Kinh doanh bết bát và ngang nhiên sai phạm, ai 'hậu thuẫn' cho ông chủ dự án nghìn tỷ Merperle Dalat Hotel?

Thứ năm, 25/01/2024 08:53 AM - 0 Trả lời

(CLO) Trong bối cảnh kinh doanh không khả quan, tuy nhiên vào năm 2018, Công ty cổ phần Khải Vy vẫn đầu tư thực hiện dự án Merperle Dalat Hotel có trị giá nghìn tỷ. Cũng kể từ đó, dự án này được truyền thông biết đến do… liên tục bị nhắc tên vì các sai phạm "khủng" trong quá trình thi công.

Dấu hiệu bất thường khi xử lý việc xây dựng trái phép khách sạn nghìn tỷ lớn nhất tại Đà Lạt

Dự án Merperle Dalat Hotel hiện đang là công trình khách sạn tiêu chuẩn 5 sao lớn nhất và cao nhất tại Đà Lạt, với kinh phí đầu tư một nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, truyền thông, người dân biết đến khách sạn này không phải vì độ “hoành tráng” mà là vì liên tục có những “lùm xùm” liên quan đến chủ đầu tư và việc công trình này đang thi công trái phép.

Theo đó, những ngày gần đây, nhiều kênh thông tin báo chí đồng loạt đưa thông tin về việc UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép Công ty Khải Vy được đóng tiền để “hợp thức” các sai phạm “khủng” trong quá trình thực hiện Dự án Merperle Dalat Hotel.

kinh doanh bet bat va ngang nhien sai pham ai hau thuan cho ong chu du an nghin ty merperle dalat hotel hinh 1

Khách sạn 5 sao Merperle Dalat của Công ty Khải Vy là công trình quy mô nằm ngay trung tâm TP Đà Lạt

Đây là thông tin gây bất ngờ cho dư luận, bởi trước đó doanh nghiệp này liên tục bị xử phạt hành chính vì xây dựng không phép, xây dựng sai nội dung giấy phép, bị “réo” tên vì sự liều lĩnh khi ngang nhiên vi phạm công khai. Với động thái này của UBND tỉnh Lâm Đồng lại càng khiến dư luận không ngớt xì xầm, bàn tán. Bởi các vi phạm tại Dự án Merperle Dalat Hotel có những dấu hiệu cho thấy có sự coi nhẹ của kỷ cương phép nước, cố tình phớt lờ các quy định của pháp luật để thực hiện hành vi vi phạm. Nhất là sự  buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng.

Sức nóng của thông tin cũng khiến nhiều người dân ngay tại Đà Lạt cũng hoài nghi về việc liệu doanh nghiệp có “chống lưng” hay không mà lại dám ngang nhiên vi phạm, thách thức dư luận đến thế. Bởi, sai phạm trật tự xây dựng tại Dự án khách sạn Merperle Dalat Hotel là cực kỳ lớn, diện tích sai phạm lên tới hàng ngàn mét vuông. Hơn nữa, công trình đồ sộ này nằm ngay mặt tiền đường Hùng Vương, cách trụ sở UBND phường 10 chỉ vài bước chân. Thật khó hiểu khi chính quyền địa phương lại bỏ ngỏ không xử lý quyết liệt ngay từ đầu mà lại để “con voi chui lọt lỗ kim” và đến khi sự đã rồi thì lại cho doanh nghiệp “hợp thức” hóa sai phạm bằng tiền.

Trước một sự việc đang tác động mạnh đến dư luận xã hội, báo Nhà báo & Công luận đã vào cuộc và tìm hiểu sự thật về dự án khách sạn “siêu khủng” lớn nhất tại Đà Lạt và thông tin về chủ đầu tư đang thi công dự án trái phép một cách... công khai.

Dự án “đắp chiếu” nhiều năm, bất ngờ “sống dậy” sau khi đổi chủ đầu tư và… ngang nhiên xây dựng trái phép

Dự án Merperle Datlat Hotel có địa chỉ tại số 10 Hùng Vương, phường 10, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, trước đây có tên là Khách sạn Sài Gòn Mới. Năm 2009, dự án được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng thương mại Sài Gòn, mục tiêu dự án là xây dựng một khách sạn khi hoàn thành đưa vào hoạt động sẽ đạt tiêu chuẩn quốc tế 5 sao.

kinh doanh bet bat va ngang nhien sai pham ai hau thuan cho ong chu du an nghin ty merperle dalat hotel hinh 2

Merperle Dalat Hotel bị UBND TP Đà Lạt xử phạt vì hàng loạt sai phạm “khủng”

