(CLO) Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong số hơn 548.000 ca tử vong/năm ở nước ta thì nguyên nhân liên quan đến rượu bia lên tới 40.800 ca (chiếm tỷ lệ 7,5%).
Theo các chuyên gia đến từ Cục Y tế dự phòng, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sử dụng rượu bia ở Việt Nam đang gia tăng ở mức báo động, đặc biệt là ở giới trẻ và được thể hiện ở ba tiêu chí: mức tiêu thụ bình quân/đầu người quy đổi ra lượng cồn nguyên chất, tỷ lệ sử dụng rượu bia ở cả hai giới, sử dụng ở mức nguy hại đều ở mức cao.
Rượu bia là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh
Theo TS. Trần Quốc Bảo - Trưởng phòng Kiểm soát bệnh không lây nhiễm, Cục Y tế dự phòng, trong giai đoạn 2015-2019, sản lượng bia ở nước ta tăng trung bình 7,5%/năm; sản lượng rượu tăng 1,5%/năm. Đó là chưa kể đến số lượng rất lớn rượu thủ công, tự nấu không được thống kê.
Mức tiêu thụ rượu, bia ở người >=15 tuổi ở nước ta tăng dần qua các năm. Nếu như năm 2005, mức tiêu thụ là 2,9 lít cồn nguyên chất/người/năm, thì đến năm 2018 và 2019, con số này đã tăng lên 7,9 lít.
Cũng theo TS. Trần Quốc Bảo, rượu/bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế. Rượu bia là yếu tố nguy cơ xếp thứ 2 trong 10 nguy cơ gây tàn tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, rượu bia cũng là nguyên nhân lớn nhất gây ra 30% các vụ gây rối trật tự xã hội và 33,7% các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam. Sử dụng rượu bia cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng bất bình đẳng giới và bất bình đẳng kinh tế xã hội, thách thức các nỗ lực giảm nghèo bền vững.
Theo Điều tra yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm năm 2021 cho thấy tỷ lệ nam giới Việt Nam uống rượu bia rất cao. Đáng lưu ý, tỷ lệ uống ở mức nguy hại đều tăng cao qua các năm, nhất là ở nam giới. Cứ 3 nam giới thì có 1 người uống ở mức nguy hại.
Đáng chú ý, số ca tử vong do rượu bia khi tổng kết lại cho thấy con số khá lớn. Sử dụng rượu bia đã và đang gây nên gánh nặng đối với y tế, kinh tế và gia tăng các vấn đề xã hội. Theo thống kê gần đây nhất, mỗi năm có khoảng hơn 548.000 trường hợp tử vong do ung thư, bệnh tim mạch, tâm thần, tiêu hoá, nhiễm trùng và do một số bệnh khác. Trong đó ước lượng có khoảng hơn 40.800 ca tử vong liên quan đến bia rượu (chiếm tỷ lệ 7,5%)"- TS. Trần Quốc Bảo cho biết.
Liên quan đến thực trạng sử dụng rượu bia tại Việt Nam, ThS. Nguyễn Tuấn Lâm - Chuyên gia của WHO tại Việt Nam cho hay, Việt Nam xếp thứ hai trong các nước khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/người. Tình trạng uống quá độ đến mức nguy hại cũng đang rất phổ biến ở người trưởng thành Việt Nam: 44,2% nam giới, 2015; tăng gần gấp 2 lần so với năm 2010 (25,1%).
Ước tính chi phí trực tiếp cho tiêu dùng rượu bia ở Việt Nam vào năm 2017 là 4 tỉ USD, gần bằng 7% số thu ngân sách của nhà nước (chưa tính đến chi phí gián tiếp) trong khi đóng góp cho ngân sách nhà nước toàn ngành năm 2017 là khoảng 50.000 tỉ đồng (tương đương với 2 tỉ USD).
ThS. Nguyễn Tuấn Lâm cho hay hiện nay thuế rượu bia tại Việt Nam vẫn đang ở mức thấp. Theo tính toán tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ chỉ chiếm khoảng 30%, trong khi đó, ở nhiều nước thuế rượu bia chiếm khoảng 40%-85 % giá bán lẻ.
WHO đã khuyến cáo, chính sách thuế là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để kiểm soát tác hại của rượu bia, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong do rượu bia gây ra.
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần tăng mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia để có thể giảm tiêu thụ rượu bia hoặc ít nhất giữ sức mua rượu bia không gia tăng.
Bên cạnh đó, cũng nên bổ sung thêm thuế tuyệt đối và chuyển sang cơ chế thuế hỗn hợp để có thể hạn chế các điểm yếu của thuế tỷ lệ như vấn đề chuyển giá và chuyển dịch tiêu dùng giữa các loại sản phẩm.
Một góc độ khác, TS. Trần Quốc Bảo đưa ra thông tin đó là nghiên cứu ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình cho thấy: hạn chế quảng cáo tiếp thị rượu bia, đặc biệt là bia, làm giảm được tổng lượng uống và lượng uống trung bình thường xuyên.
Nghiên cứu ở 17 quốc gia với thời gian theo dõi trong 13 năm cho thấy so với các quốc gia không áp dụng cấm quảng cáo rượu bia trên đài phát thanh và truyền hình, tỷ lệ tiêu thụ rượu bia ở quốc gia cấm các hình thức quảng cáo này thấp hơn 11% và tỷ lệ tai nạn giao thông cũng thấp hơn 23%.
(CLO) Sáng sớm ngày 10/9, một trận lũ quét kinh hoàng đã xảy ra tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai) làm ít nhất 15 người chết và nhiều người đang mất tích.
(CLO) Bão số 3 đi qua để lại những hậu quả nặng nề cho các địa phương phía Bắc. Với tấm lòng "tương thân tương ái", các tỉnh ở miền Trung đã phát động, ủng hộ kinh phí giúp Nhân dân vượt qua khó khăn, sớm ổn định đời sống.
Trước những thiệt hại to lớn do cơn bão số 3 gây ra, ngày 10/09/2024, Ban Lãnh đạo Tổng công ty Dầu Việt Nam – CTCP (PVOIL) tổ chức phát động kêu gọi toàn thể CBNV trong toàn Tổng công ty cùng chung tay quyên góp, chia sẻ phần nào khó khăn, mất mát mà đồng bào các tỉnh phía Bắc đang phải gánh chịu.
(CLO) Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP HCM đã ủng hộ 120 tỷ đồng cho đồng bào chịu ảnh hưởng bởi đợt mưa lũ vừa qua. Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM cũng kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân cùng chung tay, góp sức.
(CLO) Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày 11/9, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tiếp tục có mưa lớn cục bộ, có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; cần đề phòng lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.