Hội thảo "80 năm Đề cương văn hoá Việt Nam”: Trao đổi trực diện, không né tránh những vấn đề nóng về văn hóa

Thứ hai, 27/02/2023 06:32 AM - 0 Trả lời

(CLO) Ngày 27/2, Hội thảo khoa học quốc gia "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam" diễn ra tại Hà Nội. Tại đây, các đại biểu sẽ trao đổi trực diện, không né tránh những vấn đề nóng về văn hóa đương đại, cũng như tìm giải pháp để đưa ngành công nghiệp văn hóa thành một trụ cột phát triển.

Hội thảo khoa học quốc gia "80 năm Đề cương về văn hoá Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển" là hoạt động chính của đợt hoạt động kỷ niệm 80 năm đề cương được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ T.Ư Đảng. Đây là một hội thảo cấp quốc gia có sự đồng chủ trì phối hợp của 4 đơn vị gồm: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Học Viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương.

hoi thao 80 nam de cuong van hoa viet nam trao doi truc dien khong ne tranh nhung van de nong ve van hoa hinh 1

Thứ trưởng Tạ Quang Đông (đứng) cung cấp thông tin tại cuộc họp báo tuyên truyền các sự kiện, hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời "Đề cương về văn hóa Việt Nam".

Đề cương về văn hoá Việt Nam: Khởi nguồn và động lực phát triển

Hội thảo được tổ chức nhằm cung cấp cho các nhà quản lý, nhà khoa học, những người thực hành văn hóa nghệ thuật và các tầng lớp nhân dân hiểu biết về ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại, những giá trị to lớn và tầm ảnh hưởng của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong 80 năm qua.

Suốt 80 năm qua, sự ra đời của bản Đề cương văn hóa do cố Tổng bí thư Trường Chinh khởi xướng cho thấy lần đầu tiên có một bản đề cương mang tính cương lĩnh, xác định con đường phát triển của văn hóa Việt Nam, với nền tảng chặt chẽ, hệ thống và các nguyên tắc hành động cụ thể. Đây là bản đề cương đã tạo ra một sự khởi động, đột phá cho sự phát triển của văn hóa Việt Nam.

PGS-TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia (VHNTQG) Việt Nam - đơn vị được phân công tổ chức Hội thảo - cho biết tại buổi giới thiệu các sự kiện, hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023): Trải qua rất nhiều thời kỳ khác nhau, cho đến nay tinh thần của bản Đề cương đã tạo ra sự chuyển động, thay đổi và sự phát triển của văn hóa Việt Nam càng ngày càng hướng tới sự phát triển bền vững.

“Trong bối cảnh hôm nay, chúng ta đang đối diện với nhiều cơ hội và tiềm năng. Chúng ta sở hữu truyền thống văn hóa 4.000 năm với rất nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, với rất nhiều giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đang có cơ hội khi ở thời điểm dân số vàng, trong đó tỷ lệ những người trẻ có khả năng chuyển hóa được giá trị văn hóa truyền thống với sức sáng tạo khoa học công nghệ, sẽ tạo ra diện mạo mới, để một lần nữa văn hóa trở thành một mặt trận”, bà Phương nói.

Viện trưởng VHNTQG Việt Nam nhấn mạnh: Khi xưa, cố Tổng bí thư Trường Chinh khẳng định văn hóa là một mặt trận ngang hàng với kinh tế - chính trị - xã hội, thì ngày nay văn hóa cũng cần trở thành một mặt trận ngang hàng với kinh tế - chính trị - xã hội. Văn hóa chính là một mặt trận để phát triển đất nước theo hướng bền vững hơn. Chúng ta sẽ bảo tồn được giá trị văn hóa của mình qua các sản phẩm, dịch vụ văn hóa và các hoạt động sáng tạo. Đó chính là một cách để chúng ta có thể phát huy được nội lực và sức mạnh của văn hóa Việt Nam, và văn hóa Việt Nam sẽ trở thành sức mạnh mềm trong sức mạnh tổng thể quốc gia, giúp định vị được sức mạnh của Việt Nam trên bản đồ quyền lực của thế giới trong hoạt động văn hóa.  