Đến tháng 10/2018, UBND tỉnh Lâm Đồng đồng ý chủ trương điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư chấp thuận cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Khải Vy thực hiện dự án và đổi tên thành Merperle Dalat Hotel. Đến ngày 28/9/2022, UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt điều chỉnh tên chủ sử dụng đất sang Công ty Cổ phần Khải Vy (Công ty Khải Vy). Kể từ 2018 đến nay, dự án này liên tục bị nhắc tên do liên quan đến một số vi phạm trong lĩnh vực xây dựng. Cụ thể:

Năm 2019, UBND TP Đà Lạt đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 40 triệu đồng đối với Công ty Khải Vy (khi đó là CTCP Tập đoàn Khải Vy) về hành vi xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng tại số 1 Hùng Vương, Phường 10, TP Đà Lạt.

Đến tháng 5/2020, UBND TP Đà Lạt tiếp tục ban hành quyết định cưỡng chế, buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với CTCP Tập đoàn Khải Vy do dù chưa có giấy phép xây dựng, chủ đầu tư đã tự ý cho đóng cọc thi công phần móng công trình khách sạn Merperle Dalat Hotel.

Đỉnh điểm là vào tháng 10/2023, UBND TP Đà Lạt đã ra quyết định xử phạt hành chính Công ty Khải Vy 110 triệu đồng do xây dựng sai phép, trái phép tại dự án Merperle Dalat Hotel. Trước đó, UBND TP. Đà Lạt đã có văn bản đề nghị Công ty Khải Vy ngưng thi công công trình để xử lý những vi phạm về xây dựng, cụ thể công trình này đã thi công trái phép, vượt ra khỏi giấy phép xây dựng gần 4.500m2.

UBND TP. Đà Lạt xác định, theo GPXD được cấp, tầng hầm 2 có diện tích sàn là 5.806m2, nhưng thực tế thi công đến 7.092m2, lớn hơn 1.286m2.

Tại tầng hầm 1, diện tích sàn được cấp phép là 5.777m2, nhưng xây dựng thực tế là 7.092m2, lớn hơn 1.315m2.

Tại tầng 1, được cấp phép diện tích sàn là 3.612m2 (kể cả sân vườn), nhưng thực tế thi công lên đến 4.567m2, lớn hơn 955m2. Ngoài ra tại thời điểm phát hiện, dự án đang thi công coppha sàn mái với diện tích 900m2, không có trong nội dung GPXD được cấp.

Với những sai phạm này, UBND TP Đà Lạt đã đề nghị Công ty Cổ phần Khải Vy ngừng thi công công trình, chấp hành các biện pháp xử lý vi phạm và liên hệ với cơ quan chức năng để lập hồ sơ điều chỉnh giấy phép xây dựng theo quy định và nội dung điều chỉnh thiết kế theo yêu cầu của UBND tỉnh Lâm Đồng. Nếu không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng điều chỉnh, thì phải chịu trách nhiệm tháo dỡ các hạng mục không phù hợp.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu trước đó, vào ngày 22/9/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng lại ra văn bản 8303/UBND-QH để thống nhất chủ trương điều chỉnh thiết kế công trình của dự án Merperle Dalat Hotel, tương đồng với diện tích sai phạm do UBND TP Đà Lạt chỉ ra.

Trả lời báo chí về sự việc này, ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cho rằng, theo quy định thì Công ty Khải Vy phải hoàn thành thủ tục về mặt điều chỉnh thiết kế, trình cho Bộ Xây dựng thẩm định, đồng thời trình Bộ Công an thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy. Sau khi hoàn chỉnh hồ sơ về việc điều chỉnh này thì Sở Xây dựng mới cấp phép điều chỉnh. Khi chưa có giấy phép điều chỉnh mà thi công các hạng mục ngoài giấy phép đã được cấp là vi phạm.

Lâm Đồng cho doanh nghiệp “hợp thức hóa” sai phạm bằng việc đóng tiền?

Quyết định xử phạt công ty Khải Vy mới được ban hành vài ngày thì đến ngày 3/11/2023, ông Võ Ngọc Hiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã ký Văn bản số 9705/UBND giao các sở, ngành phối hợp với UBND TP Đà Lạt xác định nghĩa vụ tài chính Công ty CP Khải Vy phải nộp do thay đổi thiết kế làm tăng hệ số sử dụng đất tai dự án khách sạn 5 sao Merperle Dalat Hotel. Động thái này dường như là để sớm thúc đẩy cho dự án này hoàn thiện thiết kế đã điều chỉnh trước đó khi đã thi công trái phép, vượt ra khỏi giấy phép xây dựng gần 4.500m2.

