Họa sĩ Hoàng Thúy Liệu: Âm nhạc giúp tâm luôn yêu thương và tha thứ...

Thứ bảy, 07/12/2019 18:29 PM - 0 Trả lời

(CLO) Họa sĩ vẽ tem Hoàng Thúy Liệu cũng là “ca sĩ” không chuyên với đam mê âm nhạc cháy bỏng. Tình yêu âm nhạc dân tộc lên ngôi trở thành một phần trong cuộc sống của chị hôm nay.

Kết thúc công việc của một công chức ở Công ty Tem Việt Nam với những bộ tem để đời như: Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930 – 1990), Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Kỷ niệm 50 năm Bưu chính Việt Nam, Truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ, Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội… trong đó có nhiều bộ tem được giải cao ở trong nước và quốc tế tưởng chừng đã là quá mĩ mãn với nữ họa sĩ đất Cảng Thúy Liệu.

Những người yêu và say đắm với âm nhạc truyền thống như nữ họa sĩ Hoàng Thúy Liệu thật đáng quý chừng nào.

Những người yêu và say đắm với âm nhạc truyền thống như nữ họa sĩ Hoàng Thúy Liệu thật đáng quý chừng nào.

Thế nhưng, tình yêu với âm nhạc dân tộc lại tiếp tục có dịp được nhen lên trong chị. Đó là lần chị đã hát vô cùng trang trọng và xúc động trong Lễ Vu Lan tại chùa Cổ Loa theo lời mời của sư trụ trì. Kể từ ngày ấy, đến nay đã ngót 10 năm nữ họa sỹ có duyên lành, được mời đi hát ở khắp các chùa miền Bắc và cả miền Nam.

Để nâng cao kiến thức cho mình, chị đã tìm đến sinh hoạt ở Câu lạc bộ Đàn và hát dân ca Đài Tiếng nói Việt Nam do nhạc sĩ Dân Huyền làm chủ nhiệm. Được các thầy chỉ bảo chị đã cháy hết mình với môn nghệ thuật này. Thế là ngày ngày chị tranh thủ tập luyện các làn điệu dân ca và nhạc cổ truyền để cho đến hôm nay chị đã hát được nhiều thể loại như: Cải lương, chèo, xẩm, chầu văn, quan họ… và một chút ca trù. Đặc biệt chị có một tình yêu lớn với vọng cổ thế nhưng Câu lạc bộ lại không dạy nên chị đã tìm đến NSƯT Kim Sinh để nhờ truyền dạy một số nét cơ bản.

Thực ra tình yêu với âm nhạc dân tộc nói riêng và nghệ thuật nói chung đã có trong họa sĩ Hoàng Thúy Liệu từ khi còn bé xíu. Bố mẹ chị tuy làm việc trong ngành y tế nhưng lại thuộc nhiều thơ, thích làm thơ, thích vẽ tranh và mê nhạc cổ truyền. Khi chị còn bé, những bức mặt người do bố chị vẽ đã là món đồ chơi mà chị rất yêu thích. Bố chị còn mua một số nhạc cụ như đàn nhị, vĩ cầm, đàn tranh… về tự học rồi cho các con học theo. Và chỉ ít lâu sau, chị đã có thể đánh được đàn tranh trong bản hòa tấu của hai bố con. Hồi ấy, chị đã biết đến dân ca các vùng miền, nhạc giao hưởng cùng các bản nhạc kinh điển Việt Nam và quốc tế… qua radio, nhờ đó mà trong tâm hồn chị đã được nuôi dưỡng tình yêu với văn học, mỹ thuật và âm nhạc. Hơn nữa, khi trở thành họa sĩ, chị cũng rất có duyên vẽ những bộ tem về đề tài di sản văn hóa như: Cố đô Huế, Nhã nhạc Cung đình Huế… và không khó hiểu khi chị lại đam mê âm nhạc dân tộc đến vậy.

Nữ họa sĩ tâm đắc với một câu nói rằng: “Âm nhạc giúp tâm luôn yêu thương và tha thứ cho con người trên thế giới này. Âm nhạc là tiếng nói từ trái tim đến thẳng trái tim. Âm nhạc luôn là thánh thiện”. Đó cũng là lý do mà trong lần sinh nhật lần thứ 64 của mình, chị đã đặt tên cho đêm nhạc của mình mang tên “Thúy Liệu- Tiếng hát từ trái tim”. Chương trình có cấu trúc chặt chẽ với sự cố vấn của soạn giả Mai Văn Lạng (Trưởng phòng Dân ca và nhạc cổ truyền Đài Tiếng nói Việt Nam) và kịch bản kiêm MC là nghệ sĩ trẻ Thanh Phong (Biên tập viên âm nhạc tại Đài Tiếng nói Việt Nam, Đoàn trưởng Đoàn Nghệ thuật UNESCO di sản dân ca xứ Nghệ tại Hà Nội). Chương trình gồm 3 chương: Yêu mãi khúc dân ca, ca khúc cách mạng tiền chiến, nhạc bolero và ca khúc mang âm hưởng dân ca. Khán giả (là người thân và bạn bè của họa sĩ) đã tỏ ra vô cùng bất ngờ khi chị có thể hát đa dạng các thể loại như: chèo cổ, quan họ, cải lương, chầu văn, nhạc tiền tuyến, ca khúc cách mạng và bolero….

Nghệ sĩ Thanh Phong cho biết anh ấn tượng với họa sĩ Thúy Liệu về sự chuẩn mực trong cách ăn mặc. Bởi trong hát dân ca lựa chọn trang phục chuẩn mực là điều rất quan trọng. Dường như với con mắt của người họa sĩ, chị đã lột tả được hồn cốt trong cách lựa chọn trang phục.

