Lan tỏa văn hóa đọc: Việc cấp bách cần sự chung tay!

Thứ năm, 29/09/2022 09:41 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Lan tỏa văn hóa đọc - đó thực sự là một công cuộc đòi hỏi nhiều trách nhiệm, nhiều nỗ lực, nhiều thời gian nhưng không thể buông tay, không thể chần chừ.

“Thích đọc sách tức là biết đánh đổi những giờ phút buồn tẻ không thể tránh được trong cuộc đời lấy những giờ phút lý thú”, “Đọc sách hay cũng giống như trò chuyện với các bộ óc tuyệt vời nhất của những thế kỷ đã trôi qua” – những chiêm nghiệm ấy của Montesquie, Descartes nhiều người Việt biết nhưng làm được theo lời danh nhân hay không lại là câu chuyện hoàn toàn khác.

1. Theo một cuộc khảo sát quốc tế được thực hiện năm 2016, trong khi tại nhiều nước, thời gian dành cho đọc sách hằng tuần, người Ấn Độ đọc gần 11 giờ/tuần, người Đài Loan đọc 5 giờ/tuần, người Nhật Bản đọc 4 giờ/tuần, Hàn Quốc 3 giờ/tuần,… thì người Việt Nam trung bình đọc chưa tới 1 giờ/tuần. Hiện người Việt thụ hưởng 4,2 cuốn sách mới mỗi năm, nhưng trong đó 2,3 cuốn là… sách giáo khoa, đồng nghĩa mỗi người mỗi năm chỉ thực sự thụ hưởng gần 2 cuốn sách mỗi năm - tỷ lệ rất thấp trên thế giới. Đơn cử như Malaysia là một nước gần Việt Nam, nhưng mỗi người dân trung bình được thụ hưởng 12 cuốn sách mỗi năm, gấp 4 lần Việt Nam.

lan toa van hoa doc viec cap bach can su chung tay hinh 1

Còn theo số liệu do Cục Xuất bản Việt Nam thống kê 3 năm sau đó, năm 2019, con số này còn… tụt xuống một nửa. Cụ thể, thông tin được cung cấp tại tọa đàm “Làm gì để tạo thói quen đọc sách cho trẻ?” do Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM phối hợp với Hội Xuất bản Việt Nam và Báo Tuổi Trẻ tổ chức tháng 4/2019,  bình quân mỗi năm Việt Nam xuất bản khoảng 400 triệu bản sách. Điều đáng nói là trong số này có trên 300 triệu bản là sách giáo khoa, giáo trình phục vụ cho nhu cầu học tập, nghiên cứu, tham khảo kiến thức cho 2,2 triệu học sinh, sinh viên trên cả nước. Như vậy, chỉ còn khoảng 100 triệu bản sách chia trên 90 triệu dân. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi năm một người Việt đọc chừng 1 quyển sách. 

Một khảo sát khác năm 2019 cũng cho thấy: Việt Nam chỉ có 30% số người được khảo sát có đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng đọc sách.

Chưa hết, một khảo sát của Báo Dân trí cho biết một thực tế: 80% bạn trẻ không đụng đến sách trong suốt một năm và chỉ 12% bạn trẻ trong nhóm 20-30 tuổi cho biết bản thân có đọc sách, truyện khác ngoài sách chuyên môn.

Một phụ huynh đã làm cuộc khảo sát nhỏ với các bạn bè trên Facebook của con mình và khi được hỏi dùng thời gian rảnh để làm việc gì là chủ yếu, có đến 41,7% bạn trẻ trả lời là lên mạng, 20% xem phim, 16,7% nghe nhạc và chỉ có 15% trả lời là đọc sách.

Trong một sự kiện về sách, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng từng chia sẻ rằng công chức Nhà nước đang còn rất lười đọc, ngay cả đọc văn bản liên quan tới công việc của mình. “Nếu công chức dành thời gian để đọc, trước tiên là đọc văn bản rồi đọc sách, thì công việc của họ sẽ có được kết quả tốt hơn nhiều” - Phó Thủ tướng nói. 

Những con số đó phần nào có thể là câu trả lời cho câu hỏi mà bấy lâu chúng ta băn khoăn, trăn trở: Người Việt có thích đọc sách?

