(CLO) Bất chấp quy định, hàng loạt công trình nhà ở, homestay…xây dựng “chui” ở huyện Kon Plông (Kon Tum) vẫn tồn tại nhiều năm nay. Mặc dù, chính quyền liên tục có văn bản đốc thúc, yêu cầu tháo dỡ các công trình vi phạm nhưng chủ đầu tư vẫn ngó lơ, chây ì thực hiện.
Công trình trái phép “mọc” lên như nấm ở Kon Plông
Sở hữu khí hậu mát mẻ, ôn hoà với 4 mùa trong ngày cùng tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú, những năm gần đây Măng Đen (huyện Kon Plông) trở thành điểm đến lý tưởng, thu hút nhiều du khách. Cũng vì vậy, nhiều hoạt động dịch vụ du lịch cũng như các cơ sở lưu trú được đầu tư xây dựng ngày một nhiều nhằm phục vụ du khách.
Tuy nhiên, bất chấp các quy định về đất đai, quy hoạch, nhiều chủ đầu tư trong và ngoài tỉnh đã xây dựng các homstay, nhà ở, dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống trái phép, xây dựng trên đất nông nghiệp. Các công trình không phép liên tục “mọc” lên ở làng du lịch cộng đồng Kon Pring (thuộc thị trấn Măng Đen), các tuyến đường tại trung tâm thị trấn Măng Đen và khu vực 37 hộ thôn Kon Tu Rằng…
Theo ghi nhận của PV, điển hình là làng Kon Pring, nhiều công trình được xây dựng trái phép, có dấu hiệu hoạt động kinh doanh trên phần đất nông nghiệp. Ngoài ra, một số công trình đang được xây dựng dở dang. Điển hình là 2 công trình xây dựng trái phép rộng hàng trăm m2 của hộ Đoàn Thị Vân (trú tại thị trấn Măng Đen) và Trương Nữ Tường Vi (trú tại thị trấn Phước An, huyện Krông Păk, Đăk Lăk).
Cụ thể, bà Đoàn Thị Vân đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính chiếm đất và sử dựng đất nông nghiệp vào mục đích khác không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép với diện tích hơn 117m2 (diện tích này do UBND thị trấn Măng Đen quản lý). Bên cạnh đó, bà Vân còn chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp để xây dựng nhà sàn bằng gỗ, vách gỗ. Đối với 2 hành vi chiếm đất và chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất đất phi nông nghiệp của bà Vân đã bị UBND huyện Kon Plông xử phạt tổng số tiền 16 triệu đồng.
Tương tự, hộ bà Trương Nữ Tường Vi cũng thực hiện hành vi chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp để xây dựng các hạng mục như: Nhà bằng gạch, nhà gỗ, nhà lục giác với diện tích hơn 422m2 (diện tích đất này do UBND thị trấn Măng Đen quản lý).
Ngoài các công trình trái phép trên, tại làng Kon Pring còn có hộ ông Lương Văn Dũng (SN 1991, trú tại tổ dân phố 3, thị trấn Măng Đen) đã có các hành vi vi phạm hành chính như: Không chuyển mục đích sử dụng đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp khác với diện tích 175,2m², lấn chiếm 20m2.
Cá nhân này còn xây dựng 4 căn nhà sàn bằng gỗ không có giấy phép xây dựng. Với hành vi vi phạm trên, ông Dũng đã bị UBND huyện Kon Plông ra quyết định xử phạt hành chính tổng số tiền 50 triệu đồng.
Theo UBND huyện Kon Plông, tổng số vụ vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng xảy ra trên địa bàn huyện từ năm 2021 đến nay còn tồn đọng, chưa giải quyết dứt điểm 49 trường hợp với số tiền phạt hơn 1 tỷ đồng. Trong đó tại xã Măng Cành 23 trường hợp và thị trấn Măng Đen có 26 trường hợp.
Chủ đầu tư bất chấp quy định, chây ì tháo dỡ công trình vi phạm
Đáng nói, trong khi các hàng loạt công trình được xây dựng trái phép ở những năm trước vẫn chưa giải quyết triệt để thì chỉ trong 7 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn thị trấn Măng Đen tiếp tục có đến 15 trường hợp vi phạm.
Được biết, các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng xảy ra trên địa bàn huyện Kon Plông đã bị UBND các xã, thị trấn, UBND huyện ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều trường hợp chưa chấp hành việc nộp tiền phạt vào ngân sách Nhà nước; đồng thời chưa thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.
Theo tìm hiểu của PV, tất cả các hộ vi phạm từ năm 2021 đến nay đều chưa khôi phục lại hiện trạng ban đầu. Liên quan đến vấn đề này, UBND huyện Kon Plông đã nhiều lần có văn bản đốc thúc, yêu cầu tháo dỡ các công trình vi phạm nhưng các chủ đầu tư vẫn cố tình ngó lơ, không thực hiện.
Trao đổi với PV, ông Lê Thành Diễn – Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kon Plông cho biết: “Đơn vị cũng đã có nhiều văn bản đề nghị UBND thị trấn Măng Đen và UBND xã Măng Cành thường xuyên tổ chức kiểm tra việc quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn, tiến hành xử lý các trường hợp đã vi phạm. Đồng thời phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp phát sinh xây dựng nhà ở, homestay, dịch vụ lưu trú, ăn uống... khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép, lập hồ sơ xử lý vi phạm theo quy định. Trường hợp vượt thẩm quyền, chuyển hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết”.
Theo ông Diễn, đối với các trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng không nộp tiền phạt vào ngân sách Nhà nước thì UBND các xã, thị trấn tiến hành thực hiện các bước theo quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Vì khi đã ban hành quyết định xử lý vi phạm theo luật phải ban hành quyết định cưỡng chế. Nhiều trường hợp vi phạm đã xảy ra từ lâu nên anh em cũng phải có lộ trình xử lý. Phải làm cuốn chiếu từng vụ một, vụ nào dứt điểm vụ ấy để người ta không so bì”, ông Diễn cho biết thêm.
(CLO) Mới đây, UBND TP Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) vừa quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (NOXH) Hòa Phú tại phường Hòa Phú.
(CLO) Hội môi giới bất động sản (VARs) cho rằng, việc chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện cũng là nguyên nhân chính gây ra vướng mắc cho công tác triển khai nhà ở xã hội tại nhiều địa phương.
(CLO) TP HCM đang lấy ý kiến dự thảo hai quyết định về quy hoạch không gian ngầm, dự kiến ban hành trước 14/9 để gỡ vướng cho việc cấp phép xây tầng hầm.
(CLO) Sự phát triển của tầng lớp trung lưu và tốc độ đô thị hóa nhanh đã thúc đẩy thị trường bán lẻ tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là tại phân khúc cao cấp. Đáng chú ý, giá thuê mặt bằng cao cấp tại trung tâm các thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội hay TP HCM vẫn nằm ở mức cạnh tranh, khi so sánh với thị trường lân cận.