Kinh tế Việt Nam quý I/2024: “Đầu xuôi, đuôi sẽ lọt”

Thứ hai, 29/04/2024 14:12 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Nền kinh tế Việt Nam trong quý I/2024 tiếp tục phục hồi, đạt nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ, khá toàn diện trên các lĩnh vực, đời sống người dân tiếp tục được cải thiện, tạo nền tảng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP 6 - 6,5% trong năm 2024.

Kinh tế Việt Nam đang phục hồi tích cực

Trong Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay đạt từ 6% - 6,5%.

Nhiều ý kiến đánh giá, mục tiêu được Chính phủ đặt ra rất thách thức. Bởi, năm 2023, nhịp tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có phần chững lại, GDP cả năm tăng 5,05%.

Bên cạnh đó, những yếu tố tác động tiêu cực đối với nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa thể khắc phục trong một sớm một chiều. Dù vậy, trong quý I/2024, nền kinh tế Việt Nam vẫn ghi nhận những tín hiệu phục hồi tích cực, đặt tiền đề cho các tháng, các quý tiếp theo bứt tốc.

kinh te viet nam quy i 2024 dau xuoi duoi se lot hinh 1

Kinh tế Việt Nam đang phục hồi tích cực.

Nhiều chuyên gia nhận định, một trong những yếu tố tác động tích cực tới sự tăng trưởng kinh tế quý I/2024 là việc các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã phát huy ưu điểm.

Ông Nguyễn Đức Chi - Thứ trưởng Bộ Tài chính chia sẻ: Giai đoạn vừa qua có những biến động lớn, khó dự báo đối với kinh tế - xã hội, nhưng Việt Nam vẫn điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế, đảm bảo ổn định an ninh xã hội, an ninh quốc phòng và đảm bảo tăng trưởng kinh tế. Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết: Chính phủ cũng đã sử dụng, điều hành chính sách tài khóa phối hợp với chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, nhuần nhuyễn, nhịp nhàng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo hướng “chính sách này tác động đến chính sách kia, chính sách kia hỗ trợ cho chính sách này”.

“Nhờ chính sách tài khóa là bệ đỡ vững vàng, Việt Nam đã vượt qua được khó khăn, có mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn” - ông Chi nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quý I/2024, GDP Việt Nam ghi nhận mức tăng 5,66%, đây là mức tăng cao nhất trong quý I kể từ năm 2020 đến nay.

Điều đáng nói, trong Nghị quyết 01, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trong quý I/2024 ở mức “khiêm tốn” là 5,2% - 5,6%. Như vậy, mức tăng trưởng 5,66% đang vượt kế hoạch.

Những chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế như xuất nhập khẩu, FDI, chỉ số sản xuất công nghiệp, tiêu dùng nội địa, du lịch... đều tăng mạnh. Cụ thể, trong quý I, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 178 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tăng 17%, nhập khẩu tăng 13,9%. Như vậy, Việt Nam vẫn là quốc gia xuất siêu, với 8,08 tỷ USD.

Về FDI, tổng vốn FDI đăng ký trong quý đạt gần 6,2 tỷ USD, tăng 13,4% so với năm ngoái. Trong đó, vốn FDI đăng ký mới đạt 4,8 tỷ USD, tăng 57,9%; vốn thực hiện đạt 4,6 tỷ USD, tăng 7,1%.

Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Hiện nay, nhiều doanh nghiệp lớn đã cam kết đầu tư vào Việt Nam trong các ngành điện tử, chip, bán dẫn, năng lượng tái tạo…

Kết quả này là nhờ chúng ta đã nắm bắt, phản ứng kịp thời cơ hội từ xu thế đầu tư toàn cầu, những thuận lợi, thời cơ, vị thế mới của Việt Nam để tập trung xúc tiến đầu tư, nhất là thông qua hoạt động đối ngoại cấp cao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Về chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), quý I ghi nhận mức tăng 5,7%, trong đó các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,9% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I tăng 8,2%, khách quốc tế tới Việt Nam trong quý đầu tiên đạt hơn 4,6 triệu lượt người, tăng 72% so với cùng kỳ, vượt 3,2% so với cùng kỳ năm 2019. Trong quý I, có gần 60.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 5,1% so với cùng kỳ.

