Hãy hồi phục thiên nhiên nếu có thể

Chủ nhật, 04/09/2022 09:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Phải mất một thời gian dài để thế giới thừa nhận một thực tế rằng, biến đổi khí hậu do con người tạo ra đang đẩy chúng ta vào một cuộc khủng hoảng. Giờ chúng ta không thể lãng phí thêm thời gian cho những thay đổi mang tính toàn cầu, nếu muốn “tương lai có thể sống được”.

Thiên nhiên hồi sinh trên Đảo Wallasea

Những đàn chim nhạn và mòng biển sà xuống Đảo Wallasea trên bờ biển phía Đông nước Anh, tìm kiếm thức ăn giữa những ngọn cỏ xù lên bởi gió biển mùa hè. Bên cạnh tiếng gió và tiếng chim, còn lại thật yên tĩnh - một khung cảnh yên bình dường như đã tồn tại trong nhiều thế kỷ. Tuy nhiên, 5 năm trước, chúng không hề tồn tại ở vùng đất ngập nước này.

hay hoi phuc thien nhien neu co the hinh 1

Thiên nhiên đã được hồi sinh trên Đảo Wallasea, phía Đông nước Anh. Ảnh: Getty

Bùn đất và thảm thực vật mà những con chim đang đậu trên Đảo Wallasea thực ra đến từ các đường phố ở London. Vào năm 2015, từ một dự án đường sắt, người ta đã xúc hơn 3 triệu tấn đất bùn dưới thủ đô để tôn tạo bờ biển của hạt Essex, cách đó 50 dặm về phía Đông. Vào mùa hè năm 2019, những chiếc cần cẩu hạng nặng đã tiếp tục đem tất cả những gì thuộc về con người ra khỏi nơi đây, để trả lại hoàn toàn vùng đất này cho thiên nhiên.

Đảo Wallasea là vùng đất ngập nước ven biển được phục hồi lớn nhất ở châu Âu, một điển hình của phong trào ngày càng phát triển nhằm “tái tạo lại” đất và trả nó lại như trước khi con người bắt đầu khai thác nó hàng thiên niên kỷ trước. Nó tốt cho những con chim. Nó cũng ngày càng được hiểu là rất quan trọng để đảm bảo một thế giới thân thiện với con người.

Vậy câu chuyện trên thực sự có ý nghĩa gì? Khi nước tràn vào và ra khỏi các bãi bùn, đầm lầy được phục hồi tại Wallasea, carbon dioxide (CO2) sẽ bị hấp thụ và lưu trữ dưới đó, thay vì thoát ra khí quyển góp phần vào sự nóng lên toàn cầu. Rob Field - một nhà khoa học ở Wallasea giải thích: “Những mảnh lá phân hủy và rong biển trôi đến bờ biển. Khi nó đến đầm lầy, carbon rơi ra khỏi trạng thái huyền thủy và được lưu trữ ở đó, trong lớp bùn dày”.

Các nhà sinh thái học cho biết những vùng đất ngập nước ven biển như thế có khả năng giữ carbon nhanh hơn 40 lần so với mỗi ha rừng. Nhưng trong hơn 400 năm qua, đất trồng trọt, sự xâm lấn biển của con người và cả mực nước biển dâng cao (phần lớn cũng do con người gây ra) đã cùng nhau phá hủy 91% môi trường sống đất ngập nước trên bờ biển Essex. Tính trên toàn cầu, 35% diện tích đất ngập nước toàn cầu đã bị phá hủy từ năm 1975 đến 2015 - theo Liên Hợp Quốc.

Các nhà khoa học cho rằng đã quá muộn để ngăn chặn thảm họa biến đổi khí hậu chỉ bằng cách giảm phát thải khí nhà kính. Vấn đề không chỉ là loại bỏ nhanh chóng các nhiên liệu hóa thạch, mà thế giới còn cần triển khai các công nghệ để hút bớt một lượng lớn carbon dioxide đã có trong khí quyển. Và nhiều người tin rằng phục hồi thiên nhiên là cách rẻ và đơn giản nhất để làm điều đó. Các lựa chọn khác bao gồm máy móc hay công nghệ. Nhưng chúng cần đến nghiên cứu, tiền bạc và thời gian để có thể được sử dụng trên quy mô lớn.

Những lời kêu gọi là chưa đủ

Ở châu Âu, ý tưởng mang thiên nhiên trở lại và chống lại biến đổi khí hậu đã được hưởng ứng mạnh mẽ. Hàng chục dự án tái tạo đã xuất hiện trên khắp lục địa già. Người châu Âu đang hồi sinh các môi trường sống ven biển như Wallasea ở Anh, tái tạo vũng lầy than bùn ở Đức và trồng lại rừng ở Cao nguyên Scotland. Các dự án không chỉ cô lập carbon mà còn tăng cường đa dạng sinh học, giúp đất đai thích ứng với khí hậu, qua đó ngăn chặn lũ lụt và cháy rừng.

hay hoi phuc thien nhien neu co the hinh 2

Hệ thống máy lọc CO2 trực tiếp từ không khí của Công ty Climeworks Thụy Sĩ. Ảnh: GI

Thực ra, lợi ích từ việc hồi sinh môi trường sống ven biển tốt hơn nhiều so với việc chỉ trồng rừng đơn thuần. Từ năm 2005 đến năm 2015, độ che phủ rừng của châu Âu tăng tương đương 1.900 sân bóng đá mỗi ngày, do EU đã chi vài tỷ euro cho các dự án này. Tuy nhiên, chúng dường như không quá hiệu quả. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc trồng các loại cây không đặc hữu quy mô lớn ở Canada và Trung Quốc đã làm xáo trộn các hệ sinh thái tự nhiên, làm trầm trọng thêm các trận cháy rừng và làm cạn kiệt mực nước ngầm.

