Điện Biên Phủ - Khúc tráng ca vang mãi

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Thứ năm, 11/04/2024 12:21 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Từ chủ trương tác chiến trong Chiến cuộc Đông - Xuân 1953 - 1954

Tháng 5/1953, tướng Henri Navarre được cử sang làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp tại Đông Dương. Tháng 7/1953, chính phủ Pháp thông qua kế hoạch quân sự mới do tướng Navarre dự thảo (còn được gọi Kế hoạch Navarre). Thực hiện kế hoạch này, Hè - Thu 1953, địch ráo riết tổ chức, phân bố lại lực lượng trên các chiến trường, tập trung cho chiến trường chính Bắc Bộ, tăng cường các hoạt động quân sự quy mô lớn, liên tiếp mở các cuộc hành quân càn quét, bình định vùng chiếm đóng, tiến công vào vùng tự do kháng chiến. Đặc biệt, ngày 20/11/1953, Pháp tiến hành cuộc hành quân lớn, cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ và bắt đầu xây dựng ở đây một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương.

Trước những âm mưu, hành động mới của địch, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị cho Tổng Quân ủy, Bộ Tổng tham mưu (BTTM) nghiên cứu xác định phương án tác chiến mới thích hợp, tập trung vào việc phân tán lực lượng cơ động của địch.

ky 3 mo chien dich dien bien phu  duong den quyet dinh lich su hinh 1

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (đứng bên phải) trình bày với Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước kế hoạch mở chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

BTTM đã tiến hành nghiên cứu xác định hướng tiến công chiến lược Thu - Đông 1953. Ngày 20/8, Tổng Quân ủy trình lên Bộ Chính trị bản Đề án “Tình hình địch, ta ở Bắc Bộ sau khi địch rút khỏi Nà Sản và chủ trương tác chiến của ta trong Thu - Đông 1953”. Cuối tháng 9, đầu tháng 10/1953, nhằm giải quyết những vấn đề mang tầm chiến lược, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương (BCHTƯ) Đảng đã họp, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bàn về nhiệm vụ quân sự Đông - Xuân 1953 - 1954.

Tại hội nghị này, thay mặt Tổng Quân ủy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày hai phương án tác chiến do BTTM chuẩn bị. Thứ nhất, tập trung toàn bộ hay phần lớn bộ đội chủ lực đối phó với địch ở đồng bằng Bắc Bộ. Thứ hai, điều động lực lượng mở các cuộc tiến công vào các hướng khác. Cũng tại Hội nghị này, Tổng Quân ủy cho rằng chưa nên đánh vào đồng bằng Bắc Bộ ngay mà phải phá âm mưu tập trung binh lực của địch để tạo điều kiện tác chiến tương đối lớn. Ta sẽ đưa một số đơn vị chủ lực hoạt động ở Tây Bắc.

Cũng tại Hội nghị, Bộ Chính trị đề ra chủ trương tác chiến trong Đông Xuân 1953 - 1954 là: “Tập trung lực lượng mở những cuộc tiến công vào những hướng quan trọng về chiến lược mà địch tương đối yếu nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng đất đai, đồng thời buộc chúng phải bị động phân tán lực lượng đối phó với ta trên những địa điểm xung yếu mà chúng không thể bỏ, do phải phân tán binh lực mà tạo ra cho ta những điều kiện thuận lợi mới để tiêu diệt thêm từng bộ phận sinh lực của chúng”. Tác chiến chung là “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”, theo nguyên tắc: “Đánh ăn chắc, tiến ăn chắc. Chắc thắng thì đánh cho kỳ thắng, không chắc thắng thì kiên quyết không đánh”.

Kết thúc hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Về hướng hoạt động, lấy Tây Bắc làm hướng chính, các hướng khác là hướng phối hợp. Trong Đông Xuân 1953 - 1954, bộ đội chủ lực dự kiến hoạt động trên ba hướng: Tây Bắc; Thượng Lào; hướng Trung Lào, Hạ Lào và hướng Tây Nguyên; hướng phối hợp là Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng không quên lưu ý: Hướng chính hiện nay không thay đổi, nhưng trong hoạt động thì có thể thay đổi. Phép dùng binh là phải thiên biến vạn hóa.

Như vậy, đến trung tuần tháng 10/1953, Kế hoạch tác chiến trong Đông - Xuân 1953 - 1954 đã được thông qua và xúc tiến triển khai. Đại đoàn 316 nhận được lệnh tiến công tiêu diệt quân Pháp ở Lai Châu, giải phóng hoàn toàn khu Tây Bắc. Sau khi giải phóng Lai Châu, Trung đoàn 148 sẽ phối hợp với bộ đội Pathét Lào tiến công giải phóng Phongxalỳ. Giữa tháng 11 năm 1953, Đại đoàn 316 hành quân lên Tây Bắc. 

Tới quyết định lịch sử

Ngày 3/12/1953, Navarre tăng cường lực lượng phòng giữ Điện Biên Phủ từ 6 tiểu đoàn lên 9 tiểu đoàn bộ binh và 3 tiểu đoàn pháo binh, biến Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm phòng ngự mạnh nhất Đông Dương.

