Kết thúc Tuần lễ Cấp cao Đại Hội đồng LHQ: Chủ nghĩa đa phương lại trở nên cấp bách

Thứ ba, 27/09/2022 19:48 PM - 0 Trả lời

(CLO) Phiên thảo luận chung cấp cao của khóa họp 77 Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã kết thúc vào ngày 26/7. Trong một tuần qua, hội trường của LHQ đã dậy sóng với rất nhiều vấn đề lớn được các nước trên khắp thế giới đưa ra, qua đó làm nổi bật trở lại giá trị của chủ nghĩa đa phương.

"Đừng bỏ ai lại phía sau”

Trong bài phát biểu bế mạc, Chủ tịch Đại Hội đồng LHQ khóa 77 Csaba Korosi kết luận rằng Đại Hội đồng đã nghe tổng cộng tới 190 diễn giả lên phát biểu trong Tuần lễ Cấp cao vừa qua, tức trung bình có tới gần 30 bài phát biểu mỗi ngày. Trong số đó, có 76 bài phát biểu của Nguyên thủ quốc gia, 50 Người đứng đầu chính phủ, 4 Phó Tổng thống, 5 Phó Thủ tướng, 48 Bộ trưởng và 7 Trưởng đoàn. Con số đó phần nào cho thấy, thế giới đang có rất nhiều vấn đề, các nước đều muốn thể hiện quan điểm, tiếng nói của mình.

ket thuc tuan le cap cao dai hoi dong lhq chu nghia da phuong lai tro nen cap bach hinh 1

Chủ tịch Csaba Korosi phát biểu bế mạc Phiên thảo luận chung cao cấp khóa họp 77 Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc. Ảnh: UN.org

ket thuc tuan le cap cao dai hoi dong lhq chu nghia da phuong lai tro nen cap bach hinh 2

Giá trị của chủ nghĩa đa phương đang bị xói mòn bởi niềm tin giữa các quốc gia đang rạn nứt trong những năm gần đây. Ảnh: AP

ket thuc tuan le cap cao dai hoi dong lhq chu nghia da phuong lai tro nen cap bach hinh 3

Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina phát biểu tại hội nghị: “'Không ai được an toàn cho đến khi mọi người được an toàn". Ảnh: AP

Liên Hiệp Quốc được thành lập dựa trên một quan điểm đơn giản: Làm việc cùng nhau tốt hơn là đi một mình. Đây là vấn đề cũ, nhưng “việc làm việc cùng nhau” hay “chủ nghĩa đa phương” lại đang trở nên thời sự, nóng bỏng hơn bao giờ hết kể từ khi Liên Hợp Quốc được thành lập vào năm 1945 bởi những bất ổn, khó khăn và đặc biệt các rạn nứt địa chính trị nghiêm trọng trên thế giới.

Để rồi, cho dù đó là phản ứng toàn cầu đối với đại dịch COVID-19 hay biến đổi khí hậu, các nước đang phát triển đều đã cất lên tiếng nói của mình tại Đại Hội đồng vừa rồi về việc các quốc gia giàu hơn đang nghĩ đến mình trước tiên, chứ không phải là những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới.

"Nền kinh tế toàn cầu hiện đang là một ngôi nhà đang cháy, nhưng chúng ta tiếp tục sử dụng các phương pháp sơ tán để đưa một số quốc gia đến nơi an toàn trong khi bỏ lại phần còn lại để họ tự chống đỡ trong tòa nhà đang cháy. Nếu chúng ta thực sự là một gia đình của Liên Hợp Quốc, thì việc không bỏ ai lại phía sau cần phải được thực hành, chứ không chỉ được rao giảng", Tổng thống Malawi, Lazarus Chakwera đưa ra quan điểm tại hội nghị.

Trong khi đó, Phó Tổng thống Tanzania Philip Isdor Mpango thậm chí còn thẳng thừng hơn. Ông nói rằng “chủ nghĩa đơn phương do lòng tham đang dẫn dắt chúng ta - giàu và nghèo, mạnh và yếu - đến chung một thảm họa” .

Khi Liên Hợp Quốc được thành lập cách đây 77 năm, các nhà lãnh đạo thế giới hy vọng nó sẽ đảm bảo rằng một điều gì đó giống như Thế chiến II sẽ không bao giờ lặp lại. Trong nhiều năm, tổ chức đã giải quyết được nhiều vấn đề. Nhưng rõ ràng, một “chủ nghĩa đa phương cao đẹp” chưa bao giờ thực sự thành hiện thực.

