Kiểm soát sớm lạm phát trước khi quá muộn!

Thứ năm, 26/05/2022 09:12 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Ngân hàng HSBC nhận định, lạm phát ở Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát, vẫn nằm trong mức kỳ vọng của thị trường. Tuy nhiên, thực tế khốn khó của người dân nghèo trong cơn bão giá thì không thể không tính đến. Để đảm bảo an sinh xã hội, thậm chí cần có ngay những giải pháp cấp bách kịp thời…

“Áp lực lạm phát đang rất lớn” - đó là thực tế hiện hữu đang được các chuyên gia cảnh báo. Bên cạnh câu chuyện “nhập khẩu lạm phát” xảy đến như một điều khó tránh thì câu chuyện từ hàng hóa, xăng dầu, sách giáo khoa, cho tới học phí đua nhau tăng giá càng khiến việc kiểm soát lạm phát trở nên bức thiết, bởi nếu muộn một chút, áp lực trở nên gay gắt hơn thì hệ lụy tiêu cực lên an sinh xã hội, tâm lý người dân là không thể tránh khỏi.

1. Tại Diễn đàn “Dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023: Kịch bản tăng trưởng và triển vọng một số ngành kinh tế chính” tổ chức hồi đầu tháng 5/2022, TS. Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhấn mạnh: Việt Nam kiểm soát thành công lạm phát trong 4 tháng đầu năm nay với tốc độ tăng CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2022 ở mức 2,1% so với cùng kỳ năm trước.

kiem soat som lam phat truoc khi qua muon hinh 1

Nếu so với việc kinh tế Mỹ tháng 4/2022 ghi nhận mức lạm phát tăng 8,3%, hay lạm phát tại khu vực đồng tiền chung châu Âu tiếp tục tăng nhẹ, đạt mức cao kỷ lục 7,5% và nhiều khả năng còn tiếp tục tăng cao, thì con số dự báo lạm phát năm 2022 của nền kinh tế Việt Nam trong khoảng 4 - 4,5%, theo TS. Nguyễn Bích Lâm là “mức thấp trong bối cảnh lạm phát thế giới tăng cao”.

Cũng theo TS. Nguyễn Bích Lâm, câu chuyện đánh đổi lạm phát cao để phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng kinh tế không chỉ diễn ra ở Mỹ mà còn tại các nền kinh tế lớn trên thế giới như: khu vực đồng tiền chung châu Âu, Ấn Độ, Nhật Bản...

Từ thực tiễn chấp nhận lạm phát vượt mục tiêu trong ngắn hạn để ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế của các quốc gia trên thế giới, theo tôi không nên đánh đổi tăng trưởng kinh tế để kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 4%” - TS. Nguyễn Bích Lâm bày tỏ quan điểm.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Bích Lâm cũng cho rằng, mặc dù lạm phát trong 4 tháng đầu năm 2022 được kiểm soát, nhưng áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2022 và năm 2023 là rất lớn, dự báo lạm phát của Việt Nam năm 2022 nằm trong khoảng 4% - 4,5%.

2. Mấy chữ “áp lực rất lớn”, nếu chiếu vào thực tế cuộc sống người dân lao động nghèo những tháng vừa qua, áp lực ấy còn khốc liệt hơn rất nhiều. Họ - những con người gần như đã quá mức mệt mỏi, cạn kệt tài chính bởi đại dịch COVID-19 quá kéo dài, giờ đây như bị bồi thêm những cú tát chí mạng liêu xiêu, khốn đốn khi cơn bão giá ập đến.

kiem soat som lam phat truoc khi qua muon hinh 2

Điều xót xa là những sự tăng giá gắt gao nhất, dồn dập nhất lại rơi đúng vào những mặt hàng thiết yếu - nghĩa là trúng vào những thứ tối cần thiết mà ngay cả những người dân nghèo vốn không dám mưu cầu gì nhiều - cũng vẫn phải chi phí.

Chỉ từ đầu năm trở lại đây, giá xăng đã tăng lần thứ 5 liên tiếp, xăng Ron95 vượt mốc 30.000 đồng/lít; giá sách giáo khoa, giá học phí đại học không phải tăng cao mà là quá cao. Giá xăng liên tục tăng từ đầu năm nay khiến nhiều mặt hàng tiêu dùng như dầu ăn, trứng gà, mì chính, mì tôm, đường… đồng loạt “rủ nhau” tăng giá. 

