Khám phá làng thêu 'khăn chầu, áo ngự' truyền thống tại Hà Nội

Thứ tư, 05/10/2022 07:03 AM - 0 Trả lời

(CLO) Cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 30km, làng Đông Cứu, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín nổi tiếng với nghề thêu khăn chầu, áo ngự từ hàng trăm năm nay.

Nghề thêu 'khăn chầu, áo ngự' truyền thống 

Dọc theo quốc lộ 1A cũ, chúng tôi di chuyển gần 1 giờ đồng hồ để tìm tới làng Đông Cứu, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội. Nằm hữu ngạn bên dòng sông Nhuệ, làng Đông Cứu yên ắng và mang vẻ êm đềm, thanh bình như bao làng quê khác ở Việt Nam.

Theo người dân nơi đây, trước kia làng Đông Cứu vốn thuộc xã Ngũ Xá cùng với các làng Đông Gia, Bình Lăng, Quất Động đều chung một tổ nghề thêu là Tiến sĩ Lê Công Hành. Sau khi học xong kỹ thuật thêu ở phương Bắc, ông tổ của nghề thêu đã truyền lại cho mỗi làng một kỹ thuật riêng. Trong số đó, làng Đông Cứu được truyền lại kỹ thuật thêu khăn chầu, áo ngự. 

kham pha lang theu khan chau ao ngu truyen thong tai ha noi hinh 1

Ông Nguyễn Thế Du (chủ cơ sở thêu Du Biển) - Chủ tịch Hội nghề thêu truyền thống Đông Cứu - Ảnh: Đình Trung

Chúng tôi hỏi thăm nhà ông Nguyễn Thế Du, chủ cơ sở thêu Du Biển, đồng thời là Chủ tịch Hội nghề thêu truyền thống Đông Cứu. Ông Du vốn sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề thêu khăn chầu, áo ngự, đến đời ông là thế hệ thứ 3 được truyền lại nghề và ông cũng là một trong số ít người dân trong làng Đông Cứu có khả năng vẽ, tự thiết kế áo ngự, khăn chầu truyền thống...

Ông Du cho biết: "Hiện cơ sở nhà tôi có gần 20 thợ thêu cứng nghề, có những thợ đã gắn bó với nhà tôi gần 10 năm và có tay nghề khá cao. Mọi người làm việc rất nghiêm túc và cho ra nhiều sản phẩm chất lượng...".

Nói về các công đoạn tạo ra một bộ trang phục hầu đồng, ông Du chia sẻ: "Thiết kế mẫu một bộ trang phục thánh hay mẫu là công đoạn đầu tiên trước khi bước vào những công đoạn khó hơn. Đặc biệt, người thợ thêu tại cơ sở muốn thêu được bộ trang phục đúng quy chuẩn thì buộc phải am hiểu về văn hóa, tín ngưỡng Việt Nam, đặc biệt là tín ngưỡng của hầu thánh, đã có cách đây hàng ngàn năm".

kham pha lang theu khan chau ao ngu truyen thong tai ha noi hinh 2

Những người thợ thêu làm việc tại cơ sở thêu Du Biển tại làng nghề thêu truyền thống Đông Cứu - Ảnh: Đình Trung

Theo PV ghi nhận, tại làng Đông Cứu nhà nhà san sát nhau đều làm nghề thêu khăn chầu, áo ngự. Ngoài cơ sở thêu thủ công nhà ông Nguyễn Thế Du thì có nhiều cơ sở thêu khác được người chủ đầu tư hệ thống máy thêu công nghiệp rất hiện đại.

Làng Đông Cứu cách đây hàng chục năm còn khó khăn, thiếu thốn nhưng hiện tại với nghề thêu "khăn chầu, áo ngự" truyền thống đã giúp đời sống người dân được cải thiện rõ rệt, kinh tế ổn định hơn.

Theo chia sẻ của ông Du thì hiện tại làng Đông Cứu có tới 90% người dân vẫn còn giữ nghề thêu khăn chầu, áo ngự. 

Nói về sự khác biệt trong việc thiết kế trang phục ông Hoàng và Thánh Mẫu, Chủ tịch Hội nghề thêu truyền thống Đông Cứu cho biết, trang phục của ông Hoàng đặc trưng là phải có nhiều rồng, còn trang phục của Thánh Mẫu thì có nhiều hình phượng hơn.