Trước những biến chuyển mới của tình hình, ngày 6/12, tại Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Bộ Chính trị BCHTƯ Đảng có cuộc họp quan trọng, nghe Tổng Quân ủy báo cáo quyết tâm phương án tác chiến mùa Xuân năm 1954, trọng tâm là Mặt trận Điện Biên Phủ.

ky 3 mo chien dich dien bien phu  duong den quyet dinh lich su hinh 2

Tổng quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh họp bàn kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953 - 1954. Từ phải sang trái: Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp Trần Đăng Ninh, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng. Ảnh: TTXVN

Phương án tác chiến của Tổng Quân ủy ghi rõ: “Tuy hiện nay chưa thể khẳng định nhưng muốn bảo đảm thực hiện được quyết tâm của Trung ương là tiêu diệt địch và giải phóng Lai Châu - Phongxalỳ cho đến Luông Pha Băng trong Đông Xuân thì phải nhằm trường hợp địch tăng cường thành tập đoàn cứ điểm mà chuẩn bị. Trong trường hợp này, trận Điện Biên Phủ sẽ là một trận công kiên lớn nhất từ trước đến nay. Vì vậy, sự chuẩn bị có nhiều khó khăn, ráo riết tập trung lực lượng mới làm kịp, nhưng nếu kiên quyết khắc phục khó khăn, hoàn thành được chiến dịch thì thắng lợi này là một thắng lợi rất lớn”.

Phương án tác chiến của Tổng Quân ủy dự kiến đánh Điện Biên Phủ đệ trình Bộ Chính trị được chuẩn bị theo tinh thần “đánh chắc, tiến chắc”.

Sau khi nghe báo cáo quyết tâm của Tổng Quân ủy, Bộ Chính trị thảo luận kỹ và kết luận: Về địch, Điện Biên Phủ sẽ là một tập đoàn cứ điểm mạnh, nhưng chúng có cái yếu là bị cô lập, mọi việc tiếp tế đều phải dựa vào đường không. Về phía ta, với chất lượng đã được nâng cao thêm một bước trong “chỉnh huấn, chỉnh quân”, với những kinh nghiệm sẵn có và sự tiến bộ về trang bị kỹ thuật, quân đội ta tới đây đã có thể đánh được tập đoàn cứ điểm. Về hậu cần, tuy Mặt trận xa hậu phương chiến lược, việc tiếp tế nhiều khó khăn, nhưng ta lại có sức mạnh toàn dân, có khả năng tập trung toàn lực để chi viện tiền tuyến, bảo đảm lương thực, đạn dược cho quân đội làm tròn nhiệm vụ.

Từ kết luận đó, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ với bí danh “Trần Đình” và nhất trí thông qua Phương án tác chiến của Tổng Quân ủy. Bộ Chính trị cũng quyết định thành lập Đảng ủy mặt trận Điện Biên Phủ do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”.

Theo các nhà quan sát, quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ của Bộ Chính trị (6/12/1953) là một chủ trương rất kiên quyết, linh hoạt, sáng tạo và kịp thời, thể hiện quyết tâm rất lớn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, đánh dấu bước phát triển mới trong lãnh đạo đấu tranh vũ trang của Đảng ta cũng như sự lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam. 

Tại Hội thảo khoa học được tổ chức cuối tháng 3/2024 nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, xung quanh việc “Điện Biên Phủ trở thành điểm hẹn lịch sử, nơi cả địch và ta chấp nhận một trận quyết chiến chiến lược”, Trung tướng, PGS-TS Nguyễn Văn Bạo - Giám đốc Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng) đã nhấn mạnh: “Từ chủ trương chọn nơi địch sơ hở mà đánh trước đó đến quyết định đánh vào chỗ mạnh nhất của địch ở Điện Biên Phủ để tiêu diệt chúng là một chủ trương táo bạo, kịp thời và đầy sáng tạo, là quyết tâm chính trị cao của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Cũng tại Hội thảo, Đại tá, TS. Nguyễn Văn Trường - Chủ nhiệm khoa Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị, nhận định việc mở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 70 năm là một quyết định chính xác, thể hiện quyết tâm cao, tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, mở đường cho thắng lợi Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

“Trong giới chuyên gia quân sự thế giới thời điểm đó, ngay cả phía các bạn Liên Xô, không nhiều người tin rằng Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ hạ quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm này. Quyết định tấn công vào Điện Biên Phủ đã thể hiện ý chí quyết tâm rất cao của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc hướng tới một trận quyết chiến chiến lược với thực dân” - Đại tá, TS. Nguyễn Văn Trường nhìn nhận. Cũng theo nhìn nhận của Đại tá, TS. Nguyễn Văn Trường: “Quyết định tiến công vào Điện Biên Phủ là một quyết định được đưa ra với những tính toán cực kỳ kỹ lưỡng. Chính sự tính toán rất khoa học này đã làm nên thành công của chiến dịch”.

Hà Anh

Bình Luận

Tin khác

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn
Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

(NB&CL) Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay quá thấp so với mức chi tiêu cơ bản, mức sống thực tế của người dân và không phù hợp với sự biến động liên tục của mặt bằng giá. Điều này đã được giới chuyên gia cũng như báo chí lên tiếng khá nhiều nhưng cho tới nay, mức trừ gia cảnh vẫn không thay đổi...

Góc nhìn
Kiểm soát nguy cơ lạm dụng chính sách bảo hiểm xã hội để gian lận

Kiểm soát nguy cơ lạm dụng chính sách bảo hiểm xã hội để gian lận

(NB&CL) Theo dự kiến, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (vào tháng 5/2024) tới đây. Đây là dự án Luật được đánh giá có tác động lớn đến đời sống của người dân cũng như đến các chủ trương, chính sách của Nhà nước, có nhiều nội dung phức tạp, chuyên môn sâu, mang tính xã hội cao. Trong đó, vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục có nhiều ý kiến khác nhau.

Góc nhìn