Lan tràn thực phẩm bẩn: Lòng tham và sự thỏa hiệp trước tội ác!

Thứ năm, 21/07/2022 09:25 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Câu chuyện thực phẩm bẩn lan tràn chẳng phải bây giờ mới có và lòng tham, sự thỏa hiệp, dung túng trước tội ác chính là những căn nguyên khiến vấn nạn thực phẩm bẩn vẫn có cơ hội tồn tại dai dẳng.

Sự kiện: thực phẩm

Gần 50% mẫu rau quả ở các chợ đầu mối TP.HCM có dư lượng hóa chất, hơn 40% mẫu hải sản chứa kim loại nặng, nhiều mẫu vượt giới hạn cho phép, cá biệt có sản phẩm phát hiện dư lượng của 7 hoạt chất. Thông tin từ kết quả kiểm tra của Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM khiến nhiều người choáng váng. Nhưng thực tế, câu chuyện thực phẩm bẩn lan tràn chẳng phải bây giờ mới có và lòng tham, sự thỏa hiệp, dung túng trước tội ác chính là những căn nguyên khiến vấn nạn thực phẩm bẩn vẫn có cơ hội tồn tại dai dẳng.

1. Điều choáng váng, theo báo cáo của Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, gần 50% số mẫu rau quả, trái cây ở các chợ đầu mối xét nghiệm đều có dư lượng hóa chất. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy sản phẩm rau quả phát hiện cùng lúc tồn dư dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của nhiều hoạt chất (16 mẫu), trong đó có sản phẩm phát hiện đến 7 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật. Tiếp đó, nhà chức trách phát hiện 271/570 mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, trong đó 198 mẫu nằm trong mức giới hạn cho phép và 58 mẫu tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nằm ngoài danh mục được phép sử dụng, 20 mẫu vượt mức giới hạn cho phép.

Nhận định về kết quả kiểm tra của Ban Quản lý An toàn thực phẩmTP.HCM, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội thông tin với Báo Tuổi Trẻ rằng, những hoạt chất được phát hiện như carbendazim (trị nấm), hoạt chất permethrine (thuốc trừ sâu), hoạt chất cypermethrine, hoạt chất imidacloprid, hoạt chất chloramphenicol, ciprofloxacin và enrofloxacin đều gây ảnh hưởng đến sức khỏe cho người dân khi sử dụng.

Phó Chủ tịch Liên Chi hội dinh dưỡng và thực phẩm TP.HCM Phạm Thế Đồng thì cảnh báo với kháng sinh như ciprofloxacin, enrofloxacin... các chất này chủ yếu giúp phòng trị bệnh vật nuôi, tăng năng suất. Từ lâu nhiều quốc gia đã cấm tuyệt đối trong chăn nuôi, vì ăn thực phẩm có kháng sinh khiến cơ thể lờn thuốc, phát sinh chủng vi khuẩn mới, gây bệnh mới. Riêng với nhóm kim loại nặng trong hải sản thường do môi trường nước, đất và phổ biến nhất là chì, thủy ngân, adimi, đây là những chất độc, nếu tích tụ lâu dài trong cơ thể gây rối loạn chuyển hóa, thay thế chất khoáng cơ thể cần, suy giảm chức năng gan, thận.

lan tran thuc pham ban long tham va su thoa hiep truoc toi ac hinh 1

Lực lượng Ban An toàn thực phẩm lấy mẫu thủy hải sản tại chợ Bình Điền (TP.HCM). Ảnh: Nguyễn Trí

Điều choáng váng hơn nữa là những mẫu dư lượng hóa chất gây ung thư và nhiều căn bệnh nguy hiểm đó lại nằm trong những mẫu sản phẩm tham gia “Chuỗi thực phẩm an toàn”. Choáng váng hơn nữa là vụ việc được phát hiện ngay tại TP.HCM - đô thị trung tâm của cả nước với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, quản lý thị trường vẫn được xem là khá nghiêm ngặt.

2. “Dân mình đang đầu độc đồng bào mình”, “con người đang âm thầm tự giết hại lẫn nhau” - là những câu nói thường trực đầy chua chát của nhiều người khi nói về vấn nạn thực phẩm bẩn kéo dài dai dẳng suốt nhiều năm qua, xảy đến tại hầu hết các địa phương, vùng miền, không từ một đối tượng lứa tuổi nào.