Cụ thể, các các vị Thánh trong tín ngưỡng thờ Mẫu ngự trị, cai quản khắp Tứ phủ (4 miền) tương ứng với 4 màu tượng trưng: Thiên phủ (miền trời) - màu đỏ; Nhạc phủ (thượng ngàn - miền rừng núi) - màu xanh; Thoải phủ (miền sông nước) - màu trắng và Địa phủ (miền đất đai, đồng bằng) - màu vàng. Theo thứ tự trong thần điện, không kể hàng Thánh Mẫu (không mở khăn khi hầu), các vị Thánh hay giáng đồng phân chia các hàng cơ bản: Quan lớn, Chầu Bà, Ông Hoàng, Thánh Cô, Thánh Cậu.

"Sau khi vẽ mẫu xong thì người thợ thêu sẽ tiến hành in mẫu lên một tấm vải to theo kỹ thuật mà được thế hệ cha ông để lại. Điểm cần chú ý là trong quá trình in họa tiết, dù người thợ in theo chuẩn mực có sẵn nhưng vẫn cần sự sáng tạo sao cho các chi tiết hài hòa, rõ nét. Khi in xong chờ khô mực, tấm vải sẽ được chuyển tới tay những người thợ thêu, bắt đầu công đoạn tạo hình những linh vật trong tín ngưỡng hầu đồng...", ông Du chia sẻ. 

Video ghi nhận tại cơ sở thêu Du Biển

X

Sản phẩm thêu phải đạt chất lượng tốt nhất 

Ngoài giải quyết việc làm cho nhiều người dân, cơ sở thêu Du Biển tại làng thêu Đông Cứu, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội còn được nhiều người dân trên cả nước biết tới bởi là nơi sản xuất ra những bộ trang phục cầu kỳ, tỉ mỉ và chất lượng. 

Bà Đỗ Thị Xiêm (66 tuổi), một thợ thêu lâu năm tại cơ sở thêu Du Biển cho biết: "Tôi học thêu từ khi lên 10 tuổi đến nay đã hơn 40 năm trong nghề. Đối với nghề thêu truyền thống, mỗi người thợ làm việc đều phải tận tâm, tận hiến trên từng đường chỉ thì mới tạo ra được những bộ trang phục đẹp. Vì là thêu theo đơn đặt của khách hàng nên màu vải thêu cũng phải theo ý của khách, nên mỗi người thợ phải cẩn trọng khi làm việc". 

kham pha lang theu khan chau ao ngu truyen thong tai ha noi hinh 3

Bà Đỗ Thị Xiêm (66 tuổi), một thợ thêu lâu năm tại cơ sở thêu Du Biển, làng Đông Cứu, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội - Ảnh: Đình Trung

Bà Xiêm cho biết, kỹ thuật thêu khăn chầu, áo ngự ngày xưa ở Đông Cứu cũng khá đơn giản chỉ dùng 5 màu chỉ (vàng, đỏ, tím, xanh, lục). Khi nghề thêu phát triển và kỹ thuật thêu ngày càng tinh tế, khéo léo hơn có thêu trắng, thêu màu nổi, thêu cuốn và thêm kim tuyến.

Cũng theo bà Xiêm, trong công đoạn thêu khó khăn nhất là việc thêu theo ý của khách và công đoạn chọn màu chỉ, màu vải, tất cả đều phải theo đặt hàng. "Tùy vào từng bộ trang phục đơn giản hay phức tạp mà thời gian thêu cũng kéo dài. Có những bộ thêu mất một tháng mới hoàn thiện. Còn đối với những bộ trang phục thêu cầu kỳ, tỉ mỉ có khi phải mất gần 2 tháng mới xong", bà Xiêm nói. 

Sự phát triển của xã hội kèm theo sự đa dạng trong mẫu mã của áo ngự, khăn chầu, vì vậy mỗi người thợ thêu cũng cần có sự sáng tạo để phù hợp với thời cuộc. Theo bà Xiêm, trước kia chỉ có những tấm vải thô mộc, thêm màu sắc cơ bản nhưng ngày nay chất liệu đã được đổi thành gấm, vóc. 

Người thợ mỗi khi ngồi vào bàn thêu như là những nghệ sĩ, họ tạo ra sản phẩm thêu thủ công độc đáo, ấn tượng. Với những dụng cụ thêu chỉ đơn giản là mũi kim, sợi chỉ màu... người thợ thêu có thể tạo ra những sản phẩm áo ngự, khăn chầu, áo hầu đồng... một cách sinh động, rồng phượng như đang uyển chuyển trên gấm vóc. 