Tôi phải siết tối đa và cắt giảm nhiều khoản chi tiêu không cần thiết, thế nhưng các khoản chi tiêu của gia đình tôi, tính cả tiền xăng, mỗi tuần vẫn tăng thêm 30%” - chia sẻ ấy có lẽ là thực tế chung của hầu hết các bà nội trợ hiện nay. Sách giáo khoa mới giá cao gấp 2-3 lần sách hiện hành, đơn cử nếu như bộ sách lớp 3 hiện hành là 58.000 đồng thì năm tới phụ huynh sẽ phải trả 208.000 - 209.000 đồng/bộ khi mua sách của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Từ năm học 2022 - 2023 đến năm học 2025 – 2026, nhiều trường đại học dự kiến tăng học phí các hệ đào tạo, nhiều trường tăng 20 - 30%. Các trường chưa tự chủ học phí có ngành tăng trên 70%, trong khi các loại hình trường khác mức thu này có ngành lên tới 100 triệu đồng/năm.

Điều đáng nói là cơn bão giá ấy không phải bây giờ mới ập tới mà đã kéo dài nhiều tháng nay và trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế cho thấy, cơn bão ấy sẽ còn kéo dài. Người lao động nghèo, người lao động làm công ăn lương với mức lương eo hẹp, trong bối cảnh đã cạn kiệt nguồn tài chính sau đợt dịch kéo dài, người dân đang lao đao bởi thất nghiệp, dù đã hết sức thắt chặt chi tiêu, hết mức tằn tiện vẫn không tránh khỏi liêu xiêu trong cơn bão giá.

3. Ngân hàng HSBC nhận định, lạm phát ở Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát, vẫn nằm trong mức kỳ vọng của thị trường. Tuy nhiên, thực tế khốn khó của người dân nghèo trong cơn bão giá thì không thể không tính đến. Để đảm bảo an sinh xã hội, thậm chí cần có ngay những giải pháp cấp bách kịp thời…

kiem soat som lam phat truoc khi qua muon hinh 3

Chính phủ ngay từ đầu năm 2022 đã có ngay nghị quyết về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế, đã có gói hỗ trợ phục hồi kinh tế lên tới 350.000 tỷ đồng… Vấn đề là giờ đây phải đẩy nhanh việc triển khai các gói hỗ trợ ấy, không chỉ doanh nghiệp mà mỗi người dân lao động đều có cơ hội được thụ hưởng. Thêm vào đó, cũng cần có ngay lộ trình để bình ổn giá… “Kìm cương” để giá xăng dầu, giá sách giáo khoa không tăng quá cao, tạo nên những cú sốc cho người dân, cho nền kinh tế cũng phải là những giải pháp buộc phải tính đến.

Sẽ có câu hỏi, lạm phát thế giới như thế, kiềm lạm phát cao, làm sao chúng ta có thể vác đá vá trời? Chúng ta không kỳ vọng ổn định giá mà là giảm thiểu tối đa tác động của nó đến người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế, tránh xảy ra tình huống lạm phát cao, thông qua nhiều công cụ: thuế, điều hành, tổ chức sản xuất và cân đối cung cầu...

Chúng ta còn dư địa về thuế để giảm đà tăng nóng của giá xăng dầu, đó là 50% thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt... Đừng sợ giảm nguồn thu trước mắt do giảm thuế để kiểm soát giá. Bởi vì để xảy ra lạm phát cao, nguồn thu ngân sách cũng sẽ giảm trầm trọng hơn. Khi đó, không chỉ doanh nghiệp mà ngay người dân cũng không có nhiều thu nhập để nộp thuế thu nhập cá nhân. Hy sinh trước mắt để có lâu dài. Bài học từ việc ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội của năm 2011 rất có giá trị để tham khảo”, chia sẻ ấy của ông Trần Hoàng Ngân - đại biểu Quốc hội TP.HCM với báo chí có lẽ đáng để các nhà hoạch định chính sách phải suy ngẫm.

Anh Thư

Bình Luận

Tin khác

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn
Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

(NB&CL) Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay quá thấp so với mức chi tiêu cơ bản, mức sống thực tế của người dân và không phù hợp với sự biến động liên tục của mặt bằng giá. Điều này đã được giới chuyên gia cũng như báo chí lên tiếng khá nhiều nhưng cho tới nay, mức trừ gia cảnh vẫn không thay đổi...

Góc nhìn