Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều: Việt Nam hội tụ đủ yếu tố “Đất nước vì hòa bình”

Thứ ba, 26/02/2019 07:25 AM - 0 Trả lời

(CLO) Việc được chọn là quốc gia tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai không chỉ cho thấy Việt Nam có đủ năng lực, điều kiện để tổ chức các sự kiện quan trọng mang tầm quốc tế mà còn thể hiện sự tin cậy cao của các nước dành cho Việt Nam.

Không quá khó để đoán rằng tại sao cả Mỹ và Triều Tiên lại thống nhất muốn cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Xét về ý nghĩa ngoại giao thì Hà Nội đáp ứng đủ các yếu tố hợp lý khách quan như là thủ đô của một quốc gia trung lập, có quan hệ tốt với cả 2 nước, đủ hạ tầng phát triển cho các hội nghị quan trọng, không bị tác động về tâm lý hay lịch sử, tạo thuận lợi cho không khí đàm phán. Nhưng quan trọng hơn hết chính là sự an toàn và thân thiện, điều mà cả Mỹ và Triều Tiên rất coi trọng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un gặp nhau lần đầu tại Singapore tháng 6/2018. Ảnh: New York Times.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un gặp nhau lần đầu tại Singapore tháng 6/2018. Ảnh: New York Times.

Theo GS-TS Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Mỹ nhận định, Việt Nam được chọn tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un có nhiều lý do, trong đó Việt Nam có vị trí địa lý thuận tiện khá gần Triều Tiên, điều này giúp chủ tịch Kim Jong Un có thể di chuyển tới đây mà không cần nghỉ giữa đường hay mượn máy bay. Việt Nam cũng là nước trung lập, có quan hệ ngoại giao với cả Mỹ và Triều Tiên.

Điều quan trọng nhất là cả Mỹ và Triều Tiên đều thấy rằng Việt Nam phù hợp với lý tưởng của mình. Việt Nam được xem là hình mẫu khả thi cho sự phát triển kinh tế của Triều Tiên. Bên cạnh đó, chính quyền ông Trump cũng  kêu gọi nhà lãnh đạo Kim đi theo con đường thịnh vượng của Việt Nam.

Cả Việt Nam và Triều Tiên, đều từng trải qua chiến tranh với Mỹ. Hiện nay, chúng ta đã rất thành công trong việc đạt được những bước tiến mới trong quan hệ với Hoa Kỳ. Việt Nam còn là biểu tượng cho một tiến trình bước qua chiến tranh, khép lại quá khứ, mở cửa hội nhập và phát triển tiến lên. Tôi cho rằng, cái đó có thể là mô hình tham khảo để Triều Tiên và Mỹ cùng hướng tới. 

Ngoài ra, trong thời gian gần đây, chúng ta đã chứng tỏ và thể hiện đủ năng lực để tổ chức những sự kiện mang tầm vóc quốc tế. Chính vì thế, Việt Nam được xem  là địa điểm phù hợp để tổ chức cuộc gặp gỡ lần này.

Bình luận về sự kiện này, Carl Thayer, Giáo sư Đại học New South Wales, nhà nghiên cứu lâu năm về đối ngoại Việt Nam cho rằng việc chọn Việt Nam còn mang nhiều ý nghĩa hơn chỉ là tính biểu tượng. "Việt Nam được chọn vì những lý do thực tế khi tất cả các bên có lợi ích đều coi trọng khả năng của Việt Nam trong việc cung cấp một môi trường an ninh chất lượng cao cho hội nghị", ông nói. "Tất cả các bên đều tin tưởng Việt Nam là một chủ nhà trung lập".

Ông cũng cho rằng nhà lãnh đạo Kim Jong Un muốn thăm chính thức Việt Nam để cho thấy Triều Tiên không bị cô lập. Triều Tiên đã học tập công cuộc "Đổi mới" của Việt Nam, đồng thời việc Việt Nam bình thường hóa quan hệ hay đàm phán hiệp định thương mại tự do với Mỹ đều là mối quan tâm của Bình Nhưỡng.

"Triều Tiên sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ của Việt Nam cho việc duy trì đối thoại với Mỹ cũng như sự có qua có lại giữa Mỹ và Triều Tiên", ông cho biết.

Còn về phía Mỹ, giáo sư Thayer cho rằng "Việt Nam nằm trong vùng an toàn" của Tổng thống Trump, người đã đến cả Đà Nẵng và Hà Nội ngay trong năm đầu nhiệm kỳ. Mỹ cũng nhận thức được sự ủng hộ lâu nay của Việt Nam đối với việc chống phổ biến vũ khí và thực thi các lệnh trừng phạt của LHQ nhằm vào Bình Nhưỡng.

TS. Vũ Dương Huân, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu lịch sử Ngoại giao cho biết: Với các cuộc gặp quốc tế song phương hay đa phương, việc chọn địa điểm đều vô cùng quan trọng. Địa điểm đó phải đảm bảo giúp tổ chức sự kiện tối ưu; thứ 2 góc độ an ninh cũng phải đảm bảo cao nhất, đặc biệt những nước như Mỹ, Triều Tiên hết sức quan tâm yếu tố này; thứ 3 là thuận tiện cho việc đi lại; thứ 4, quốc gia ấy phải có quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia tham dự sự kiện.