Hình ảnh tại cơ sở thêu Du Biển tại làng thêu truyền thống Đông Cứu 

kham pha lang theu khan chau ao ngu truyen thong tai ha noi hinh 4

Người thợ thêu cần mẫn, tỉ mỉ trên từng đường kim sợi chỉ trên tác phẩm "khăn chầu, áo ngự" tại cơ sở thêu Du Biển - Ảnh: Đình Trung

kham pha lang theu khan chau ao ngu truyen thong tai ha noi hinh 5

Từng chi tiết nhỏ đều được người thợ thêu tỉ mỉ, cẩn thận. Bởi vậy, để hoàn thiện một bộ trang phục phải mất thời gian từ một đến hai tháng - Ảnh: Đình Trung

kham pha lang theu khan chau ao ngu truyen thong tai ha noi hinh 6
kham pha lang theu khan chau ao ngu truyen thong tai ha noi hinh 7

Có hàng chục loại chỉ được người thợ sử dụng để tạo lên một bộ quần áo hầu đồng - Ảnh: Đình Trung

kham pha lang theu khan chau ao ngu truyen thong tai ha noi hinh 8

Một bộ trang phục thêu thủ công sau khi hoàn thiện - Ảnh: Đình Trung

kham pha lang theu khan chau ao ngu truyen thong tai ha noi hinh 9

Áo khăn hoàn thiện với màu sắc sặc sỡ, bay bổng - Ảnh: Đình Trung

kham pha lang theu khan chau ao ngu truyen thong tai ha noi hinh 10

Rồng uốn lượn trong trang phục quan đệ nhất (màu đỏ) được người thợ thêu tỉ mỉ, từng chi tiết nổi bật trên tấm lụa - Ảnh: Đình Trung

Trung Nguyễn

Bình Luận

Tin khác

Đặc sắc lễ hội rước nước trên sông Hồng

Đặc sắc lễ hội rước nước trên sông Hồng

(CLO) Lễ hội rước nước tại đình làng Phú Xá (quận Tây Hồ, Hà Nội) vừa diễn ngày 18/3 với sự tham gia nhiệt tình của hàng trăm người dân Thủ đô. Đây là lễ hội truyền thống nhằm tỏ lòng thành kính, cảm tạ Thần đã phù hộ cho mưa thuận gió hòa, nhân dân có cuộc sống thanh bình, hạnh phúc.

Đời sống văn hóa
Chương trình giao lưu văn nghệ Việt Nam - Lào tại Ninh Bình

Chương trình giao lưu văn nghệ Việt Nam - Lào tại Ninh Bình

(CLO) Tối 18/3, tại sân khấu Thủy Đình, Phố cổ Hoa Lư, Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình, Trường Đại học Hoa Lư phối hợp tổ chức chương trình giao lưu văn nghệ Việt Nam - Lào. Chương trình nhằm quảng bá văn hóa Lào tại tỉnh Ninh Bình.

Đời sống văn hóa
Ghé thăm động Hoa Lư - Căn cứ khởi nghiệp của người anh hùng Đinh Bộ Lĩnh

Ghé thăm động Hoa Lư - Căn cứ khởi nghiệp của người anh hùng Đinh Bộ Lĩnh

(CLO) Cùng với Cố đô Hoa Lư nổi tiếng, động Hoa Lư cũng là một trong những di tích tiêu biểu liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của vua Đinh Tiên Hoàng. Nên ngày nay, nhiều du khách khi đi du lịch Ninh Bình sẽ lựa chọn tham quan, trải nghiệm thêm động Hoa Lư.

Đời sống văn hóa
Thái Bình: Tổ chức lễ cầu an tại di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia Miếu Hai Thôn

Thái Bình: Tổ chức lễ cầu an tại di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia Miếu Hai Thôn

(CLO) Tối ngày 18/3, tại di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia miếu Hai Thôn (xã Xuân Hòa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) đã diễn ra lễ cầu an. Đến dự có Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Trần Thị Bích Hằng.

Đời sống văn hóa
Họa sĩ Phan Ngọc Khuê mở triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống”

Họa sĩ Phan Ngọc Khuê mở triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống”

(CLO) Ngày 18/3, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam kết hợp với họa sĩ Phan Ngọc Khuê khai mạc triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống”.

Đời sống văn hóa