Theo ghi nhận của phóng viên báo Nhà báo & Công luận, những ngày gần đây, Bến xe miền Đông (BXMĐ) mới tại xã Bình Thắng, TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương rơi vào cảnh vắng khách nghiêm trọng.

Cụ thể, quan sát vào ngày 27/6, bến xe hầu như không có bóng người.

Tại khu vực sảnh chờ, thỉnh thoảng chỉ có vài người qua lại, chủ yếu là bảo vệ, lao động và người hỗ trợ thông tin ở bến xe.

Dãy ghế chờ… trơ trọi, không một ai mảy may đến ngồi.

Dù được bố trí đến 16 quầy vé, BXMĐ mới cũng hiếm khách mua. Nhân viên thỉnh thoảng ngồi túc trực nhưng rồi cũng bỏ đi vì ế khách.

Phía bên ngoài bãi đậu, hàng xe “nằm dài” chờ xuất bến.

Khu vực hầm gửi xe rộng hàng nghìn m2 nhưng chủ yếu để giữ xe của nhân viên làm việc tại đây.

Các công trình phụ trợ, kết nối như cầu vượt, hầm chui và metro vẫn chưa hoàn thành. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến bến xe này vắng khách.

Dự án hầm chui BXMĐ mới trên xa lộ Hà Nội đã cơ bản hoàn thành, nhưng các phương tiện vẫn chưa được phép lưu thông qua đây.

Bên cạnh đó, người dân nếu muốn đi từ cổng trước bến xe này về phía trung tâm TP. HCM buộc phải chạy tới dạ cầu Đồng Nai cách đó hơn 2 km để quay đầu hoặc phải vòng ra phía sau bến rồi đi đường Hoàng Hữu Nam dài hơn 1 km.

Theo thống kê, trong những ngày đầu tháng 6, trong khi Bến xe Miền Đông cũ có 12.886 hành khách và 781 lượt xe xuất bến mỗi ngày, Bến xe Miền Đông mới chỉ có vỏn vẹn nhiều nhất là 65 hành khách và 9 lượt xe xuất bến. Trung bình một ngày bến chỉ có 47 hành khách, giảm 95% so với trước khi có dịch (trước đó là 706 hành khách).

Theo ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ, Sở GTVT TP.HCM, hiện nay BXMĐ mới chưa phát huy hiệu quả, đang ế khách.

Nguyên nhân đầu tiên là do hạ tầng kết nối vào bến chưa hoàn thiện. Đơn cử như tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chưa thể hoàn thành, dự kiến cuối năm 2023 mới đưa vào hoạt động. Theo đó, phải mất 1-2 năm các dự án giao thông mới hoàn thành, việc kết nối tới bến này mới mang lại hiệu quả.

Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm “xe dù”, “bến cóc” ở khu vực BXMĐ cũ đến ngã tư Bình Phước vẫn còn tồn tại nên hành khách chưa thực sự mặn mà với bến mới.

Đồng thời, từ năm 2020 tới nay, dịch Covid-19 đã hạn chế việc đi lại của hành khách nên các tuyến và người dân cũng hạn chế đi lại. Hiện các hãng hàng không giá rẻ phát triển nên hầu hết các tuyến đường dài đều được chọn di chuyển bằng đường hàng không.

Ông Hưng cũng thông tin về những khó khăn của Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn - TNHH MTV (SAMCO) trong quá trình thực hiện dự án BXMĐ mới. Bởi hiện nay các thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai ở bến mới vẫn chưa hoàn thành.

BXMĐ mới được đưa vào hoạt động từ tháng 10/2020, đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn một khoảng 740 tỷ đồng.

Đây là bến xe được đầu tư quy mô, hiện đại nhất nước trên diện tích 16 ha thuộc TP. Thủ Đức và một phần TP Dĩ An, Bình Dương.
Lê Giang - Thúy Vy