Điều đáng nói là tại thời điểm này, Merperle Dalat Hotel vẫn chưa có được kết quả thẩm định từ phía Bộ Xây dựng. Bởi cho đến tận ngày 21/12/2023, trong văn bản 3399/STNMT-VP của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng đã cho thấy chưa đủ cơ sở để thẩm định giá đất cụ thể theo hệ số sử dụng đất tăng thêm, do chưa có câu trả lời từ Bộ Xây dựng.

Dư luận cho rằng, đây là điều bất hợp lý, thể hiện sự không nhất quán trong việc xử lý sai phạm vì trước đó, ngày 26/6/2023, chính ông Võ Ngọc Hiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã có văn bản số 5493/UBND-XD giao các sở, ngành phải kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về xây dựng tại công trình khách sạn 5 sao Merperle Dalat Hotel. Đồng thời, yêu cầu Công ty CP Khải Vy tuân thủ đúng giấy phép xây dựng đã được cấp, đúng hồ sơ thiết kế công trình được phê duyệt.

Văn bản này cũng nêu rõ: “Đề nghị Công ty Cổ phần Khải Vy tiếp tục triển khai thi công xây dựng công trình khách sạn Merperle Dalat Hotel theo đúng tiến độ gia hạn và Giấy phép xây dựng số 24/GPXD do Sở Xây dựng cấp ngày 22/3/2021 và hồ sơ thiết kế được phê duyệt đảm bảo an toàn, chất lượng công trình và đưa công trình vào hoạt động theo đúng quy định”. Nhưng như đã nói trên, chỉ 3 tháng sau, UBND tỉnh Lâm Đồng lại ra văn bản thống nhất chủ trương cho dự án này điều chỉnh thiết kế, “phình to” thêm gần 4.500m2.

Về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, với mức độ sang trọng của khách sạn Merperle Dalat Hotel, giá dịch vụ không hề rẻ nên lợi nhuận, nguồn thu khai thác đối với phần diện tích xây dựng sai phép, không phép sẽ rất lớn. Nếu đem ra so sánh với số tiền 110 triệu đồng đóng phạt để được “hợp thức hóa” cho phần xây dựng sai phép này, thì con số này chẳng thấm vào đâu.

Bên cạnh đó, nếu chỉ phạt hành chính rồi cho công trình tiếp tục tồn tại, chẳng khác nào giải quyết vấn đề từ ngọn, việc này còn tạo tiền lệ xấu trong xã hội, kích thích thêm cho nhiều công trình không phép, trái phép ra đời.

Doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, "đào" đâu ra nghìn tỷ để làm dự án Merperle Dalat Hotel

Công ty Khải Vy thành lập năm 2000 (địa chỉ số 30 lô K Hoàng Quốc Việt nối dài, phường Phú Mỹ, Quận 7, TP. Hồ Chí Minh). Các cổ đông sáng lập gồm ông Đoàn Văn Trang, bà Mai Thị Mai (vợ ông Trang), và ông Nguyễn Quốc Bảo.

Một số dự án tiêu biểu của Công ty CP Khải Vy như: Khu du lịch Merperle Hòn Tằm Resort - 114 ha; Trung tâm hội nghị tiệc cưới Crystal Palace; Dự án khu dân cư, thương mại Khải Vy (quận 7, TP. Hồ Chí Minh).

Công ty Khải Vy từng nhiều lần bị Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam đấu giá khoản nợ. Theo thống kê, đến tháng 11/2021, BIDV đã thông báo đấu giá khoản nợ của Khải Vy lần thứ 9. Tổng dư nợ tính đến ngày 07/06/2021 là 1.035 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là 409 tỷ đồng, dư nợ lãi là 626 tỷ đồng.

Công ty Khải Vy đã dùng 9 tài sản để bảo đảm cho khoản vay nói trên, bao gồm nhiều bất động sản và máy móc thiết bị của Tập đoàn Khải Vy, gồm: quyền sử dụng đất và công trình trên đất (tòa nhà Crytal Palace tại quận 7, TP. HCM); 367ha rừng trồng tại lâm trường Đắk Hà, tỉnh Đắk Nông; 6 ô tô các loại; hơn 8,7 triệu cổ phần tại Công ty Hòn Tằm biển Nha Trang; Các khoản phải thu trị giá 51 tỷ tại Công ty Hòn Tằm biển Nha Trang; Máy móc thiết bị sản xuất đồ gỗ của Tập đoàn Khải Vy….

Theo tìm hiểu của báo Nhà báo & Công luận, những năm gần đây, công ty Khải Vy đã có một chuỗi hoạt động kinh doanh không mấy khả quan. Nhất là trong 2 năm trở lại đây, công ty Khả Vy đã có một chuỗi hoạt động kinh doanh bết bát với doanh thu có xu hướng giảm. Từ mức hơn 750 tỷ năm 2017, doanh thu của Khải Vy hiện chỉ còn khoảng trên trăm tỷ.