“Chính vì những ý nghĩa như vậy, tên của hội thảo chứa đựng khát vọng không chỉ của những người làm trong công tác quản lý về văn hóa mà còn trong đó chứa đựng cả tâm huyết của rất nhiều trí thức, nghệ sĩ, đặc biệt là giới trẻ”, Viện trưởng VHNTQG Việt Nam chia sẻ.

hoi thao 80 nam de cuong van hoa viet nam trao doi truc dien khong ne tranh nhung van de nong ve van hoa hinh 2

PGS-TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam.

hoi thao 80 nam de cuong van hoa viet nam trao doi truc dien khong ne tranh nhung van de nong ve van hoa hinh 3

Tại cuộc họp báo tuyên truyền các sự kiện, hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời "Đề cương về văn hóa Việt Nam", lãnh đạo Bộ VH,TT&DL cung cấp nhiều thông tin cho báo chí.

hoi thao 80 nam de cuong van hoa viet nam trao doi truc dien khong ne tranh nhung van de nong ve van hoa hinh 4

Hình ảnh tư liệu Đề cương về văn hóa Việt Nam - Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam

Trao đổi trực diện, không né tránh những vấn đề nóng

Mục đích của hội thảo là huy động sự tham gia của các cơ quan tham mưu, quản lý văn hóa và các nhà nghiên cứu văn hóa, các trí thức, văn nghệ sĩ, những người thực hành văn hóa trong cả nước nhằm làm rõ các giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam; quá trình vận dụng, phát huy giá trị của Đề cương văn hóa Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam hiện nay và trong tiến trình lịch sử; những thành tựu mà văn hóa Việt Nam đã đạt được dưới ánh sáng của bản Đề cương và đường lối văn hóa của Đảng.

Đồng thời, hội thảo cũng sẽ làm rõ các vấn đề cần bổ sung, hoàn thiện trong quá trình vận dụng giá trị của Đề cương trong thực tiễn xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm phát huy hiệu quả giá trị của văn kiện này vì mục tiêu phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

Tại hội thảo, các đại biểu sẽ chia làm 2 phiên, gồm: Phiên thứ nhất - “Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam” và Phiên thứ hai - “Văn hóa, con người Việt Nam dựa trên nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới”.

Viện trưởng VHNTQG Việt Nam khẳng định phiên thứ 2 sẽ “không né tránh” những vấn đề nóng của văn hóa đương đại. “Chúng ta coi văn hóa là một mặt trận. Nếu là một mặt trận, chúng ta phải đầu tư cho mặt trận đó, để biến văn hóa thực sự trở thành trụ cột, trở thành “ngọn đuốc soi đường cho quốc dân đi”. Như vậy, vấn đề mà tại hội thảo từ khởi nguồn của đề cương thì phải tìm ra cái gì là động lực thực sự để chúng ta hiện thực hóa được khát vọng chấn hưng văn hóa của dân tộc, đưa văn hóa trở thành mũi nhọn, trụ cột trong phát triển kinh tế - chính trị - xã hội”, bà Phương khẳng định.

Ở trong phiên thứ hai này, hội thảo sẽ tập trung vào các giải pháp mang tính liên ngành đối với văn hóa. Câu chuyện của văn hóa không phải của riêng ngành văn hóa, mà đây là sự phối hợp đồng bộ là trách nhiệm của toàn xã hội. Chính vì vậy, sau phiên này các đại biểu sẽ tiếp tục một phiên nữa là thảo luận bàn tròn.

hoi thao 80 nam de cuong van hoa viet nam trao doi truc dien khong ne tranh nhung van de nong ve van hoa hinh 5

PGS-TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia cho biết, có 154 tham luận được gửi tới Hội thảo khoa học quốc gia "80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển".

Cuộc thảo luận bàn tròn này sẽ có 7 cuộc trao đổi (có ít nhất 7 câu hỏi), tập trung vào những giải pháp để phát triển văn hóa trong giai đoạn tới. “Ví dụ như chúng ta sẽ phải làm gì để văn hóa trở thành một trụ cột của sự ưu tiên. Như trước đây, trong Quyết định phê duyệt chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, chúng ta phấn đấu văn hóa được đầu tư ít nhất là 2% tổng chi ngân sách hằng năm. Làm gì để văn hóa đạt được ít nhất là ngưỡng như vậy thì phải có những giải pháp liên quan đến vấn đề thể chế, đặc biệt là đến lĩnh vực hợp tác công tư hay luật về thuế, hay là nhiều vấn đề ưu đãi cho nghệ sĩ, hoặc vấn đề tạo ra sự rịch chuyển, sự sáng tạo trong chuỗi phát triển của ngành công nghiệp văn hóa”, Viện trưởng VHNTQG Việt Nam chia sẻ.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Phương, ban đầu hội thảo kỳ vọng nhận được 60 bài tham luận của các tác giả là các nhà khoa học, các nhà quản lý và những người thực hành văn hóa. Nhưng cho đến thời điểm hiện nay, hội thảo cập nhật được 154 bài tham luận.