Cũng trong cuộc họp thường niên quan trọng nhất của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc này, Tổng thống Kiribati Taneti Maamau Beretitenti đã nhắc nhở các quốc gia thành viên rằng những người sáng lập LHQ không chỉ muốn ngăn chặn chiến tranh trong tương lai mà còn “cải thiện mức sống cho tất cả mọi người”.

Nhưng mục tiêu đó đang lung lay. “Hôm nay, chúng ta… hãy đánh giá xem liệu chúng ta đã thực sự sống đúng với những giá trị đó hay chưa. Chủ nghĩa đa phương và sự đoàn kết, có nguy cơ bị lợi dụng ngày càng nhiều để phục vụ các lợi ích quốc gia cụ thể hơn là vì lợi ích chung”, ông tuyên bố.

Ông nhấn mạnh thêm: “Nhân loại tan vỡ không thể được sửa chữa bằng các bài phát biểu, cuộc họp, nghị quyết hay công cụ quốc tế, mà phải bằng sự tác động lẫn nhau của lòng nhân ái và tình đoàn kết lớn hơn”.

Mohammad Niamat Elahee, một giáo sư kinh doanh quốc tế tại Đại học Quinnipiac ở Connecticut, cho biết hầu hết các quốc gia giàu có đang phục vụ chủ nghĩa đa phương, nhưng trên thực tế lại đang hành động khác. “Để chủ nghĩa đa phương hoạt động, chúng ta cần sự hợp tác trên toàn diện. Nếu một số quốc gia theo chủ nghĩa đa phương và một số quốc gia không theo chủ nghĩa đa phương, thì nó không thể xảy ra”, ông bình luận.

Chủ nghĩa đa phương đang bị xói mòn

Chủ nghĩa đa phương có thể nói đã bị xói mòn trong 20 năm qua, từ các cuộc can thiệp quân sự của Mỹ đến các phản ứng chống lại toàn cầu hóa, và rồi chủ nghĩa dân túy lên ngôi. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từng giới thiệu lại cách tiếp cận “Nước Mỹ trên hết” đối với chính sách đối ngoại.

ket thuc tuan le cap cao dai hoi dong lhq chu nghia da phuong lai tro nen cap bach hinh 4

Thủ tướng Pakistan Shahbaz Sharif lo lắng đất nước của ông sẽ lại bị bỏ rơi trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu phần lớn do các nước giàu gây ra. Ảnh: AP

Sau đó là đại dịch COVID-19 - một thảm họa chung toàn cầu, nhưng cũng là một thảm họa cho thấy sự công bằng trên thế giới là một mục tiêu còn xa vời. Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr vẫn chưa hết bất bình về việc phân phối vắc xin trong giai đoạn đầu đại dịch khi tuyên bố: “Các quốc gia giàu ngay lập tức nhận được vắc xin với số tiền bỏ ra”.

Hay như về cuộc chiến ở Ukraine, các quốc gia cũng đang có xung đột vũ trang khác cho biết họ không có được sự đoàn kết quốc tế như vậy. “Họ nên dừng lại một chút để suy ngẫm về sự tương phản rõ rệt trong phản ứng của họ đối với các cuộc chiến ở những nơi khác, nơi hàng nghìn phụ nữ và trẻ em đã chết vì chiến tranh và nạn đói… Chúng tôi nhìn thấy các tiêu chuẩn kép”, Tổng thống Đông Timor José Ramos-Horta nói trước Đại Hội đồng.

Các quốc gia như Ghana cho rằng họ cũng cần sự đoàn kết quốc tế hơn nữa, khi đề cập đến sự bất bình đẳng trong cách các nền kinh tế vượt qua tác động của đại dịch và lạm phát toàn cầu. Sự mất giá tiền tệ dẫn đến việc các quốc gia thậm chí còn khó khăn hơn trong việc trả các khoản vay bằng đô la Mỹ của họ.

