Điện Biên Phủ - Khúc tráng ca vang mãi

Kỳ 2: Con nhím Điện Biên Phủ - Chiến thuật đặc biệt của kế hoạch Navarre

Thứ năm, 04/04/2024 11:12 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) “Con nhím quân sự khổng lồ” tức Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - được coi là chiến thuật đặc biệt của Kế hoạch đầy tham vọng này.

Tháng 5/1953, tướng Navarre trở thành Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương và cho ra đời bản Kế hoạch mang tên chính vị tướng này, mà theo đánh giá của Lanien - Thủ tướng Pháp lúc bấy giờ là “chẳng những được Chính phủ Pháp mà cả những người bạn Mỹ cũng tán thành. Nó cho phép hy vọng đủ mọi điều”. Trong đó, “con nhím quân sự khổng lồ” tức Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - được coi là chiến thuật đặc biệt của Kế hoạch đầy tham vọng này.

Từ hành trình nhận diện vị trí chiến lược của Điện Biên Phủ

Điện Biên Phủ là một thung lũng lòng chảo rộng lớn ở phía tây vùng rừng núi Tây Bắc, gần biên giới Lào - Việt, nằm trên ngã ba nhiều đường lớn và đường nhỏ quan trọng. Điện Biên Phủ có một dạng địa hình khá đặc biệt, bốn bên là núi hoặc những quả đồi nối tiếp nhau. Ở giữa có một dải đất bằng phẳng giống như một thung lũng lọt thỏm giữa trùng điệp của núi non. Dải đất bằng phẳng đó được tô đậm bởi cánh đồng Mường Thanh rộng lớn.

Theo nhiều tài liệu, không phải chỉ đến cuối năm 1953, sau khi thất bại ở hầu khắp các chiến trường trong kế hoạch Nava nhằm bình ổn Việt Nam, Điện Biên Phủ mới được Pháp để mắt tới. Đối với đế quốc Pháp - Mỹ, Điện Biên Phủ luôn là một địa bàn chiến lược hết sức quan trọng, là một vị trí chiến lược cơ động ở giữa miền Bắc Việt Nam, Thượng Lào và miền Tây Nam Trung Quốc, có thể trở thành một căn cứ lục quân và không quân rất lợi hại trong âm mưu xâm lược của chúng ở vùng Đông Nam châu Á.

Các đời Tướng Pháp tại Đông Dương đều đánh giá rất cao vị trí chiến lược của Ðiện Biên Phủ. Tướng René Cogny từng có ý định “xây dựng một căn cứ bộ ở Ðiện Biên Phủ”. Đặc biệt, tướng Raoul Salan - người tiền nhiệm của Navarre - có lẽ là tướng Pháp trăn trở nhất về vị trí chiến lược của Điện Biên Phủ. Tướng Raoul Salan từng chỉ rõ sự cần thiết phải thiết lập ngay một trung tâm đề kháng tại Ðiện Biên Phủ để bảo vệ cho Luang Prabang và Thượng Lào. Tuy nhiên, thực tế đã không cho phép Salan thực hiện ý đồ đó. 

ky 2 con nhim dien bien phu  chien thuat dac biet cua ke hoach navarre hinh 1

Là người kế nhiệm Salan, tướng Navarre không phải không quan tâm đến Ðiện Biên Phủ mà cái chính là trong chiến cuộc Đông - Xuân 1953 - 1954, ông ta tập trung ưu tiên “tiến công ở phía Nam vĩ tuyến 18 và miền Trung Ðông Dương; đặc biệt là tìm cách giải quyết Liên khu 5, giữ thái độ phòng ngự chiến lược ở phía Bắc vĩ tuyến 18 và cố tránh tổng giao chiến ở đó”.

Tuy nhiên, trong thâm tâm, Navarre đã luôn có những trăn trở về việc thiết lập những căn cứ “lục - không quân hỗn hợp” hoặc những “căn cứ trận địa” để bảo vệ trực tiếp nước Lào nhưng chưa biết đặt căn cứ đó ở đâu. Mọi chuyện “chỉ thành hình hài” vào tháng 11/1953 khi Navarre phát hiện Ðại đoàn 316, sau đó thêm hai đại đoàn nữa là 308 và 312 hành quân lên Tây Bắc, và tướng Pháp này chợt nhớ lời của người tiền nhiệm Salan về thung lũng Điện Biên Phủ. Một quyết định đã được Navarre đưa ra.

Có thể thấy rõ về quyết định của tướng Pháp này trong bức điện mật ngày 20/11/1953 của Tổng chỉ huy Navarre gửi về Paris. Bức điện viết: “Đại đoàn 316 tiến lên Tây – Bắc đe dọa nghiêm trọng đồn binh Lai Châu và có nghĩa là trong một thời gian ngắn sẽ tiêu diệt lực lượng maquis (Chỉ lực lượng binh lính người Thái được tổ chức trong cái gọi là Binh đoàn không vận hỗn hợp) của ta tại vùng thượng du. Tôi đã quyết định có một hành động ở Điện Biên Phủ là căn cứ hành binh đã được dự định cả 316 mà nếu ta chiếm lại sẽ bảo đảm che chở được cho Luông Phabăng, nếu không làm như vậy, chỉ trong vài tuần nữa, Luông Phabăng sẽ bị nguy hiểm nghiêm trọng”. 