Với những kết quả như trên, có thể thấy nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, đạt được nhiều kết quả quan trọng” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn nhìn nhận một số khó khăn, thách thức của nền kinh tế Việt Nam.

Cụ thể, sản xuất công nghiệp phục hồi còn chậm. Sản xuất nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long gặp nhiều khó khăn do hạn mặn tăng cao và có thể tiếp tục kéo dài. Nắng nóng, hạn hán, thiếu nước dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn rủi ro đến sản xuất nông nghiệp, phòng chống cháy rừng, sản xuất điện, cân đối nguồn điện trong nước, cần chủ động, sẵn sàng ứng phó kịp thời.

Tốc độ tăng cầu tiêu dùng trong nước quý I thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và các năm trước dịch 2011 - 2019. Sức mua giảm, người dân thắt chặt chi tiêu, cho thấy tâm lý thận trọng, chi tiêu tiết kiệm của doanh nghiệp, người dân trước những khó khăn của nền kinh tế hiện nay.

kinh te viet nam quy i 2024 dau xuoi duoi se lot hinh 2

Ông Bùi Huy Sơn - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Công Thương cũng có một số đánh giá tích cực về một số chỉ tiêu tăng trưởng của ngành công thương. “Nhìn chung, cả 3 lĩnh vực chính của ngành Công Thương gồm sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu và thị trường trong nước đồng thời cho thấy kết quả rất khả quan trong quý I/2024, tiếp nối đà phục hồi cuối năm 2023, đóng góp tích cực đối với kết quả tăng trưởng của cả nền kinh tế trong quý đầu năm 2024” - ông Sơn nói.

Nhu cầu của thị trường trong nước thấp, tính cạnh tranh cao là các khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp chế biến, chế tạo hiện nay” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản vẫn còn khó khăn, nhất là về quy định, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội. Ngành hàng không đối mặt với nhiều khó khăn, số máy bay thương mại giảm mạnh, nhiều đường bay trong nước bị cắt hoặc giảm tần suất, làm tăng giá vé máy bay, ảnh hưởng đến phát triển du lịch và nhu cầu đi lại của nhân dân. Thị trường tài chính, tiền tệ, hệ thống ngân hàng còn tiềm ẩn rủi ro.

Ngoài ra, trong quý I, có gần 74.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,8% so với cùng kỳ 2023, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là gần 53.400 doanh nghiệp, tăng 24,5%, doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể và đã giải thể là 20.600 doanh nghiệp, tăng 18,4%.

Đây là những vấn đề cần theo dõi sát, chủ động có giải pháp điều hành linh hoạt, kịp thời, thực hiện kiên định, nhất quán định hướng ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Đánh giá toàn cảnh tình hình tăng trưởng kinh tế quý I/2024, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nhìn chung, kinh tế vĩ mô Việt Nam trong quý đầu tiên năm nay cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm, nợ công, nợ Chính phủ trong giới hạn cho phép.

Nền kinh tế tiếp tục phục hồi, đạt nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ, khá toàn diện trên các lĩnh vực, đời sống người dân tiếp tục được cải thiện, tạo nền tảng để chúng ta phấn đấu hoàn thành mục tiêu được đề ra trong Nghị quyết 01.

Tuy nhiên, khó khăn, thách thức còn rất lớn, có những yếu tố mới đặt ra từ cả bên trong và bên ngoài nền kinh tế, tạo sức ép lên ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát, tỷ giá, các cân đối lớn và công tác quản lý, điều hành thúc đẩy tăng trưởng thời gian tới.