Các nhà lãnh đạo các nước đang phát triển cho biết, họ còn đang đối mặt với sự thiệt thòi, bất công nhiều hơn nữa khi nói đến biến đổi khí hậu. Các tổng thống từ châu Phi và các quốc đảo đã yêu cầu các quốc gia giàu có hơn phải chịu trách nhiệm tài chính hơn, bởi thực tế chính là họ đã tạo ra nhiều khí thải carbon nhất.

Thủ tướng Pakistan Shahbaz Sharif, người từng chứng kiến trận lũ lụt giống như ngày tận thế, cho biết: “Lo lắng thực sự của tôi là về giai đoạn tiếp theo của thử thách này - khi các ống kính máy quay rời đi và câu chuyện lại chuyển sang các cuộc xung đột như Ukraine. Câu hỏi của tôi là: Liệu chung tôi có bị bỏ lại một mình để đương đầu với một cuộc khủng hoảng mà chúng tôi không tạo ra không?”.

Chủ nghĩa đa phương hay sự chung tay của Liên Hợp Quốc có nghĩa là sự phụ thuộc lẫn nhau. Có những ý kiến cho rằng ba năm qua đã dạy cho các quốc gia về nhiều bài học quan trọng về giá trị cốt lõi này. Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina nói rằng: “Bài học lớn nhất mà chúng tôi học được từ đại dịch COVID-19 là không ai được an toàn cho đến khi mọi người được an toàn".

Có nghĩa rằng, sự đoàn kết phải được thể hiện nhiều hơn bao giờ hết. Trong thời điểm khủng hoảng hiện tại, vai trò của Liên Hợp Quốc lại càng trở nên quan trọng, vẫn sẽ là nền tảng cần thiết nhất vào lúc này để duy trì “chủ nghĩa đa phương”. Và như Chủ tịch Csaba Korosi đã kết luận trong bài phát biểu bế mạc Tuần lễ Cấp cao, thì “để làm sâu sắc thêm tình đoàn kết, chúng ta phải xây dựng lòng tin”.

Hoàng Hải

Bình Luận

Tin khác

Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

(CLO) Cuộc tấn công và trả đũa giữa Israel và Iran những ngày qua một lần nữa nhắc nhở về sự thù địch giữa hai quốc gia này. Nhưng có thể nhiều người không nhớ, Iran và Israel trước đây từng là những đồng minh thân thiết hiếm có.

Tiêu điểm Quốc tế
Hệ thống phòng thủ nhiều lớp của Israel đã đánh chặn tên lửa Iran như thế nào?

Hệ thống phòng thủ nhiều lớp của Israel đã đánh chặn tên lửa Iran như thế nào?

(CLO) Các quan chức Israel và Mỹ cho biết hầu hết tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái (UAV) mà Iran phóng vào Israel hôm 13/4 đều bị đánh chặn, cho thấy hệ thống phòng thủ tên lửa đa lớp đáng gờm của hai đối tác đồng minh.

Tiêu điểm Quốc tế
Nghiên cứu phát hiện ghép tạng làm thay đổi tính cách!

Nghiên cứu phát hiện ghép tạng làm thay đổi tính cách!

(CLO) Ghép tạng có thể cứu được mạng sống, nhưng cũng có thể gây ra những thay đổi sâu sắc về tính cách, theo một nghiên cứu gần đây cho thấy.

Tiêu điểm Quốc tế
Hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu về Ukraine: Mong manh cơ hội hòa bình!

Hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu về Ukraine: Mong manh cơ hội hòa bình!

(NB&CL) Thụy Sĩ và Ukraine đang mong đợi 80 - 100 quốc gia sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình đầu tiên dự kiến diễn ra tại thành phố Lucerne, Thụy Sĩ, vào ngày 16 và 17/6 tới. Nhưng giữa mong đợi và hiện thực luôn là khoảng cách, nhất là với một vấn đề nan giải như cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Tiêu điểm Quốc tế
Phát hiện mới về lão hóa và sự bất tử của nhà khoa học từng đoạt giải Nobel

Phát hiện mới về lão hóa và sự bất tử của nhà khoa học từng đoạt giải Nobel

(CLO) Kể từ thời xa xưa, con người đã cố gắng hết sức để tránh xa cái chết. Ngày nay, khi những tiến bộ khoa học biến những thứ tưởng chừng viễn tưởng thành hiện thực, chúng ta có tiến gần hơn đến việc kéo dài tuổi thọ hay thậm chí là sự bất tử không?

Tiêu điểm Quốc tế