2. CEO Alpha Books Nguyễn Cảnh Bình cần mẫn thực hiện dự án “1 triệu cuốn sách”, với tham vọng đem được 1 triệu cuốn sách về nông thôn, thiết lập được khoảng 500 - 1.000 câu lạc bộ đọc sách trên cả nước; Thiếu thốn, bị hoài nghi, chế giễu và có lúc nản lòng, nhưng hàng chục năm qua, người đàn ông tên Nguyễn Quang Thạch vẫn miệt mài với hành trình chương trình “Sách hóa nông thôn”; mang trong mình trọng bệnh nhưng vẫn đầy tâm huyết với công việc của một thủ thư, làm tốt việc trông coi sách, phân loại, hướng dẫn tra cứu thông tin, kéo bằng được người đọc đến với thư viện; Hoàng Quý Bình (cựu sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội) - sáng lập D Free Book (DFB) năm 2017 là thư viện cộng đồng không thu phí, không đặt cọc và không giới hạn đối tượng cùng chương trình “Tủ sách cho em” đã trao tặng hơn 6.000 cuốn sách, cùng bút viết, đồ dùng học tập cho tám điểm trường ở các tỉnh phía Bắc như Hòa Bình, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái... Đó là một số trong số vô vàn những con người đã, đang thầm lặng thắp lửa tình yêu với sách đến với cộng đồng…

lan toa van hoa doc viec cap bach can su chung tay hinh 2

Ngày sách Việt Nam 21/4, được tổ chức lần đầu tiên năm 2014, mới đây được chuyển thành “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” là nỗ lực, quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc khẳng định vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội, đồng thời khuyến khích phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng. Từ hiệu ứng của Ngày sách Việt Nam, rất nhiều dự án khuyến khích người trẻ đọc sách đã được mở ra…

Kể ra một vài ví dụ để thấy dù còn ít ỏi, dù còn là thiểu số, thì ít nhiều, nhờ những con người ấy, dự án ấy, đã có thêm những độc giả biết đến thế nào là đọc sách, có thêm những độc giả bỗng nhận ra mình dường như đã cảm nhận được sự cuốn hút từ những trang sách… Như vậy, cũng tạm gọi là những thành công bước đầu, để thấy, lan tỏa tình yêu sách, văn hóa đọc với độc giả Việt, dù muộn màng, vẫn là điều có thể làm và làm hiệu quả, quan trọng, vẫn chỉ là cách làm.

3. “Để làm sách có thể chỉ cần một cá nhân, nhưng để có một xã hội đọc sách thì cần nhiều hơn vậy… Nhưng việc này chỉ có thể làm được nếu có sự chung tay, nghĩa là các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức xuất bản xem đó như là việc chung, là trách nhiệm của mình”- ý kiến của độc giả Nguyễn Tuấn Quỳnh trên báo Tuổi trẻ ngày 23/9 có lẽ sẽ là một ý kiến nhận được sự đồng tình của nhiều người và đáng để các cá nhân, tổ chức liên quan cần suy nghẫm.

Suy ngẫm bởi trong công cuộc làm sách hôm nay, để trụ lại trong một thị trường với quá nhiều áp lực như hiện nay, hoàn toàn là điều không dễ dàng. Câu chuyện nhà sách Cá Chép - điểm dừng chân quen thuộc của những người yêu sách, là không gian văn hóa đọc được yêu mến, gắn liền với biết bao kỷ niệm của nhiều gia đình và các bạn trẻ - sau 5 năm xây dựng và phát triển, đã đưa ra thông báo khép lại hành trình tại Thủ đô của mình kể từ tháng 8/2022, sẽ trở thành kỷ niệm 1 thời của Hà Nội… là một ví dụ…

Với một cá nhân, một tác giả, đó là trách nhiệm để tạo ra một cuốn sách hay, một sản phẩm đáng đọc; còn để tác phẩm hay đến được với đông đảo người đọc, nó còn cần lắm sự chung tay của các nhà xuất bản, của các cơ quan quản lý… Trong đó, lãnh trách nhiệm nặng nề nhất, có lẽ là ngành xuất bản và báo chí truyền thông. Đặc biệt các cơ quan truyền thông báo chí, phải là những nơi cần quảng bá, lan tỏa nhiều hơn hết những thông điệp, giá trị tinh thần của văn hóa đọc, của những cuốn sách hay…

Lan tỏa văn hóa đọc - đó thực sự là một công cuộc đòi hỏi nhiều trách nhiệm, nhiều nỗ lực, nhiều thời gian nhưng không thể buông tay, không thể chần chừ. Bởi nói như Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: “Ham đọc sách để chấn hứng văn hóa đọc của người dân Việt Nam, để mỗi người dân Việt Nam đều học cả đời, đọc sách cả đời... Chấn hưng văn hóa đọc cũng chính là chấn hưng cái gốc của một dân tộc”.

Hà Nguyễn

Bình Luận

Tin khác

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn