Phát hiện con đường đá cổ vượt Đèo Ngang
(CLO) Trong quá trình tìm lại cung đường qua Đèo Ngang xưa, các lực lượng đã phát hiện nhiều bậc đá cổ mà cha ông ta lắp dựng để lên cổng Hoành Sơn Quan.
Theo dõi báo trên:
Khởi chiếu đồng loạt trên toàn cầu ngày 1/7/2022, “Minions: Sự trỗi dậy của Gru” (“Minions: The Rise of Gru”) đã nhanh chóng tạo nên cơn sốt. Theo nhà phát hành phim CJ CGV Việt Nam, “Minions: Sự trỗi dậy của Gru” thiết lập nhiều kỷ lục, khi tại Việt Nam, chỉ sau 10 ngày công chiếu, phim đã đạt doanh thu 100 tỷ đồng. Đặc biệt hơn, đây là phim hoạt hình duy nhất nằm trong top 10 phim nước ngoài được yêu thích, đứng cạnh các “bom tấn” hành động và siêu anh hùng kinh phí lớn như “Godzilla vs Kong”, “Captain Marvel”, “Fast and Furious 8”, “The Avengers”. Tại các phòng vé quốc tế, phim cũng đã mang về hơn 420 triệu USD chỉ trong 10 ngày, cao hơn hẳn thành tích của phần đầu ra mắt 7 năm trước.
Điều gì làm nên sức hút khủng khiếp của “Minions: Sự trỗi dậy của Gru”? Theo đạo diễn Trịnh Lâm Tùng - Giám đốc Alpha Studio, đầu tiên phải kể đến đây là sản phẩm thương hiệu của làng hoạt hình thế giới Illumination Entertainment. Nhân vật Minions đã có lượng người hâm mộ yêu thích từ hơn chục năm qua bởi loạt phim “Despicable Me”. Phim cũng quy tụ dàn diễn viên lồng tiếng đình đám: Steve Carell, Pierre Coffin, Alan Arkin…
Ngoài ra, phim đánh vào đa dạng các đối tượng khán giả. Trong phim vẫn có các Minions để trẻ em yêu thích, nhưng cũng chứa đựng nhiều thông điệp về tình yêu mà người lớn có thể thấu cảm. Tạo hình các nhân vật cũng được xây dựng rất độc đáo, nhìn một lần là nhớ ngay.
“Gru hút mắt bởi màu sắc trendy, rực rỡ và lôi cuốn. Những yếu tố về đồ họa, âm thanh hòa quyện với nhau, làm nên một cuộc phiêu lưu mãn nhãn”, đạo diễn Trịnh Lâm Tùng nhận xét.
Đặc biệt, theo đạo diễn Trịnh Lâm Tùng, những phim hoạt hình nước ngoài đều được đầu tư khủng. “Minions: Sự trỗi dậy của Gru” có mức đầu tư 80 triệu USD cho thời lượng 88 phút phim. Trong khi, một bộ phim hoạt hình Việt thường chỉ được đầu tư vài ba tỷ đồng.
Theo nghiên cứu của CJ CGV Việt Nam, thị trường phim hoạt hình ở Việt Nam rất giàu tiềm năng khi liên tục trong thời gian gần đây, hoạt hình luôn nằm trong top phim có doanh thu cao. Các nhà phát hành phim Hollywood cũng đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á. Bởi vậy, không lạ khi các “siêu phẩm” hoạt hình đều được khởi chiếu tại Việt Nam đồng loạt với thế giới, thậm chí có phim còn được chiếu sớm trước cả thị trường Mỹ.
Tuy được đánh giá là tiềm năng nhưng đáng buồn là lâu nay, phim hoạt hình Việt Nam vẫn “lép vế” bởi các phim hoạt hình nước ngoài. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có phim hoạt hình nào được đưa lên màn ảnh rộng và mang lại doanh thu. Hầu hết các sản phẩm chỉ là các tập phim ngắn 10, 15 đến 30 phút và chủ yếu được chiếu trên nền tảng internet hay “sang” hơn là được phát trên truyền hình.
Nguyên nhân phim hoạt hình Việt Nam yếu và không thể đưa ra rạp được cho là kịch bản đi theo lối mòn với những truyền thuyết, cổ tích xưa cũ. Nhân vật cũng thiếu sự đa dạng về tính cách, cá tính; hình ảnh thiếu tính sáng tạo... Nhà làm phim quá xem trọng mục tiêu giáo dục, coi nhẹ tính giải trí, dẫn đến thiếu sự lôi cuốn, hấp dẫn… Đó là chưa kể đến hàng loạt yếu tố “cần” khác về kỹ thuật, công nghệ mà chúng ta chưa thể đáp ứng trong một sớm một chiều.
Những người làm nghề đều thừa nhận, để có thể thực hiện một sản phẩm phim hoạt hình chiếu rạp là vô cùng khó khăn. Ông Đặng Hải Quang - người sáng lập và là CEO của Dee Dee Animation Studio cho rằng, bây giờ hoạt hình thiếu thốn mọi thứ, từ nhân lực, công nghệ, quy trình sản xuất chuẩn… và đặc biệt là chưa có thị trường phim hoạt hình. “Hiện nay, ngoài các đơn vị Nhà nước, chỉ có chưa đến 10 studio tư nhân lớn nhỏ. Chúng ta hầu như chưa có gì nên tất cả đều cần phải có thời gian”, ông Quang nói.
Theo ông Quang, không như nhiều người lầm tưởng, làm phim hoạt hình tốn kém hơn nhiều so với phim “người đóng”, suất đầu tư thường gấp 4-5 lần và đòi hỏi cả thời gian nữa. “Để làm một phim hoạt hình chiếu rạp 90 phút, chưa nói đến mức đầu tư đắt đỏ, cần tối thiểu 2 năm, thậm chí đến 4 năm. Thời gian sản xuất dài, rủi ro cao trong khi không có diễn viên, đạo diễn nổi tiếng “bảo chứng”, thật khó thuyết phục để nhà đầu tư “xuống tiền” cho phim hoạt hình”.
Cùng quan điểm, NSND Phạm Ngọc Tuấn, Tổng Giám đốc Hãng phim hoạt hình Việt Nam chia sẻ, phim hoạt hình chiếu rạp đòi hỏi đầu tư lớn và đồng bộ. Đầu tiên, kịch bản phim phải có tính “truyện”, tính hấp dẫn; hình thức mang đậm bản sắc văn hóa Việt. Ý tưởng bộ phim phải thật ý nghĩa, đáp ứng được mong muốn của khán giả, một chủ đề lớn mang tầm nhân loại như tình yêu thương, sự cảm thông, chia sẻ hay vấn đề có tính toàn cầu… Đồng thời, nhà sản xuất phải có đội ngũ nhân lực tốt, có tay nghề cao, có sự đam mê cùng với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại.
“Vừa rồi tôi tham gia hội đồng chấm thi kịch bản phim truyện hoạt hình do Cục Điện ảnh tổ chức. Có tới gần 20 kịch bản vào vòng chung khảo nhưng để đạt được tiêu chuẩn của một kịch bản phim 90 phút công chiếu ngoài rạp thì vẫn là thách thức lớn. Kể cả kịch bản đạt giải nhất, giải nhì, nhưng nếu đem về Hãng cũng chưa thể làm được ngay mà còn phải chỉnh sửa, bồi đắp để kịch bản thật sự hấp dẫn và giàu ngôn ngữ hoạt hình rồi mới tính đến sản xuất được”, ông Tuấn nói.
Nói thêm về sự “mạnh tay” của nhà sản xuất nước ngoài, đạo diễn Trịnh Lâm Tùng cho hay, riêng khâu kịch bản, họ đã đầu tư cỡ “triệu đô”. Trong sản xuất, họ có những phần mềm mới nhất, mạnh nhất, cùng với đó là dàn thiết bị “khủng”. Ngoài ra, một số phim còn được đầu tư viết riêng phần mềm chuyên biệt. Nhân lực làm phim của họ thường lên đến con số hàng nghìn. “Còn ở ta, các studio vẫn dùng phần mềm từ 5-7 năm trước, nước ngoài họ đã bỏ đi, không dùng. Kịch bản thì được đầu tư tầm 20 triệu đồng đã là khá. Như vậy, cạnh tranh với họ khác nào người tí hon đấu với gã khổng lồ”, ông Tùng ví von.