Chẳng hạn, với Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất (tháng 6/2018), Singapore đã được chọn vì có quan hệ rất tốt với cả hai nước. Đất nước Singapore tuy nhỏ bé nhưng là quốc gia phát triển, cơ sở vật chất, an ninh cực kỳ tốt, lại rất giàu kinh nghiệm, trình độ tổ chức những sự kiện quốc tế lớn. Bên cạnh đó, đây là một địa điểm thuận lợi cho cả Mỹ và Triều Tiên, cũng như cho báo chí quốc tế tác nghiệp.

Như ông vừa đề cập, một trong những yếu tố khiến Singapore được chọn là do cơ sở vật chất rất tốt. Việt Nam chưa thể sánh với Singapore về mặt này thì liệu ta có gặp khó khăn hơn không?

Tất nhiên có mặt này mặt khác ta không bằng Singapore, nhưng hiện tại cơ sở vật chất của Việt Nam đã tiến bộ vượt bậc, với hệ thống khách sạn, cung hội nghị sang trọng…, đội ngũ phục vụ đã được rèn luyện, “lớn lên” qua từng sự kiện.

Chúng ta cũng có nhiều kinh nghiệm và thực tế đã tổ chức thành công rất nhiều sự kiện quốc tế lớn, phức tạp. Ví dụ hàng loạt cuộc gặp đa phương như Hội nghị cấp cao Francophonie lần thứ 7 (năm 1997), Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ VI (năm 1998), Hội nghị cấp cao Á – Âu ASEM 5 (năm 2004), APEC 14 (năm 2006), APEC 2017… Qua đó Việt Nam dần trở thành địa điểm tổ chức sự kiện quốc tế đáng tin cậy.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ nhiệm kỳ 2014-2018 cho biết: Hà Nội - Việt Nam, biểu tượng của hòa bình. Bán đảo Triều Tiên cũng rất cần hòa bình. Đó là khát vọng vươn tới trước đây của Việt Nam và bây giờ là của các dân tộc trên bán đảo Triều Tiên và các bên liên quan. Cá nhân tôi muốn nhìn đến một điều rộng lớn hơn, đó là dân tộc Việt Nam. Việt Nam chắc chắn là biểu tượng của hòa bình, biểu tượng mà chúng ta mất ròng rã nhiều thập kỷ, thậm chí cả quá trình lâu dài của lịch sử để hướng tới hòa bình, độc lập, tự chủ.

Nói "Hà Nội - thành phố vì hòa bình" cần đặt trong lòng dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam đang đổi mới, phát triển, vươn lên, có vị thế quốc tế và được quốc tế đánh giá cao. Hội nghị thượng đỉnh lần này, với rất nhiều khía cạnh khác nhau, yêu cầu cấp bách đầu tiên chắc chắn là hướng tới hòa bình với việc phi hạt nhân hóa, bảo đảm an ninh, khép lại quá khứ chiến tranh… Nhưng còn một điều hết sức quan trọng nữa là khát vọng thịnh vượng, khát vọng hòa đồng, hữu nghị với quốc tế. Có lẽ phải 3 điều sau mới đủ: Hòa bình, phát triển và hữu nghị.

PV (t/h)

Tin khác

Lập Tổ công tác xây dựng Đề án đưa TP HCM trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực

Lập Tổ công tác xây dựng Đề án đưa TP HCM trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực

(CLO) Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi vừa ký Quyết định thành lập Tổ công tác xây dựng Đề án “Xây dựng Thành phố trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại, có giá trị gia tăng cao".

Tin tức
Bệnh viện công, tư, Trung ương, địa phương kết hợp mới tạo ra quy hoạch đồng bộ về mạng lưới cơ sở y tế

Bệnh viện công, tư, Trung ương, địa phương kết hợp mới tạo ra quy hoạch đồng bộ về mạng lưới cơ sở y tế

(CLO) Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng "chỉ khi nào công, tư, Trung ương, địa phương kết hợp lại thì mới tạo ra quy hoạch đồng bộ về mạng lưới cơ sở y tế".

Tin tức
Quận Hoàng Mai lựa chọn được nhà thầu các dự án xây dựng trường học với tổng giá trúng thầu 827 tỷ đồng

Quận Hoàng Mai lựa chọn được nhà thầu các dự án xây dựng trường học với tổng giá trúng thầu 827 tỷ đồng

(CLO) Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã công bố kết quả lựa chọn nhà thầu 5 gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị của các dự án xây dựng trường học với tổng giá trúng thầu 827 tỷ đồng.

Tin tức
Hà Nội: Xe vận chuyển chất thải phải có camera hành trình, GPS

Hà Nội: Xe vận chuyển chất thải phải có camera hành trình, GPS

(CLO) Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Công điện số 03/CĐ-CT về việc tăng cường bảo đảm vệ sinh môi trường trong công tác thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn Thành phố.

Tin tức
Đến năm 2030, tỷ lệ hòa giải thành trên phạm vi cả nước đạt từ 85% trở lên

Đến năm 2030, tỷ lệ hòa giải thành trên phạm vi cả nước đạt từ 85% trở lên

(CLO) Chính phủ phấn đấu đến hết năm 2030, tỷ lệ hòa giải thành trên phạm vi cả nước đạt từ 85% trở lên. Đối với các xã, phường, thị trấn được chọn làm điểm chỉ đạo của trung ương, tỷ lệ này là trên 90%.

Tin tức