“Chúng tôi tin rằng đây là cuộc hội thảo mà với sự tâm huyết và trách nhiệm của những người đang thực sự muốn văn hóa trở thành một mặt trận. Đã là một mặt trận thì phải chiến đấu trên mặt trận ấy. Muốn chiến đấu được, trở thành một mặt trận được thì phải có sự tập trung, sự ưu tiên, tập trung kích hoạt cho sự phát triển đó. Ví dụ, bây giờ muốn đầu tư cho văn hóa, thì văn hóa phải phát triển ngang hàng với kinh tế, y tế, giáo dục hay giao thông vận tải… nhưng cho đến nay, văn hóa chưa đạt được những điều đó. Câu chuyện ấy không chỉ của ngành văn hóa mà nó liên quan đến rất nhiều bộ, ngành khác nhau mà chúng tôi mong muốn rằng các vấn đề đặt ra tại hội thảo này sẽ tạo ra sự chú ý, chuyển thành sự lan tỏa và chúng ta sẽ có nhiều hơn những giải pháp tập trung cho việc đầu tư cho văn hóa và tối ưu hóa nguồn lực để văn hóa thực sự trở thành một mặt trận ngang hàng với kinh tế - chính trị - xã hội”, bà Thu Phương nhấn mạnh. 

Tin và ảnh: Hoài Đức

Bình Luận

Tin khác

Đức Tăng Thống Myanmar đến thăm Việt Nam mùa Phật đản

Đức Tăng Thống Myanmar đến thăm Việt Nam mùa Phật đản

(CLO) Mới đây, tại Trụ sở Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ngài Tăng thống - Tiến sĩ Sayadaw Sandimar Bhivamsa - Bậc Đại Thiện Trí Cao Thượng, Bậc Đại Xiển Dương Chánh Pháp Cao Thượng; cùng Tăng đoàn Myanmar đã đến thăm và chúc mừng Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhân dịp Phật đản.

Đời sống văn hóa
Nghệ sĩ góp tiếng nói để phát triển sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng

Nghệ sĩ góp tiếng nói để phát triển sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng

(CLO) Chiều 20/5, tại TP Hải Phòng, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phối hợp với Sở Văn hoá Thể thao Hải Phòng tổ chức Toạ đàm “Liên hoan nghệ thuật Sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất năm 2024.

Đời sống văn hóa
Trai tráng đóng khố vật cầu bùn tại Bắc Giang

Trai tráng đóng khố vật cầu bùn tại Bắc Giang

(CLO) Cứ bốn năm tổ chức một lần (từ 12 đến 14 tháng tháng Tư âm lịch), lễ hội vật cầu nước thôn Yên Viên, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang lại diễn ra với nhiều hoạt động đặc sắc, thú vị. Tại sân đình làng, 16 trai tráng cởi trần, đóng khố đua nhau đưa quả cầu gỗ 20 kg vào hố của đội bạn.

Đời sống văn hóa
Tôn vinh nhiều tác phẩm âm nhạc 'Bài ca Điện Biên'

Tôn vinh nhiều tác phẩm âm nhạc 'Bài ca Điện Biên'

(CLO) Tối 19/5, tại thành phố Điện Biên Phủ, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Điện Biên tổ chức Lễ tổng kết, trao giải thưởng tháng âm nhạc “Bài ca Điện Biên”.

Đời sống văn hóa
Bế mạc Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024

Bế mạc Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024

(CLO) Sau 4 ngày tổ chức từ ngày 16/5 đến ngày 19/5/2024, tối 19/5, Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 đã chính thức khép lại bằng chương trình bế mạc đầy ấn tượng, thú vị và trở thành dư âm không thể nào quên trong lòng người dân cũng như du khách trong nước và quốc tế.

Đời sống văn hóa