Khi các họa sĩ phải tự bảo vệ mình

Thứ năm, 30/05/2019 14:50 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Vô số các sai phạm đang diễn ra trên thị trường Mỹ thuật Việt Nam. Trong khi các họa sĩ đang loay hoay tự cứu mình thì các cơ quan Nhà nước - mặc dù có chế tài - nhưng chưa thật quan tâm đến tình trạng này.

Sự kiện: hoạ sĩ

Đạo tranh từ vỉa hè tới khách sạn 5 sao

Sau khi họa sĩ Bùi Trọng Dư tạo ra nhóm “Phản đối xâm phạm bản quyền tác phẩm hội họa”, hàng loạt các tiêu cực, sai phạm được các họa sĩ khắp cả nước chỉ mặt đặt tên rất rõ ràng. Liên tiếp các cá nhân, các Gallery cả trong nước lẫn nước ngoài được “điểm danh” vì đã sao chép trái phép các tác phẩm hội họa. Tình trạng còn phức tạp đến mức tranh chép bị sao chép ngay khi bản gốc còn đang dở dang.

Lân Vũ Gallery mới đây gây bức xúc cho các họa sĩ trong việc thiếu thiện chí sửa sai và lời xin lỗi của Gallery được các họa sĩ đánh giá là thiếu sự cầu thị sau khi bị phát hiện sao chép tranh của họa sĩ Bùi Duy Khánh. Cả ba lần nói lời xin lỗi nhưng Lân Vũ Gallery không hề đả động đến việc đền bù cho người sáng tác, khi kinh doanh trái phép đứa con tinh thần của họa sĩ.

Cũng tại Lân Vũ Gallery, họa sĩ Đặng Phương Việt phát hiện một bức tranh Sen của anh đã bị sao chép trong khi tác phẩm này đã thuộc về một nhà sưu tập. Họa sĩ Đặng Phương Việt tuyên bố sẽ gửi đơn tố giác Lân Vũ Gallery tới cơ quan có thẩm quyền, để tố giác hành vi buôn bán hàng giả và lừa đảo.

Họa sĩ Lâm Đức Mạnh sau khi phát hiện trang web tranhsondau.net tự động lấy hình ảnh bức “Chiều thu bên ô Quan Chưởng” để rao bán, thì mới đây anh lại phát hiện thêm Sato Art (856 Tạ Quang Bửu, TP. Hồ Chí Minh) cũng rao bán bức “Chiều thu bên ô Quan Chưởng” của anh. Đáng nói là trong quá trình sáng tác, họa sĩ đã “khoe” tác phẩm đang hoàn thiện của mình với nhóm Viet Art Space. Bức tranh sao chép đã thay thế chiếc cột đèn trong bản gốc bằng một cái biển cấm ô tô.

Tường khách sạn Pao’s Sapa trước khi phát hiện đạo tranh của họa sĩ Hà Hùng Dũng. Ảnh: Họa sĩ cung cấp

Tường khách sạn Pao’s Sapa trước khi phát hiện đạo tranh của họa sĩ Hà Hùng Dũng. Ảnh: Họa sĩ cung cấp

Trên trang web bán tranh quốc tế artfire.com (có ghi địa chỉ tại Thái Lan) thì “hô biến” hẳn họa sĩ Lâm Đức Mạnh trở thành Lam Manh Quang Galery và treo tới vài chục ảnh các bức tranh của họa sĩ Lâm Đức Mạnh để rao bán công khai các sản phẩm tranh giả, có giá từ 250 USD đến 590 USD/bức.

Chẳng hạn bức tranh “Afternoon by an Old Gate” (tên do artfire.com tự đặt) của họa sĩ Lâm Đức Mạnh đang được rao bán với giá 590 USD. Đương nhiên là họa sĩ chẳng được liên quan một xu từ lợi nhuận bán tranh này. Trong khi đó bức tranh thật đang nằm trong bộ sưu tập tư nhân tại Hà Nội.

