Liên quan đến sự việc trên - Đại diện Hạt Kiểm lâm huyện Sa Thầy thông tin: "Ngay sau khi nắm được sự việc, đơn vị đã phối hợp cơ quan chức năng liên quan kiểm tra, xác minh. Vụ việc đã được chuyển cho Công an huyện Sa Thầy để tiến hành điều tra nguồn gốc cây gỗ mà ông Lê Quang Nam (44 tuổi, trú tại thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy) đã đào trước đó”.
Trước đó vào cuối tháng 3/2022, ông Lê Quan Nam có đi làm trên rẫy thì phát hiện một cây gỗ bị vùi lấp dưới lòng đất. Cây gỗ dài khoảng 12m, đường kính khoảng 0,7m, bị mục nát phần gốc.

Bỏ gần 100 triệu đồng đào được cây gỗ lớn, ông Lê Quang Nam bỗng bị vướng vào rắc rối
“Sau khi phát hiện cây gỗ, tôi đã đến UBND xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy trình báo sự việc và xin phép được đào cây gỗ trên về làm đồ gia dụng”, ông Nam cho biết.
Nhận được trình báo của ông Nam, UBND xã Sa Sơn đã tổ chức đến hiện trường xác minh. Tại đây, UBND xã Sa Sơn đã lập biên bản xác định nơi phát hiện cây gỗ trên không phải đất rừng và cây gỗ này không xác định được thời gian, khối lượng cũng như nguồn gốc.
Trong biên bản ghi rõ, sau khi đào cây lên, ông Nam phải báo cáo về UBND xã để lực lượng chức năng xuống kiểm tra cụ thể, báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết theo quy định.

Cây gỗ ông Nam đào về đã bị mục nát một góc
Được sự cho phép, ông Nam đã thuê máy móc và nhân công đào cây gỗ lớn với tổng chi phí khoảng 90 triệu đồng. Sau khi đào xong, ngày 8/4, ông Nam đến UBND xã Sa Sơn thông báo nhưng mãi không thấy cơ quan chức năng đến kiểm tra, xác nhận.
Đến ngày 20/5, ông Nam liền vận chuyển cây gỗ về một xưởng gỗ để cưa xẻ làm đồ gia dụng. Lúc này Công an huyện Sa Thầy đã đến kiểm tra và lập biên bản tạm giữ cây gỗ lớn trên vì hồ sơ, nguồn gốc lâm sản không đầy đủ, chưa rõ ràng. Số gỗ đã cưa xẻ được đưa về trụ sở Công an huyện Sa Thầy để bảo quản trong thời gian xác minh nguồn gốc.
Được biết, Huyện ủy Huyện Sa Thầy cũng đã chỉ đạo công an và cơ quan chức năng nắm bắt, rà soát lại quy trình xử lý vụ việc.
Trần Hiền