Nhà báo Công Doanh - báo Bắc Giang:

Khi mọi người ở yên trong nhà, tôi vẫn đi để có tin bài chân thực nhất

Thứ ba, 22/06/2021 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) "Khi mọi người ở yên trong nhà, tôi vẫn đi để có tin bài chân thực nhất. Những tin bài được công chúng đọc, phản hồi đó là niềm hạnh phúc của người làm báo"- nhà báo Công Doanh - Báo Bắc Giang chia sẻ tại “điểm nóng” thông tin về đại dịch Covid-19.

Bài liên quan

Lúc nào cũng sẵn sàng tinh thần xách ba lô lên và đi

+ Tình hình dịch Covid-19 ở Bắc Giang vẫn đang rất phức tạp, khó lường. Là cơ quan báo chí của tỉnh, việc triển khai nhiệm vụ tuyên truyền phòng chống dịch vào thời điểm này ra sao, thưa anh?

- Hiện tỉnh là nơi có một số ổ dịch phức tạp, đặc biệt ở các khu công nghiệp, công nhân đến từ khắp nơi, nguy cơ lây lan rất lớn. Hơn 2 năm nay chúng tôi tập trung tuyên truyền chống dịch, trong đó có các đợt cao điểm.

Riêng trong tháng 5 năm 2021, ban đầu số lượng ca chưa nhiều, nhưng sau đó tăng nhanh, nhiều huyện trên địa bàn phải cách ly xã hội. Trong hoàn cảnh đó, chúng tôi thực hiện tuyên truyền cùng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh.

Trong đó, chúng tôi cùng tham gia các đoàn đi kiểm tra ở các ổ dịch, các khu công nghiệp, khu cách ly, đánh giá tình hình phòng chống dịch, nơi ăn ở của các lực lượng và người dân.

Ngoài ra còn có những cuộc họp đột xuất của lãnh đạo tỉnh, có nhiều cuộc họp diễn ra trong đêm, nhìn chung bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng tinh thần xách ba lô lên và đi. Ngoài việc tham gia cùng các ngành chức năng, phóng viên chúng tôi cũng tự tìm kiếm các đề tài mới như khó khăn thử thách, nguy cơ trong mùa dịch, những tấm lòng nhân ái, sẻ chia trong mùa dịch…

Nhà báo Công Doanh trong một chuyến đi thực tế.

Nhà báo Công Doanh trong một chuyến đi thực tế.

+ Trong hoàn cảnh dịch bệnh lây lan nhanh, xảy ra ở nhiều địa bàn, yêu cầu PV phải cập nhật thông tin thời sự hằng ngày, hằng giờ, thống kê số lượng ca nhiễm, truy vết…, kịp thời có sản phẩm cho báo mạng, báo giấy, truyền hình... Với lượng công việc nhiều như vậy, chắc hẳn không ít áp lực, thưa anh?

- Đúng vậy! Trong vấn đề thông tin, chúng tôi đang phải cạnh tranh với thông tin trên mạng xã hội, mọi người đăng thông tin trên mạng xã hội, nhưng thường không đầy đủ và thiếu độ chính xác. Chúng tôi tác nghiệp tại hiện trường bao giờ cũng đầy đủ hình ảnh và độ tin cậy cao hơn. Tuy nhiên, việc cạnh tranh này càng khiến chúng tôi phải cố gắng làm nhanh hơn nữa. Ngoài ra, các cơ quan báo chí Trung ương giờ cũng rất linh hoạt, mọi người đều có cách để có được nguồn thông tin nhanh chóng.

Trong thời gian qua, Báo Bắc Giang cũng tích cực đổi mới để cung cấp thông tin kịp thời cho bạn đọc, ở đây không nhằm mục đích câu like, câu view mà nhằm mang đến cho bạn đọc cái nhìn bao quát, toàn diện về công tác phòng chống dịch, đặc biệt là những nỗ lực của các ngành chức năng trong việc hạn chế dịch bệnh bùng phát.

Chúng tôi luôn phải tập trung cao độ, làm tin thật nhanh, chính xác. Ngôn ngữ phải dễ hiểu, dễ nghe, dùng các thuật ngữ chuyên ngành của y tế bao giờ cũng phải chuẩn chỉ.

Tuy nhiên, áp lực lớn nhất của người phóng viên khi tham gia tuyên truyền phòng chống dịch là lượng thông tin trong ngày lớn. Một ngày phải đi khá nhiều địa phương, chúng tôi ưu tiên làm báo điện tử, tận dụng tính nhanh nhạy và cập nhật, nhưng song song với việc đó là duy trì báo in ra hằng ngày. Đây cũng là khó khăn, áp lực phóng viên phải vượt qua.

