biết vào cuối ngày thứ Ba rằng Mỹ đã tìm cách yêu cầu Henry thực hiện một "điểm dừng chân vô thời hạn" trên lãnh thổ của mình, một yêu cầu mà họ đã từ chối, khiến máy bay của ông Henry thay đổi lịch trình kể trên.

Trả lời câu hỏi về việc từ chối máy bay của ông Henry, chính quyền Dominica cho biết: "Điều bắt buộc là bất kỳ hành động nào được thực hiện đều không được làm tổn hại đến an ninh quốc gia của chúng tôi". Cộng hòa Dominica cũng đã tăng cường an ninh ở biên giới với Haiti. Năm ngoái họ đã trục xuất hàng chục nghìn người di cư Haiti và tuyên bố sẽ không cho phép các trại tị nạn Haiti hoạt động trên lãnh thổ của mình.

Về nước và giữ ghế đều khó với ông Henry

Trước đây, Mỹ đã thể hiện sự ủng hộ đối với Thủ tướng Henry sau khi ông lên nắm quyền đất nước sau vụ cố Tổng thống Jovenel Moise bị sát hại vào năm 2021, song giờ họ đã buộc phải thúc ép ông chuyển giao quyền lực nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở quê nhà.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết Mỹ không thúc đẩy Henry từ chức mà muốn ông "đẩy nhanh" quá trình chuyển giao quyền lực chính trị. Mỹ cũng cho biết họ không thể giúp Henry trở về nước. Người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết: “Chúng tôi sẽ không cung cấp bất kỳ sự hỗ trợ nào để giúp Thủ tướng trở lại Haiti”.

hanh trinh ve nuoc kich tinh va suc ep tu chuc khong lo cua thu tuong haiti hinh 2

Trùm băng đảng Jimmy Cherizier (giữa). Ảnh: Reuters

Ông Henry đã ra nước ngoài để thúc đẩy một lực lượng được Liên hợp quốc hậu thuẫn và do Kenya dẫn đầu để đến Haiti trấn áp vấn nạn băng đảng. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có chi tiết cụ thể nào về lực lượng này được công bố, như ngày triển khai và nó sẽ hoạt động như thế nào.

Trong khi đó, các băng đảng Haiti thì ngày càng hành động táo tợn, thậm chí đã cảnh báo rằng nếu ông Henry không từ chức và các nước tiếp tục ủng hộ ông thì điều đó có thể dẫn đến nội chiến.

Jimmy Cherizier, biệt danh Barbeque (Thịt nướng), kẻ cầm đầu một liên minh băng nhóm tội phạm đang gây bạo loạn ở Haiti nói trong cuộc họp báo hôm thứ Ba: “Nếu Ariel Henry không từ chức, nếu cộng đồng quốc tế tiếp tục ủng hộ Ariel Henry, họ sẽ trực tiếp đưa chúng ta vào một cuộc nội chiến và kết thúc bằng nạn diệt chủng”.

Hắn ta nói thêm rằng một liên minh rộng lớn gồm các băng nhóm được gọi là Viv Ansanm (Sống chung) đang chiến đấu để thôn tính các khu vực chiến lược nhằm thực hiện kế hoạch đảo chính. Nhóm nhân quyền địa phương RNDDH cho biết ít nhất 9 đồn cảnh sát đã bị đốt cháy trong khi 21 tòa nhà công cộng hoặc cửa hàng bị cướp phá và hơn 4.600 tù nhân đã trốn thoát trong tuần qua.

Nhiều thương vong hơn cả chiến sự Ukraine

Các nhà lãnh đạo từ Cộng đồng Caribe (CARICOM) đã gặp gỡ các quan chức chính phủ Haiti và các nhân vật đối lập từ các khu vực tư nhân, dân sự và tôn giáo “suốt ngày đêm” trong 3 ngày, theo Chủ tịch CARICOM Irfaan Ali, đồng thời là Tổng thống Guyana, cho biết trong một tuyên bố video.

Ông Ali cho biết họ chưa thể đạt được "bất kỳ hình thức đồng thuận nào" giữa các bên tham gia chủ chốt của Haiti và cho rằng điều cần thiết là phải thiết lập một sự đồng thuận khi các nước chuẩn bị triển khai quân đội đến Haiti.

“Tất cả họ đều nhận thức được cái giá của sự thất bại. Việc có nhiều người chết ở Haiti vào đầu năm nay hơn ở Ukraine khiến mọi người phải dừng lại để suy nghĩ một cách nghiêm túc”, Tổng thống Guyana nói thêm.

hanh trinh ve nuoc kich tinh va suc ep tu chuc khong lo cua thu tuong haiti hinh 3

Người dân Haiti tháo chạy khỏi bạo lực băng đảng và tình trạng vô pháp luật ở Haiti. Ảnh: Reuters

Một số ít người biểu tình đã tụ tập bên ngoài một khách sạn ở Puerto Rico được cho là nơi tiếp đón ông Henry vào thứ Tư, kêu gọi ông từ chức và yêu cầu một cơ quan bên ngoài giúp điều hành cuộc bầu cử.