Một phòng tranh khác nữa mới đây bị nhiều họa sĩ lên tiếng tố cáo vi phạm là Triệu Gia Art (119 Lê Văn Khương, quận 12, TP. Hồ Chí Minh). Họa sĩ Đặng Tiến, Nguyễn Khắc Tài, Đặng Thị Thọ và Quyên Nguyễn cùng cho biết đã bị Triệu Gia Art vi phạm bản quyền.

Họa sĩ Đặng Tiến bị vi phạm bản quyền bức “Hoa Lục bình” vẽ hồi đầu năm 2019. Tranh gốc đã được một người yêu nghệ thuật lưu giữ, hiện vẫn còn đang treo tại nhà. Họa sĩ Đặng Thị Thọ bị vi phạm bức “Tĩnh vật hoa hồng”. Họa sĩ Nguyễn Khắc Tài thậm chí còn chưa hoàn thiện tranh, bức tranh gốc vẫn còn đang trong xưởng, nhưng vì đã đưa tác phẩm lên để chia sẻ với đồng nghiệp rồi bị vi phạm tác quyền. Quyên Nguyễn thì bị vi phạm tới vài bức khác nhau.

Khách sạn Pao’s Sapa thì sử dụng tranh của họa sĩ Hà Hùng Dũng để... vẽ trang trí lên tường của vô số các căn phòng trong khách sạn này. Sau khi sự việc bị công khai, khách sạn Pao’s Sapa đã xin lỗi họa sĩ Hà Hùng Dũng.

Bà Ngô Thu Lý - Giám đốc khách sạn trần tình rằng: “Sơ suất trong khâu kiểm duyệt của nhà thầu thiết kế cùng sự thiếu trách nhiệm và không chuyên nghiệp của nhóm vẽ tranh đã dẫn đến sự việc đáng tiếc này. Các bên liên quan đến sự việc đã tiến hành họp khẩn, theo đó, bên vẽ tranh đã nhận hoàn toàn trách nhiệm. Khách sạn Pao’s Sapa cũng đã nghiêm túc yêu cầu bên vẽ tranh phải công khai gửi lời xin lỗi đến tác giả của tác phẩm gốc là họa sĩ Hà Hùng Dũng, đồng thời, với thiện chí cũng như mong muốn bảo vệ tác quyền của họa sĩ, Ban quản lý khách sạn đã chỉ đạo tháo dỡ, xóa bỏ tất cả hạng mục tranh vi phạm”.

Một số đơn vị sai phạm sau khi đã xin lỗi thì “trưng” bằng chứng sửa sai bằng cách chụp ảnh màn hình những bức tranh ảnh đã bị xé toạc và vứt lăn lóc trên nền đất.

Tự cứu mình trước khi trời cứu

Hầu hết các họa sĩ khi lên tiếng công khai hoặc “kêu cứu” về sự xâm phạm nghiêm trọng đến tác phẩm của mình đều nhận được các phản hồi là xin lỗi, sau đó mọi việc được... dừng lại.

Nhà sưu tập Nguyễn Minh Quân nói: “Các họa sĩ thường có suy nghĩ đơn giản là người ta sai, xin lỗi là xong, là bỏ qua. Nhưng thực chất nếu chỉ như vậy thì các sai phạm sẽ không bị xử lý triệt để. Nhiều chỗ chép tranh cũng rất khôn khi bày tỏ sự xin lỗi có vẻ cầu thị, nhưng thực chất họ chỉ muốn xin lỗi cho xong để sự việc nhanh chóng bị bỏ qua”.

Họa sĩ Bùi Trọng Dư - nạn nhân của nhiều vụ việc công nhiên đạo tranh. Anh cũng là người sáng lập ra nhóm

Họa sĩ Bùi Trọng Dư - nạn nhân của nhiều vụ việc công nhiên đạo tranh. Anh cũng là người sáng lập ra nhóm "Phản đối xâm phạm bản quyền tác phẩm hội họa". Ảnh: Tử Hưng

Anh Quân nói: “Dứt khoát phải có một vụ việc điển hình, đình đám để các họa sĩ và các loại con buôn chép tranh lấy đó làm gương để răn đe chứ xin lỗi khơi khơi rồi lại tiếp tục chép của người khác thì còn lâu tình trạng đạo tranh mới chấm dứt”.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi thì bày tỏ ý kiến, đề nghị cơ quan chức năng xử lý các phòng tranh bị tố sao chép, kiểm tra, lập biên bản, phạt thật nặng để làm gương thì vấn nạn này mới được giải quyết.

