Indonesia lại ghi nhận số ca bệnh COVID-19 tử vong cao kỷ lục

Thứ tư, 28/07/2021 07:44 AM - 0 Trả lời

(CLO) Với 45.203 ca COVID-19 mới trong ngày 27/7, Indonesia đang dẫn đầu khối ASEAN về số ca lây nhiễm mới. Đồng thời, với 2.069 ca tử vong trong ngày, Indonesia lại ghi nhận số ca tử vong mới ở mức cao kỷ lục.

Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19, sau khi người bệnh tự cách ly tại nhà do bệnh viện quá tải ở Bogor, Tây Java, Indonesia, ngày 6/7/2021. Ảnh: AFP

Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19, sau khi người bệnh tự cách ly tại nhà do bệnh viện quá tải ở Bogor, Tây Java, Indonesia, ngày 6/7/2021. Ảnh: AFP

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 27/7, các nước ASEAN ghi nhận thêm 91.560 ca mắc mới COVID-19 và 2.485 ca tử vong. Tổng số ca bệnh hiện đã lên tới 6.912.526 trường hợp và 136.251 ca tử vong. Toàn khối có 5.644.058 bệnh nhân đã bình phục.

Trong ngày 27/7, khu vực Đông Nam Á có 5 quốc gia thông báo ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong đó Indonesia chiếm nhiều nhất với 2.069 ca; Malaysia đứng thứ hai với 207 ca; Thái Lan ghi nhận 118 ca tử vong, trong khi Philippines thêm 72 ca, Campuchia ghi nhận 19 ca.

Với 45.203 ca COVID-19 mới trong ngày 27/7, Indonesia đang dẫn đầu khối về số ca lây nhiễm mới. Đồng thời, với 2.069 ca tử vong trong vòng 24 giờ, Indonesia lại ghi nhận số ca tử vong mới ở mức cao kỷ lục. Đến nay, Indonesia vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực, với tổng cộng 3.239.936 ca bệnh và 86.835 ca tử vong.

Trong những ngày qua, tình trạng bệnh nhân nặng tăng mạnh khiến Indonesia cần 2.500 tấn oxy mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu. Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 27/7 tại Văn phòng Tổng thống, Bộ trưởng Bộ Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết ở thời điểm trước lễ Eid al-Fitr của người Hồi giáo vào tháng 5 vừa qua, Indonesia cần 400 tấn oxy/ngày cho các bệnh nhân mắc COVID-19, hiện nhu cầu này đã tăng vọt lên 2.500 tấn/ngày.

Ông Budi cho biết Chính phủ Indonesia đang lên kế hoạch tiếp tục mua 20.000 máy tạo oxy để phân phối cho các bệnh viện và cơ sở cách ly. Trước đó, Indonesia đã tiếp nhận 17.000 máy tạo oxy từ các nước như Ấn Độ, Thụy Sĩ, Singapore. Tuy nhiên trong bối cảnh số ca mắc mới tăng liên tục, lượng oxy hiện có không đủ đảm bảo cung cấp kịp thời cho các bệnh nhân, nhất là ở những tỉnh thành ngoài đảo Java-Bali. Bên cạnh việc kêu gọi hỗ trợ từ bên ngoài, Indonesia cũng sẽ huy động tối đa năng lực trong nước như các nhà máy sản xuất oxy trong nước để sản xuất oxy y tế.

Cũng tại buổi họp báo, Bộ trưởng Budi cho biết nhu cầu về thuốc điều trị COVID-19 cũng tăng gấp 12 lần kể từ ngày 1/6 vừa qua. Để đối phó với nhu cầu tăng đột biến này, Bộ Y tế Indonesia đã yêu cầu Hiệp hội các công ty dược phẩm (GP Farmasi) tập trung tăng cường hơn nữa năng lực sản xuất và phân phối thuốc trên khắp các tỉnh thành. Dự tính, nếu tập trung năng lực sản xuất, thì trong 4-6 tuần tới, nước này có thể đảm bảo đủ số lượng thuốc cần thiết. 

Indonesia cũng đang trong tình trạng thiếu vaccine ngừa COVID-19. Cho đến nay, Indonesia đã nhận được khoảng 173 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó có 147,7 triệu liều của Sinovac bao gồm cả nguyên liệu và thành phẩm; 14,9 triệu liều của AstraZeneca, 6 triệu liều của Sinopharm và 4,5 triệu liều của Moderna. Tính đến ngày 26/7, đã có 64,13 triệu liều vaccine đã được sử dụng, tiêm cho 45.012.649 người.

Tại Malaysia, ngày 27/7, nước này thông báo có thêm 16.117 ca mắc mới COVID-19, mức cao thứ 2 kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

Trước đó, số ca mắc mới theo ngày cao nhất tại Malaysia được ghi nhận hôm 25/7 vừa qua với 17.045 ca. Tuy nhiên, theo Tổng Thư ký Bộ Y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah, dịch bệnh COVID-19 ở nước này được dự báo sẽ đạt đỉnh vào giữa tháng 9 tới với 24.000 ca mắc mới/ngày.

Ông Noor Hisham cho biết, theo dự báo của Bộ Y tế Malaysia, vào thời điểm đó, tỷ lệ lây nhiễm cơ bản (RT/RO) sẽ là 1,2 (trung bình 1 người lây cho 1,2 người).

