Khi báo Xuân là thước đo tay nghề của nhà báo

Thứ ba, 24/01/2023 10:17 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Biết nhiều, viết khỏe, viết rất nhanh… nhà báo Huỳnh Dũng Nhân là cái tên được “săn đón” trong một giai đoạn dài mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Chuyện ngày Xuân với ông cũng rất đa dạng, viết lách có, tích lũy có, khoe khoang có, thất bại có, trưng bày, làm thơ, hội họa có đủ, thậm chí cả những cuộc “lên sóng” góp vui… sôi động như là: Tết đến nơi rồi!

Của để dành…

Ông gọi những đề tài viết báo Tết là “món ngon”, là “của để dành”“Khi làm báo chuyên nghiệp, tôi bắt đầu làm ở Báo Tuổi Trẻ, sau là Báo Lao Động, cuối cùng là tờ Nghề Báo, cả ba tờ đó dù ở vai phóng viên hay lãnh đạo thì năm nào cũng đều viết báo Tết. Đặc biệt là thời ở Lao Động, hầu như 18 năm làm, không năm nào tôi không có bài, thậm chí có năm tôi viết mấy bài liền. Các báo khác cũng đặt bài nhiều lắm. Lúc còn đang công tác, đang đi dạy, đi họp tại nhiều tỉnh và cứ đến nơi này nơi khác là lại có có lịch… đặt bài tết. Có những năm sung sức tôi viết tới tận 25-28 bài trên các mặt báo từ Trung ương đến địa phương và gồm cả các bài trả lời phỏng vấn của các đài truyền hình phục vụ công chúng ngày tết” - nhà báo Huỳnh Dũng Nhân kể.

khi bao xuan la thuoc do tay nghe cua nha bao hinh 1

Về ý tưởng báo Tết, Huỳnh Dũng Nhân viết đa dạng về thể loại, có văn, thơ, tản mạn, bút ký… Những bài dành riêng cho báo Xuân thường là vui, là tích cực, gương người tốt việc tốt, là năm con gì viết con ấy. Với những đề tài hay, bài hay, “món ngon”, không mang tính thời sự ở trong năm thì ông đều coi như “của để dành” cho Tết.  Nhà văn Lê Thiếu Nhơn nói về Huỳnh Dũng Nhân rất thú vị rằng: “Tài năng viết phóng sự của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân phát tiết đúng vào giai đoạn hưng thịnh của Báo Lao Động. Hay nói chính xác hơn, đúng vào giai đoạn phát triển vượt trội của báo in ở thập niên cuối cùng thế kỷ 20, những phóng sự của Huỳnh Dũng Nhân trở thành một hiện tượng khiến bạn đọc say mê. Đến hôm nay, nhiều người vẫn nhắc các phóng sự có sức chinh phục độc giả của Huỳnh Dũng Nhân như: Ăn Tết trong rừng chó sói, Hai giờ dưới lòng đất, Con đường bia bọt hoặc Voi ơi ta bảo voi này, Kính thưa osin…”.

Chất phóng sự của Huỳnh Dũng Nhân rất hợp với báo Tết và thường ông cũng có cách chia xếp các “món ngon” này rất bài bản, ở ba dạng. Chẳng hạn như là năm con trâu thì ông đi viết về anh hùng Hồ Giáo nuôi trâu, nuôi bò; năm thân thì viết về đảo khỉ… kiểu bài này thì đã có trong dự tính từ trước. Thứ hai là có những bài thơ hay thì để lại, không vội đăng báo mà để dành cho Tết. Thứ ba nữa là những bài gần đến Tết mới viết, thường là những bài được đặt. “Những năm được đặt nhiều là thời điểm mà bên văn, bên báo, bên Hội Nhà báo Việt Nam, bên giảng dạy đào tạo…ông đều hoạt động mạnh nên đi đâu người ta cũng đặt. Nhiều nơi họ còn nói thẳng, quan trọng là có tên của ông trên báo tôi cho nó sang chứ bài gì, chủ đề gì cũng được. Nghe được vậy cũng thấy phấn khởi và tự hào. Thế là ông ra sức viết, viết nhanh, viết rất khỏe, chỉ có tội là hay “tơ lơ mơ” kiểu viết “nước đến chân mới nhảy” nên thỉnh thoảng bị muộn, gửi muộn mà khổ nỗi những bài bị giục thì thường lại hay hơn là bài tự giác…” – Huỳnh Dũng Nhân chia sẻ.

khi bao xuan la thuoc do tay nghe cua nha bao hinh 2

Tý chết… vì mấy con khỉ!

