Khủng hoảng Sri Lanka: Tai họa đến từ gia tộc Rajapaksa

Thứ năm, 14/07/2022 07:08 AM - 0 Trả lời

(CLO) Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã trốn chạy khỏi Sri Lanka. Đất nước này cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp. Có thể nói, sự liều lĩnh khó tưởng tượng của gia đình cầm quyền Rajapaksa đã đem lại tại họa cho 22 triệu dân của quốc đảo vốn đầy tiềm năng kinh tế này.

Bi kịch của một quốc gia

Gotabaya Rajapaksa từng được gọi với biệt danh “Kẻ hủy diệt” vì đã đánh tan cuộc nổi dậy kéo dài gần ba thập kỷ của người Tamil ở Sri Lanka vào năm 2009 với tư cách là một quan chức quốc phòng trong nhiệm kỳ tổng thống của chính anh trai mình, Mahinda Rajapaksa.

Danh tiếng về sự tàn bạo của Gotabaya đã đưa ông lên nắm quyền đất nước ở vị trí tổng thống sau đó vào năm 2019, thậm chí còn rất được yêu mến khi chính sách thiết quân luật của ông tỏ ra cần thiết trong bối cảnh Sri Lanka phải đối mặt với những vụ đánh bom liều chết của những người Hồi giáo.

khung hoang sri lanka tai hoa den tu gia toc rajapaksa hinh 1

Người dân Sri Lanka đang đối mặt với tương lai mờ mịt. Ảnh: Reuters

khung hoang sri lanka tai hoa den tu gia toc rajapaksa hinh 2

Phòng họp tổng thống đang chỉ có ý nghĩa như một nơi thăm quan của người dân Sri Lanka. Ảnh: Reuters

khung hoang sri lanka tai hoa den tu gia toc rajapaksa hinh 3

Người dân Sri Lanka đã bao vây dinh tổng thống, thậm chí còn nhảy xuống hồ bơi để tắm. Ảnh: Reuters.

Lần này, Gotabaya, 73 tuổi, khi lên làm tổng thống đã bổ nhiệm ngược lại chính người anh Mahinda, 76 tuổi, làm thủ tướng. Họ đã hứa hẹn về "viễn cảnh thịnh vượng và huy hoàng" cho Sri Lanka sau khi một lần nữa cùng nhau lên điều hành đất nước. Nhưng thay vào đó, quốc gia này sớm đối mặt với tình trạng lạm phát tăng vọt, thiếu lương thực và nhiên liệu trầm trọng, đi dần đến bờ vực sụp đổ toàn diện.

Tai họa xảy ra ở Sri Lanka có nhiều nguyên nhân: nợ nần chồng chất, cạnh tranh địa chính trị, đại dịch COVID, sự hỗn loạn trên thị trường thực phẩm và nhiên liệu toàn cầu do cuộc xung đột Nga - Ukraine. Song rõ ràng, trên tất cả chính là sự liều lĩnh của triều đại nhà Rajapaksa.

Không chỉ Sri Lanka, mà nhiều quốc gia trên thế giới này cũng chịu tác động của các yếu tố khách quan nói trên. Nigeria, Argentina, Pakistan hay một số nước khác cũng đang trải qua cuộc khủng hoảng về kinh tế trầm trọng, song vẫn có thể cầm cự được, chứ không dễ dàng sụp đổ chóng vánh như Sri Lanka.

Hôm thứ Bảy vừa rồi, Tổng thống Rajapaksa đã bỏ trốn sau khi hàng ngàn người biểu tình xông vào dinh thự của ông ở thủ đô Colombo. Sự ra đi trong nỗi hổ thẹn của ông gần như là một bản sao của người anh trai của mình: Mahinda từ chức vào tháng 5 vừa rồi sau khi dinh thự chính thức của ông cũng bị bao vây bởi một đám đông giận dữ.