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Trần Tâm nói: “Sở dĩ những vụ xử lý xâm phạm bản quyền không đi đến đâu là do mọi người chưa làm đúng trình tự pháp luật, và người bị xâm phạm có thực sự đi đến cùng sự việc hay không, bởi việc theo đuổi kiện tụng là mất thời gian công sức và tiền bạc”.

Theo luật sư, khi phát hiện ra việc tác phẩm của mình bị sao chép trái phép, cần thực hiện một số thủ tục như sau để có cơ sở nếu tố cáo ra pháp luật. Đó là:  Thu thập chứng cứ xâm phạm (bằng nhiều cách khác nhau, mua mẫu vật xâm phạm hoặc lập vi bằng. Ví dụ vụ tranh tường trên khách sạn là cần thiết phải lập vi bằng); Liên hệ bên xâm phạm thông báo (yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm và bồi thường thiệt hại, nếu có); Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý xâm phạm (nếu bước 2 không hiệu quả). Trình tự này có thể thay đổi nhưng phải đảm bảo bước số 1 là cực kỳ quan trọng.

Trước tình trạng một số Gallery yêu cầu các họa sĩ phải cung cấp bằng chứng về việc đăng ký bản quyền tranh của mình, luật sư Trần Tâm cho biết, theo quy định của pháp luật là không cần, vì quyền sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm hội họa phát sinh từ khi vẽ xong tranh mà không cần phải thông qua thủ tục đăng ký.

Tử Hưng

Tin khác

Phố sách Hà Nội 19/2: Không gian văn hóa dành cho các 'tín đồ' mê đọc sách

Phố sách Hà Nội 19/2: Không gian văn hóa dành cho các 'tín đồ' mê đọc sách

(CLO) Hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 - 2024, trong những ngày này, Phố Sách Hà Nội luôn nườm nượp du khách và người dân Thủ đô tới trải nghiệm, khám phá và tìm cho mình những đầu sách ưng ý để thỏa mãn đam mê đọc sách.

Đời sống văn hóa
Hoa hậu Lương Thùy Linh trở thành Đại sứ văn hóa đọc

Hoa hậu Lương Thùy Linh trở thành Đại sứ văn hóa đọc

(CLO) Hoa hậu Lương Thùy Linh xuất hiện tại sự kiện lễ khai mạc Ngày Sách và Văn Hóa đọc Việt Nam lần 3 năm 2024 với vai trò Đại sứ văn hóa đọc TP.HCM.

Đời sống văn hóa
Công bố tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT nghề thủ công mỹ nghệ

Công bố tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT nghề thủ công mỹ nghệ

(CLO) Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 43/2024/NĐ-CP ngày 19/4/2024 quy định chi tiết về xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân (NSND), Nghệ nhân ưu tú (NSƯT) trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ.

Đời sống văn hóa
Kỷ niệm 1.085 năm Ngô Quyền xưng vương và định đô ở Cổ Loa

Kỷ niệm 1.085 năm Ngô Quyền xưng vương và định đô ở Cổ Loa

(CLO) Tối 19/4, tại Đình Ngự Triều Di Quy - Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đông Anh long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 1085 năm Đức vua Ngô Quyền xưng vương và định đô ở Cổ Loa (939-2024).

Đời sống văn hóa
Khai mạc Hoạt động văn hóa năm 2024 với chủ đề 'Giữ nghề xưa trên phố'

Khai mạc Hoạt động văn hóa năm 2024 với chủ đề "Giữ nghề xưa trên phố"

(CLO) Chiều 19/4 tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, số 50 phố Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã diễn ra chương trình khai mạc Hoạt động văn hóa năm 2024 với chủ đề "Giữ nghề xưa trên phố".

Đời sống văn hóa