Ông Noor Hisham cho biết thêm, số ca mắc mới COVID-19 hằng ngày ở Malaysia được dự báo sẽ tiếp tục tăng, lên mức 17.000 ca/ngày vào giữa tháng 8 tới và đỉnh điểm là 24.000 ca/ngày vào tháng 9, sau đó có thể giảm xuống dưới 1.000 ca vào tháng 10. Nguyên nhân được ông Noor Hisham giải thích là nhờ hiệu quả của vaccine có thể đạt 75% nếu tốc độ tiêm chủng đạt 100.000 liều/ngày cho liều thứ 2 và có thể đạt hiệu quả 80% vào tháng 10 nếu tốc độ đạt 150.000 liều/ngày cho liều thứ 2.

Tại Philippine, tình hình cũng rất đáng quan ngại khi số ca mắc mới cao nhất kể từ hơn 1 tháng qua. Bộ Y tế Philippine ngày 27/7 thông báo có thêm 7.186 ca mắc COVID-19 - cao nhất kể từ ngày 13/6, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 1.562.420 ca, trong đó có 27.318 ca tử vong.

Phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến, Bộ trưởng Y tế Philippines Francisco Duque cho biết số ca mắc trong hệ thống tàu điện ngầm tại Manila đã tăng 47%, khiến số ca mắc tại thủ đô tăng lên hơn 900 ca/ngày vào tuần trước.

Theo Bộ Y tế Philippines, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tháng 1/2020, Philippine đã xét nghiệm cho hơn 15 triệu trong tổng số 110 triệu dân nước này.

Philippine đang chạy đua với thời gian để ngăn chặn sự lây lan nhanh của các biến thể xuất hiện tại nước này, trong đó Delta là biến thể có tốc độ lây nhiễm nhanh nhất.

Tại Thái Lan, Cục Dịch vụ Y tế (DMS) đã thông báo thủ đô Bangkok đã hết giường trong khu chăm sóc tích cực (ICU) để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng. Cục trưởng DMS Somsak Ankasil cho biết tất cả các giường dành cho bệnh nhân nặng tại các bệnh viện công đều đã kín chỗ, trong khi nhiều bệnh nhân nặng hiện vẫn đang chờ được điều trị trong các phòng cấp cứu tại 2 bệnh viện Lerdsin và Nopparat.

Trong khi đó, ngày 26/7, giới chức y tế Thái Lan bắt đầu triển khai đưa bệnh nhân COVID-19 tại Bang kok hồi hương bằng tàu hoả, nhằm giảm tải gánh nặng cho hệ thống y tế. Một chiếc tàu hỏa chở theo hơn 100 người mắc COVID-19 và nhân viên y tế đã rời thủ đô Bangkok hướng về phía Đông Bắc. Chuyến tàu này sẽ dừng tại 7 tỉnh nơi bệnh nhân mắc COVID-19 được nhân viên y tế địa phương đưa đến bệnh viện điều trị.

Phó Thủ tướng Thái Lan Anutin Charnvirakul cho hay, đây là những bệnh nhân tại Bangkok chưa được điều trị tại bệnh viện và họ cần được điều trị tại quê nhà. Thái Lan sẽ tiếp tục chương trình này cho đến khi Bangkok không còn người mắc COVID-19 không có giường để điều trị.

Thế Vũ

Bình Luận

Tin khác

Ca sinh hy hữu: Sản phụ đẻ trên biển

Ca sinh hy hữu: Sản phụ đẻ trên biển

(CLO) Bé trai kháu khỉnh được chào đời trong trường hợp hết sức đặc biệt và rất may mắn khi đang trên thuyền di chuyển từ đảo Quan Lạn về đất liền.

Sức khỏe
Uống thuốc nam không rõ nguồn gốc hai nam bệnh nhân suy gan phải nhập viện

Uống thuốc nam không rõ nguồn gốc hai nam bệnh nhân suy gan phải nhập viện

(CLO) Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận hai bệnh nhân nam bị suy gan do liên quan đến uống thuốc nam không rõ nguồn gốc.

Sức khỏe
TP HCM: Phát hiện một cơ sở thẩm mỹ đổi tên để 'né' xử phạt vi phạm hành chính

TP HCM: Phát hiện một cơ sở thẩm mỹ đổi tên để 'né' xử phạt vi phạm hành chính

(CLO) Sau khi kiểm tra, Sở Y tế TP HCM phát hiện cơ sở treo biển phòng khám chuyên khoa Da liễu An Nhi đang hoạt động trái phép. Đáng nói phòng khám này có chung chủ với các đơn vị kinh doanh đã bị xử phạt trước đó tại cùng địa chỉ.

Sức khỏe
TP HCM: Phát hiện 'viện tế bào gốc' núp bóng phòng khám đa khoa hoạt động trái phép

TP HCM: Phát hiện 'viện tế bào gốc' núp bóng phòng khám đa khoa hoạt động trái phép

(CLO) Sở Y tế TP HCM vừa phát hiện và xử lý cơ sở mang tên “Viện nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc Việt Nam” hoạt động không phép, núp bóng một phòng khám đa khoa.

Sức khỏe
Y tế phường cứu thành công một trẻ đuối nước

Y tế phường cứu thành công một trẻ đuối nước

(CLO) Nạn nhân khi đến trạm y tế phường đã trong tình trạng bất động, lay gọi không biết, toàn thân lạnh, da tái nhợt, mạch cảnh không bắt được.

Sức khỏe