Đưa phim hoạt hình Việt xuất hiện tại rạp là ước mơ của các đạo diễn ở nhiều thế hệ. Đạo diễn Trịnh Lâm Tùng cho hay, đây là câu hỏi mà ông đã nhận được từ 10 năm rồi nhưng “con đường ra rạp vẫn đang ở phía trước”.
Tuy nhiên, có thể đích đến sẽ không còn xa khi gần đây, phim hoạt hình Việt đã có nhiều tiến bộ khi một số nhà sản xuất, đạo diễn đã có sự tìm tòi để cho ra đời những tác phẩm chất lượng hơn. Phim hoạt hình Việt Nam không còn bó hẹp trong những câu chuyện cổ tích, lịch sử, những bài học giáo dục khô cứng mà còn có thêm những phim series mang tính giải trí cao, phù hợp với xu thế phát triển chung...
Đạo diễn Trịnh Lâm Tùng đánh giá, Việt Nam hiện có nguồn nhân lực khá mạnh với nhiều người trẻ đã tham gia những dự án hoạt hình quốc tế, có trình độ không thua kém so với nước ngoài.
Có những phim mà nếu chỉ xét về kỹ thuật, khán giả không phân biệt được là phim Việt Nam hay quốc tế vì trình độ ít chênh lệch. Cũng đã xuất hiện nhiều đơn vị tư nhân như Colory Animation, Dee Dee Animation, Sconnect… có nhiều năng lực sáng tạo với cách kể chuyện hiện đại. Trong đó, có thể kể đến Dee Dee Animation đã khá “mạnh tay” đầu tư và đang hợp tác với Shin-Ei Animation (top 4 studio hoạt hình tại Nhật Bản). Đây cũng là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam phụ trách trọn vẹn khâu sản xuất 6/12 tập phim series hoạt hình Chimimo, Nhật Bản.
Hay như Alpha Studio cũng đang hợp tác với Sconnect sản xuất series phim hoạt hình Wolfoo - series phim đã được dịch ra 10 thứ tiếng và thu hút hơn 2 tỷ lượt xem mỗi tháng trên YouTube…
Không thể một sớm một chiều sánh ngang với những nước có nền công nghiệp phim hoạt hình vững chắc, nhưng cánh cửa cơ hội đang mở ra. “Việt Nam đi sau nhưng không có nghĩa là không thể cạnh tranh trên sân chơi lớn này”, đạo diễn Trịnh Lâm Tùng nhận định.
Thế Vũ
(CLO) Trong quá trình tìm lại cung đường qua Đèo Ngang xưa, các lực lượng đã phát hiện nhiều bậc đá cổ mà cha ông ta lắp dựng để lên cổng Hoành Sơn Quan.
(CLO) Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thống nhất với tỉnh Ninh Thuận điều chỉnh lùi thời gian tổ chức Ngày hội sang tháng 12 năm 2024.
(CLO) Giao lưu văn hóa “Gió trăng chung một bầu trời, Núi sông nối liền Việt - Trung” góp phần thúc đẩy hợp tác du lịch giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc.
(CLO) Tối 18/9 (tức ngày 16/8 âm lịch), UBND huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam), Ban Quản lý di tích quốc gia đặc biệt đền Trần Thương tổ chức Khai mạc Lễ hội truyền thống đền Trần Thương năm 2024, nhân kỷ niệm 724 năm ngày mất của Đức Thánh Trần.
(CLO) Bí ẩn kéo dài hàng thế kỷ xung quanh vị trí chôn cất Joachim de Bellay, một thi sĩ thời Phục hưng, trong khuôn viên Nhà thờ Đức Bà Paris có thể sắp được giải đáp.