Chính phủ gia đình trị

Gia đình nhà Rajapaksa bắt đầu gây ảnh hưởng khi người anh Mahinda kế thừa chiếc ghế quốc hội mà cha ông để lại vào năm 1970. Tuy nhiên, vị thế của gia đình Rajapaksa lúc đó chưa thực sự chắc chắn, khi mà người em trai Gotabaya còn phải chuyển sang Mỹ vào năm 1998, làm kỹ thuật viên CNTT và trở thành công dân Mỹ vào năm 2003.

khung hoang sri lanka tai hoa den tu gia toc rajapaksa hinh 4

Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã bỏ trốn khỏi Sri Lanka. Ảnh: Reuters

Khi Mahinda đắc cử tổng thống vào năm 2005, ông đã gần như biến chính phủ trở thành một “công ty gia đình”. Trong đó, người em trai Gotabaya được bổ nhiệm vào vị trí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sau khi đánh bại quân ly khai Tamil. Đây là một chiến dịch đẫm máu đến mức nó đã đối mặt với những lời cáo buộc về tội ác chiến tranh.

Tầm ảnh hưởng của gia đình nhà Rajapaksa ngày càng lớn mạnh sau đó. Bên cạnh Mahinda và Gotabaya cùng thay nhau làm cả tổng thống lẫn thủ tướng, còn có 2 người anh em ruột khác của họ cũng giữ các chức vụ hàng đầu trong chính phủ. Cụ thể, người em thứ ba Basil Rajapaksa (71 tuổi) từng được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tài chính năm 2021, sau khi đã nắm giữ một loạt vị trí quan trọng khác. Trong khi đó, người anh cả Chamal Rajapaksa cũng có một chân trong Nội các Sri Lanka từ năm 2019.

Ngoài ra, 2 người con của Mahinda, Namal (36) và Yoshitha (34) lần lượt giữ chức Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao và Thủ tướng trong một thời gian ngắn, trước khi đều từ chức vào hồi tháng 5 vừa rồi khi cuộc khủng hoảng nổ ra. Chưa hết, con trai Shasheedra của người anh cả Chamal cũng từng giữ chức Bộ trưởng Nông nghiệp nước này, trước khi cũng từ chức trong khoảng cuối tháng 4 và đầu tháng 5.

Để duy trì một hệ thống “gia đình trị” trong chính phủ của cả một quốc gia, anh em nhà Rajapaksa buộc phải tô vẽ màu hồng cho nền kinh tế đất nước và che giấu những mầm mống khủng hoảng, bằng cách vay mượn các quốc gia nước ngoài. Hàng tỷ đô la tiền vay mượn đổ vào quốc gia này, phần lớn phục vụ cho những dự án phù phiếm lãng phí ở thủ đô Colombo. Nó giống như một quả bong bóng được thổi phồng hết mức và giờ thì đã vỡ vụn.

Sai lầm nối tiếp sai lầm

Có thể nói, đại dịch COVID và tác động từ cuộc chiến ở Ukraine đã góp phần khiến gia đình nhà Rajapaksa sụp đổ nhanh hơn dự kiến. Cụ thể, đại dịch COVID đã tước đi lượng khách du lịch nước ngoài và nguồn ngoại tệ quan trọng của đất nước mà nước này cần để nhập khẩu nhiên liệu và thuốc men. Sự quản lý yếu kém của chính phủ và tình trạng khan hiếm tiền tệ đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt.

Cuộc khủng hoảng ngày càng trở nên tồi tệ hơn bởi cuộc chiến ở Ukraine, vốn làm gia tăng thêm nhiều vấn đề về chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Vào tháng 4, chính phủ đã buộc phải thông báo không thể thanh toán nợ quốc tế của mình, qua đó rơi vào tình trạng vỡ nợ nước ngoài.

Theo Liên Hợp Quốc, hơn một phần tư trong số gần 22 triệu người của Sri Lanka có nguy cơ thiếu lương thực. Quốc gia này cần 6 tỷ USD cho đến cuối năm để mua nhiên liệu và các mặt hàng thiết yếu khác nhưng câu hỏi đặt ra là số tiền đó sẽ đến từ đâu, khi mà mọi nguồn thu đều đã cạn kiệt?