“Giọng hát dân ca của Thúy Liệu toát lên một sự từng trải của người phụ nữ đã là bà, là mẹ nên cảm xúc rất thực, rất tình cảm. Dường như mỗi bài hát chị đã gửi gắm tình cảm của người mẹ, người bà vào trong ấy. Điều nữa tôi ấn tượng với Thúy Liệu, đó là chị rất đam mê và luôn tìm hiểu dân ca ở mọi vùng miền để làm mới cho mình. Với người yêu dân ca như bản thân Thanh Phong khi yêu ví dặm chỉ có thể hát tốt ví dặm còn cô Liệu lại có thể hát được rất nhiều thể loại dân ca từ Bắc vào Nam. Khi cô hát cải lương Thanh Phong nhắm mắt vào tưởng tượng như người con gái Nam bộ hát, rồi cách hát, cách đi lại diễn chuẩn với cách hát hầu đồng của người Việt. Tóm lại ở Thúy Liệu hội tụ một tâm hồn thật đẹp, một đời sống nội tâm thật sâu lắng, một tình yêu quê hương, gia đình thật nồng nàn, sâu sắc”, nam nghệ sĩ Thanh Phong cho biết.

Với tham vọng dùng ngôn ngữ âm nhạc, tự đáy lòng muốn sẻ chia, cảm thông, xoa dịu... nhất là ở những không gian tâm linh như: chùa, đình, đền, có cả nhắc nhau nhớ ơn và biết ơn (hát ở các nhà thờ họ... ), nữ họa sĩ đã từng đi hát thiện nguyện, thăm bố mẹ bạn bè ốm đau, thậm chí hát ở đám viếng tiễn người thân. Năm 2012, chị đã phát hành 2 album in ra với số lượng 250 đĩa công đức các chùa. Vol 1 “Tiếng hát cửa thiền” tập hợp những bài hát về Phật, chùa... các thể loại: nhạc mới, quan họ, ngâm thơ, chèo, cải lương, chầu văn còn Vol 2 “Vu lan” là những bài hát về nhớ ơn cha mẹ với các thể loại như: văn, chèo, cải lương... và có cả mấy bài chị tự sáng tác về cha mẹ. Đặc biệt trong năm 2014, chị đã thành lập nhóm xẩm Sen Tây Hồ, trong đó với con mắt tinh tường của người họa sĩ, chị đã thiết kế không gian văn hóa mang đậm nét của văn hóa Thăng Long- Hà Nội. Nhóm xẩm của chị đã từng biểu diễn tại Trại hè quốc tế năm 2014.

Một niềm động viên, an ủi nữa với nữ họa sĩ là người chồng của chị, vốn là một Tiến sĩ kinh tế nhưng cũng rất đam mê âm nhạc dân tộc và luôn cổ vũ để chị được “cháy” hết mình với âm nhạc dân tộc. Có thể nói, giữa phố phường Thủ đô tấp nập, giữa trào lưu của dòng nhạc mới, dòng nhạc nước ngoài đang ngày càng phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam, thì có những người yêu và say đắm với âm nhạc truyền thống như nữ họa sĩ Hoàng Thúy Liệu thật đáng quý chừng nào.

Ngô Khiêm

Tin khác

Nhà Xuất bản Kim Đồng ra mắt cuốn sách 'Trần Phú' của Nhà văn Sơn Tùng

Nhà Xuất bản Kim Đồng ra mắt cuốn sách 'Trần Phú' của Nhà văn Sơn Tùng

(CLO) Kỉ niệm 120 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu với bạn đọc cả nước truyện kí đặc sắc “Trần Phú” của tác giả Sơn Tùng. Tác phẩm gồm 9 chương phác họa cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Tổng Bí thư Trần Phú (1904-1931).

Đời sống văn hóa
6 bộ phim chiếu miễn phí trong 'Những ngày phim tài liệu Điện Biên Phủ'

6 bộ phim chiếu miễn phí trong 'Những ngày phim tài liệu Điện Biên Phủ'

(CLO) 6 bộ phim sẽ được chiếu miễn phí phục vụ công chúng trong “Những ngày phim tài liệu hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ”.

Đời sống văn hóa
Kon Tum: Độc đáo hội thi giã gạo ngon nhất thế giới ở núi Ngọc Linh hùng vĩ

Kon Tum: Độc đáo hội thi giã gạo ngon nhất thế giới ở núi Ngọc Linh hùng vĩ

(CLO) Nằm trong khuôn khổ của Hội thi ẩm thực dược liệu quốc tế được tổ chức tại huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) còn có hoạt động giã gạo truyền thống. Loại gạo ngon nhất thế vừa bén rễ trên vùng sâm tốt nhất.

Đời sống văn hóa
Chiến sỹ Điên Biên kể về Bác Hồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Chiến sỹ Điên Biên kể về Bác Hồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ

(CLO) “…Cuối năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bí mật sang Trung Quốc rồi Liên Xô hội đàm với các đồng chí lãnh đạo Xô Viết và Nguyên soái Stalin. Sau cuộc hội đàm Nguyên soái Stalin đã quyết định tặng cho Quân đội Nhân dân Việt Nam một trung đoàn cơ giới pháo cao xạ 37 ly mà sau này Trung đoàn pháo cao xã 367 của chúng tôi đảm nhận đưa pháo lên chiến trường Điện Biên Phủ.”

Đời sống văn hóa
Quyết định kéo pháo ra của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp

Quyết định kéo pháo ra của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp

“Vừa kéo pháo vào hôm trước, hôm sau ngày 26/1/1954 lại đột ngột nhận lệnh kéo pháo ra. Chúng tôi bàng hoàng cả người. Nhưng cũng nhờ có quyết định ấy của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp mà chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng…”

Đời sống văn hóa