Chúng tôi như cầu nối truyền tải thông tin liên tục, từng giây từng phút

+ Không chỉ chịu sức ép về thông tin mà việc đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, cũng đòi hỏi người làm báo phải chủ động hơn trong việc đảm bảo an toàn trong tác nghiệp. Anh đã có những chuẩn bị như thế nào cho "cuộc chiến" này?

- Virus SARS-CoV-2 ngày càng nguy hiểm, nguy cơ lây lan cao, trong khi đó nhiều người nhiễm không có biểu hiện lâm sàng, không sốt, không ho. Mình đi cả ngày như vậy nhưng quần, áo bảo hộ cũng không được trang bị đạt chuẩn như lực lượng y tế.

Làm ở cơ quan báo tỉnh bao giờ chúng tôi cũng phải đi, đồng hành cùng các đồng chí cán bộ lãnh đạo trong tỉnh, lúc này phóng viên không thể đứng ngoài cuộc. Không vào trong sẽ không có hình ảnh, tư liệu. Chúng tôi luôn tính toán làm sao phải đảm bảo cho mình, cho mọi người. Vì thế, đồ bảo hộ, nước sát khuẩn luôn mang theo cùng đồ tác nghiệp.

Tôi vẫn nhớ, năm trước, trong tác nghiệp ở huyện Sơn Động, tôi đứng cùng chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19, tình cờ gặp một phụ nữ trẻ mang đồ ăn nước uống ra ủng hộ cho lực lượng phòng chống dịch, tôi có xin phỏng vấn và ghi hình… ngay hôm sau tôi nhận được thông báo người phụ nữ trẻ này là F1 do hàng xóm là F0. Biết được thông tin tôi đã xin tự cách ly và làm việc tại nhà, theo dõi diễn biến sức khỏe. Sau lần đó, tôi đã có thêm nhiều kinh nghiệm phòng chống dịch khi tác nghiệp hơn.

+ Khó khăn, gian nan là thế, các nhà báo đã nhận được sự hỗ trợ như thế nào từ đồng nghiệp, người thân để luôn hoàn thành công việc, thưa anh?

- Chúng tôi nhận được nhiều sự giúp đỡ từ lãnh đạo phòng và Ban Biên tập, khi chúng tôi chuyển tin về là nhắn tin và được xử lý luôn, tin tức mùa dịch đều được xử lý nhanh chóng, kịp thời. Có nhiều tin bài lãnh đạo phòng và Ban Biên tập vẫn đọc và cho xuất bản lúc 1h, 2h sáng.

Ngoài ra, tôi và các đồng nghiệp khi cùng đi làm đều có ý thức nhắc nhau về việc đảm bảo an toàn trong mùa dịch, đảm bảo đủ các đồ bảo hộ mới tác nghiệp và phải tuân thủ các khuyến cáo của lực lượng chức năng. Tránh nguy cơ để virus bám trên bề mặt máy móc, mang dịch ra cộng đồng.

Tôi thường đi làm về khi mọi người trong nhà đều đã đi ngủ, tôi ở phòng riêng. Vợ tôi luôn phần cơm vì sợ ăn ở ngoài không đảm bảo, để sẵn bộ quần áo sạch. Trước khi bước vào phòng, tôi luôn đọc thư do con gái học lớp 1 viết để lại ở cửa, kèm lời nhắn: “Bố tắm giặt đi nhé, xong việc bố ngủ sớm đi bố nhé, con yêu bố nhiều”…, đó là những lời động viên kịp thời sau một ngày làm việc căng thẳng.

Nhà báo Công Doanh phỏng vấn tại lễ xuất quân đoàn thầy thuốc tình nguyện tỉnh Quảng Ninh chung tay cùng tỉnh Bắc Giang và cả nước đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

Nhà báo Công Doanh phỏng vấn tại lễ xuất quân đoàn thầy thuốc tình nguyện tỉnh Quảng Ninh chung tay cùng tỉnh Bắc Giang và cả nước đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

+ Thưa anh, đối với những người xông pha nơi tuyến đầu chống dịch, trong đó có nhà báo, để vượt qua được khó khăn cần có nhiều bản lĩnh, để duy trì cung cấp thông tin một cách nhanh và chính xác tới công chúng, cần không ngừng nỗ lực... Năng lượng nào, động lực nào để mỗi ngày đều là những ngày cố gắng, thưa anh?  

- Đây là đại dịch lớn của cả nhân loại, tôi đi thực tế luôn nhìn thấy hình ảnh những người ở các chốt chống dịch, vì nhiệm vụ họ phải ăn ngủ tại các chốt nhiều ngày qua. Hay lực lượng y tế, quân đội làm việc thâu đêm suốt sáng không ngừng nghỉ.

Tôi nghĩ rằng những công việc mình làm chưa thấm gì với những cán bộ đó, đây như là động lực để tôi tiếp tục làm việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Là người làm báo tôi mong muốn được góp một phần công sức của mình vào cuộc chiến chống dịch. Ý thức, trách nhiệm của người làm báo đã giúp tôi luôn cố gắng cống hiến nhiều hơn.

Tôi hiểu rằng trong mùa dịch, độc giả luôn chờ đợi những thông tin từ các lực lượng tuyến đầu, chúng tôi như cầu nối truyền tải thông tin liên tục, từng giây, từng phút. Khi mọi người ở yên trong nhà, tôi vẫn đi để có tin bài chân thực nhất. Những tin bài được công chúng đọc, phản hồi đó là niềm hạnh phúc của người làm báo. Họ cũng là tuyên truyền viên tích cực, khi có đủ thông tin họ sẽ ít hoang mang, lo lắng hơn, nâng cao ý thức phòng ngừa để từ đó mỗi người cùng chung tay góp sức đẩy lùi dịch bệnh.

+ Vâng, trân trọng cảm ơn anh!

Lê Tâm (Thực hiện)

Tin khác

Giải thưởng Báo chí TTXVN 2023: Ghi nhận sự cống hiến, tâm huyết với nghề

Giải thưởng Báo chí TTXVN 2023: Ghi nhận sự cống hiến, tâm huyết với nghề

(CLO) Chiều 25/4, Lễ trao Giải thưởng Báo chí Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) năm 2023 đã diễn ra tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia (số 5 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội). 

Nghề báo
Tạp chí Thanh niên phát động cuộc thi viết “Vượt lên số phận”

Tạp chí Thanh niên phát động cuộc thi viết “Vượt lên số phận”

(CLO) Ngày 25/4, tại Hà Nội, Tạp chí Thanh niên phối hợp cùng Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam phát động cuộc thi viết “Vượt lên số phận” lần thứ VII.

Nghề báo
Báo Quân đội nhân dân tổ chức Cuộc đua xe đạp “Về Điện Biên Phủ  2024”

Báo Quân đội nhân dân tổ chức Cuộc đua xe đạp “Về Điện Biên Phủ 2024”

(CLO) Cuộc đua xe đạp lần thứ 5 “Về Điện Biên Phủ năm 2024 - Cúp Báo Quân đội nhân dân” sẽ diễn ra từ ngày 1 đến 5/5 trên tổng lộ trình 525 km từ Thủ đô Hà Nội tới thành phố Điện Biên Phủ.

Nghề báo
Báo Nhà báo & Công luận trao học bổng cho sinh viên: Tạo động lực, tiếp lửa ước mơ…

Báo Nhà báo & Công luận trao học bổng cho sinh viên: Tạo động lực, tiếp lửa ước mơ…

(CLO) Ngày 25/4/2024, Đoàn công tác Báo Nhà báo & Công luận do nhà báo Lê Trần Nguyên Huy - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Q. Tổng biên tập báo Nhà báo & Công luận làm trưởng đoàn đã đến thăm và trao học bổng cho sinh viên có thành tích học tập cao, sinh viên nghèo vượt khó tại Viện Đào tạo Báo chí và truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn; Khoa Viết Văn – Báo chí, Đại học Văn hóa và Học viện báo chí và Tuyên truyền.

Nghề báo
Quỹ từ thiện 'Ước mơ xanh' - Báo Nhà báo & Công luận đồng hành với các bệnh nhi ung thư

Quỹ từ thiện "Ước mơ xanh" - Báo Nhà báo & Công luận đồng hành với các bệnh nhi ung thư

(CLO) Ngày 25/4, Đoàn công tác Báo Nhà báo & Công luận do nhà báo Trần Lan Anh - Phó Tổng biên tập Báo Nhà báo & Công luận làm trưởng đoàn đã đến thăm và trao quà cho các bệnh nhi ung thư đang điều trị tại Bệnh viện K Tân Triều và Bệnh viện Nhi Trung ương, Hà Nội.

Nghề báo