(CLO) Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến giá suất diễn giữa các doanh nghiệp tổ chức biểu diễn ca Huế trên sông Hương khiến chất lượng biểu diễn bị ảnh hưởng.
Đây là thông tin được Tổ Liên ngành kiểm tra hoạt động ca Huế của tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết ngày 8/8, sau đợt kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động biểu diễn ca Huế trên sông Hương.
Tổ Liên ngành cũng cho hay, hoạt động biểu diễn ca Huế trên sông Hương vẫn còn tình trạng bán hàng rong gây mất trật tự, ảnh hưởng đến cảnh quan, vệ sinh môi trường trên đường đi bộ.
Ngoài ra, thuyền trưởng, thuyền viên khi tham gia hoạt động ca Huế không mang đồng phục, đeo bảng tên. Vẫn còn tình trạng một số người dân đi thuyền để chèo kéo bán cá phóng sinh cho du khách...
Để chấn chỉnh hoạt động ca Huế trên sông Hương, trong tháng 7/2024, Tổ Liên ngành đã có 17 buổi kiểm tra theo kế hoạch và 7 buổi kiểm tra đột xuất đối với hơn 620 suất diễn.
Trong quá trình kiểm tra, Tổ này đã không cho xuất bến đối với những thuyền có các hành vi chở quá số lượng người cho phép, không có lệnh xuất bến, không có danh sách hành khách, không có biển hiệu theo quy định, không lắp đặt camera hoặc lắp đặt nhưng không kết nối với hệ thống thông tin của cơ quan quản lý…
Thời gian gần đây, tình trạng mất trật tự ở lối dẫn vào bến thuyền, vấn nạn “cò” vé, xung đột giữa đơn vị bán vé du lịch với bán vé phục vụ ca Huế… đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Huế cũng như hoạt động biểu diễn ca Huế trên sông Hương.
Hiện có 12 doanh nghiệp được cấp phép tổ chức hoạt động biểu diễn ca Huế với khoảng 40 thuyền, trên 500 diễn viên, nhạc công; trong đó, có trên 250 diễn viên, nhạc công tham gia biểu diễn tour ca Huế trên sông Hương.
Hồi tháng 5/2024, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành quy chế mới về quản lý và tổ chức hoạt động biểu diễn ca Huế trên sông Hương.
Trong đó, quy định phải đảm bảo có ít nhất 7 diễn viên, nhạc công khi biểu diễn trên thuyền nhỏ dưới 15 khách và ít nhất 8 diễn viên, nhạc công khi biểu diễn trên thuyền lớn lượng khách 15 người trở lên.
Khi biểu diễn phải có ít nhất 3 trong 4 loại nhạc cụ: đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn nhị, đàn nguyệt. Ngoài ra, có thể có đàn bầu, sáo, phách và các loại nhạc cụ khác phù hợp với chương trình biểu diễn.
Văn bản này cũng quy định, điểm đón và trả khách nghe biểu diễn ca Huế trên sông Hương tại bến Tòa Khâm và các bến được cấp phép. Phạm vi neo đậu thuyền khi biểu diễn ca Huế trên sông Hương từ cầu Trường Tiền đến cầu Dã Viên; vị trí neo đậu khi biểu diễn đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa các thuyền là 50m.
Các thuyền du lịch có hoạt động tổ chức biểu diễn ca Huế phải lắp đặt từ 2 đến 3 camera giám sát tại khu vực biểu diễn, lưu trữ dữ liệu tối thiểu 7 ngày, được kết nối với hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.
Quy chế này còn yêu cầu các đơn vị tổ chức không được tự ý thay đổi nội dung chương trình, giảm thời lượng, thay đổi bài hát, rút ngắn lời dẫn làm ảnh hưởng chất lượng chương trình…
(CLO) Công ty Vietpictures Hải Phòng, đơn vị phân phối độc quyền 9.000 giấy mời tại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2024, đang gây ra làn sóng phản ứng từ dư luận khi người dân muốn nhận giấy mời phải mua áo với giá từ 500.000 đến 700.000 đồng.
(CLO) Thực hiện Công điện số 87/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3, hàng loạt sự kiện văn hoá, nghệ thuật đã lùi thời gian tổ chức.
(CLO) Dự án cải tạo, tôn tạo chùa Trầm - chùa Trăm Gian với tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng dự kiến được khởi công tháng 9/2024, hoàn thành vào năm 2026.
(CLO) Tác phẩm ảnh “Chiều công trường” bị Hội Nhiếp ảnh TP HCM thu hồi Huy chương Đồng, lý do tác giả có đơn xin rút giải thưởng và đề nghị của Ban Tổ chức Liên hoan.
(CLO) Ngày 6/9, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Cao Bằng đã phối hợp Hội Mỹ thuật Việt Nam, Trung tâm Văn hóa Thông tin Du lịch tỉnh Cao Bằng tổ chức triển lãm tranh với chủ đề “Sắc màu Non nước Cao Bằng”.