Hỏi về kỹ năng viết báo Tết, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cho rằng, phải chăm chút hơn rất nhiều những bài báo thường từ hình thức đến nội dung. Viết tít cho bay bổng, cho lãng mạn, vừa chân thực vừa có chất văn chương chứ không phải chỉ là chất báo. Báo Xuân thì ảnh phải thật đẹp, mà khâu này cũng là khâu khổ nhất với người viết. Ảnh mà chỉ mang tính minh họa chung chung thì một là không hay, hai là không được dùng. Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân kể: “Cũng may là tôi chụp ảnh cũng được, cũng là dạng chụp tốt cho nên chuyến đi nào, dù xa dù gần, tôi cũng phải mang vác theo máy ảnh chụp ảnh làm tư liệu nên báo Xuân không phải đi xin ảnh mà toàn sử dụng ảnh của chính mình…”.

Kỷ niệm về chuyện tác nghiệp thì nhiều nhưng với nhà báo Huỳnh Dũng Nhân thì câu chuyện đi viết bài tết ở Quảng Ninh năm con khỉ là… khiếp vía nhất. Ý tưởng viết của ông là muốn kể cho độc giả nghe về Đảo Rều nuôi khỉ để thí nghiệm. Tại thời điểm đó, chỉ có vài người công nhân nuôi mấy trăm con khỉ và đặc biệt là không cho người lạ đến, không cho khách du lịch vào. Những chỗ như thế, không có ai viết được cả. Kinh nghiệm chọn đề tài cùng cái máu liều nên khi biết thông tin là cứ như lửa đốt, dặn lòng phải viết bằng được bài này.

Huỳnh Dũng Nhân kể: Đảo cách đất liền khoảng 1-2km, tôi thuê một cái thuyền thúng và nhờ người chèo ra đó. Vốn đã nhỏ thó rồi mà cô chèo thuyền còn nhỏ hơn cả tôi. Ngồi lên thuyền, nước mấp mé, tròng trành và mình thì… không biết bơi, đã thế, trên thuyền còn không có phao. Trong lúc đó, trong đầu tôi có ý nghĩ kinh hoàng là: Nếu chẳng may chìm thuyền thì đúng là một cái chết vô duyên nhất trên đời, chết vì… khỉ. Tôi ngồi im thin thít, thậm chí ho còn không dám ho vì sợ lật thuyền… Cũng may, cuối cùng đã vào được đến đảo an toàn. Chuyện không dừng lại ở đó! Khi tới đảo, đảo trưởng đi vắng, cũng phải nhờ mãi cậu bảo vệ trẻ tuổi mới cho lên đảo. Khi còn đang đứng nói chuyện, chưa kịp tác nghiệp gì thì ông đảo trưởng về. Nhìn xa xa thấy đảo có 2 người, biết là có người lạ “đột nhập”… Ông cầm loa quát ầm ầm, yêu cầu tôi rời khỏi đảo. Đúng là cảnh huống thật như phim, vừa hết hồn với chuyện thuyền thúng, lại bị dọa sởn gai ốc như tội phạm bị truy đuổi. Một hồi tĩnh tâm lại, câu chuyện câu trò, cuối cùng đảo trưởng thông cảm cho viết bài. Sau đó, về viết được phóng sự Thăm đảo khỉ ở Quảng Ninh dùng phương pháp nhân cách hóa để viết về khỉ với bút pháp vui, hài hước. “Đấy là bài báo Xuân mà tôi nhớ ghê gớm. Bởi chuyến đi rất vui, mấy con khỉ thì làm trò, làm hề suốt ở trên đảo, mình xem, mình nhìn chúng nó quậy, vui lắm. Khi về mình viết thì tung tẩy, phóng bút, rất thú vị. Sau này, có nhiều người ra đảo khỉ và về kể lại là có cái cậu bảo vệ đã cắt bài báo đó ra rồi lồng vào túi nilon, bảo quản cẩn thận. Cứ có đoàn nào đến tham quan thì đem ra khoe vì trong bài viết tôi có gọi cậu bé là “Robin Sơn trên đảo” - nhà báo Huỳnh Dũng Nhân nhớ lại.