Timon Rutten - người đứng đầu Rewilding Europe, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Hà Lan cho biết: “Tôi nghĩ các chính trị gia thích trồng cây vì đó là một hành động rất rõ ràng và đơn giản. Nhưng tái tạo các vùng đất than bùn, đất ngập nước và đồng cỏ cũng tốt hoặc đôi khi còn tốt hơn cho việc hấp thụ carbon”.

Việc các quốc gia Bắc Âu bảo vệ những vùng đất than bùn rộng lớn của mình đang mang lại lợi ích lớn trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu. Các loài thực vật mọc trên bề mặt của vùng đất than bùn hấp thụ khí carbon khi chúng lớn lên. Khi chúng chết đi, thực vật phân hủy không thải carbon trở lại khí quyển mà bị chôn vùi trong các vũng lầy ngập nước, nén lại thành một lớp than bùn mới.

Những môi trường sống dạng này bao phủ chỉ khoảng 3% diện tích địa cầu, nhưng lại chứa nhiều carbon dự trữ hơn tất cả các loại thảm thực vật khác trên trái đất cộng lại. Chúng hấp thụ 370 triệu tấn CO2 mỗi năm. Nhưng 15% diện tích đất than bùn trên thế giới đã bị rút cạn để sử dụng cho nông nghiệp, hoặc chính là để lấy than bùn làm nhiên liệu cho sinh hoạt hoặc phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện, thải ra khí CO2 trong quá trình này. Chưa hết, lớp đất than bùn khô cạn bị bỏ lại sau đó giải phóng carbon dự trữ vào khí quyển.

Hiện, đã có hàng chục công ty đang phát triển công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon (CCS), trong đó sử dụng máy móc trong các quy trình hóa học để lọc CO2 ra khỏi không khí. Ví dụ, Công ty khởi nghiệp Thụy Sĩ Climeworks, loại bỏ CO2 từ không khí tại các nhà máy ở Ý, Thụy Sĩ và Iceland, với chi phí từ 500 đến 600 USD cho mỗi tấn CO2. Sau đó, nó được bán để sử dụng trong trang trại nhà kính (cây cần CO2 để hấp thụ), sản xuất soda và sản xuất nhiên liệu sinh học, hoặc được lưu trữ sâu dưới lòng đất.

Dẫu vậy, việc phục hồi theo cách tự nhiên kể trên - ít nhất là tại thời điểm này vẫn rẻ hơn và thiết thực hơn nhiều. Ví dụ, phục hồi đất than bùn có thể thu giữ một tấn CO2 mỗi năm với giá khoảng 16 USD, chỉ bằng khoảng từ 5 đến 7% giá thành so với việc sử dụng máy móc và công nghệ.

Câu chuyện đến đây chưa phải đã kết thúc. Các chương trình phục hồi thiên nhiên, đặc biệt do tư nhân thực hiện, đôi khi lại phản tác dụng hoặc gây ra bất đồng với người dân địa phương. Bởi vậy dù bằng giải pháp nào, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu chỉ có thể thành công nếu có sự chung tay của mọi người trong cộng đồng, cũng như giữa các quốc gia trên thế giới.

Bùi Huy

Bình Luận

Tin khác

So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

(CLO) Một cuộc xung đột quân sự giữa Israel và Iran đang trở thành mối đe dọa thực sự. Nhưng Israel đã chuẩn bị đến mức độ nào cho một cuộc chiến đa mặt trận có thể với Iran và các lực lượng đồng minh của nước này?

Tiêu điểm Quốc tế
Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

(CLO) Cuộc tấn công và trả đũa giữa Israel và Iran những ngày qua một lần nữa nhắc nhở về sự thù địch giữa hai quốc gia này. Nhưng có thể nhiều người không nhớ, Iran và Israel trước đây từng là những đồng minh thân thiết hiếm có.

Tiêu điểm Quốc tế
Hệ thống phòng thủ nhiều lớp của Israel đã đánh chặn tên lửa Iran như thế nào?

Hệ thống phòng thủ nhiều lớp của Israel đã đánh chặn tên lửa Iran như thế nào?

(CLO) Các quan chức Israel và Mỹ cho biết hầu hết tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái (UAV) mà Iran phóng vào Israel hôm 13/4 đều bị đánh chặn, cho thấy hệ thống phòng thủ tên lửa đa lớp đáng gờm của hai đối tác đồng minh.

Tiêu điểm Quốc tế
Nghiên cứu phát hiện ghép tạng làm thay đổi tính cách!

Nghiên cứu phát hiện ghép tạng làm thay đổi tính cách!

(CLO) Ghép tạng có thể cứu được mạng sống, nhưng cũng có thể gây ra những thay đổi sâu sắc về tính cách, theo một nghiên cứu gần đây cho thấy.

Tiêu điểm Quốc tế
Hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu về Ukraine: Mong manh cơ hội hòa bình!

Hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu về Ukraine: Mong manh cơ hội hòa bình!

(NB&CL) Thụy Sĩ và Ukraine đang mong đợi 80 - 100 quốc gia sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình đầu tiên dự kiến diễn ra tại thành phố Lucerne, Thụy Sĩ, vào ngày 16 và 17/6 tới. Nhưng giữa mong đợi và hiện thực luôn là khoảng cách, nhất là với một vấn đề nan giải như cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Tiêu điểm Quốc tế