Người phát ngôn của Liên hợp quốc hôm thứ Tư nhắc lại lời kêu gọi quyên góp cho lực lượng an ninh và các chiến dịch viện trợ, nói rằng các bệnh viện chính đã quá tải vì thường dân bị thương và cần nguồn cung cấp máu khẩn cấp.

Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Volker Turk kêu gọi "triển khai khẩn cấp, không trì hoãn thêm" lực lượng an ninh theo kế hoạch, đồng thời nói rằng: “Tình trạng này vượt quá mức không thể chấp nhận được đối với người dân Haiti".

Theo Liên hợp quốc, khoảng 360.000 người phải Haiti sơ tán trong nước , trong khi gần 1.200 người thiệt mạng và gần 700 người bị thương kể từ đầu năm nay, với nhiều báo cáo về tình trạng hãm hiếp và tra tấn cũng như việc ngăn chặn người dân tiếp cận các nguồn cung cấp và dịch vụ cơ bản.

Người đứng đầu cơ quan trẻ em của Liên hợp quốc, Catherine Russell, cho biết: “Mỗi ngày trôi qua đều mang đến những thiếu thốn và nỗi kinh hoàng mới. Người dân Haiti bị cuốn vào làn đạn".

Hiệp hội các bệnh viện tư nhân ở Haiti hôm thứ Tư cho biết do xung đột, nhiều bệnh viện đã trở thành nạn nhân của các cuộc tấn công bạo lực và đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt trầm trọng các nhu yếu phẩm y tế như nhiên liệu và oxy.

Hoàng Hải (theo Reuters, MCD, AJ)

Bình Luận

Tin khác

Thủ tướng Robert Fico bị ám sát và sự phân cực sâu sắc trong xã hội Slovakia

Thủ tướng Robert Fico bị ám sát và sự phân cực sâu sắc trong xã hội Slovakia

(CLO) Trong vòng 6 năm, Slovakia đã chứng kiến 2 vụ ám sát gây chấn động. Năm 2018, nhà báo điều tra Ján Kuciak phải trả giá bằng mạng sống vì công việc. Đến hôm qua, Thủ tướng Robert Fico cũng đã bị ám sát khi đang làm công việc của mình. Hai vụ việc nhưng làm nổi bật một vấn đề: Sự phân cực sâu sắc ở Slovakia.

Tiêu điểm Quốc tế
Bầu cử Mỹ 2024 còn 6 tháng nữa: Cuộc đua sẽ diễn ra như thế nào?

Bầu cử Mỹ 2024 còn 6 tháng nữa: Cuộc đua sẽ diễn ra như thế nào?

(CLO) Khi cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11 đang đến gần, những thách thức mà các ứng cử viên tổng thống Joe Biden và Donald Trump phải đối mặt cũng ngày càng gia tăng.

Tiêu điểm Quốc tế
Người Trung Quốc đổ xô đi mua vàng như thể không có ngày mai

Người Trung Quốc đổ xô đi mua vàng như thể không có ngày mai

(CLO) Giá vàng toàn cầu đã đạt mức cao nhất khi các nhà đầu tư và người tiêu dùng Trung Quốc đang mua kim loại này với tốc độ kỷ lục, do cảnh giác với bất động sản và chứng khoán.

Tiêu điểm Quốc tế
Chiến sự ở Gaza: Làn sóng biểu tình sinh viên 'phản chiến' đã lan đến đâu trên thế giới?

Chiến sự ở Gaza: Làn sóng biểu tình sinh viên 'phản chiến' đã lan đến đâu trên thế giới?

(CLO) Khi các cuộc đụng độ giữa sinh viên và cảnh sát vẫn diễn ra rất căng thẳng tại nhiều trường đại học Mỹ, thì các cuộc biểu tình cũng đang được tổ chức ở các trường đại học khác trên khắp châu Âu, châu Á và Trung Đông.

Tiêu điểm Quốc tế
Đàm phán ngừng bắn ở Gaza: Mỹ gia tăng áp lực với cả Israel lẫn Hamas

Đàm phán ngừng bắn ở Gaza: Mỹ gia tăng áp lực với cả Israel lẫn Hamas

(CLO) “Đã đến lúc”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố, thúc giục Hamas chấp nhận các điều khoản của một thỏa thuận ngừng bắn mới được đề xuất. Ông Blinken cũng nói rõ rằng ông mong đợi nhiều hơn từ Israel.

Tiêu điểm Quốc tế