Các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện nhất quán, kiên định các mục tiêu, quan điểm, định hướng phát triển đã đề ra; nỗ lực khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để triển khai hiệu quả công việc được giao” - ông Nguyễn Chí Dũng nói.

“Đầu xuôi, đuôi sẽ lọt”

Theo dự báo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian tới, kinh tế Việt Nam vẫn sẽ có những cơ hội, thuận lợi đan xen, nhất là từ các xu thế lớn, sự dịch chuyển thương mại, dòng vốn đầu tư toàn cầu, sự phục hồi nhu cầu của một số thị trường, đối tác xuất khẩu lớn…

kinh te viet nam quy i 2024 dau xuoi duoi se lot hinh 3

Xuất nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng của kinh tế Việt Nam trong quý I/2024.

Đánh giá toàn cảnh tình hình tăng trưởng kinh tế quý I/2024, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nhìn chung, kinh tế vĩ mô Việt Nam trong quý đầu tiên năm nay cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm, nợ công, nợ Chính phủ trong giới hạn cho phép. Nền kinh tế tiếp tục phục hồi, đạt nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ, khá toàn diện trên các lĩnh vực, đời sống người dân tiếp tục được cải thiện, tạo nền tảng để chúng ta phấn đấu hoàn thành mục tiêu được đề ra trong Nghị quyết 01.

Đặc biệt, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý I của Tổng cục Thống kê đối với các doanh nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy, có 42,2% doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng quý II tăng so với quý I, có 36,9% dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới.

Đây là điều kiện để chúng ta có thể đẩy mạnh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển năm 2024” - ông Nguyễn Chí Dũng nói.

Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo 2 kịch bản tăng trưởng trong năm 2024.

Kịch bản đầu tiên, tăng trưởng kinh tế cả năm dự kiến đạt 6%, đây là mức cận dưới mục tiêu trong Nghị quyết 01 của Chính phủ. Với kịch bản này, 9 tháng cuối năm tăng khoảng 6,12%. Trong đó, tăng trưởng quý II là 5,85%, quý III và quý IV lần lượt là 6,22% và 6,28%.

Kịch bản thứ hai, tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5%, cận trên mục tiêu trong Nghị quyết 01. Để đạt được mục tiêu này, 9 tháng cuối năm tăng khoảng 6,75%. Trong đó, tăng trưởng quý II cần đạt được là 6,32%, quý III và quý IV lần lượt là 6,79% và 7,08%.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị lựa chọn Kịch bản 2. Trong điều kiện tình hình thế giới, trong nước chuyển biến thuận lợi hơn, tiếp tục nghiên cứu, triển khai các chính sách hỗ trợ mới về tài khóa, tiền tệ... để phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao nhất” - ông Nguyễn Chí Dũng nói.

Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu này, ông Nguyễn Chí Dũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần quán triệt nghiêm, thực hiện hiệu quả, toàn diện các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP, 02/NQ-CP, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm tiến độ, chất lượng nhiệm vụ được giao.

Trong đó, Bộ trưởng đề nghị khẩn trương nghiên cứu, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét quy định gia hạn thuế, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; nghiên cứu chính sách giảm phí, lệ phí năm 2024. Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện giảm thuế suất thuế VAT để báo cáo Quốc hội xem xét thực hiện trong 6 tháng cuối năm tại Kỳ họp thứ 7.

Các Bộ, ngành, địa phương cũng cần thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, tạo thuận lợi tối đa, tháo gỡ khó khăn tiếp cận vốn tín dụng; khẩn trương xây dựng, triển khai hiệu quả các gói tín dụng hỗ trợ một số ngành, lĩnh vực ưu tiên (như lúa gạo); công khai mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại trước ngày 10/4/2024.

Ông Nguyễn Chí Dũng cũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; khai thác tối đa các động lực tăng trưởng mới từ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…

kinh te viet nam quy i 2024 dau xuoi duoi se lot hinh 4

Tính chung quý I/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 93,06 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, mức tăng trưởng này là chưa đáng kể và có khả năng sẽ tiếp tục đi ngang trong tương lai gần.