khi bao xuan la thuoc do tay nghe cua nha bao hinh 3

“Năm nay con có viết được gì cho báo Tết không?”

Báo Tết thì bao giờ nhuận bút cũng cao hơn so với báo thường nhưng với nhà báo Huỳnh Dũng Nhân thì viết báo Tết… vui là chính, thậm chí cũng có những bài viết mà ông không nhận nhuận bút. Đó là bài viết cho tờ Phụ Nữ Mới của chị Phạm Thanh Hà (Hà Phạm). Một phần vì là chiến hữu, phần vì ông biết chị Hà có một quỹ nhỏ làm từ thiện cho xóm thận. Thế nên coi như là nhuận bút báo Tết gửi làm quà cho những người khó khăn hơn.

Lại nói đến chuyện quà, ngày xưa, người ta hay tặng nhau báo Xuân, năm nào nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cũng có đầy một tủ toàn báo Xuân được tặng. Thậm chí, ở nhà cũ của ông trước đây còn có hẳn khu vực riêng để trưng bày báo Tết. Căng dây dài dọc lối đi từ cổng hắt vào cửa nhà và quanh nhà đều được trưng bày đủ loại. “Một số tờ báo Tết được biếu và một số là các tờ có bài của tôi. Đối với tôi, cỗ Tết không chỉ là bánh và hoa mà còn “chơi” cả báo Xuân nữa. Nhưng đến giờ internet phát triển nên đọc trên mạng là chính chứ không còn tặng nhau và lưu trữ nhiều như thời trước…” - nhà báo Huỳnh Dũng Nhân kể.

Thú vị nữa là, báo Xuân với ông còn là để làm quà tặng rất ý nghĩa cho mẹ. Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân được sinh ra trong một gia đình có truyền thống báo chí. Cả nhà ông có ba thế hệ làm báo với tổng cộng 9 người từng làm báo. “Mẹ tôi trước cũng từng làm ở Báo Nhân Dân, năm nay đã 90 tuổi rồi nhưng mắt vẫn sáng, đầu óc minh mẫn và rất thích đọc báo, nhất là báo Xuân. Mẹ tôi thích báo lắm, câu cửa miệng của bà mỗi độ Tết đến xuân về là “Năm nay con có viết được gì cho báo Tết không?”. Đó cũng là một phần động lực để tôi, dù nay đầu đã hai thứ tóc, dù sức khỏe có phần kém đi nhưng lúc nào cũng muốn viết báo Xuân rồi mang báo về khoe với mẹ. Món quà Ngày Xuân tặng mẹ bao giờ cũng phải có báo Xuân mẹ mới chịu” - nhà báo Huỳnh Dũng Nhân tâm sự.

Sông Mây

Bình Luận

Tin khác

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

(CLO) Chiều 26/4, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu Cuộc thi ảnh báo chí, nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam và Quốc phòng toàn dân năm 2024.

Nghề báo
Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhiều chương trình trọng điểm, phát sóng đa nền tảng trên các kênh và nền tảng số của VTV.

Nghề báo
Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(CLO) Ngày 26/4, Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho gần 100 hội viên, nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí trong tỉnh.

Nghề báo
Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống Báo Khánh Hòa, ngày 26/4, Báo Khánh Hòa tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Nước giải khát yến sào Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”.

Nghề báo
Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

(CLO) Sáng 26/4, tại TP. Sơn La, tỉnh Sơn La, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt đã tổ chức Lễ tri ân kỷ niệm 40 năm Báo Nông thôn Ngày Nay xuất bản số báo đầu tiên (7/5/1984 - 7/5/2024).

Nghề báo