Cũng chính ngày 20/11 đó, Pháp chính thức nhảy dù, đánh chiếm Điện Biên Phủ. Việc tiến hành xây dựng Ðiện Biên Phủ trở thành lô cốt chiến lược của quân đội Pháp tại thung lũng lòng chảo cũng chính thức bắt đầu.

Tới sự ra đời của “Con nhím Điện Biên Phủ”

Chỉ sau 3 ngày từ 20 đến  22/11, sáu tiểu đoàn dù, khoảng 4.500 lính đã được ném xuống Điện Biên Phủ. Trong vòng 10 ngày (từ 23/11 đến 3/12/1953), quân đội Pháp đã thả hàng ngàn chiếc dù hàng với đủ loại vũ khí phương tiện cung cấp cho chiến trường Điện Biên Phủ. Những cuộn dây thép gai, phuy-ét xăng, đạn dược, thực phẩm những khối đạn pháo và phương tiện đủ loại được thả xuống Điện Biên Phủ.

Cùng với đó, ngay sau ngày 20/11, lính công binh thuộc đại đội lính dù công binh số 17 (17è CPG), với sự hỗ trợ của lính dù thuộc quyền chỉ huy của Bigeard bắt đầu san lấp mặt bằng khu vực sân bay. Để hỗ trợ nhiệm vụ này, ngày 21/11/1953, lần đầu tiên ở Đông Dương và cũng là lần đầu tiên trong lịch sử quân đội Pháp, một máy ủi được một máy bay C119 thả dù xuống Điện Biên Phủ và sau đó một máy ủi thứ hai được thả dù xuống.

Đến ngày 25/11, đường băng đã sẵn sàng cho việc bắt đầu vận chuyển tiếp tế: Từ dây thép gai cho đến quân trang, từ túi đựng đất cho đến thiết bị làm bếp, chưa kể đến đạn dược các loại dành cho pháo binh cũng như các tiểu đoàn bộ binh. Ngày 25/11, chiếc Dakota đầu tiên đã hạ cánh xuống Điện Biên Phủ. Từ 20/11 đến 7/12/1953, không vận Pháp hoạt động hết công suất phục vụ cho việc xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ: Trong 18 ngày, 1.760 tấn thiết bị các loại đã được chuyển đến đây, tức gần 100 tấn/ngày. Đầu tháng 12 năm 1953, những công trình hiện đại đã bắt đầu mọc lên ở thung lũng lòng chảo. De Castries được chỉ định làm chỉ huy trưởng Tập đoàn cứ điểm quan trọng này.

Trong việc xây dựng “con nhím Điện Biên Phủ”, sự giúp đỡ của Mỹ về cố vấn, trang bị kỹ thuật, kinh tế là hết sức quan trọng. Đến đầu tháng 3/1954, quân địch tập trung tại Điện Biên Phủ lên đến 16.200 tên, gồm 17 tiểu đoàn bộ binh và lính dù, 3 đơn vị pháo binh, 3 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 đơn vị xe vận tải với 200 xe, cùng một đơn vị không quân thuộc loại tinh nhuệ nhất ở Đông Dương.

Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được bố trí thành 3 phân khu Bắc, Trung (Phân khu Trung tâm), Nam (Phân khu Isabelle) với 49 cứ điểm, huy động toàn bộ lính dù và 40% lực lượng cơ động tinh nhuệ nhất của Pháp ở Đông Dương. Trong 49 cứ điểm, mỗi cứ điểm đều có khả năng phòng ngự riêng biệt. Mỗi cụm cứ điểm là một hệ thống hỏa lực nhiều tầng, có chiến hào ngang dọc. Một số cứ điểm còn có hầm ngầm. Hàng rào dây thép gai bao quanh các cứ điểm dày từ 50 đến 200 mét. Ngoài ra còn có các bãi mìn dày đặc và hàng rào điện sát mặt đất.

Nhiều cứ điểm nằm sát cạnh nhau tạo thành cụm cứ điểm, bao gồm 8 cụm cứ điểm yểm trợ lẫn nhau theo kiểu “phòng ngự liên hoàn” với những “trung tâm đề kháng phức hợp”, có lực lượng cơ động và hỏa lực riêng, có hệ thống công sự vững chắc xung quanh có hàng rào dây thép gai dày đặc và có khả năng phòng ngự độc lập. Những cụm cứ điểm này được gọi theo thứ tự A, B, C... căn cứ vào thời gian hoàn thành việc xây dựng. 