Cùng một mảnh vườn, miếng ruộng, một bên xịt thuốc để bán, một bên không phân thuốc để ăn - đã trở thành chuyện chẳng lạ, thậm chí nhiều người còn mang ra “khoe” một cách đầy hỉ hả, thản nhiên. Cách đây 5 năm, trên nghị trường Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) đã từng đau đớn đặt vấn đề: “Liệu có quá khi nói chúng ta đang tự đầu độc chính mình”.

lan tran thuc pham ban long tham va su thoa hiep truoc toi ac hinh 2

Lấy mẫu thực phẩm tại chợ Bình Tây. Ảnh: Nguyễn Trí

Mọi sự đáng quan ngại đến mức, tại hội thảo “Nông nghiệp an toàn - Giải pháp thúc đẩy trách nhiệm thực thi trong quản lý chuỗi giá trị nông nghiệp”, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa TP. Hà Nội thừa nhận: Chưa bao giờ cái ăn, cái uống lại mang đến nhiều nỗi lo; khiến người dân rùng mình, run tay, ớn lạnh, kinh hoàng, hãi hùng… Nhiều người bất lực đặt câu hỏi ăn gì để không chết? Đây là câu hỏi khó nhất vào lúc này, bởi đâu đâu người ta cũng sẵn sàng đầu độc đồng loại vì lợi nhuận, nghịch cảnh con người đang âm thầm giết hại nhau diễn ra hằng ngày.

Điều đáng nói là càng lên tiếng phê phán thì “công nghệ đầu độc dân mình” không những không bị triệt tiêu mà theo thời gian liên tục được cập nhật, cải tiến theo hướng ngày tinh vi, ghê rợn hơn. Đơn cử như công nghệ chế biến mực đông lạnh: mực bẩn đông lạnh được bóc sạch, sau đó cho vào thùng có chứa nước rồi đổ nửa cân muối, 1/3 cây đá và khoảng 250ml hóa chất hydrogen peroxide vào ngâm trong vòng 1 tiếng. Sau đó, mực được đưa vào máy quay ly tâm “làm trắng”, rửa sạch và đóng thùng xốp đem đi tiêu thụ. Một quy trình nghe xong có thể khiến cả những ai vững tâm nhất cũng phải rùng mình kinh sợ.

3. Theo GS.TS Nguyễn Bá Đức - Nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương, Phó Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam, có 3 yếu tố tác động đến ung thư là di truyền, môi trường sống ô nhiễm và chế độ ăn uống, sinh hoạt thiếu khoa học. Trong đó, tác nhân từ thực phẩm bẩn đứng hàng đầu, chiếm khoảng 35% các số ca, thuốc lá chiếm 30%, di truyền chỉ chiếm 5-10%,...

Chỉ từng ấy con số cũng đủ để cho thấy thực phẩm bẩn độc hại thực sự là tác nhân gây chết người, hành vi tạo nên thực phẩm bẩn, độc hại chính xác là tội ác và lòng tham chính là căn nguyên để con người bất chấp tất cả, bất chấp cả chính lương tâm mình để phạm tội.

Thế nên, để giải quyết vấn nạn “dân mình đầu độc dân mình”, theo nhiều chuyên gia, hãy đừng chỉ hô hào về sự “thông thái của người tiêu dùng” hay “lương tâm của người sản xuất”, mà phương cách hiệu quả nhất, phải là sự tổng hòa của nhiều yếu tố: sự phối hợp hiệu quả, chặt chẽ hơn nữa giữa các ngành y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm cần có sự phối hợp kiểm soát từ tỉnh, quy định hướng dẫn chung từ các bộ chuyên ngành, theo đó nông sản, thực phẩm khi đưa vào tiêu thụ phải được kiểm tra và chứng nhận từ gốc... Đặc biệt là việc tăng giám sát, nâng mức phạt. Trong đó có việc xử lý hình sự hành vi này.

Nói như bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM: Việc xử lý hình sự đúng người đúng tội những cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ có tính răn đe tốt hơn. Những vi phạm về an toàn thực phẩm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và tính mạng người dân. Chưa kể những chất độc hại tích tụ sẽ di hại về sau mà không ai định lượng được. Trong khi, từ trước tới nay đa số các vụ việc chỉ mới dừng lại ở mức xử phạt hành chính.

Diệt trừ được lòng tham, chấm dứt mọi sự thỏa hiệp, chỉ khi đó, vấn nạn thực phẩm độc, thực phẩm bẩn và câu chuyện “dân mình đầu độc dân mình” mới có cơ hội chấm dứt.

“Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi năm 2009 quy định người nào chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người tiêu dùng, thì bị phạt tù từ 1-5 năm. Quy định này buộc phải có hậu quả xảy ra, từ đó dẫn đến tình trạng gần như không thể xử lý hình sự các đối tượng vi phạm an toàn thực phẩm. Song, đến Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, các nhà làm luật đã xác định rõ khái niệm, hành vi. Người có hành vi vi phạm quy định an toàn thực phẩm mà sản phẩm có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên, gây ngộ độc, gây tổn hại sức khỏe... thì sẽ bị xử lý hình sự. Quy định này đã có định lượng rõ ràng, không cần có hậu quả xảy ra vẫn có thể xử lý hình sự được” - Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM)

Nguyễn Hà

Tin khác

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn