Họa sĩ Khánh Châm - nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hà Nội: Viết là nghề, vẽ là nghiệp

Thứ sáu, 24/06/2022 10:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Dù đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm” nhưng dường như tay nghề hội họa của họa sĩ Khánh Châm vẫn đang ở độ sung mãn và ông vẫn luôn quan tâm đến đời sống báo chí hằng ngày.

Sự kiện: hoạ sĩ

Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, PV Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trò chuyện cùng nhà báo, họa sĩ Khánh Châm - người đã gần như gắn bó suốt đời với nghề thiết kế, trình bày báo - về hai mảng “sở trường” nhất của ông.

Công nghệ - hãy chỉ là công cụ

+ Là người có nhiều năm làm thiết kế, trình bày báo, ông có nhận xét gì về công việc này thời kỳ ông còn làm nghề ở báo Hà Tây và công việc thiết kế, trình bày báo hiện nay?

- Tôi về Báo Hà Tây từ năm 1984 và gần như suốt cuộc đời làm báo đảm nhận vai trò là họa sĩ chính của báo. Cách đây vài chục năm, báo in bằng công nghệ cũ nên công việc thiết kế, trình bày cũng khá thủ công, đơn giản. Họa sĩ sử dụng tờ maket in sẵn, lên trang các bài báo và ảnh do TKTS chuyển đến trên cơ sở “đếm chữ” thủ công. Sau khi được duyệt, trang báo mới chuyển sang cho công nhân nhà in xếp chữ.

Sau năm 1990, khi có máy tính, máy in chuyển sang công nghệ in offset, việc thiết kế của họa sĩ đã dễ dàng hơn nhiều, đặc biệt là hình ảnh minh họa đã không phải qua khâu khắc gỗ của nhà in mà họa sĩ vẽ trực tiếp trên giấy can, ảnh và các vignette đều xử lý bằng làm phim… Cùng với việc xử lý giãn dòng, chọn mẫu chữ, cỡ chữ đều trên máy tính nên công việc nhanh chóng hơn nhiều. Tuy nhiên, tờ maket giấy ghi ý đồ của họa sĩ vẫn còn được sử dụng trong một thời gian sau đó nữa.

hoa si khanh cham  nguyen pho chu tich hoi nha bao thanh pho ha noi viet la nghe ve la nghiep hinh 1

Nhà báo, họa sĩ Khánh Châm.

Còn hiện nay, việc thiết kế, trình bày thường do những họa sĩ trẻ thực hiện trực tiếp trên máy tính nên sự tiện lợi, nhanh chóng phải nói là tuyệt vời. Cũng nhờ đó, họa sĩ có thêm đất để thể hiện khả năng của mình.

Cần nói thêm rằng, hồi chúng tôi làm họa sĩ trình bày phải tự mày mò vì không có đâu đào tạo bài bản cả. Sau, Hội Nhà báo có tổ chức một số lớp học bồi dưỡng, đó là những hoạt động rất thiết thực, hữu ích đối với lớp họa sĩ thiết kế, trình bày thế hệ cũ như chúng tôi.

+ Thiết kế, trình bày báo là công việc thường có tính khuôn mẫu, ít nhất là mỗi tờ báo lại có một “gu” riêng. Như vậy đâu sẽ là đất sáng tạo của người họa sĩ?

- Giữa tính khuôn mẫu và sự sáng tạo tưởng chừng mâu thuẫn nhưng lại rất hài hòa, thống nhất. Cái tài của họa sĩ là thể hiện được hai yêu cầu này. Tôi cho rằng, mỗi tờ báo hay mỗi họa sĩ đều có một phong cách riêng và người họa sĩ phải làm sao để vừa giữ được sự ổn định của phong cách tờ báo vừa biết gia giảm, thay đổi. Họa sĩ trình bày báo cũng giống như một đầu bếp lên thực đơn món ăn bữa sáng, bữa trưa, bữa chiều khác nhau nhưng vẫn thống nhất ở cách sử dụng nguyên liệu, gia vị, vào lửa…

Đối với họa sĩ thiết kế, trình bày, tùy mỗi số báo, bài báo có thể thay đổi cách xử lý ảnh từ việc cắt cúp vuông tròn, đa giác; xử lý chữ chèn vào ảnh, bố trí ảnh to nhỏ, tỏ mờ; cấu trúc tít, kiểu chữ khác nhau, phối hợp màu sắc… Đó là những khoảng đất không hề hẹp để mỗi họa sĩ có nơi dụng võ.

Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng, đây là công việc khó, đòi hỏi người họa sĩ ngoài có tay nghề, kỹ năng còn cần kinh nghiệm và sự hiểu biết nhất định về báo chí mới làm tốt được.

+ Rõ ràng công việc thiết kế, trình bày ngày càng được các cơ quan báo chí coi trọng. Vậy hiện nay ông có ấn tượng với cách thiết kế, trình bày của những tờ báo/ấn phẩm nào?

- Tuy không còn làm nghề đã nhiều năm nhưng tôi vẫn giữ thói quen mỗi khi cầm tờ báo, ngoài đọc nội dung còn rất để ý đến cách trình bày. Nhìn chung, các báo hiện nay đều có thiết kế đẹp, bắt mắt, hiện đại. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng lạm dụng công nghệ, nên trang báo bị rối, thiếu trọng tâm, gây phân tán sự chú ý của người đọc.

Gần đây, nhiều người hay sử dụng câu nói “Content is King”, tôi nghĩ câu này cũng đúng với công việc thiết kế, trình bày báo. Công nghệ hãy chỉ là công cụ, hay nói chính xác hơn là công nghệ phải phục vụ nội dung, phục vụ cho việc thể hiện ý đồ của người họa sĩ. Trong thiết kế, trình bày báo hay trong đời sống cũng vậy, cầu kỳ đôi khi cũng cần nhưng cái đẹp thường là sự đơn giản.

Viết là nghề, vẽ là nghiệp

+ Được biết ông có tranh treo trong Bảo tàng Mỹ thuật từ năm 1982, điều mà không nhiều họa sĩ đương đại làm được. Nhưng vẫn có tình trạng nghệ thuật hàn lâm, bác học thì thường không được đón nhận rộng rãi, trong khi những loại hình nghệ thuật “bình dân” lại có lượng công chúng lớn. Tình trạng này có thường xảy ra đối với hội họa?

- Là một môn nghệ thuật nên hội họa không thể đứng ngoài thực trạng này. Hội họa là cái đẹp mà xã hội thì có nhiều quan niệm về cái đẹp và trình độ thẩm mỹ của mỗi người cũng khác nhau, mỗi thời cũng khác nhau. Người Việt thường thích những gì gần gũi với mình, thích những thứ dễ hiểu. Vì thế nên đối với số đông, họ thích tranh phong cảnh, thích cảnh thiên nhiên, con người chứ chưa thích những trường phái như lập thể trừu tượng chẳng hạn.

hoa si khanh cham  nguyen pho chu tich hoi nha bao thanh pho ha noi viet la nghe ve la nghiep hinh 2

Ở tuổi ngoài 70, họa sĩ Khánh Châm vẫn dành nhiều thời gian, tâm sức cho hội họa.

+ Là người “sống được” bằng nghề vẽ, ít nhất là từ khi nghỉ hưu đến nay, trong khi số đông họa sĩ coi vẽ tranh chỉ là nghề tay trái, vẽ chỉ là cuộc chơi cho thỏa đam mê. Để bán được tranh, ông có “bí quyết” gì không?

- Khi còn công tác, tôi ít có thời gian để vẽ tranh, về nghỉ có thời gian hơn nên vẽ được nhiều hơn. Tôi vẽ tranh để làm đẹp thêm cho cuộc sống, để thư giãn chứ không phải vì kinh tế nên không có áp lực nào mà hoàn toàn vẽ theo cảm xúc. Tranh tôi vẽ cũng bán được nhưng giá không cao, chỉ vài trăm đến nghìn đô tại các triển lãm, hoặc cũng có người đến nhà hỏi mua.

Cá nhân tôi không có bí quyết gì, chỉ đơn giản vẽ những gì mình thích, không ép mình theo trường phái, phong cách nào, cũng không cố vẽ cho vừa lòng công chúng. Tuy nhiên, tôi nghiệm ra rằng, tranh nào mình thích thì cũng thường là tranh bán được, còn tranh nào mình vẽ mà khiên cưỡng thường khó bán.

Đến bây giờ nhìn lại, tôi thấy rằng gần cả cuộc đời làm báo, trưởng thành từ nghề báo thì viết là nghề, còn vẽ là nghiệp. Nghiệp vẽ đã ăn sâu vào máu của mình, bây giờ đáng lẽ được nghỉ ngơi nhưng tôi vẫn dành nhiều thời gian, tâm sức cho hội họa.

+ Cảm ơn họa sĩ Khánh Châm vì cuộc chia sẻ thú vị này!

Thế Vũ (Thực hiện)

Bình Luận

Tin khác

Du khách khám phá không gian trưng bày thổ cẩm Xí Thoại

Du khách khám phá không gian trưng bày thổ cẩm Xí Thoại

(CLO) Chiều 20/4, tại Hà Nội, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với đơn vị du lịch tỉnh Phú Yên tổ chức giới thiệu về làng nghề thổ cẩm Xí Thoại, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.

Đời sống văn hóa
Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024

(CLO) Mới đây, UBND tỉnh Bắc Giang đã tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh.

Đời sống văn hóa
Tác giả bộ truyện 'Nhóc Miko - cô bé nhí nhảnh' giao lưu với độc giả Việt Nam

Tác giả bộ truyện 'Nhóc Miko - cô bé nhí nhảnh' giao lưu với độc giả Việt Nam

(CLO) Ngoài yếu tố giải trí, bộ truyện "Nhóc Miko - cô bé nhí nhảnh" có thể xem là sổ tay hướng dẫn cho các bé gái và thiếu nữ cách ứng xử văn minh và cởi mở trước các vấn đề trong cuộc sống.

Đời sống văn hóa
Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2024, chủ đề 'Thế giới tôi đọc'

Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2024, chủ đề "Thế giới tôi đọc"

(CLO) Ngày 20/4, tại Hà Nội, đã diễn ra Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2024 với chủ đề "Thế giới tôi đọc" do Thư viện Quốc gia Việt Nam tổ chức.

Đời sống văn hóa
57 cây chè cổ Shan tuyết ở Mộc Châu là cây di sản Việt Nam

57 cây chè cổ Shan tuyết ở Mộc Châu là cây di sản Việt Nam

(CLO) Ngày 20/4, UBND huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La phối hợp với Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tổ chức Lễ công nhận cây di sản Việt Nam đối với quần thể 57 cây chè cổ Shan tuyết ở tiểu khu bản Ôn, thị trấn Nông trường Mộc Châu (huyện Mộc Châu).

Đời sống văn hóa