Tám cụm cứ điểm này được tổ chức thành ba phân khu, mỗi phân khu đều có chức năng và nhiệm vụ riêng. Trong 3 phân khu, Phân khu trung tâm là phân khu quan trọng nhất lấy trận địa trung tâm nằm giữa thung lũng Mường Thanh, có cơ quan chỉ huy Tập đoàn cứ điểm GONO, trận địa pháo, kho hậu cần, sân bay, phía Đông phân khu có cả một hệ thống cao điểm rất lợi hại, giữ vai trò trọng yếu trong việc bảo vệ phân khu. Tại đây bố trí 6 trung tâm đề kháng, trong đó, trung tâm đề kháng Béatrice - Him Lam gồm 3 cứ điểm 1, 2, 3 có trách nhiệm bảo vệ từ xa cho Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, không nằm trong Phân khu Trung tâm nhưng vẫn do Phân khu Trung tâm trực tiếp chỉ huy.

Hỏa lực pháo binh được bố trí thành hai căn cứ có thể phối hợp yểm hộ cho tất cả các cứ điểm. Căn cứ thứ nhất ở Mường Thanh gồm một tiểu đoàn pháo 105mm, một đại đội pháo 155mm và 16 khẩu cối 120mm. Căn cứ thứ hai ở Hồng Cúm có một tiểu đoàn pháo 105mm. Hỏa lực của mỗi cứ điểm thường có: 4 khẩu súng đại liên, 40 đến 45 khẩu súng tiểu liên, 9 khẩu súng trung liên, 9 khẩu súng phóng lựu đạn, 2 khẩu súng cối 60mm và 1 khẩu pháo không giật 57mm. Ở những cứ điểm quan trọng, quân số được tăng thêm thì vũ khí cũng được tăng thêm tùy theo sự cần thiết. Đặc biệt còn có thêm vũ khí mới như súng phun lửa, các phương tiện chống đạn khói và súng hồng ngoại để bắn vào ban đêm mà không cần đèn.

Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - PC.GONO (Hầm De Castries) được đặt ở vị trí trung tâm lòng chảo Điện Biên Phủ, cách cứ điểm A1 về phía Tây chừng 500m theo đường chim bay; cách cầu Mường Thanh khoảng 300m về phía Tây Nam. Hầm được thiết kế và xây dựng bằng các vật liệu chắc chắn đủ sức chịu đựng sự công phá của các loại hỏa lực của đối phương.

Điều đáng nói là khi xây dựng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Navarre đã cho xây dựng 2 sân bay, sân bay chính là Mường Thanh và sân bay dự bị là Hồng Cúm. Mục đích của việc xây dựng 2 sân bay này là để nhận quân tăng viện của Pháp từ Hà Nội và một số cảng hàng không khác lên phục vụ cho chiến trường Điện Biên Phủ.

Theo đó, hai sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm mỗi ngày có thể vận chuyển khoảng 200 đến 300 tấn hàng và thả dù từ 100 đến 150 quân, đảm bảo nguồn tiếp viện trong quá trình tác chiến. Một cầu hàng không nối liền sân bay Điện Biên với các sân bay Gia Lâm, Bạch Mai được thiết lập hoạt động tấp nập từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Mức hoạt động của máy bay có khi lên đến 200 chuyến một ngày, mọi thứ đều phải nhờ máy bay chuyển đến tận nơi hoặc thả xuống pháo, đạn, thuốc men, dây thép gai, lương thực, thậm chí cả nước đá, rau tươi và nhiều thứ khác.

Với số quân đông, hoả lực mạnh, công sự vững chắc, thời điểm đó, Pháp, Mỹ đua nhau tâng bốc “tập đoàn cứ điểm vững chắc nhất Đông Nam Á” với những lời lẽ cao ngạo như: “Đây là một pháo đài bất khả xâm phạm”, “một tập đoàn cứ điểm đáng sợ”; “Là một chiến lũy vĩ đại Véc-đoong của Pháp (thời chiến tranh thế giới lần thứ nhất) nay lại có mặt ở Đông Dương; “Sẽ giáng cho Việt Minh một trận thất bại nặng nề ở Điện Biên Phủ”, “Sẽ làm cho pháo binh Việt Minh câm họng...”, là “cỗ máy nghiền nát mọi cuộc tấn công của Việt Minh”…. 

Còn Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương - người từng có mặt trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử (1954) chia sẻ: “Ngày ấy, tôi mới 24 tuổi và không khỏi ngỡ ngàng khi tận mắt chứng kiến ‘con nhím quân sự khổng lồ’ (căn cứ Điện Biên Phủ) của thực dân Pháp; để rồi sau này, ta càng thấm thía hơn tinh thần, ý chí chiến đấu và sự hy sinh anh dũng của quân dân ta, làm nên chiến thắng gây chấn động địa cầu”.

Hà Anh

Bình Luận

Tin khác

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn
Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

(NB&CL) Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay quá thấp so với mức chi tiêu cơ bản, mức sống thực tế của người dân và không phù hợp với sự biến động liên tục của mặt bằng giá. Điều này đã được giới chuyên gia cũng như báo chí lên tiếng khá nhiều nhưng cho tới nay, mức trừ gia cảnh vẫn không thay đổi...

Góc nhìn