TS. Nguyễn Đình Cung nhận định: nếu tình hình xuất khẩu không tăng trưởng, thì việc phục hồi của ngành công nghiệp sẽ gặp khó khăn, vì các hoạt động của lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào sự thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) và hoạt động xuất khẩu. Do đó, nếu tình hình xuất khẩu không cải thiện, có thể gây ra áp lực đáng kể đối với sự phát triển và ổn định của nền kinh tế Việt Nam.

Trong đó cần lưu ý tới một số vấn đề, như tăng cường xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng trong nước, cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam... Triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển du lịch, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

Đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn, tiềm năng, khai thác tối đa hiệu quả các FTA đã ký kết; thúc đẩy ký kết các FTA với các thị trường mới. Tạo thuận lợi tối đa, hỗ trợ doanh nghiệp trong thông quan hàng hóa, hoàn thuế giá trị gia tăng và đáp ứng kịp thời các tiêu chuẩn mới, tiêu chuẩn xanh của thị trường xuất khẩu.

Chủ động triển khai các giải pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước. Tăng cường quản lý thị trường, phòng, chống nhập lậu, gian lận xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, nhất là qua khu vực cửa khẩu biên giới.

Tập trung thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, Hydrogen...; kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp FDI để đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm; kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc về nguồn cung cát, đá... để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, sân bay, cảng biển, đường cao tốc, dự án liên vùng, liên tỉnh, hạ tầng năng lượng” - ông Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Việt Vũ

Bình Luận

Tin khác

Masan Group nâng tầm hợp tác cùng Mitsubishi Materials Corporation Group và mang về lợi nhuận

Masan Group nâng tầm hợp tác cùng Mitsubishi Materials Corporation Group và mang về lợi nhuận

(CLO) Masan High-Tech Materials (HNX-UpCOM: MSR, Masan High-Tech Materials, MHT) vừa công bố đạt Thỏa thuận khung với Mitsubishi Materials Corporation Group (MMC Group).

Thị trường - Doanh nghiệp
Home Camera Viettel đáp ứng toàn bộ tiêu chí an toàn thông tin

Home Camera Viettel đáp ứng toàn bộ tiêu chí an toàn thông tin

(CLO) Các tiêu chí Home Camera Viettel đáp ứng bao gồm những tiêu chí khó nhất mà hầu hết các dòng camera trên thị trường Việt Nam hiện nay không đáp ứng được.

Thị trường - Doanh nghiệp
Các doanh nghiệp xăng dầu như đang nằm trên giường bệnh

Các doanh nghiệp xăng dầu như đang nằm trên giường bệnh

(CLO) Ông Hoàng Trung Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP) khẳng định, chưa bao giờ doanh nghiệp khó khăn như hiện nay do các quy định bất cập trong kinh doanh xăng dầu. Hai năm qua, các doanh nghiệp xăng dầu như đang nằm trên giường bệnh.

Thị trường - Doanh nghiệp
Vì mọi trẻ em đều được uống sữa, VINAMILK sẽ không ngừng nỗ lực

Vì mọi trẻ em đều được uống sữa, VINAMILK sẽ không ngừng nỗ lực

(CLO) Đó là chia sẻ của Vinamilk khi khởi đầu hành trình Quỹ Sữa Vươn Cao Việt Nam năm nay với chuyến đi đến với gần 1.500 trẻ em vùng cao tỉnh Điện Biên.

Thị trường - Doanh nghiệp
Đấu thầu vàng miếng năm 2024 khác gì 11 năm trước?

Đấu thầu vàng miếng năm 2024 khác gì 11 năm trước?

(CLO) Sau 11 năm, NHNN tiếp tục đưa ra phương án đấu thầu vàng miếng, tuy nhiên, trong lần đấu thầu này có nhiều điểm khác biệt.

Thị trường - Doanh nghiệp