Đáng nói, dù ghi nhận doanh thu rất lớn vào năm 2017, nhưng công ty này lại ghi nhận mức lỗ ròng hơn 200 tỷ. Đỉnh điểm của việc kinh doanh thua lỗ này còn lên tới hơn 300 tỷ đồng vào năm 2020. Đến năm 2021, mức lỗ của Công ty Khải Vy thu hẹp xuống còn 234 tỷ và có lãi trở lại vào năm 2022 với vỏn vẹn 19 tỷ đồng.

kinh doanh bet bat va ngang nhien sai pham ai hau thuan cho ong chu du an nghin ty merperle dalat hotel hinh 3

Tính đến năm 2022, lỗ lũy kế của Công ty Khải Vy đã lên đến hơn 773 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ chỉ 176 tỷ, từ đó khiến công ty này âm vốn chủ sở hữu đến gần 600 tỷ. Tình trạng âm vốn chủ sở hữu này bắt đầu từ năm 2020 sau khi công ty báo lỗ kỷ lục.

Số liệu cũng cho thấy, hoạt động kinh doanh những năm qua của Khải Vy chủ yếu được tài trợ từ nguồn vốn nợ. Tổng nợ phải trả cuối năm 2022 hơn 1.700 tỷ. Con số này liên tục tăng trong 3 năm gần nhất nhưng mức tăng không lớn. So với thời điểm cuối năm 2017, tổng nợ phải trả của công ty đã giảm 1.000 tỷ đồng.

Với việc âm vốn chủ sở hữu, nợ phải trả cũng bị co lại khiến quy mô tổng tài sản của Công ty Khải Vy liên tục bị thu hẹp chỉ còn 1/3 sau 5 năm, ở mức 1.120 tỷ đồng vào cuối năm 2022. Tiền mặt chỉ còn hơn 8 tỷ bên cạnh 12 tỷ đồng tiền gửi nhưng lại có khoản chứng khoán kinh doanh hơn 55 tỷ. Công ty đã phát sinh khoản mục này nhiều năm qua, có thời điểm giá trị khoản chứng khoán kinh doanh lên đến gần 130 tỷ.

Gia Hân

Bình Luận

Tin khác

Xuất nhập khẩu Đông Dương (DDG) kinh doanh thua lỗ, lãi nhờ bán tài sản

Xuất nhập khẩu Đông Dương (DDG) kinh doanh thua lỗ, lãi nhờ bán tài sản

(CLO) Xuất nhập khẩu Đông Dương ghi nhận thua lỗ trong hoạt động kinh doanh nhưng vẫn báo lãi nhờ bán tài sản trong Quý 1/2024.

Tài chính - Bảo hiểm
Áp lực nợ vẫn bủa vây doanh nghiệp bất động sản

Áp lực nợ vẫn bủa vây doanh nghiệp bất động sản

(CLO) FiinRatings cho biết, áp lực trả nợ đối với nhóm các doanh nghiệp bất động sản trong năm 2024 và sau vẫn còn nặng nề.

Tài chính - Bảo hiểm
Quản lý rủi ro tuân thủ ngành Thuế đang đối mặt với nhiều bất cập

Quản lý rủi ro tuân thủ ngành Thuế đang đối mặt với nhiều bất cập

(CLO) Việc triển khai áp dụng quản lý rủi ro tuân thủ trong quản lý thuế của cơ quan thuế đang ở giai đoạn phát triển. Bởi vậy, quá trình áp dụng này còn gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Tài chính - Bảo hiểm
Hai cổ đông liên quan lãnh đạo Thủy Điện Hương Sơn (GSM) sang tay 3 triệu cổ phiếu thấp hơn giá thị trường

Hai cổ đông liên quan lãnh đạo Thủy Điện Hương Sơn (GSM) sang tay 3 triệu cổ phiếu thấp hơn giá thị trường

(CLO) 2 cá nhân liên quan đến Ủy viên HĐQT của CTCP Thủy điện Hương Sơn (GSM) vừa giao dịch gần 3 triệu cổ phiếu với giá thấp hơn 14% so với thị trường.

Tài chính - Bảo hiểm
Bột giặt LIX chốt quyền thưởng cổ phiếu tỷ lệ 100%

Bột giặt LIX chốt quyền thưởng cổ phiếu tỷ lệ 100%

(CLO) CTCP Bột Giặt LIX - Lixico (Mã LIX) vừa chốt quyền thưởng cổ tức tỷ lệ 100% và trả cổ tức 2023 bằng tiền tỷ lệ 30%.

Tài chính - Bảo hiểm