Để trả lời rõ cho câu hỏi này, chúng ta cần quay ngược thời gian trở về trước đó vài tháng. Trong nền kinh tế sa sút bởi đại dịch COVID và tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu hồi cuối năm 2021, chính phủ của gia đình nhà Rajapaksa đã đưa ra chính sách cắt giảm thuế để xoa dịu người dân. Điều này đã làm giảm nguồn thu của chính phủ, cùng với việc các hoạt động du lịch vốn là nguồn thu chính của đất nước bị đình trệ.

Sri Lanka cũng đưa ra một chính sách thể hiện sự cùng quẫn, khi cấm nhập khẩu xe có động cơ, phân bón tổng hợp và thuốc trừ sâu để tiết kiệm ngoại tệ. Kết quả thật thảm khốc: Sản lượng chè - nguồn thu xuất khẩu chính - giảm khoảng 18% và sản lượng ngũ cốc giảm 43%. Chính phủ đã tiết kiệm được 400 triệu USD nhờ cấm phân bón nước ngoài, nhưng lại phải chi 450 triệu USD để nhập khẩu gạo!

Sau đó, họ đã hủy bỏ lệnh cấm phân bón đối với một số cây trồng chủ chốt, nhưng thật không may đúng vào lúc này cuộc chiến giữa Nga và Ukraine xảy ra, dẫn đến việc giá mọi mặt hàng tăng vọt, đặc biệt nhiên liệu và phân bón - những mặt hàng cần thiết nhất để giúp cầm cự nền kinh tế Sri Lanka. Đó là lý do tại sao Sri Lanka lại có thể dễ dàng sụp đổ nhanh đến như vậy, khi mà chỉ mới cách đây vài năm họ vẫn còn là một quốc gia phát triển khá mạnh, sở hữu một tầng lớp trung lưu đông đảo.

Theo thông tin mới nhất, Rajapaksa đã gọi điện cho phát ngôi viên của quốc hội để nói rằng ông sẽ từ chức vào cuối ngày hôm nay (13/7), sau khi đã bỏ trốn thành công sang Maldives. Đây có thể nói là dấu chấm hết cho gia đình nhà Rajapaksa.

Tuy nhiên, tấn bi kịch dành cho người Sri Lanka mới chỉ bắt đầu. Tất cả 22 triệu dân của quốc đảo này đều đang đối mặt với một tương lai mờ mịt, không phải vì chiến tranh hay xung đột mà bởi sự yếu kém, quan liêu của chính phủ cùng với một gia tộc ưa quyền lực...

Hải Anh

Bình Luận

Tin khác

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

(CLO) Khi căng thẳng với Iran giảm bớt, quân đội Israel đang chuẩn bị hoàn thành công việc mà họ cho là còn dang dở: Triệt hạ Hamas khỏi thành trì cuối cùng của lực lượng này ở thành phố Rafah, nơi có hơn một triệu người Palestine đang trú ẩn.

Tiêu điểm Quốc tế
Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

(CLO) Tạo ra lực lượng lao động sản xuất có năng lực đang được xem là thách thức lớn nhất của Ấn Độ trong bối cảnh đất nước đông dân nhất thế giới quyết vươn lên thành quốc gia "siêu cường".

Tiêu điểm Quốc tế
Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

(CLO) Tại khu vực Tam giác Vàng của Thái Lan, nằm giữa biên giới với Myanmar và Lào, các bảo tàng dành riêng cho quá khứ sản xuất thuốc phiện của khu vực đã được mở cửa.

Tiêu điểm Quốc tế
So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

(CLO) Một cuộc xung đột quân sự giữa Israel và Iran đang trở thành mối đe dọa thực sự. Nhưng Israel đã chuẩn bị đến mức độ nào cho một cuộc chiến đa mặt trận có thể với Iran và các lực lượng đồng minh của nước này?

Tiêu điểm Quốc tế
Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

(CLO) Cuộc tấn công và trả đũa giữa Israel và Iran những ngày qua một lần nữa nhắc nhở về sự thù địch giữa hai quốc gia này. Nhưng có thể nhiều người không nhớ, Iran và Israel trước đây từng là những đồng minh thân thiết hiếm có.

Tiêu điểm Quốc tế